<i>Trương Di</i>
Trương Di
Đó là một lời thú nhận đáng xấu hổ. Nhưng đối với một nhóm nhất định trong số chúng ta, công bằng mà nói thì phần lớn cuộc đời của mỗi người đều dành để hỏi về cùng một câu hỏi cơ bản, từ tuần này sang tuần khác. Luôn có chút pha trộn của sự thất vọng, tuyệt vọng và bối rối: Tại sao lại như vậy? Tôi rất cô đơn. Thế quái nào họ lại hạnh phúc được trong khi tôi còn chưa biết mùi vị của niềm vui là cái gì?
Nói cách khác, tại sao tôi thường xuyên cảm thấy mâu thuẫn trong các nhóm xã hội, tại sao tôi không thể dễ dàng kết nối với mọi người hơn, tại sao tôi không có thêm những người bạn xứng đáng với tôi của hiện tại? Thật hấp dẫn khi đi đến kết luận đen tối nhất: bởi vì tôi là thằng tồi, bởi vì có điều gì đó không ổn với cuộc sống của tôi, bởi vì tôi đáng bị ghét bỏ.
Và thế là tôi lên mạng để viết về “hạnh phúc là một hành trình chứ không phải đích đến”.
1.
Nhưng câu trả lời hợp lý nhất có vẻ ít mang tính trừng phạt hơn: “Chúng tôi, những thành viên biệt lập của xã hội con người, cô đơn vì một lý do chắc chắn có thể được tha thứ: Bởi vì chúng tôi quan tâm đến việc xem xét và nâng cao giá trị nội tâm. Còn họ - những người khác – với tất cả trí tuệ xuất chúng, bộ óc thông minh tài giỏi, hướng ngoại, hóm hỉnh, giỏi xã giao và tràn đầy năng lượng tích cực, thì không”.
Họ có thể sở hữu nhiều đam mê và rất nhiều sở thích để nói về nhiều thứ, nhưng họ chỉ đơn giản là không quan tâm đến việc nhìn sâu vào bên trong bản thân. “Nội tâm” là cái khỉ khô gì mà quan trọng bằng đám cưới siêu xe bạc tỷ của thằng bạn nối khố? “Tinh thần” là cái quái gì mà lại đáng để chúng ta tập trung rồi bỏ qua tình hình chính trị thế giới, khi Nga và  Ukraina đang thi nhau nã pháo như thế? “Bản ngã, cái tôi, tiếng nói nội tâm, yoga – thiền định, giá trị nội tại, sức mạnh tinh thần, kiểm soát dục vọng, vô vi, vô ngã…, vân vân” đều là những thứ vô ích.
Họ sẽ không đánh giá cao ý tưởng “đi vào tuổi thơ thông qua chủ động tưởng tượng” để theo dõi các mối liên hệ giữa cảm xúc và hành động đã từng xảy ra như thế nào. Tại sao trẻ con thường nằm lâu trong bồn tắm không chỉ để nghịch nước mà còn tập bơi. Hoặc tại sao người lớn lại muốn nằm lâu trên giường để xử lý các sự kiện trong cuộc sống nội tâm hơn đám con nít – chỉ muốn thức dậy càng nhanh càng tốt và ra sân nghịch cát.
Nội tâm không phải là thứ quan trọng đối với đại đa số. Họ không thực sự muốn nói về nó và thậm chí còn không nhận biết được rằng nó tồn tại theo cách mà người cô đơn, người hướng nội, nhà tu hành, một triết gia… đang đề cập đến. Chúng ta chỉ đơn giản là phải phỏng đoán dựa trên các bằng chứng xã hội rằng: Người sống nội tâm không bao giờ cảm thấy mình có nhiều điều để nói với người khác, mặc dù số lượng các điều như thế thường lớn như cát sa mạc hoặc nước biển ngoài đại dương.
Và sống nội tâm, không muốn nói, chỉ thích viết, khiến chúng tôi hạnh phúc.
2.
Chính sự thiếu nhạy bén của người nghe đã giải thích tại sao cuộc trò chuyện với người ít nói thường bị mắc kẹt ở những chỗ kỳ quặc: Thảo luận về giá vé máy bay, hoặc đâu là loại bột tốt nhất để chuẩn bị một bữa bánh mì sáng cho gia đình, hoặc những thứ vô nghĩa được dạy từ trường đại học (từ những người mang danh giảng viên cấp cao mà chúng ta chưa bao giờ thực sự yêu thích hiện đang làm).
Nó cũng giải thích tại sao, khi họ cố gắng chuyển cuộc trò chuyện sang một thứ gì đó thân mật và dễ bị tổn thương hơn, họ dường như không bao giờ quản lý được cảm xúc của mình và kết thúc bằng nhiều vòng thảo luận hơn nữa về kết quả của một trận bóng đa hay một vụ bê bối chính trị mới.
Họ không nhất thiết phải là người lạnh lùng vô tâm, nhưng bề ngoài thì chắc chắn có vẻ như vậy bởi vì họ không quan tâm đến việc truyền đạt những gì thực sự đang diễn ra trong lòng. Đôi khi chúng ta vô cùng ngạc nhiên khi bất ngờ họ nói với chúng ta rằng họ coi ta là bạn thân.
Một sự thật rằng hầu hết những người quen của chúng ta - dù trên lý thuyết họ có vẻ thân thiện đến đâu - đều không muốn làm như vậy với cái giá phải trả là “bị chúng ta nhìn vào bên trong tâm trí của họ”.
Hạnh phúc đối với những người như vậy là được giữ kín bí mật, được suy tưởng về giá trị nội tâm mà không bị ai xen vào.
3.
Ở một khía cạnh khác trong suy nghĩ của, chúng ta hoàn toàn cảm thấy khó chịu và không chấp nhận được sự thờ ơ của người khác. Nhưng trên thực tế, chúng ta biết và chịu đựng dữ dội những gì mà họ đang bàn tán về mình. Là người chạy bàn trong quán café, ta sẽ vô cùng lo lắng về việc giọng mình nghe the thé như chim hót khi được yêu cầu phục vụ thêm một chút sữa. Những cặp đôi đang ngồi trong nhà hàng nơi ta đi ăn một mình chắc chắn đang dành thời gian để tự hỏi rằng: Tại sao thằng này lại không có nổi một người bạn để đi ăn cùng?
Ta dành trọn một buổi tiệc rượu vui vẻ chỉ để phân tích về ánh mắt khó chịu của người tiếp đón: “Ô kìa, ông còn không mặc đúng dress code (quy tắc trang phục) sang trọng trước khi bước chân vào đây, và chắc là cũng không đủ tiền để thanh toán hóa đơn đâu nhỉ!”, mà không nghĩ đến viễn cảnh cha này đang đau bụng hết chịu được nữa nên mới có cặp mắt nhíu nhíu như vậy.
Và về phần mình, chúng ta cô đơn chỉ bởi vì ta đang tích cực sống với một khái niệm về sự gần gũi ít phổ biến hơn nhiều so với việc thực sự bị người khác bỏ rơi. Sẽ thật may mắn nếu cả cuộc đời này chúng ta chỉ gặp một hoặc hai người, trở nên thân thiết với họ, và đặc biệt là muốn chơi cái “game đời” khỉ gió này theo cách dị biệt giống chúng ta: Khao khát được một mình cô đơn.
Thời gian còn lại, ta không nên phức tạp hóa vấn đề của mình bằng cách liên tục tự khẳng định rằng mình cảm thấy cô đơn. Điều đó thật đau đớn và vô nghĩa nhưng hoàn toàn có thể hiểu được. Thú tiêu khiển yêu thích của những người như thế, dù có cao quý đến đâu cũng thực sự là một trò rất phi lý và khác thường, luôn được gọi với cái tên mỹ miều trong những quyển sách:"Hạnh phúc tại tâm".
Ngày hôm qua như một bức tranh, giở ra nhìn mãi rồi cũng sẽ mờ nhạt. Thời gian như một vị khách qua đường, ghi nhớ rồi, lại chợt tiếc nuối lãng quên. Cuộc sống như một cánh rừng, bước vào càng sâu, lòng cảng khó thoát. (Nâng lên được, đặt xuống được - Skybooks 2018) - Trương Di