Jeanne d'Arc - Thánh Nữ trên giàn thiêu
Với xã hội hiện đại thì Jeanne d’Arc chỉ là một con chiên ngoan đạo bị ảo tưởng quá nhiều bởi tôn giáo, để rồi gặp phải một kết cục bi thảm. Nhưng cô vẫn được coi là một trong những vị nữ anh hùng vĩ đại nhất mà nước Pháp từng có.
Jeanne d’Arc là một nhân vật lịch sử gây nên rất nhiều tranh cãi trong dân chúng, ngày từ lúc còn sinh thời cho tới tận thế hệ sau này. Những người theo Đạo cho rằng cô là một vị Thánh được phái xuống để giúp nhân dân thoát khỏi lầm than. Những kẻ trung lập thì lại cho rằng cô chỉ là một người phàm nhưng sở hữu tài năng và lòng dũng cảm hiếm ai có được. Một số cực đoan thì lại coi cô như một kẻ dị giáo. Thậm chí, đối với xã hội hiện đại thì Jeanne d’Arc chỉ là một con chiên ngoan đạo bị ảo tưởng quá nhiều bởi tôn giáo, để rồi gặp phải một kết cục bi thảm. Vậy Jeanne d’Arc là ai? Và tại sao giữa những lùm xùm đó, cô vẫn được coi là một trong những vị nữ anh hùng vĩ đại nhất mà nước Pháp từng có?
Bối cảnh lịch sử
Để hiểu thêm về những gì mà Jeanne d’Arc làm được, chúng ta cần phải hiểu thêm về bối cảnh lịch sử nước Pháp lúc đó.
Pháp ở thế kỉ 14 là một mớ hỗn độn theo đúng nghĩa đen. Theo lời của nhà sử gia DeVries, “nước Pháp thậm chí còn không đáng là cái bóng của chính nó ở thế kỷ 13”. Mọi sự khởi nguồn từ Hoàng tộc Plantagenet, vốn đã là vua ở Anh từ thế kỷ 12. Nhưng hoàng tộc này có gốc gác từ các vùng của Pháp nên họ tự cho mình quyền đứng dậy vỗ ngực xưng vương ngay trên lãnh thổ Pháp, đòi hỏi quyền làm vua cả 2 nước. Trong khi đó, hoàng tộc Valois là vua Pháp, tất nhiên là sẽ từ chối để cho một bên khác nhảy vào và tước đi quyền cai trị chính đáng của mình. Nhưng phe này cũng mặt dày không kém, đòi luôn cả nước Anh từ Gia tộc Plantagenet. Chiến tranh nổ ra là điều tất yếu, và nó kéo dài tới tận hơn 1 thế kỷ. Người thời nay gọi sự kiện ấy là “cuộc chiến trăm năm”.
Mối hoạ từ nước ngoài không phải là yếu tố duy nhất tàn phá Pháp. Lục đục nội bộ cũng xảy ra ở khắp mọi nơi, và cũng vì sự tranh chấp quyền thừa kế ngôi báu. Chủ yếu gây ra bởi sự bất hoà giữa 2 thế lực hoàng gia thuộc hội đồng nhiếp chính.
Vua trị vì nước Pháp khi Jeanne mới ra đời là vua Charles VI, hay còn được nhân dân gọi một cách đầy “tôn kính” là “Vua điên Charles”. Vì ổng điên thật, 1 tuần có 7 ngày thì 5 ngày lên cơn. Không có khả năng trị vì, nên em trai vua là công tước Louis xứ Orléans và em họ vua, công tước Jean sans Peur xứ Burgundy bắt đầu cắn xé lẫn nhau để có được ngôi của vua điên. Cuộc xung đột lên tới đỉnh điểm khi công tước Louis bị ám sát bởi lệnh của Jean sans Peur vào năm 1407. Người ủng hộ chia ra làm 2 phe Armagnac và Burgundy. Nước Pháp rơi vào chảo lửa khi nội chiến xảy ra ngay trước mũi giáo lăm le của nước Anh.
Vua Anh tất nhiên là sẽ thừa nước đục thả câu. Ngay lập tức, Henry V đánh Pháp và chiến thắng. Trong khi vua Pháp kế nhiệm là Charles VII mới chỉ 14 tuổi. Ông cố gắng ký hiệp ước chủ hoà với phe Burgundy để tập trung cố thủ trước mối nguy bị nước ngoài xâm lược vào năm 1419. Nhưng ông bị những người ủng hộ mình bóp d*i bằng cách ám sát luôn nhân vật quan trọng của phe còn lại trong buổi triều kiến. Vị công tước mới của xứ Burgundy buộc Charles VII chịu trách nhiệm, mặt khác liên minh luôn với người Anh. Năm 1420, nữ hoàng Pháp Isabeau ký hiệp ước Troyes, theo đó vua Henry V của nước Anh và con cháu của ông sẽ được kế vị ngai vàng của nước Pháp thay cho vua Charles VII. Dẫn tới hệ quả là bản đồ lãnh thổ Pháp bị người Anh vẽ lại theo đúng nghĩa đen.
Năm 1429, toàn bộ miền bắc nước Pháp đã bị chiếm. Phe Burgundy giữ thành phố Reims. Thành phố này đóng vai trò quan trọng bởi nó là nơi đăng quang truyền thống của nhà vua, trong khi cả 2 người tranh ngôi chưa có ai được tôn lên làm vua cả. Người Anh lúc đó đang tiến vào Orléans, là lá chắn cho cả trung tâm nước Pháp. Theo các sử gia hiện đại, tình hình khi đó là “số mệnh nước Pháp treo trên Orléans.” Không ai tin thành phố này có thể kháng cự trong khoảng thời gian dài. Nhưng đây chính là khi lời sấm truyền của pháp sư Merlin nổi tiếng ứng nghiệm. “Nước Pháp sẽ thất thủ bởi một người phụ nữ. Nhưng sẽ được cứu rỗi bởi một người con gái tới từ ranh giới của Lorraine”. Người phụ nữ đầu tiên chính là nữ hoàng Isabeau. Vậy người con gái mang trong mình số mệnh cứu rỗi nước Pháp là ai?
Lời hiệu triệu của thánh Michael
Năm 1412, hai vợ chồng Jacques d’Arc và bà Isabelle Romée hạ sinh một bé gái xinh đẹp tại Domrémy, gần với Lorraine thuộc vùng đông bắc nước Pháp. Cô bé ấy được đặt tên là Jeanne. Gia đình cô bé Jeanne sở hữu 50 mẫu đất để làm nông nghiệp. Ngoài ra, cha của cô còn chỉ huy một đội dân quân để có thêm thu nhập. Trong khi đó, bà Isabelle là một nông dân điển hình. Bởi vậy mà bà dạy lại cho con gái mình mọi thứ bà biết, trong đó bao gồm việc dệt vải từ lông cừu.
Vì là một người con gái ở thời trung cổ, và một phần do giai cấp của gia đình mà Jeanne không được đi học. Bởi vậy mà cô không hề biết đọc hay viết. Tôn giáo là thú duy nhất mà cô được tiếp cận. Ngay từ bé, Jeanne đã có niềm tin mãnh liệt vào Chúa khi tham gia vào rất nhiều buổi học đạo được tổ chức tại nhà thờ. Cô thấm nhuần những câu chuyện được cha xứ truyền lại về các vị thánh, và về chúa Jesus. Không rõ có phải do sự trung thành của Jeanne hay không, mà vào năm 1412, Jeanne d’Arc đã nhận được thiên khải đầu tiên khi mới 12 tuổi. Lúc đó, cô bé đang ở ngoài đồng một mình thì đã nghe được một giọng nói lạ. Sau đó, lần lượt Tổng thiên sứ Michael, Thánh nữ Catherine xứ Alexandria, và Thánh nữ Đồng Trinh Margaret đã truyền cho Jeanne d’Arc đánh đuổi người Anh và đưa thái tử Charles VII tới Reims để lên ngôi vua. Sau khi nghe được lời hiệu triệu, Jeanne đã hiểu được số mệnh to lớn của mình trong tương lai.
“Ta thà ngồi cạnh và khâu vá bên mẫu thân của mình, bởi những điều to lớn này có lẽ không nằm trong khả năng của ta. Nhưng ta phải đi và ta phải thực thi nó, bởi Chúa trời đã đặt số mệnh vào đôi tay này.”
Trên con đường tạo dựng Chiến thắng
Khi Jeanne lên 16, năm 1428, cô nhờ một người họ hàng để đến được Vaucouleurs nhằm thỉnh cầu chỉ huy đơn vị quân đang đóng tại đó là bá tước Robert de Baudricourt cho phép được tiếp kiến triều đình Pháp tại Chinon. Tất nhiên là cô bị từ chối, thậm chí còn bị chế giễu. Không nản lòng, Jeanne tiếp tục quay trở lại vào tháng 1/1429. Lần này do được 2 nhân vật quan trọng Jean de Metz và Bertrand de Poulengy ủng hộ, Jeanne được gặp bá tước lần thứ 2 và tiên đoán chính xác sự thất bại của quân Pháp trong trận Herrings gần Orléans.
Robert de Bardicourt điều một đội để bảo vệ Jeanne d’ Arc tới Chinon để diện kiến triều đình. Để có thể tới được địa điểm, cô thậm chí đã phải cải trang thành nam để băng qua lãnh địa của phe đối nghịch. Tại buổi toạ đàm kín, Jeanne gây ấn tượng lớn bởi những phát biểu của mình, tới mức khiến vua Charles VII kinh ngạc mà ngay lập tức phái người thẩm tra lý lịch và giáo lý của cô. Cùng lúc đó, mẹ vợ của Charles VII đang tự chi một lượng ngân sách khá lớn để chuẩn bị lực lượng cứu viện cho Orléans. Jeanne thỉnh cầu được gia nhập quân đoàn này với tư cách như một hiệp sĩ, có đầy đủ áo giáp trắng, cờ, ngựa và thị đồng. Nhưng tại sao một cô thôn nữ lại ngay lập tức được điều ra một trận chiến lớn quyết định số mệnh của cả một đất nước như vậy?
Theo sử gia Stephen W. Richey:
“Sau bao năm thua hết trận này tới trận khác, các lãnh đạo quân sự và dân sự của Pháp đã mất sạch uy tín và tinh thần. Lúc Dauphin Charles chấp thuận đề nghị khẩn thiết của Jeanne, được phép có vũ trang và chỉ huy quân đội, ông hẳn đã hiểu rằng mọi phương sách thông thường và hợp lý khác đều đã thất bại. Chỉ có một vương triều ở thế cùng cực tuyệt vọng lắm mới lắng nghe một cô thôn nữ thất học tự xưng mình là sứ giả của Thượng đế truyền xuống lãnh đạo quân đội để giành chiến thắng”.
Jeanne d’Arc tới Orléans ngày 29/04/1429. Ban đầu, trưởng dòng công tước xứ Orléans không cho phép cô tham gia cuộc họp, cũng như không thông báo thời gian mà quân Pháp sẽ giao chiến. Tuy vậy, điều này không ngăn cản được Jeanne có mặt trên mọi trận địa. Tới nay, người ta vẫn tranh cãi về ảnh hưởng và thực quyền của Jeanne. Các sử gia truyền thống vẫn cho rằng Jeanne chỉ là một nhân tố hỗ trợ về tinh thần. Tuy nhiên các học giả hiện đại nhấn mạnh rằng các quan tuỳ tùng rất khâm phục cô bởi tài chiến lược của mình. Tôi nghiêng về đánh giá của các sử gia hiện đại. Bởi quân Pháp đang thất bại liên miên, nay lại giành được nhiều thắng lợi vang dội từ lúc Jeanne d’Arc xuất hiện. Đây chắc chắn không phải là một sự trùng hợp. Cán cân của cuộc chiến dần được đảo chiều bởi bàn tay của một người thiếu nữ.
Đảo chiều cuộc chiến
Trong 5 tháng bị vây hãm, quân Pháp chỉ đột kích duy nhất một lần, và đó là một thất bại thảm hại. Tới ngày 4 tháng 5, quân Pháp tiến hành một cuộc đột kích nữa trong đó có sự tham gia của Jeanne d’Arc và mang lại chiến thắng ngoài sức tưởng tượng. Thừa thắng, Jeanne tiến đánh pháo đài thứ 2, Saint Jean le Blanc. Hoá ra pháo đài này bị bỏ trống bởi phe đối địch đã dồn hết lực lượng bảo vệ phòng tuyến trước đó. Ngày tiếp theo, Jeanne đề xuất một cuộc đột kích nữa vào quân địch, nhưng lần này bị công tước xứ Orléans bác bỏ. Thậm chí, người này còn ra lệnh khoá cửa thành để không cho Jeanne tham gia giao chiến. Nhưng điều này không ngăn cản được quyết tâm của cô gái trẻ. Jeanne triệu tập dân chúng và binh sĩ để đòi thị trưởng phải mở cửa thành. Chỉ có một viên cai đội hỗ trợ, cô vẫn đánh chiếm thành công pháo đài Saint Augutins. Ngay tối đó, cô bị loại ra khỏi hội đồng quân sự do kháng lệnh. Cơ mà Jeanne không quan tâm, cô vẫn đòi tấn công cứ điểm chính của quân Anh vào ngày 7 tháng 5. Sự cứng đầu này dẫn tới nhiều chiến thắng liên tiếp khiến dân chúng thời đó ghi nhận sự anh hùng của Jeanne trong chiến trận. Dù trúng một tên vào cổ, cô vẫn quay lại chiến trường, chỉ huy quân trong đợt tiến công cuối cùng và hạ thành.
Liên tiếp các chiến thắng tại Orléans làm nhuệ khí của quân Pháp tăng cao. Rất nhiều người đã muốn tiến hành một chiến dịch để phản công ngay lập tức. Uy tín của Jeanne d’ Arc cũng được tăng đáng kể, những người đã từng phản đối cô giờ cũng trở thành đồng minh để cùng nhau sát cánh nhằm giải phóng đất Pháp. Bởi vậy, Jeanne đề xuất một kế hoạch vô cùng táo bạo cho Charles VII, giao quyền chỉ huy và chấp thuận cho cô đánh chiếm các cây cầu bắc qua sông Loire nhằm tấn công vào Reims. Đây thực sự là một kế hoạch táo bạo khi Reims cách xa gấp đôi Paris, nằm sâu trong lãnh thổ của kẻ địch. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau, thành Reims treo cờ trắng, mở cổng đầu hàng ngày 6/7. Ngay hôm sau, buổi lễ lên ngôi vua được tổ chức. Jeanne thúc giục nhà vua cho tiến đánh Paris gấp, nhưng triều đình lại muốn đàm phán ngưng chiến với công tước Burgundy. Việc này chỉ giúp cho phe đối địch kéo dài thời gian để tăng cường viện trợ nhằm giữ Paris tới cùng. Phải tận tới ngày 8/9, quân Pháp mới có thể công phá vào Paris. Trong trận chiến ấy, Jeanne cũng trúng phải một mũi tên vào chân nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy, cho tới khi triều đình hạ lệnh ngưng chiến và rút quân một cách khó hiểu. Phần lớn sử gia đổ lỗi cho tể tướng Pháp đương nhiệm Georges de la Trémoille vì đã phạm phải quá nhiều sai lầm chính trị tai hại kể từ sau lễ đăng quang của vua Charles VII. Thậm chí, nó còn phần nào dẫn tới cái chết của nữ anh hùng mang trong mình số mệnh cứu rỗi nước Pháp. Vì đâu mà tới nỗi ấy?
Bị giam cầm và xét xử
Khi Jeanne d’Arc tới Compiègne để bảo vệ thành phố chống lại sự vây hãm của liên quân Anh và Burgundy, cô đã bị bắt sống. Khi ấy là vào ngày 23/5/1430. Khi hạ lệnh rút lui, cô là người rút sau cùng để bọc hậu cho đồng đội. Sự quả cảm này đã khiến cô rơi vào bàn tay của kẻ thù. Theo lẽ thường, thân nhân có thể dùng tiền để chuộc lại tù binh. Nhưng gia đình Jeanne chỉ là một nhà làm nông bình thường, đào đâu ra tiền. Vua Charles VII tới nay vẫn bị chỉ trích vì không có động thái giúp đỡ hay can thiệp. Cũng có rất nhiều lần Jeanne vượt ngục nhưng đều thất bại. Cô đã có lần nhảy từ toà tháp cao ~21m xuống một cái hào khô, rồi bị chuyển tới thị trấn Arras. Nhưng không may, đây lại là nơi do quân Burgundy kiểm soát. Jeanne lại bị bắt về.
Chính quyền Anh mua lại Jeanne từ công tước xứ Burgundy để đưa về xét xử. Toà án xét xử Jeanne d’Arc mang danh nghĩa là một toà án dị giáo, nhưng thực ra vụ xử án này mang nặng động cơ chính trị. Jeanne là người đã trợ giúp cho vua của phe đối nghịch đăng quang, bởi vậy việc kết tội cô là một nỗ lực nhằm bác bỏ tính hợp pháp việc vua Charles VII lên ngôi. Và tất nhiên, vụ xét xử này bị các thế lực lớn nhúng tay để chắc chắn rằng đích đến cuối cùng của Jeanne d’Arc là giàn hoả thiêu. Các phần quan trọng trong bản ghi chép đã bị sửa đổi để chống lại cô. Toàn bộ những vị giáo sĩ được bổ nhiệm lấy lời khai thì hoặc là ở bên phe Anh, hoặc là bị cưỡng bức sửa đổi lời khai. Chính quyền Anh đe doạ sẽ cho họ lên giàn thiêu cùng Jeanne nếu không hợp tác. Đơn kháng án cũng bị từ chối. Mười hai lời buộc tội tóm tắt bản tuyên án của toà cũng mâu thuẫn với hồ sơ toà án đã bị sửa đổi. Bị cáo mù chữ, dưới sự đe doạ cũng đã buộc phải ký vào văn kiện tuyên bố bội giáo mà chính cô cũng không hiểu nội dung. Bởi vậy, ngày mà Jeanne d’ Arc phải lên giàn thiêu một cách oan uổng dần tới. Nhưng cô có vẻ đã chuẩn bị để đối diện với cái chết từ rất lâu rồi.
“Ta thà chết còn hơn phải làm một điều gì đó khiến ta cảm thấy tội lỗi, hoặc đi ngược lại ý mệnh của Chúa”.
Bị hành quyết
Tội dị giáo chỉ bị kết án tử hình nếu đương sự phạm tội liên tục. Nhưng dưới sự thao túng của chính quyền Anh, một cái cớ để kết liễu Jeanne là một điều quá dễ dàng để sắp đặt. Trong khoảng thời gian bị giam cầm, Jeanne thậm chí đã bị quấy rối tình dục. Vì vậy mà cô phải mặc lại quần áo của đàn ông để tự vệ, hoặc theo một vài nhân chứng khi ấy, là do quần áo của cô bị lấy trộm và không còn gì khác để mặc.
Ngày 30/5/1431, một cây cọc cao tại Vieux-March ở Rouen đã được dựng lên. Trên đó trói một cô thôn nữ khi đó mới chỉ 19 tuổi. Jeanne d’Arc ở trên dàn thiêu xin hai vị giáo sĩ có mặt ở đó một lời thỉnh cầu.
“Hãy đưa cây thánh giá lên cao để ta có thể thấy được nó qua ngọn lửa chuẩn bị thiêu rụi thân thể ta”.
Ngọn lửa bùng lên, thiêu cháy người thiếu nữ mang trong mình sứ mệnh giải phóng toàn bộ nước Pháp. Trước khi từ giã trần thế, cô vẫn thét lớn từ đám lửa.
“Ta chết vì đã nói ra ngôn ngữ của thiên thần. Ta không sợ hãi một thứ gì cả bởi Chúa đang ở cạnh ta”.
Người Anh gạt đống tro ra để lộ thân xác cháy rụi của cô, và đốt thêm 2 lần nữa để chắc cú rằng không ai có thể thu thập để làm thánh tích. Tro cốt của Jeanne d’Arc bị thả xuống sông Seine. Theo làn nước, cô trở về với thiên đàng. Nhưng những gì mà cô để lại đã góp phần rất lớn quyết định kết cục của cuộc chiến kéo dài tới hơn một thế kỷ.
Kết thúc cuộc chiến & phục hồi danh dự
Cuộc chiến tranh trăm năm kéo dài thêm 22 năm sau sự ra đi của Jeanne. Vua Charles VII giữ được địa vị là vua chính thống của Pháp, dù phe đối địch đã làm lễ đăng quang cho Henry VI khi ông chỉ mới 10 tuổi. Nước Anh chưa kịp tái tổ chức lực lượng thì họ đã mất đi quá nhiều trụ cột chủ chốt. Henry VI trở thành vị vua thiếu niên trẻ nhất cai trị mà không có nhiếp chính, và sự non yếu của ông là lý do quan trọng nhất dẫn tới đoạn kết của cuộc chiến. Sử gia Kelly DeVries cho rằng, chiến thuật tấn công bằng đại bác và tập kích bất ngờ mà Jeanne sử dụng có ảnh hưởng lớn tới chiến thuật mà người Pháp sử dụng cho tới hết cuộc chiến. Nhà Valois giữ được ngôi báu, nền quan chủ của Anh và Pháp hoàn toàn độc lập. Người Anh mất toàn bộ phần lãnh thổ trên lục địa, nhưng lấy được Calais.
Còn đối với Jeanne d’Arc, tên tuổi của cô trở thành huyền thoại trong suốt 4 thế kỷ tiếp theo. Tới tận thế kỷ 19, các sử gia mới tìm được toàn bộ bản ghi về phiên toà minh oan cho cô, trong đó có bao gồm lời khai từ 115 nhân chứng. Nhiều bức thư cũng đã được tìm thấy, ba trong số đó có chữ ký “Jehanne” với nét run run của một người đang tập viết.
Theo Stephen Richey, “Jeanne d’ Arc biến một cuộc chiến giành ngai vàng giữa 2 triều đại, khiến nhân dân trở nên vô cảm vì mất mát, thành một cuộc chiến ái cuộc được dân chúng ủng hộ. Những người quan tâm tới cô trong suốt 5 thế kỷ sau đó tìm cách gán cho cô đủ mọi loại phẩm chất, tốt đẹp có mà xấu xa cũng có. Cuồng tín ma quỷ và tâm linh huyền bí, ngây thơ và bị sử dụng bởi những kẻ có thế lực, người sáng lập và biểu tượng của chủ nghĩa ái quốc hiện đại, nữ anh hùng được yêu quý, nữ thánh. Cô kiên định, dù bị đe doạ tra tấn hay chết cháy trên giàn hoả thiêu, cô vẫn khẳng định rằng mình được dẫn dắt bởi Thượng Đế. Nhưng dù thế nào đi nữa, thành quả mà cô đạt được khiến tất cả mọi người đều phải kinh ngạc.”
Năm 1452, nhà thờ cũng đã tuyên bố một vở kịch tôn giáo nhằm tưởng niệm Jeanne d’Arc tại Orléans như một đặc ân hành hương tới đất thánh. Cô trở thành biểu tượng cho Liên minh Công Giáo Pháp ở thế kỉ 16. Giám mục xứ Orléans năm 1849 tới 1878, ngài Félix Dupanloup là người đi đầu trong nỗ lực phong thánh cho cô, nhưng ông không còn sống để thấy điều đó trở thành hiện thực vào năm 1920. Cô trở thành 1 trong 9 vị thánh bảo trợ của nước Pháp. Ảnh hưởng của Jeanne còn kéo dài tới tận ngày nay.
Ảnh hưởng tới hiện tại
Câu chuyện về một cô thôn nữ được dẫn dắt bởi Chúa Trời đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều các sản phẩm đại chúng. Có rất nhiều các tiểu thuyết hay những bộ phim truyền hình kể về cuộc đời của cô. Jeanne d’Arc cũng đã góp mặt trong rất nhiều tựa Game, như là ở trong Fate/Grand Order, hay trong Granblue Fantasy. Cuộc đời đấu tranh và phục vụ cho nước Pháp của cô cũng được thể hiện trong Game chiến thuật nổi tiếng Age of Empires II - The Age of King. Ngay ở VN, tại thành phố HCM, nhà thờ Ngã Sáu cũng còn được gọi là nhà thờ thánh Jeanne d’Arc.
Một vị anh hùng có thể lưu danh sử sách đến mãi đời sau có thể là bất cứ ai, không phân biệt giới tính, cũng chẳng quan trọng xuất thân. Đó là một cô gái trẻ từ một gia đình làm nông, thất học nhưng ngoan đạo. Nhưng bên trong cô gái ấy là một chiến lược gia lỗi lạc, kèm theo lòng dũng cảm, và tình yêu vô bờ với dân chúng. Cô ấy được phong thánh bởi Giáo Hội công giáo do những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là Jeanne d’Arc, nữ anh hùng vĩ đại của nước Pháp.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất