Justin Sun là ai? Thiên tài hay bậc thầy chiêu trò của thế giới crypto?
Mắt anh sáng, dáng anh hiền ...

Mắt anh sáng, dáng anh hiền
Anh ăn quả chuối mất tiền triệu đô
Nghe có vẻ như một câu chuyện đùa, nhưng đó lại là sự thật khi nhắc đến Justin Sun, người vừa bỏ ra 6,2 triệu đô để mua tác phẩm nghệ thuật “Quả chuối dán tường”, và rồi… ăn luôn nó.
Justin Sun, a.ka Sun bịp, a.k.a Thủ tướng của tiểu quốc Liberland, là một nhân vật mà bạn có lẽ bạn đã từng nghe tên 1 lần nếu bạn đã bước chân vào thế giới crypto. Anh ấy là người sáng lập TRON – một blockchain được quảng cáo là “siêu nhanh, siêu rẻ, siêu tương lai,” và là chủ nhân của BitTorrent – nền tảng từng giúp cả thế hệ người dùng internet tải phim và nhạc qua con đường “tiểu ngạch”.
Nhưng điều làm cho Justin Sun thực sự khác biệt không phải chỉ là các dự án blockchain của anh, mà là cách anh điều hành chúng: táo bạo, đôi khi kỳ lạ, và luôn luôn gây tranh cãi. Người ta yêu mến, ghét bỏ, hoặc chỉ đơn giản là tò mò: “Người này là ai mà lắm drama thế?”
Vì vậy, hãy cùng mình khám phá câu chuyện về Justin Sun, từ cậu bé đầy hoài bão ở Trung Quốc, hành trình xây dựng một đế chế blockchain, đến lý do vì sao mỗi lần nghe tên anh, người ta lại vừa thán phục, vừa… lắc đầu ngán ngẩm nhé!
Tuổi thơ của Justin
Justin Sun, tên thật là Sun Yuchen, sinh năm 1990 tại Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc – một vùng đất yên bình, nhưng nơi đây lại sản sinh ra một cá tính đầy nổi loạn. Ngay từ nhỏ, Justin đã bộc lộ khao khát được công nhận và tinh thần không ngại thách thức quyền lực.
Trong những năm trung học, Justin được biết đến như một "nhà lãnh đạo tư tưởng" trong trường. Anh thường xuyên bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề xã hội, từ chính sách của trường học đến các hành động của chính phủ. Một lần, Justin còn gây chú ý trên toàn quốc khi chỉ trích hệ thống hướng dẫn học tập của trường, ví nó như “một chế độ áp bức.” Sự thẳng thắn và tư duy phản biện này chính là tiền đề cho phong cách táo bạo của anh trong sự nghiệp sau này.
Justin Sun bắt đầu con đường học vấn của mình tại Đại học Bắc Kinh, nơi anh theo học ngành Lịch sử và tốt nghiệp năm 2011. Đây là một trong những ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, và thời gian tại đây đã giúp Justin không chỉ đạt được thành tích học tập xuất sắc mà còn khẳng định cá tính qua những bình luận sâu sắc về các vấn đề xã hội.
Sau khi tốt nghiệp ở Bắc Kinh, Justin tiếp tục hành trình học tập tại Mỹ và theo đuổi bằng Thạc sĩ ngành Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Pennsylvania. Trong thời gian này, anh lần đầu biết đến Bitcoin, một phát hiện đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Với sự nhạy bén và khả năng nắm bắt cơ hội, Justin bắt đầu đầu tư vào tiền điện tử, và khi trở về Trung Quốc năm 2013, anh đã nhanh chóng trở thành triệu phú.
Năm 2018, Justin tốt nghiệp từ Trung tâm Nghiên cứu Khởi nghiệp Hupan của Jack Ma với luận văn mang tựa đề “Sự ra đời của Internet phi tập trung.” Tầm nhìn mà Justin mô tả trong bài luận không chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết, mà còn được áp dụng trực tiếp vào các dự án lớn của anh sau này, đặc biệt là TRON.
Ngoài ra, bài luận này còn phản ánh tư duy chiến lược của Justin: tận dụng blockchain để thay đổi các lĩnh vực truyền thống, từ công nghiệp nội dung số đến phân phối file thông qua BitTorrent. Chính từ những ý tưởng được nêu ra trong bài luận, Justin đã tạo dựng được hình ảnh như một nhà tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của internet phi tập trung, dù phong cách triển khai của anh sau này cũng gây không ít tranh cãi.
Từ một cậu bé thẳng thắn đến một sinh viên xuất sắc, Justin Sun không ngừng định nghĩa bản thân qua tinh thần nổi loạn và tư duy đổi mới. Chính những năm tháng đó đã định hình một Justin đầy tham vọng và luôn sẵn sàng tạo sóng gió trong bất kỳ lĩnh vực nào anh bước vào. Đây có lẽ là tiền đề quan trọng để đưa Justin đến với thị trường crypto.
Con đường của Justin Sun đến với crypto
Sau khi trở về Trung Quốc vào năm 2013 với một gia tài không nhỏ nhờ đầu tư Bitcoin, Justin Sun bắt đầu xây dựng vị thế của mình trong ngành công nghệ blockchain. Ban đầu, anh gia nhập Ripple với vai trò là đại diện tại khu vực Trung Quốc, một bước đệm quan trọng giúp Justin hiểu sâu hơn về cách hoạt động của các giao thức blockchain và phát triển mạng lưới quan hệ trong ngành.
Không lâu sau đó, Justin thành lập Peiwo, một ứng dụng mạng xã hội dựa trên giọng nói, kết nối người dùng thông qua nội dung âm thanh như podcast và live stream. Peiwo cho phép người dùng thể hiện sở thích và cá tính của mình qua giọng nói, đồng thời tìm kiếm những người có cùng mối quan tâm.
Peiwo nhanh chóng đạt được thành công lớn, giúp Justin được vinh danh là "Doanh nhân tiêu biểu nhất" năm 2015 bởi CNTV. Anh cũng lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 trong ba năm liên tiếp, từ 2015 đến 2017. Đặc biệt, năm 2014, Justin còn nhận được giải thưởng Davos Global Shaper từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Những thành công ban đầu này không chỉ chứng minh khả năng kinh doanh xuất sắc của Justin mà còn giúp anh tạo dựng một nền tảng vững chắc để bước vào thế giới blockchain với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn. Đây chính là giai đoạn mà Justin bắt đầu được công nhận không chỉ là một doanh nhân trẻ tài năng, mà còn là một nhân vật đầy tham vọng và có tầm nhìn chiến lược vượt trội.
Tron: Dự án tỷ đô
Không lâu sau, vào năm 2017, Justin Sun quyết định khởi nghiệp với dự án blockchain của riêng mình mang tên TRON. TRON được giới thiệu như một nền tảng blockchain phi tập trung, tập trung vào việc cách mạng hóa ngành công nghiệp nội dung số. Mục tiêu của TRON là giúp các nhà sáng tạo nội dung lấy lại quyền kiểm soát sản phẩm của mình, thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nền tảng tập trung như YouTube hay Spotify.
TRON là một giao thức blockchain mã nguồn mở, hỗ trợ hợp đồng thông minh và vận hành dựa trên cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS). Trong đợt chào bán đồng tiền ban đầu (ICO) cho token TRONIX (TRX), TRON Foundation đã huy động được khoảng 70 triệu USD. Ban đầu, TRX hoạt động dựa trên tiêu chuẩn ERC-20 của Ethereum, nhưng đến năm 2018, nó được chuyển sang blockchain riêng của TRON.
Một trong những cột mốc lớn nhất của TRON chính là thương vụ mua lại BitTorrent, một nền tảng chia sẻ file nổi tiếng, vào năm 2018. Sau thương vụ này, Justin không chỉ tích hợp BitTorrent vào hệ sinh thái TRON mà còn phát hành token riêng cho BitTorrent (BTT). Với khả năng xử lý 2000 giao dịch mỗi giây (TPS) – vượt trội so với các blockchain như Ethereum, TRON nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng blockchain hàng đầu, thường xuyên lọt vào top 10 đồng tiền mã hóa có giá trị lớn nhất.
Không dừng lại ở TRON, Justin Sun tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình qua nhiều dự án khác. Anh ra mắt đồng stablecoin USDD, nhưng đồng coin này đã gặp khó khăn khi không thể duy trì giá trị neo vào đồng USD và chưa đạt được thị phần đáng kể. Justin cũng tham gia vào các thương vụ lớn như mua lại sàn giao dịch Poloniex, đầu tư 65 triệu USD vào Animoca Brands – một nhà phát triển game blockchain, và thậm chí sở hữu cổ phần trị giá 1 tỷ USD tại sàn giao dịch Huobi.
Vào năm 2021, Justin Sun được bổ nhiệm làm Đại sứ và Đại diện thường trực của Grenada tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một bước đi gây bất ngờ trong sự nghiệp của anh. Sau sự kiện này, anh từ chức CEO TRON và chuyển giao quyền kiểm soát nền tảng này cho TRON DAO – tổ chức tự trị phi tập trung. Tuy nhiên, hành trình của anh không hoàn toàn thuận lợi. Tháng 3 năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cáo buộc Justin Sun vi phạm luật bán chứng khoán chưa đăng ký trong các đợt mở bán token TRX và BTT, khiến anh phải từ bỏ vai trò lãnh đạo tại TRON DAO.
Tại sao Justin Sun lại có nhiều hater thế?
Dù có một sự nghiệp đầy ấn tượng và bản thân Justin vốn cũng là một OG trong thị trường, ấy vậy mà, không như CZ, Vitalik, hay những OG builder khác, Justin Sun lại không phải là cái tên được tất cả mọi người trong cộng đồng crypto yêu mến. Thậm chí, nhiều người xem anh là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất của ngành blockchain. Vậy, tại sao Justin lại thường xuyên bị chỉ trích?
1. Chiêu trò PR táo bạo
Justin Sun là bậc thầy trong việc thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng phong cách này đôi khi bị cho là "làm lố". Một ví dụ điển hình là sự kiện đấu giá bữa ăn trưa với Warren Buffett năm 2019, nơi Justin chi 4,5 triệu USD để "dụ" vị tỷ phú nổi tiếng vốn không ưa tiền mã hóa tham gia cuộc trò chuyện về crypto. Dù sự kiện này gây được tiếng vang lớn, nhưng khi anh đột ngột hủy buổi gặp mặt vì "lý do sức khỏe", dư luận lập tức nghi ngờ tính minh bạch của sự việc. Nhưng đến năm 2020, Sun cũng có cơ hội được diện kiến Warren xứ Omaha.
Một sự kiện khác không kém phần thú vị là việc Justin Sun đã đặt giá 28 triệu USD để trở thành hành khách đầu tiên bay trên tàu New Shepard của Blue Origin vào năm 2021. Tuy nhiên, vì xung đột lịch trình, Justin đã không thể thực hiện chuyến bay này, khiến sự kiện một lần nữa thu hút sự chú ý và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Không dừng lại ở đó, Sun còn khiến dư luận sửng sốt với những khoản chi tiêu xa hoa, như việc mua một tác phẩm nghệ thuật hình quả chuối trị giá 6,2 triệu USD. Thương vụ này đã gây ra làn sóng chế giễu và hoài nghi về cách anh sử dụng tài chính. Đáng chú ý, một bài báo của CoinDesk đề cập đến thương vụ này đã bị gỡ bỏ sau khi Sun và đội ngũ của anh gây áp lực. Sự việc này dẫn đến tranh cãi lớn trong giới báo chí và khiến một số biên tập viên của CoinDesk bị sa thải, càng làm tăng thêm danh tiếng gây tranh cãi của Justin Sun.
Ngoài ra, Justin cũng nổi tiếng với những tuyên bố "giật gân" trên mạng xã hội, thường đưa ra các thông báo quan trọng mà không có đủ cơ sở, khiến cộng đồng nhiều lần thất vọng. Ví dụ, anh từng ám chỉ rằng TRON sẽ hợp tác với các công ty công nghệ lớn như Alibaba hay Baidu, nhưng sau đó những tuyên bố này đều bị bác bỏ.
2. Cáo buộc sao chép và thiếu minh bạch
TRON từng bị chỉ trích vì sao chép mã nguồn từ các dự án blockchain khác như Ethereum và Filecoin. Một báo cáo năm 2018 cho rằng phần lớn mã của TRON được "mượn" từ các dự án khác mà không có sự công nhận rõ ràng. Điều này khiến Justin Sun và đội ngũ của anh bị đánh giá là thiếu tính sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp.
3. Phong cách "Superman"
Justin Sun thường xuất hiện như "người hùng giải cứu" trong các thương vụ lớn, nhưng điều này lại tạo cảm giác anh làm mọi thứ vì mục đích cá nhân hơn là vì cộng đồng. Một ví dụ điển hình là vào tháng 11 năm 2022, khi sàn giao dịch FTX gặp khủng hoảng thanh khoản, Justin Sun tuyên bố sẽ hợp tác với FTX để tìm giải pháp giúp đỡ người dùng. Anh thông báo rằng người dùng FTX có thể giao dịch và rút các token liên quan đến hệ sinh thái TRON như TRX, HT, JST và SUN trên FTX.
Thông báo này như thắp lên một tia hi vọng, khiến cho người dùng đổ xô mua TRX để cứu lấy tài sản của mình, điều này vô tình đẩy giá đồng coin này tăng vọt từ 0,06 USD lên 2,5 USD chỉ trong 5 phút, tăng hơn 41 lần. Tuy nhiên, vì giá TRX trên FTX cao hơn nhiều so với thị trường bên ngoài (vẫn quanh mức 0.06$), tạo ra chênh lệch lớn và gây thiệt hại cho người dùng mua ở giá cao. Nhiều người cho rằng đây là chiêu trò PR của Justin Sun nhằm trục lợi từ tình huống khủng hoảng, hơn là thực sự giúp đỡ người dùng FTX.
4. Vấn đề pháp lý
Vụ kiện của SEC vào tháng 3 năm 2023 là một trong những "vết đen" lớn trong sự nghiệp của Justin Sun. SEC cáo buộc anh vi phạm luật bán các chứng khoán chưa đăng ký liên quan đến việc phát hành và quảng bá token TRON (TRX) và BitTorrent (BTT). Ngoài ra, họ cũng tố cáo Sun và các công ty liên quan đã thực hiện các hoạt động gian lận, bao gồm "wash trading" – hành động giao dịch nội bộ để thao túng giá trị của TRX. Vụ kiện còn kéo theo tám người nổi tiếng, bao gồm Akon, Lindsay Lohan, Jake Paul và Ne-Yo, bị buộc tội quảng bá các token này mà không tiết lộ rằng họ được tài trợ. Trong số đó, sáu người đã dàn xếp với SEC và phải trả tổng cộng hơn 400.000 USD mà không thừa nhận trách nhiệm.
Trước đó, vào năm 2020, Justin Sun cũng đối mặt với một vụ kiện dân sự từ hai cựu nhân viên của TRON, Lucasz Juraszek và Richard Hall. Họ cáo buộc anh gian lận, quấy rối, và trả đũa những người tố cáo nội bộ. Mặc dù các nguyên đơn muốn đưa vụ việc ra xét xử công khai, nhưng thẩm phán đã đứng về phía Sun, cho phép giải quyết thông qua luật sư cá nhân. Vụ kiện này tuy được giải quyết kín, nhưng càng làm gia tăng hình ảnh gây tranh cãi của Justin trong mắt cộng đồng.
Ngoài các vụ kiện dân sự và SEC, theo một báo cáo từ The Verge, TRON dưới sự chỉ đạo của Justin Sun còn bị cáo buộc thao túng thị trường bằng cách mua/bán token TRX dựa trên các thông tin nội bộ không công khai. Hơn nữa, vào năm 2022, Justin Sun được cho là đang bị điều tra bởi FBI và Văn phòng Công tố Quận phía Nam New York về các cáo buộc tiềm năng liên quan đến tội phạm hình sự.
Kết lại
Nếu Midas có khả năng biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng, thì dường như Justin Sun lại có khả năng “hóa mã” gần như mọi thứ mà anh tham gia.
Tháng 10 năm 2021, Justin Sun tham gia vòng gọi vốn trị giá 65 triệu USD vào Animoca Brands, công ty phát triển các tựa game blockchain nổi tiếng như The Sandbox. Tuy nhiên, hiện tại, The Sandbox đang chật vật để duy trì sức hút, trong khi quỹ Animoca đối mặt với các thách thức lớn về hiệu quả hoạt động, khiến nhiều người hoài nghi về tính bền vững của khoản đầu tư này.
Không dừng lại ở lĩnh vực game, Justin tiếp tục mở rộng dấu ấn của mình khi mua lại sàn giao dịch tiền điện tử Poloniex. Tuy nhiên, thương vụ này cũng không tránh khỏi tranh cãi. Năm 2021, The Verge tiết lộ rằng Justin Sun yêu cầu quyền sở hữu cá nhân đối với các khoản tiền thất lạc của khách hàng Poloniex – khoảng 300 Bitcoin (xấp xỉ 30 triệu USD theo giá hiện tại) – dù các nhân viên của Poloniex phản đối quyết liệt.
Đến tháng 11 năm 2023, Poloniex tiếp tục gặp khủng hoảng khi bị hacker đánh cắp 120 triệu USD. Trong một động thái gây tranh cãi, Justin đề nghị cho hacker giữ lại 6,5 triệu USD nếu họ hoàn trả phần còn lại trong vòng 7 ngày, khiến dư luận càng thêm chia rẽ về cách anh xử lý sự cố. Quyết định này bị chỉ trích vì có thể tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các nhóm hacker khác tấn công với hy vọng thương lượng thành công. Đồng thời, cách xử lý này làm lung lay niềm tin của người dùng Poloniex, những người mong đợi một phản ứng quyết liệt hơn thay vì sự thỏa hiệp. Nhiều người cũng đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh và mức độ trách nhiệm của Justin, cho rằng động thái này ưu tiên giải pháp ngắn hạn hơn là bảo vệ lợi ích lâu dài của khách hàng và hệ sinh thái.
Năm 2022, Huobi (nay là HTX) được mua lại bởi About Capital, và Justin Sun được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Cố vấn Toàn cầu của sàn giao dịch này. Tuy nhiên, kể từ khi Justin tham gia, Huobi bắt đầu lao dốc không phanh, mất dần vị thế trên thị trường.
Tuy nhiên, điều khiến Justin đặc biệt không phải là anh thắng hay thua, mà là cách anh tạo điểm nhấn khiến tất cả phải dõi theo. Người ta yêu mến hoặc chỉ trích anh, ngưỡng mộ sự táo bạo hoặc hoài nghi những chiêu trò, nhưng không ai có thể phủ nhận một điều: Justin Sun là cái tên nổi bật và thật khó để phớt lờ.
Phải chăng, giống như nhân vật Giáo sư trong Money Heist với những nước đi khó lường nhưng đã có tính toán trước, Justin Sun đang từng bước thêu dệt nên một câu chuyện mà chỉ anh mới nắm rõ hồi kết? Hoặc có lẽ, trong thế giới blockchain đầy biến động, chính những nhân vật như anh mới khiến mọi thứ trở nên kịch tính và đáng chú ý hơn bao giờ hết!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
VietnamsesDream
[Đã xóa]

Trường Sơn

Không bao giờ dạy người giàu cách tiêu tiền bác nhỉ =))
- Báo cáo

Trường Sơn

Không bao giờ dạy người giàu cách tiêu tiền bác nhỉ =))
- Báo cáo
LuckKuck
Đúng vậy, cứ để họ tiêu tiền ngu để chúng ta có thể móc tiền trong hầu bao của họ ra =))
- Báo cáo