Vừa lên mạng thì nhìn thấy hình ảnh Joan Laporta ăn mừng đắc cử chức chủ tịch Barca.
Không rõ tại sao, nhưng tôi nghĩ ngay đến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Có lẽ là vì sự tương đồng trong ngoại hình, trong phong thái nhiệt tình cuốn hút, trong sự ngạo nghễ bước lên đỉnh cao của 2 con người này.
Trump bước lên ngôi ông chủ Nhà Trắng bằng khẩu hiệu "Make America great again". Laporta đánh dấu chiến dịch tranh cử bằng một tấm poster khổng lồ treo gần sân Bernabeu, viết rằng: "Looking forward to seeing you again".

Trump đã để lại vô vàn dấu ấn trong 4 năm cầm quyền, tất nhiên đi kèm hàng núi tranh cãi. Laporta với nhiệm kỳ tới đây, có lẽ cũng sẽ làm bùng nổ hỉ nộ ái ố theo cách tương tự, cũng như chính ông trong nhiệm kỳ thứ nhất ở Barca: có những hợp đồng đình đám, có thành công vang dội, nhưng cũng có những cáo buộc và rắc rối với pháp luật.
Nói vậy thì chắc các bạn cũng hiểu là theo tôi, nên kỳ vọng gì ở Laporta tới đây rồi.
---
Cá nhân tôi lo hơn là mừng cho Barca.
Cả một chiến dịch tranh cử của Laporta, từ lúc bắt đầu đến khi ăn mừng chiến thắng, tất cả những gì người ta nghe thấy từ người đàn ông này là Messi.
Messi sẽ ở lại. Messi yêu Barca. Messi, cầu thủ vĩ đại nhất hành tinh, đã đi bỏ phiếu cùng con trai... Laporta tranh cử hay Messi tranh cử vậy?

Về khía cạnh nghệ thuật chính trị, Laporta đã cho thấy tài năng bậc thầy.
Ông biết với đa phần NHM thông thường, họ đâu có am hiểu gì về tài chính, về quản trị! Cái điều họ nghe lọt tai nhất, chú ý nhất là Messi.
Laporta cùng đội ngũ đã hoàn toàn trung thành với chiến lược thôi miên những người bỏ phiếu bằng con lắc Messi. Thành quả cuối cùng ông nhận lại thật mỹ mãn.
Đối nghịch với Laporta, kế hoạch của ứng viên về đích thứ 2, Victor Font lại gạt bỏ Messi.
Ông nhấn mạnh vào những cải cách trong hệ thống quản lý và tài chính, để giúp Barca thoát khỏi gánh nặng nợ nần, phát triển bền vững. Rõ ràng cương lĩnh tranh cử với những con số sổ sách khô khan của Font đã không chinh phục được các CĐV, dù nó dường như mới đúng là liều thuốc đắng để Barca dã tật.
Cho đến lúc này, sẽ là không quá chủ quan khi nhận định: Laporta chiến thắng nhờ nghệ thuật chính trị nhiều hơn là nhờ đường lối rõ ràng và thực tế.
Victor Font có một cương lĩnh tranh cử khá rõ ràng về mặt tài chính, chứ không chỉ có "con bài Xavi" như nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến.
Lỗ hổng lớn nhất được chỉ ra trong đường lối của Laporta là sớm muộn gì ngày Barca không còn Messi cũng sẽ tới, thậm chí có thể là tới sớm. Không những tế, việc Messi ở lại cũng chẳng đảm bảo cho thành công của Blaugrana nữa. Và còn khoản nợ khủng khiếp Barca đang gánh, Laporta cũng lờ đi, khi đề cập đến việc Barca vẫn còn khả năng chiêu mộ thêm những ngôi sao nữa.
Nghe như một chiến lược ‘’ăn xổi’’ hết sức ngắn hạn, hứa hẹn tiếp tục làm xói mòn nội lực của Barca từ bên trong.
---
Nhưng này, tôi là ai để nói chắc như ăn bắp là Laporta sẽ thất bại?
Một con người có vẻ ngoài bóng bẩy, thích ‘’chơi chiêu’’, chưa chắc đã là người không thâm trầm toan tính. Biết đâu Joan Laporta chẳng đã có những tính toán ấp ủ đường dài hết rồi. Chỉ là trong chiến dịch tranh cử, ông đưa Messi ra như một con bài để thu hút cử tri?
Nói thật là tôi không tin vào khả năng đó. Quãng thời gian Laporta làm chủ tịch Barca lần đầu tiên kéo dài đến 7 năm, từ 2003 đến 2010. Nếu nội tại của vị chủ tịch này ghê gớm đến thế, sao chẳng có ai phân tích, luận bàn chuyên sâu hay ca tụng gì?
Tuy nhiên, đừng quên là 11 năm đã trôi qua. 11 năm là quá đủ để thay đổi nhiều điều trong một con người.
Hãy cùng hy vọng là Laporta đã có những thay đổi tích cực.
Laporta trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Barcelona.
Tôi chẳng phải Cule, song cũng mong Barca sớm thoát cảnh bĩ cực. Dù tôi biết, điều tôi mong muốn cho Barca có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực được nữa.
Tôi còn nhớ, mình đã từng bị chinh phục bởi một Barcelona đẹp như một chàng hoàng tử trong truyện cổ tích. Đẹp từ trong cho đến ngoài sân cỏ.
Barca của thời hoàng kim dưới triều đại Pep Guardiola chơi bóng đẹp, chơi bóng tập thể. Tiki-taka được vận hành bởi những con người cá tính: thủ môn Victor Valdes đôi lúc lớ ngớ nhưng… chung thủy, dễ thương, Carles Puyol dũng mãnh, cao thượng, Xavi, Iniesta trí tuệ,… Thôi thì đã có quá nhiều người nói rồi, chẳng cần phải đề cập thêm nữa về khía cạnh trên sân.
Bên ngoài sân bóng cũng là câu chuyện tương tự. Áo đấu mà Messi và các đồng đội mang vốn đâu có in tên Qatar Airways hay Qatar Foundation, gã khổng lồ Xứ Catalonia hào phóng để logo của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) trước thân áo, như một thông điệp ý nghĩa gửi tới toàn cầu. Họ cũng đâu cần đốt tiền xây Galaticos như Real Madrid, chỉ cần đặt niềm tin trọn vẹn, tình nghĩa vào lò đào tạo La Masia.
Đặt logo của UNICEF trước thân áo vẫn là nghĩa cử khiến mình khâm phục bậc nhất của Barcelona năm xưa.
Barcelona lúc ấy như hiện thân của một đội bóng thiên thần, là “nice guy” nhưng lại “finish first”. Nếu ai đã ngưỡng mộ và học hỏi được những điều tốt đẹp từ Barcelona của ngày ấy, họ quả là những con người may mắn.
Nói họ may mắn, là bởi quãng thời gian tươi đẹp ấy cũng không quá dài.
Bước qua những năm đầu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, Barca đã hoàn toàn khác.
Đội bóng ấy đã biết vung tiền trên thị trường chuyển nhượng. Đã bắt đầu hủy hoại thay vì sản xuất ra các tài năng cây nhà lá vườn. Đã biết làm thương mại, bán quảng cáo trên áo đấu, thậm chí tính bán cả tên sân Nou Camp huyền thoại! Nội bộ của đội bóng ấy cũng chẳng khá hơn: đấu đá, nói xấu, tranh giành quyền lực, cầu thủ và lãnh đạo bất đồng, thiếu một cá tính của người thuyền trưởng,…
Với tôi, đó là cả một sự đau lòng khi chứng kiến chàng hoàng tử trong cổ tích dần biến thành một gã phàm phu tầm thường. Và chắc là còn đau lòng hơn cho fan Barca, những người đã chứng kiến hết những điều trên, để rồi vẫn phải thấy đội bóng bị đẩy tới bên bờ vực thẳm ngay lúc này.
... cạn lời ...
Tương lai nào đang chờ đợi Barca?
Chỉ có Chúa mới trả lời được câu hỏi này.
Nhưng chắc chắn, sẽ không phải là trở lại với thời kỳ cổ tích – theo cách gọi của tôi. Cũng không thể là lún sâu hơn nữa vào khủng hoảng. Một đội bóng, một công ty lớn như Barcelona rất khó để sụp đổ, nhất là khi Blaugrana còn gắn chặt với câu chuyện chính trị ở xứ Catalan.
Không trắng tinh khôi, cũng không đen như cái tiền đồ của chị Dậu. Có lẽ là một vùng xám, như những năm qua Barca vẫn vậy: có thể ngược dòng thắng PSG tạo nên cú Remontada huyền thoại, có thể vô địch La Liga hay Copa Del Rey; nhưng cũng có thể thua bạc nhược Liverpool, AS Roma, Bayern Munich, thậm chí Athletic Bilbao, có thể mất cúp Liga dù đã vượt trên đối thủ như trong cuộc đua mùa trước với Real,…
Tình hình tài chính có thể bi đát nhưng vẫn ký được ngôi sao nào đó (như Laporta cam kết, cái này thì khá là chắc kèo sẽ giữ lời), rồi làm mấy thương vụ rửa tiền như đổi Arthur Melo lấy Miralem Pjanic.
Muốn thoát khỏi vùng xám ấy, Barca cần một sự thay đổi thực sự. Không phải là một vị cựu chủ tịch trở lại, không phải là một ngôi sao mãi gồng gánh cả bộ máy.  
Nhưng bao giờ mới đến lúc thay đổi thực sự ấy, 
ta sẽ lại phải đợi.


_ Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^: https://www.facebook.com/classof2000s
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình: https://www.facebook.com/bartholomewvu51628
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.