Bài viết dùng “On Earth” để chỉ tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong.
Người yêu mình ở Singapore được học văn học queer từ cấp ba, hơn mười năm trước. Hôm nọ mình với hắn khoe tủ sách cho nhau xem, mình giơ cuốn “Why be happy when you could be normal?” của Jeanette Winterson lên, và ngạc nhiên khi hắn bảo ghét Winterson lắm lắm. Hồi cấp ba hắn phải viết luận về “Oranges are not the only fruit”, một cuốn tiểu thuyết đề tài người đồng tính nữ trong cộng đồng Kitô giáo, và việc đọc cuốn đó là một trải nghiệm đau đớn. Cuốn đó cấu trúc vừa khó vì tham chiếu đến Kinh Cựu ước, mà hắn không mấy để tâm đến tôn giáo nói chung; hắn lại cũng không thể đặt mình vào vị trí nhân vật vì là một đứa con trai ngại ngùng và không biết gì về con gái nên càng không hiểu nổi chuyện ô môi. Hắn bây giờ đọc các tác giả ô môi như Li Kotomi và Khâu Diệu Tân, nhưng vẫn chưa dám đụng vào Winterson vì trải nghiệm khổ sở kia. Nhưng mà, hắn bảo mình hãy đọc “Why be happy” rồi kể cho hắn nghe, có thể hắn sẽ cầm sách của bà lên. Rồi mình mới kể chuyện lùm xùm với “On Earth” ở bên này, hắn bảo “thấy buồn vì giờ này người ta vẫn tranh cãi được chuyện này. Singapore không phải vô cùng cấp tiến về tính queer, nhưng người ta cho học sinh biết và tiếp xúc. Như thế, học sinh được nghĩ về những chủ đề đó.”
Nghĩ như thế nào thì có quan trọng không? Không quan trọng đến thế. Dù không ai nhắc đến việc giáo viên ấy muốn giảng về những khía cạnh nào của tác phẩm và năng lực của cô đến đâu, ta cứ cho rằng giáo viên thiếu năng lực mà dạy một tác phẩm quá tầm có thể khiến học sinh có những “nhận thức sai lệch”. Và coi như phản ánh của phụ huynh về yếu tố khiêu dâm của “On Earth” là đúng, là có thể “đầu độc tinh thần” học sinh đi. Những “sai lệch” và “độc hại” này sẽ ở lại với học sinh bao lâu? 1 năm, 5 năm sau khi ra trường? Học sinh cấp ba sẽ lớn nhanh và chỉnh đốn được nhận thức của mình thôi, có phải cấp một cấp hai lỡ bị cảnh nóng của bố mẹ đập vào mắt đâu. Mình hỏi rằng người yêu có cảm thấy giáo viên hồi đó chưa đủ cố gắng để giúp học sinh đọc hiểu văn bản không, nên với hắn bài tập đó mới khó khăn đến thế. Hắn bảo cũng có thể, tuy nhiên hồi đó hắn cũng không đủ chủ động tìm đến giáo viên như hắn nên làm. Nhưng hắn cho rằng, điều lớn lao và quan trọng hơn là, những môn nhân văn như văn học yêu cầu ở người học một mức độ trưởng thành mà không một sự chỉ dẫn nào từ giáo viên có thể giúp trám vào khoảng trống đó. Cần trải nghiệm để có sự trưởng thành. Người yêu mình lúc đó chưa đủ trải nghiệm cần thiết để đọc và phân tích “Oranges”, vậy thôi. Một nữ sinh đồng tính thì có thể. Một học sinh quan tâm đến các chủ đề này có thể. Đưa tác giả/danh tính queer vào chương trình học là một chuyện tốt, điều đó tăng tính hiện diện của người queer. Những học sinh queer trong lớp của cô giáo kia chắc hẳn cảm thấy vui khi cô giới thiệu “On Earth”, chúng hẳn cảm thấy an toàn khi biết mình có thể tìm đến cô với những khúc mắc hay bận tâm về danh tính của mình và cộng đồng nói chung. Chứ không như việc đem “Chinh phụ ngâm” vào chương trình Ngữ văn lớp 7, vì không một ai tuổi đó có thể đặt mình vào vị trí một người phụ nữ có chồng đi lính. Hồi ấy mình đã biết khó chịu và vặn vẹo (tức là nói đổng trên mạng) chuyện dạy và học một tác phẩm lấy góc nhìn cách xa tám vạn chín nghìn cây số so với một học sinh lớp 7 rồi. Trong mình chẳng đọng lại gì từ “Chinh phụ ngâm”, và những học sinh không quan tâm đến “On Earth” cũng sẽ thế thôi.
Nghĩ như thế nào không quan trọng. Nghĩ cái gì cũng không quan trọng nốt. Nghĩ là quan trọng. Học sinh cấp ba nên tiếp xúc nhiều thứ để tốt nghiệp xong còn (đại khái) biết mình muốn làm gì, học gì. Bây giờ, khả năng một học sinh cấp ba ra nhà sách cầm lên “On Earth” vì tò mò với một tác giả queer không phải là thấp; không được giảng dạy thì học sinh sẽ chỉ đọc cuốn đó vì hứng thú, còn được dạy thì không bổ ngang cũng bổ dọc.
Ngoài ra, “On Earth” nằm trong danh sách gợi ý của chương trình Tú tài Quốc tế (IB) ở Việt Nam chứ không phải cô giáo lôi từ trong không trung ra, tức là những giáo viên ở lớp khác, trường IB khác hoàn toàn có thể giới thiệu cuốn này cho học sinh. Điều đó cho thấy môi trường IB đảm bảo một độ an toàn nhất định với queer visibility, và độ an toàn này có thể bị tổn thương vì lùm xùm liên quan. Hồi tháng 3, tác phẩm đã xuất hiện trên trang web của Sở Giáo dục TP.HCM và hiện bài đăng này đã bị xoá.