Mình luôn muốn viết về Jason Becker, nhưng luôn ngại rằng mình không có đủ từ ngữ để mô tả trọn vẹn về anh trong khi vẫn phải cố giành lấy sự chú ý trong 5 phút của người đọc - là bạn. Mình sợ rằng mình không đủ sức lột tả nghị lực phi thường của anh.

Mình cũng được đọc từ nhiều rocker Sài gòn viết về Jason Becker hay lắm. Vậy đâm ra lại tự làm khó, vì những ai không nghe thì cũng không biết Jason là ai, còn những ai đã nghe thì đều biết nhiều về anh lắm, còn hơn mình nhiều.
Jason Becker bị mắc chứng ALS từ năm 20 tuổi. Năm 26 tuổi, anh vẫn cố gắng cho ra album Perspective, sau khi đã góp mặt trong hai album với Cacophony, một album solo của chính anh (Perpetual Burn 1988), và một với David Lee Roth (A Little Aint Enough). Đó là sự nỗ lực ghê gớm khi mà tay chân của Jason đã yếu đi rất nhiều. Chứng ALS quái ác sẽ khiến cho con người ta đến một lúc nào đấy không còn khả năng điều khiển được cơ bắp nữa, hay nói đúng hơn là bộ não không thể điều khiển được các cơ bắp nữa.

Bộ sưu tập Jason Becker của mình
Mọi người hay nói, nếu như không mắc phải chứng ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis), Jason Becker đã ở trên đỉnh của thế giới. Thực ra với mình, ở thời điểm Jason Becker ra Perpetual Burnvà chơi A Little Aint Enough với David Lee Roth, anh đã ở trên đỉnh thế giới. Không tin ư, các bạn có thể xem một tay guitar kỳ cựu như Jeff Loomis (Arch Enemy) cover lại “Perpetual Burn” loay hoay như thế nào. Jason thậm chí thu “Perpetual Burn” bằng cây Stratocaster, là cây có cần đàn khó chơi quét dây hơn những loại khác.
Jeff Loomis cover lại Perpetual Burn
Thử tưởng tượng, khi âm nhạc là toàn bộ đam mê và cuộc đời bạn, bỗng dưng bạn mắc phải căn bệnh quái ác khiến cho toàn bộ cơ trên cơ thể không thể cử động được. Bạn ở trên đỉnh của các anh tài guitar trong thế hệ đó, và bỗng dưng không thể chơi guitar được nữa.
Khi thu đĩa Perspective năm 26 tuổi, tay của Jason đã yếu dần và thậm chí anh còn không thể nhíu (bend) được dây. Rất nhiều bài anh đã phải dùng cần nhún để nhíu và rung dây.
Và trên bìa đĩa Perspective, Jason viết "I have Amyotrophic Lateral Sclerosis. It has crippled my body and speech, but not my mind". Việc bị hạn chế trong khả năng chơi đàn, vô tình khiến anh nhận ra rằng cái đích cuối cùng của kỹ thuật và sức mạnh, vẫn là âm nhạc. Chỉ khi không còn sức mạnh của đôi tay, Jason mới phát hiện ra những khả năng phi thường khác trong các giác quan và sự nỗ lực của mình, và tạo ra âm nhạc bởi nhiều loại "âm thanh" hơn là chỉ tập trung vào cây đàn guitar như trước.
"End of the Beginning" như gửi gắm toàn chiêm nghiệm của JB
Không lâu sau đó, Jason hoàn toàn không thể cử động được nữa, và anh chỉ có thể giao tiếp với mọi người bằng đôi mắt, theo phương pháp của bố anh nghĩ ra. Cách giao tiếp này đặt một bảng chữ cái bằng mica trước mặt người bị liệt, và dựa theo hướng của đôi mắt nhìn mà người nghe có thể nhận ra đấy là chữ cái nào. Như vậy, Jason sẽ rất mất thời gian để nói từng chữ cái, chẳng hạn như H, E, L, L, O trước khi bạn nhận ra anh đang chào bạn.
Jason vẫn nói là khi những người xung quanh anh đều hiểu phương pháp giao tiếp này, mọi chuyện trở nên đơn giản. Mình thì thấy cảm phục khi Jason chấp nhận rằng thế giới của anh buộc phải diễn ra chậm lại hơn hẳn so với người bình thường.
Khi mà khả năng chơi guitar dần mất đi, có cái gì đó ở âm nhạc của anh trở nên tốt hơn nhiều. Cái gì đó mang nhiều màu sắc và xúc cảm hơn khi so sánh âm nhạc của Perspective với nhạc của Perpetual Burn. Và với sự trợ giúp của máy tính, Jason có thể tiếp tục viết nhạc theo những ý tưởng của anh. Nhưng hãy nhớ, lúc này các nốt nhạc không còn có thể bay ra từ trong đầu và ngón tay anh nữa. Mọi thứ đã chậm lại đáng kể do sự hạn chế về tốc độ giao tiếp.
Hãy thử tưởng tượng khi thế giới liên tục nói về những bước đột phá trong tốc độ máy vi tính và cả các siêu máy tính, có một người vẫn ngồi cặm cụi lặng lẽ viết nhạc ở tốc độ rùa bò, sử dụng đầu óc siêu việt của mình để khiến cho mọi thứ trở nên chậm lại trước khi có thể đưa vào máy tính, để rồi sau đó máy tính có thể chơi lại với tốc độ bình thường.

Jason Becker và tấm bảng giúp giao tiếp
22 năm kể từ sau Perspective, mình đã rất ngạc nhiên khi biết Jason Becker sắp phát hành album The Triumphant Heart. Trong 22 năm đó, thế giới đã từ chỗ không biết internet là gì đến chỗ có thể xem phim HD trên điện thoại lẫn định vị con người bất cứ chỗ nào trên hành tinh với sai số chưa đến 1 mét. Trong hơn 20 năm đó, tốc độ của máy tính đã cho phép con người đi xa nhường nào trong vũ trụ. Các ý tưởng về phim khoa học viễn tưởng không thể làm được trong thế kỷ trước đều đã được các nhà làm phim thực hiện.
Và trong 22 năm đó, có một người vẫn lặng lẽ ngồi viết album tiếp theo của mình.
Không giống như Perspective, là album được viết khi Jason Becker vẫn còn đâu đó khả năng “chạm” đến thế giới, với chút gì còn sót lại của khả năng chơi guitar siêu việt, và nỗ lực làm nốt những thứ anh còn dang dở; Triumphant Heartskhông có được sự xa xỉ đó. Không quá khi nói rằng Triumphant Hearts hoàn toàn là âm nhạc đến từ trong bộ não và trái tim của Jason Becker.
Nếu như hồi Perspective, “End of The Beginning” khiến cho chúng ta tường như đến đó xong rồi, và âm nhạc như đã khép lại với Jason. Không ai dám nghĩ tới một “New beginning” nữa cho anh, khi trong cả trí tưởng tượng của người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ đến việc sáng tác và thu âm nhạc với một tốc độ như vậy. Chưa nói đến việc nó có khả năng chinh phục ngay cả những người nghe hoàn toàn mới. 22 năm!
Và Triumphant Hearts có không chỉ một câu trả lời, mà một loạt những track cực hay như “Triumphant heart”, “Hold on to love”, “River of belonging”, v.v... Hơn cả việc chứng tỏ sự tồn tại của mình, sức sáng tạo âm nhạc của Jason vẫn hừng hực cho mọi người thấy anh thừa sức làm nhưng việc tốt đẹp đến nhường nào. Và ẩn sau thông điệp đó, là những người đồng hành với anh, như Marty Friedman, Joe Satriani, Steve Vai, Jeff Loomis, và rất nhiều người nữa, như cách anh gọi họ là những “triumphant hearts” - những người sẵn sàng sát cánh làm việc cùng tốc độ chậm của Jason. Nó còn hơn bất cứ thông điệp nào về sự đoàn kết, về tình anh em, về con người.
Hold On To Love là tâm sự về tình yêu âm nhạc của JB
Khi nghe đến track thứ 8, “River of longing”, mình đã ngẩn ra vì nó quá đẹp. Jason đã phác ra một câu chuyện về một dòng sông, có những chỗ thật đẹp và hiên ngang (đoạn của Joe Satriani và Alek Severs), nhưng cũng có những chỗ đầy sóng gió và trắc trở đầy kịch tính thú vị (đoạn của Guthri Govan); để rồi đến khúc cuối dòng nước chợt lặng lại và ngẫm ra nhiều thứ tho dòng chảy của chính nó (đoạn của Steve Morse). Thực ra dòng nước chảy nhanh hay chậm đâu có phải điều quan trọng, và không có hai thời điểm mà dòng nước có thể chảy theo cách giống nhau (theo cách chơi của mỗi người). Nhưng quan trọng hơn cả là nó vẫn chảy không ngừng.
Bài này còn hay ở chỗ nó sử dụng vòng hòa âm cực độc khi Jason Becker sử dụng đầy đủ 7 hợp âm cơ bản (I, ii, iii, IV, V, vi, vii) và mang theo tất cả các kiểu chuyển hợp âm giữa 7 cái đó, từ I-ii-iii, I-V-vi, vi-V-IV, IV-iii-ii, v.v... Mình mới thử chơi theo đoạn chord của JB thôi, đã thấy bài này cực thú vị rồi. 

Trên thế giới đâu như có 2 người (nổi tiếng) bị ALS mà vẫn sống được lâu, Jason Becker và Stephen Hawking. Người thứ hai thì quá nổi tiếng rồi (cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho người thứ nhât) và vừa ra đi vào năm 2018, trước khi Jason ra album của anh. Nó như một lời cảnh báo bỗng cắt ngang dòng âm nhạc trong đầu, khiến mình bỗng trở nên tức giận với một sự bất lực mơ hồ. Ngay cả cách Jason xếp hai track cuối là sự vọng lại của bài "Hold on to love" với giọng của Jason 3 tuổi "You do it" cũng khiến mình thấy chờn chợn. 
Vì sau tất cả những điều tốt đẹp kia, có cảm giác rằng Jason Becker sẽ không thể ra thêm một album nào nữa. Thêm 20 năm nữa cho một nỗ lực nữa ư, mình không dám nghĩ đến chuyện đó, cho dù mình vẫn cầu cho dòng suối mang tên Jason vẫn tiếp tục chảy. Nhưng bạn biết rồi đấy.
***
Nếu như bạn vẫn còn đọc đến đây, mình hy vọng rằng bạn và mọi người có nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh ALS. Nó có thể đến với bất kỳ ai, ở bất kỳ quốc gia nào, và tệ hơn, ở bất cứ tuổi nào. Những người tôi vừa đề cập là những người có may mắn sống ở đất nước cho phép họ điều kiện để họ tiếp tục. Hãy nghĩ xem ở nơi bạn đang sống thì sao.
Jason Becker phát hiện bệnh năm 20 tuổi, Stephen Hawking phát hiện bệnh năm 21 tuổi, Lou Gherig, sau khi trở thành huyền thoại bóng chày Mỹ đã phát hiện ra bệnh năm ông 36 tuổi và chết năm ông 38 tuổi (cũng là người đầu tiên được lấy tên cho hội chứng này – hội chứng Lou Gherig), và gần đây còn Steve Gleason, cầu thủ đội bóng American Football, New Orleans Saint, phát hiện bệnh sau khi giải nghệ và từng là một trong những biểu tượng thể thao giúp vực dậy tinh thần cả bang New Orleans sau bão Katrina năm 2006.
Đó là vài cái tên nổi tiếng, vậy còn bao nhiêu người ngoài kia thì sao, khi tỉ lệ mắc bệnh này là 2 trên 100,000 người, và chỉ khoảng 5 ~ 10% là từ di truyền - 90% còn lại đều từ nguyên nhân khó xác định. Khi neuron điều khiển cơ bắp bị hỏng, cơ bắp sẽ không thể cử động được nữa và trở nên yếu và teo dần.
Vài năm trước đây có một thứ mình cho là hơi kỳ, khi các bạn trẻ thi nhau đổ xô đá lên đầu với thứ gọi là “ALS challenge bucket”. Mình thấy không có nhiều bạn ý thức được căn bệnh này và lấy cuộc challenge làm trò vui. Dù tỉ lệ bị mắc bệnh này trên thế giới dù không lớn, nó cũng khá đáng kể, nhất là ở độ tuổi trên 50. 
Nhưng thứ như vầy như làm trơ lại một mình Jason Becker như là người truyền cảm hứng vĩ đại nhất. Trớ trêu thay khi người chơi guitar giỏi nhất lại mắc ALS. Nhưng cũng thật kỳ vĩ sao khi người đó lại trở thành người truyền cảm hứng tự nhiên nhất với những người bạn hỗ trợ xung quanh anh.
Mình nghĩ tất cả chúng ta đều có thể thử dành cho bản thân 10 phút để tự giả định về căn bệnh đó, rằng chúng ta sẽ muốn chết hay muốn sống không cử động đượctrong suốt hơn 30 năm sau đó. Chưa nói đến chuyện viết nhạc và truyền cảm hứng cho những người bình thường khác. 10 phút thôi, bằng thời gian bạn nghe bài “Valley of Fire” này, và biết đâu bạn sẽ muốn chia sẻ nhận thức từ bài viết này giống như cách mình đang làm.
Valley Of Fire - Jason Becker kết hợp với The Magnificient 13
Trong lúc đó, trên bìa đĩa Triumphant Heart, Jason hồi tưởng lại trong track 12 “Tell me no lies” rằng: "Hôm đấy ở nhà David Lee Roth về, tao đi chơi ném bóng bầu dục với Matt Bissonette (tay bass). Tay chân lúc đấy đuối rồi nên lúc chụp banh toàn làm rớt không. Thì đó, tại ALS chứ còn gì nữa, ha ha!"
Và đó là cách anh viết về thứ đã gây ra bao đau đớn, phá hỏng cơ thể anh, và cướp đi cây đàn khỏi tay anh. 
Sau 22 năm.

Hẹn gặp lại.
Kai