Joker là câu chuyện của sự phân hóa giai cấp trong xã hội, của sự vô cảm giữa loài người và mặt tối thực sự bên trong mỗi chúng ta. Cái cách đạo diễn Todd Phillips để cho mọi hạng người chà đạp lên Arthur Fleck thực sự khiến mình sợ hãi đến ghê tởm và việc hắn trở thành Joker dường như là một lẽ dĩ nhiên và rất dễ để chúng ta đồng cảm.

Chẳng có gì để chê diễn xuất của Joaquin Phoenix cả. Anh vào vai Joker hoàn hảo đển mức ám ảnh. Ở một vài khoảnh khắc không tiện nói ra, mình thậm chí còn lạnh cả gáy khi nhìn vào ánh mắt vừa đáng thương, vừa đáng ghê rợn của Joker.
Âm nhạc được sử dụng rất tinh tế, rất phù hợp với mạch cảm xúc của nhân vật và cũng khớp với từng khung hình mà đạo diễn Todd Phillips muốn chúng ta thưởng thức. 
Cinamatography cũng vậy, nó khắc họa chân thực nhất diễn biến tâm lý của Arthur Fleck trong cơn bĩ cực cũng như khi hắn thăng hoa nhất. Tiêu biểu có lẽ là những cảnh quay ở bậc thang. Cả khung hình chìm vào màu xanh tăm tối khi Arthur lầm lũi bước về nhà, sau những ngày làm việc như cực hình, sau những lời phỉ báng và những trận đòn của bao kẻ xa lạ ngoài kia. Và cũng ở vị trí đấy, hắn nhảy múa với gương mặt rạng rỡ sau khi dần lột xác, trở thành biểu tượng tội phạm của toàn Gotham.
Nhưng đó vẫn chưa phải tất cả. Nếu Joker chỉ đơn giản như thế, có lẽ người ta đã chẳng bàn tán vế nó nhiều đến vậy.
Joker của Todd Phillips lấy bối cảnh một thành phố Gotham thối nát, nơi mà rác thải ngập các con phố, các bản tin thời sự thường xuyên phản ánh về vấn đề tội phạm còn điều kiện sống của người dân thì nghèo nàn, khổ cực.
(Đoạn này sẽ có Spoiler nhẹ này)
Chỉ qua một đoạn hội thoại ngắn giữa Arthur và người dẫn chương trình Murray Franklin, bản chất tối tha, tồi tàn của Gotham đã bị lật tẩy. Nó luôn trần trụi như thế, nhưng có lẽ phải đến khi Arthur Fleck dám nói ra, người ta mới ngỡ ngàng công nhận.
Đó sự phân biệt giàu khèo và sự vô cảm thấy rõ ở thành phố Gotham khi mà ba kẻ mặc vest bị sát hại thì cả thành phố và người đứng đầu nó là Thomas Wayne tỏ rõ sự thương xót trên sóng truyền hình, còn những người ngày ngày bị xã hội ngược đãi như Arthur thì thì cũng chỉ mong một lần có được sự đồng cảm.
Đó là những lời nói đậm tính giáo điều, những lời hứa xuông của giới cầm quyền mà tiêu biểu nhất chính là Thomas Wayne. Ông luôn xuất hiện trên sóng truyền hình, trước công chúng với vẻ ngoài hào nhoáng, cử chỉ thân thiện và cam kết một tương lai tươi sáng cho Gotham. Nhưng ông đã làm gì rồi? Câu trả lời là không gì cả.
Nạn bạo hành gia đình cũng được nhắc đến một cách khéo léo, qua những tài liệu cũ về mẹ của Arthur Fleck. Khán giả được biết cả Arthur và mẹ của hắn đã bị người đàn ông trong gia đình bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó là lý do vì sao cả hai người họ đều xuất hiện với thể trạng ốm yếu, nhợt nhạt và gầy gò. Mặt khác, tinh thần của hai mẹ con cũng bị tra tấn dã man khi mà bà Penny Fleck mắc chứng tâm thần hoang tưởng còn Arthur thì không kiểm soát nổi tiếng cười của mình.
Đó là việc người ra sẵn sàng nhạo báng nhau, bằng những lời nói sặc mùi công kích cá nhân. Cái cách Murray Franklin hạ nhục Arthur Fleck ngay trên sóng truyền hình chắc hẳn sẽ khiến nhiều khán giả khó chịu và mình cũng cảm thấy như vậy.
Rating: 9/10