John D. Rockefeller đã trở thành "kẻ phản diện vĩ đại nhất giới kinh doanh Mỹ" như thế nào ? (Phần I)
Người đàn ông của những mâu thuẫn.
Là “một trong hai người quan trọng nhất đóng góp cho việc kiến thiết thế giới hiện đại” như lời H. G . Wells, thế nhưng gần như cả cuộc đời, tỷ phú dầu mỏ John Rockefeller lại bị coi như kẻ phản diện vĩ đại nhất trong giới kinh doanh mà nước Mỹ đã tạo ra.
Cuộc hôn nhân dối trá
Vào tháng 2 năm 1837, bất chấp sự phản đối của John Davison, đám cưới của cặp đôi Bill Rockefeller và Eliza Davison đã diễn ra tại nhà một người bạn của cô dâu.
Nếu so với nhà gái, nhà trai được xem như nghèo nàn, và ắt hẳn không tránh khỏi những lời bàn tán về động cơ của Bill khi tiến tới với Eliza vì “cha của Eliza sẽ cho cô 500 đô la khi cô kết hôn”.
Bill, trên thực tế, là một kẻ lừa lọc được trang hoàng bởi vẻ ngoài phong lưu, điển trai thấy rõ, vì vậy hầu hết mọi người đều “sa bẫy”, không ngoại trừ Eliza.
Cuộc hôn nhân dối trá ấy đã hợp nhất hai con người với tính cách hoàn toàn trái ngược, mở đầu cho một loạt chuỗi rắc rối và bất hòa sau này.
Chẳng bao lâu sau đám cưới, Bill dập tắt hoàn toàn kỳ vọng tươi đẹp của Eliza về đời sống vợ chồng. Bill để Nancy, tình nhân của mình làm “quản gia” rồi luân phiên có con với vợ và tình nhân.
Năm 1838, Eliza sinh bé gái đầu lòng và đặt tên là Lucy. Vài tháng sau, đứa con ngoài giá thú của Nancy, Clorinda cất tiếng khóc chào đời. Tháng 7 năm 1839, Bill và Eliza lại gọi bà đỡ, lần này là một bé trai.
Đứa trẻ này, sinh ra trong “một ngôi nhà trông giống như hai toa xe chở hàng ghép lại với một tấm bạt che mái hiên”, đã được định mệnh sắp đặt trở thành một nhà tư bản xuất sắc trong tương lai nước Mỹ và cả thế giới.
Đứa trẻ ấy tên là John Davison Rockefeller.
Dơ dáy và đói khát
Bill thường xuyên đi xa nhà nhiều tháng và hóa đơn chi tiêu của gia đình cứ dồn chồng chất lại. “Khi quay về, tôi sẽ thanh toán.” Vì không biết trước được lúc nào việc ghi nợ này sẽ kết thúc, Eliza sống rất tằn tiện.
Dù tình cảnh nghèo khó của gia đình John Rockefeller đã bị phóng đại ít nhiều, nhưng hẳn ông đã trải qua một tuổi thơ không mấy tươi đẹp, khi một người hàng xóm tại Richford phải thốt lên “trông bọn trẻ thật dơ dáy và đói khát”.
Nhớ lại những ký ức xưa cũ, John luôn bỏ qua người cha vô trách nhiệm, mà chỉ nhớ đến mẹ và bà nội – “hai người phụ nữ mạnh mẽ và nhẫn nại”.
Mẹ ông, Eliza là người người phụ nữ tuyệt vời. Bà làm việc vô cùng vất vả, một tay nuôi dạy các con, trông coi cả trang trại rộng 60 mẫu và cố tìm cách trả các chi phí. Đồng thời, bà luôn dặn dò, uốn nắn các con theo phương châm tiết kiệm: “Không lãng phí thì không túng thiếu.”
May mắn thay, John D. Rockefeller đã thừa hưởng cả hai đức tính này từ mẹ và từ bà nội, cậu bắt đầu biết cách cho đi.
Cậu thiếu niên nghiêm túc
Trong suốt cuộc đời mình, Rockefeller luôn ám ảnh với tiền bạc, tờ giấy bạc khơi gợi lên trong tâm hồn ông một niềm khao khát mãnh liệt.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông dùng tiền mua kẹo, sau đó chia thành nhiều miếng nhỏ rồi bán lại cho anh chị em để lấy tiền lời. Ông cũng cho một người hàng xóm vay khoản tiền tiết kiệm 50 đô la lấy lãi suất 7%/năm, điều mà mẹ ông đã kịch liệt phản đối khi phát hiện ra.
Mặc dù Bill bỏ đi hàng tháng trời mới về và gia đình thường xuyên phải chuyển nhà, John vẫn chứng tỏ mình là một cậu học sinh ngoan ngoãn nhưng nghiêm túc thái quá. Như chính ông thừa nhận khi đã 75 tuổi: “Hồi đó tôi thậm chí còn nghiêm túc hơn bây giờ.”
Những người cùng thời mô tả John là người dè dặt, cẩn trọng, sùng đạo, kín tiếng và có phần xa cách. Tuy nhiên, cậu là một nhà tranh luận xuất sắc và có một tình yêu sâu sắc với âm nhạc tới mức từng dành 6 tiếng mỗi ngày để luyện tập.
Ước mơ đặt chân vào ngưỡng cửa đại học của John hóa xa vời khi Bill đột ngột cắt giảm chi tiêu vốn đã eo hẹp của gia đình. John nhớ lại: “Các em đều cần phải đi học và tốt nhất là tôi nên đi làm.”
Thoát khỏi cuộc sống nông thôn
Năm 16 tuổi, John D. Rockefeller, sau khi hoàn thành một khóa học 10 tuần tại trường Cao đẳng Thương mại E. G. Folsom, thoát khỏi thị trấn nhỏ bé với cuộc sống nông thôn trong quá khứ và thâm nhập vào thị trường lao động.
Trong cái nóng khủng khiếp của Cleveland vào tháng 8 năm 1855, cuộc hành trình tìm việc bắt đầu. Chuyến đi quyết định khốc liệt này diễn ra mỗi ngày – sáu ngày trong một tuần suốt sáu tuần liên tục – từ sáng đến chiều tối.
Rockefeller đã lập hẳn một danh mục những công ty đường sắt, ngân hàng để ứng tuyển, và khi đã đi được hết một vòng mà vẫn chưa được nhận, ông quay lại từ đầu.
Có những công ty ông đã tới 2, 3 lần. Nhiều cậu trai trẻ có lẽ đã bỏ cuộc trước khi vòng đầu tiên kết thúc, nhưng từ câu chuyện này ta có thể thấy bản tính nhẫn nại là thứ đã khiến một cậu bé quê mùa trở nên khác biệt.
John cuối cùng cũng xin được một chân kế toán, kiểm tra sổ sách, đôi khi là cả đòi nợ cho một công ty sản xuất thu mua nhỏ tên Hewitt & Tuttle.
Hewitt & Tuttle trả John 16 đô la/tháng cho 3 tháng học việc, sau đó tăng lên thành 31 đô la/tháng rồi cuối cùng là 50 đô la/tháng.
Khi còn trẻ, hai tham vọng lớn nhất của chàng thanh niên John D. Rockefeller là kiếm được 100.000 đô la và sống đến 100 tuổi.
Nhưng Chúa và cả nước Mỹ đã nói không: John D. Rockefeller sẽ còn đạt được nhiều hơn thế.
Đọc tiếp phần II, III tại bài viết gốc:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất