Ngày 10 tháng 2 năm 2020, Joaquin Phoenix đạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất bởi vai diễn Joker 2019. Giải thưởng xứng đáng cho diễn xuất, sự cống hiến của anh cho vai diễn. Bộ phim Joker 2019 đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về con người. Nhiều người cho rằng Joker là sản phẩm của xã hội, điều đó đúng. Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi nữa "Có phải thực sự xã hội đã tạo ra kẻ giết người Joker hay không? Hay Joker đã không thực sự hiểu chính mình để từ đó hòa hợp với xã hội?".
Lấy bối cảnh thành phố Gotham những năm 80, chàng Arthur Fleck (Joker) bất chấp chứng bệnh cười không kiểm soát và cả cuộc sống nghèo đói ngày đêm chăm sóc bà mẹ già, Arthur vẫn ôm mộng trở thành nghệ sĩ hài trên sân khấu. Thần tượng của anh chàng là người dẫn chương trình – danh hài Murray Franklin. Để kiếm sống, ban ngày Arthur hóa trang thành hề, đi biểu diễn trong các bệnh viện hoặc trên đường phố.
Đến đây, chúng ta điểm lại một chút về Joker nhé. Joker có ngoại hình tàn tạ, khuôn mặt đáng sợ hơn là thân thiện, vui vẻ. Ánh mắt của Joker dù có cố gắng vui vẻ qua lớp hóa trang chú hề, nhưng vẫn là cặp mặt buồn bã. Anh còn mắc bệnh chứng cười không kiểm soát, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và nghề nghiệp. Về tính cách, anh không phải là người hoạt ngôn, ăn nói không lưu loát. Đặc biệt anh không phải là một người có óc hài hước. Điều này chứng minh qua việc, anh đã rất chăm chỉ đi học, xem những người diễn hài biểu diễn. Nhưng anh vẫn không thể khiến người xem cười được, có cơ hội đứng trên sân khấu thì anh gần như đang đọc kịch bản hơn là diễn. Cuối cùng, người ta không cười vì biểu diễn của anh, mà người ta cười chính con người anh.
Đến đây ta có thể khẳng định, Joker hoàn toàn không phù hợp để diễn hài, và càng không thể thành công trong nghề này.

Nếu bạn nói: Joker mang dáng vẻ đó là do cuộc sống đưa đẩy, không thể khác được. Tôi đồng ý là cuộc sống đã đẩy Joker vào hình hài đó, nhưng sự thân thiện, vui vẻ phải do Joker quyết định. Có nhiều người nghèo nhưng họ vẫn rất thân thiện, và vui vẻ đó thôi. Joker có thấy những khiếm khuyết đó của mình hay không?

Và nếu bạn nói: theo đuổi ước mơ có gì sai cơ chứ? theo đuổi ước mơ mới tìm thấy chính mình. Vậy người xem, xã hội phản ứng như thế cũng có gì sai, họ có quyền được xem hài thật sự. Không thể xem hài bằng cách thương hại được. Người diễn viên hài phải mang lại sự thoải mái, vui vẻ, chứ không phải mang lại sự khó chịu. Joker đã thực sự hiểu việc mình đang làm đem lại kết quả gì hay không?
Joker đã thực sự là chính mình hay chưa? Joker đã hiểu chính mình chưa?
Cách đây ít lâu, tôi có tranh luận với một bạn về chủ đề: chính mình là gì? Theo tôi, chính mình là được tự do cá nhân làm những việc mình cho là phù hợp dựa trên cơ sở đạo đức, trí tuệ mà cá nhân đó có được. Do trí tuệ của cá nhân luôn phát triển nên bạn luôn phát triển, vì thế chính mình luôn thay đổi theo sự phát triển của trí tuệ.
Ở đây, chúng ta cũng nên làm rõ khái niệm tự do cá nhân. Hiểu 1 cách đơn giản thì tự do cá nhân là quyền suy nghĩ, hành động theo nguyện vọng của chính cá nhân đó. Tuy nhiên, để đảm bảo có tự do cá nhân, mỗi cá thể phải có sự tự tôn và tôn trong. Tức là bạn có quyền đặt bạn làm trung tâm, nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng tự do cá nhân của người khác.
Vậy làm thế nào để là chính mình? Để là chính mình thì bạn phải hiểu chính bản thân bạn. Hiểu chính bản thân bạn là phải hiểu đầy đủ về thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực, ước mơ, tư tưởng. Bằng trí tuệ mà cá nhân đó tiếp thu được thì sẽ có mức độ hiểu chính mình đến đâu, từ đó vận dụng cái sự hiểu chính mình đó để sống là chính mình trên nền tảng đạo đức.
Nói đến đây thì bạn có thể thấy rằng, Joker ở một góc độ nào đã không là chính mình. Thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực không thể đáp ứng được ước mơ của bản thân, tư tưởng không phù hợp với tình hình xã hội. Cái giá của không hiểu chính mình, không là chính mình đó là bi kịch.
Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói: Đời thay đổi khi ta thay đổi. Bạn không thể thay đổi xã hội nếu bạn không phải là một vĩ nhân. Cách dễ dàng nhất chỉ có thể là hiểu chính mình, hiểu xã hội và thích ứng.