Mario Yepes chia tay sự nghiệp quần đùi áo số đúng với những gì trọn vẹn nhất của một ngôi sao bóng đá. Sau 102 lần khoác áo ĐTQG, từ lần đầu tiên năm 1999 đến khi World Cup 2014 khép lại,  trung vệ người Colombia trở thành cầu thủ có số lần thi đấu quốc tế nhiều thứ 2 trong lịch sử bóng đá nước này, sau huyền thoại Carlos Valderrama. Yepes cũng là nhân tố tối quan trọng cho CLB quê nhà Deportivo Cali, rồi sau này là River Plate và San Lorenzo ở Argentina, Nantes và Paris Saint-Germain ở Pháp, rồi Chievo, AC Milan và Atalanta trên đất Calcio.
Sau khi giải nghệ, Yepes lập tức quay về gắn bó một lần nữa với CLB cũ Cali trong vai trò huấn luyện. Tuy vậy anh lại chỉ dẫn dắt đội bóng trong đúng 1 mùa giải và buộc phải rời đi vì những màn trình diễn kém thuyết phục. Mặc dù để lại tên tuổi và dấu ấn của mình trong vai trò cầu thủ, nhưng nếu bạn search cụm từ “Mario Yepes River Plate” trên YouTube, kết quả đầu tiên hiện ra chắc rằng sẽ khiến cựu trung vệ người Colombia xấu hổ.
River của Yepes có dịp đọ sức với đối thủ không đội trời chung cùng thành phố Boca Juniors ở giải đấu lớn nhất bóng đá Nam Mỹ, trận tứ kết Copa Libertadores năm 2000. Đội hình tuyển Argentina gần như có nòng cốt là những cầu thủ đang thi đấu cho River thời điểm đó. Dòng sông Bạc đã đánh bại Boca ở cả 2 lượt trận giải VĐQG mùa 1999/2000, trước khi có thêm 2 danh hiệu Argentina nữa vào bộ sưu tập 6 lần lên đỉnh quốc nổi ở thập niên cuối thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, Boca cũng không phải dạng vừa. Họ đã có 2 lần đăng quang gần nhất vào năm 98 và 99, chấm dứt cơn khô hạn danh hiệu kéo dài 6 năm từ năm 92.
Hai lượt trận tứ kết năm ấy, River sẽ được thi đấu trên sân nhà của họ trước. Boca có chuyến ghé thăm El Monumental vào ngày 17/5/2000. Đội chủ nhà vươn lên dẫn trước chỉ sau 15 phút bóng lăn nhờ bàn thắng của tiền đạo người Colombia, Juan Pablo Ángel. Đó là một pha làm bàn khá dễ dàng của chân sút sau này sẽ khoác áo Aston Villa. Ángel đã đánh bại cũng một người Colombia khác là thủ thành Óscar Córdoba. Người gác đền của Boca phán đoán sai lầm điểm rơi của quả phạt góc, và thế là Dòng sông Bạc tạm có lợi thế.
15 phút sau, đến lượt Boca được hưởng một quả đá phạt nằm ở ngay rìa vòng cấm River. Thông thường từ vị trí đặt bóng này, bóng sẽ được nhắm vào góc gần, bay qua đầu hàng rào và khiến các thủ thành phải bó tay. Tuy nhiên “ảo thuật gia lười biếng” Juan Román Riquelme luôn làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Anh tinh tế đẩy trái bóng về góc xa khung thành River, khiến thủ thành Roberto Bonano bị bất ngờ và chỉ còn cách đứng chôn chân nhìn siêu phẩm. Tỷ số lúc này là 1-1 khi hiệp 1 chỉ mới bước qua 2/3 thời gian.
Bước vào hiệp 2, Javier Saviola tái lập thế dẫn điểm cho đội chủ nhà bằng một pha solo dũng mãnh từ cánh trái xộc thẳng vào khung lộ, trước khi tung cú sút sấm sét không thể cản phá từ khoảng cách hơn 20 mét. Đó cũng là pha lập công ấn định chiến thắng 2-1 chung cuộc cho River Plate sau trận lượt đi.
Một tuần sau, đến lượt River ghé thăm La Bombonera để nuôi hy vọng bước vào bán kết với lợi thế có phần mong manh. Thời điểm ấy, luật bàn thắng sân khách vẫn chưa được CONMEBOL đưa vào áp dụng, nên Boca Juniors hiểu rằng việc ghi 1 bàn thắng nữa trên sân nhà, cộng thêm nhiệm vụ bảo toàn mành lưới sẽ khiến trận đấu bước vào hiệp phụ. Cũng giống trận lượt đi, đội chủ nhà là những người dẫn trước, khi Marcelo Delgado phá vỡ thế bế tắc cho Boca sau 30 phút đầy căng thẳng. Tỷ số bây giờ là 2-2, và thời gian còn lại của trận lượt về chẳng khác gì là một trận chung kết sớm của giải đấu. Xuất phát từ quả tạt sâu vào vòng cấm River của ngôi sao Riquelme, hai cầu thủ Boca là thủ thành Bonano và một trung vệ nữa phối hợp bắt bóng quá tệ, tạo cơ hội cho Delgado đệm bóng san bằng cách biệt. Bàn thắng ấy của Dòng sông Bạc tái hiện sai lầm của chính họ ở trận lượt đi, giúp Boca mở tỷ số.
Sau 74 phút, HLV Carlos Bianchi của Boca Juniors thực hiện quyền thay đổi người đầy cảm hứng, khi ông rút Gustavo Barros Schelotto khỏi sân. Người vào sân là Sebastian Battaglia. Đúng 10 phút sau, thật bất ngờ khi Battaglia lại bị một cầu thủ River đốn ngã trong vòng cấm. Huyền thoại với chiếc áo số 10, Juan Roman Riquelme không bỏ lỡ thời cơ từ chấm phạt đền, nâng tỷ số chung cuộc lên thành 3-2. Sau khi đóng vai trò quan trọng trong cả 3 bàn thắng ấy của Boca, Riquelme còn khiến cả cầu trường La Bombonera, cả thủ đô Buenos Aires … À không, phải là toàn thế giới há hốc mồm bằng một pha bóng kinh điển đã đi vào sử sách. Ngẫu hứng, điệu nghệ, cảm xúc và không kém phần khoa trương. Chỉ có thể nói là ma thuật!
Tiền vệ cánh phải Julio Marchant của Boca đưa bóng đến chân của ngôi sao Riquelme, khi anh đang có mặt ở ngay đường biên phải trên phần sân của River. Trung vệ Mario Yepes lập tức dâng cao và tiếp cận Riquelme như một con thiêu thân bị ngọn lửa lôi kéo.
Ngay khi có thể cảm nhận được tác động của tuyển thủ Colombia phía sau lưng, Riquelme nhẹ nhàng đưa chân phải rê trên đỉnh trái bóng, trước khi tung cú xỏ háng bằng … gót qua hai chân của Yepes đáng thương. Trung vệ người Colombia như một con bò mộng hùng hục lao đến, nhưng với đẳng cấp của một ảo thuật gia thượng hạng, Riquelme chờ đợi đến thời khắc cuối cùng trước khi giương cờ đỏ chiến thắng và hất văng đối thủ của mình.
Riquelme xoay một vòng sang trái, vượt qua sự truy cản của 2 trung vệ nữa nhưng bóng vẫn nằm gọn trong chân anh. Số 10 huyền thoại đã đánh bại đến 4 cầu thủ River Plate một lúc. Quả bóng rồi cũng lăn đến hết phần sân của River. Mặc dù về mặt kỹ thuật, cú xâu kim đó của Riquelme không đến mức thực sự đặc biệt, nhưng điều đó lại gây tổn thương tâm lý cực lớn cho đối thủ cùng thành phố. Nó như một tín hiệu rằng, thế trận giằng co giờ đây chẳng còn nữa. Boca và Riquelme, lúc này có thể đùa giỡn với đối thủ của họ như một con bù nhìn chẳng chút sức sống. Riquelme sau này chia sẻ rằng, pha bóng tháng 5 năm 2000 hôm ấy như một “nét chấm phá đẹp” trong sự nghiệp bóng đá, và Yepes đáng thương hóa ra lại là nạn nhân cho điểm nhấn đó của huyền thoại người Argentina.
Quả anh đào mọng nước được trang trí trên lớp bánh kem ngon ngọt chính là bàn ấn định chiến thắng của Martín Palermo – cây săn bàn vĩ đại bậc nhất lịch sử Boca Juniors. El Titán đã trở lại sau 193 ngày ngồi ngoài vì chấn thương. Và cũng bởi gắn bó với giường bệnh quá lâu mà anh cũng đánh mất cơ hội chuyển sang châu Âu thi đấu cho CLB thủ đô nước Ý Lazio. Nhưng Palermo không vì thế mà đánh mất bản năng của một sát thủ hàng đầu. Ra sân từ băng ghế dự bị ở phút 77, khi tỷ số vẫn đang hòa 2-2, nhưng áp lực tâm lý đang thuộc về River Plate, thì những gì gọi là lợi thế dành cho Boca rồi cũng phải đến.
Vào phút thứ 90, Palermo chính thức nâng tỷ số lên 3-0 cho Boca sau khi kết thúc hoàn hảo những điều khó nhất mà Riquelme và Battaglia đã làm trước đó. Chân sút người Argentina khống chế và giữ bóng khéo léo trong vòng cấm River, rồi tung cú đá chân trái hiểm hóc đánh bại cả hàng phòng ngự và thủ môn của đối thủ.
Boca sau khi vượt qua đối thủ không đội trời chung ở tứ kết tiếp tục giành chiến thắng Club América của Mexico ở Bán kết, trước khi đánh bại nốt Palmeiras của Brazil sau loạt luân lưu để đăng quang ngôi vương Nam Mỹ. Dưới bàn tay nhà cầm quân huyền thoại Carlos Bianchi, dưới triều đại đương kim tổng thống Argentina và là cựu chủ tịch đội bóng thời điểm đó là Mauricio Macri, đầu thập niên 2000 chứng kiến một Boca Juniors hùng mạnh, xuất sắc và thành công nhất trong lịch sử.
Với El Virrey trên băng ghế huấn luyện, Boca Juniors giành được 4 chức vô địch Quốc gia và 3 Copa Libertadores. Những thành công này giúp họ có được suất tham dự Cúp Liên lục địa. Bất chấp những đánh giá là yếu thế hơn, đội bóng thủ đô Argentina đã xuất sắc đánh bại cả Real Madrid và AC Milan vào các năm 2000 và 2003 để khẳng định vị thế ông vua Nam Mỹ của họ. Danh hiệu Liên lục địa, hay FIFA Club World Cup ngày nay thường mang đến nhiều sự tự hào cho người Nam Mỹ hơn châu Âu, và bởi lý do đó, các cầu thủ Boca trở thành những người hùng khi trở về Argentina.
River Plate nhanh chóng phục hồi sau thất bại này trước Boca. Họ giành được thêm 5 chức vô địch quốc gia trong thập niên tiếp theo, trước khi bất ngờ xuống hạng vào năm 2011.
Riquelme giờ đây ngày càng được đông đảo các fan bóng đá trên toàn thế giới biết đến. Nhưng vào thời điểm tung cú xỏ háng huyền thoại ấy, anh mới chỉ có 22 tuổi và vẫn đang từng bước tạo dấu ấn lên bóng đá, dù đã có 6 lần khoác áo ĐTQG cũng như có được nhiều danh hiệu quốc nội. Cho đến năm 2002, Riquelme đi theo chân thần tượng Diego Maradona gia nhập Barcelona, nhưng thời gian của anh tại Camp Nou chỉ như giấc mộng thoáng qua. Ảo thuật gia Argentina nhanh chóng xảy ra xung đột với Louis Van Gaal, để rồi sau đó anh chuyển đến Villarreal dưới dạng cho mượn trong 4 năm trước khi chính thức trở thành cầu thủ của Tàu ngầm Vàng. Chính vào thời kỳ này, Riquelme mới thực sự gây tiếng vang thực sự to lớn nơi trời Âu. Anh thi đấu cực kỳ xuất sắc dưới trướng Mauricio Pellegrini, thậm chí đưa Villareal tiền vào đến bán kết Champions League mùa giải 2005/06.
Riquelme sau đó quay về Boca năm 2007 và có thêm 7 năm huy hoàng nữa trên sân La Bombonera với 2 danh hiệu quốc nội và 1 Copa Libertadores. Anh kết thúc sự nghiệp ở giải hạng hai Argentina trong màu áo đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp, Argentinos Juniors,  sau chỉ 1 năm gắn bó.
Juan Roman Riquelme là một trong những ngôi sao sở hữu tài năng thiên bẩm và được tôn sùng nhất ở thế hệ của anh. Cùng với khoảnh khắc xỏ háng Yepes, bên cạnh vô số những danh hiệu tập thể lẫn cá nhân mà Riquelme thu về trong suốt sự nghiệp, có thể nói số 10 cổ điển Riquelme đã có thể rời vũ đài bóng đá Thế giới với danh xưng huyền thoại.
Xâu kim là một trong những động tác được yêu thích và ngẫu hứng nhất trong bóng đá. Nguồn gốc của từ này trong tiếng Anh, “nutmeg”, vẫn còn để lại nhiều tranh cãi. Trong cuốn sách Over The Moon (Băng qua mặt trăng) của Alex Leith, ông đã giải thích được nguồn gốc của từ đó. Leith cho rằng từ “nut” trong “nutmeg” xuất phát từ tiếng lóng cho “tinh hoàn”, và “nutmeg” là một biến thể của danh từ này. Cũng có nhiều người cho rằng “meg” là từ vần với từ “leg” – “cái chân” trong thứ tiếng lóng vần Cockney (Cockney rhyming slang).
Một giả thuyết khác cho rằng “Nutmeg” là một thứ gia vị hiếm, giống như tính chất đầy thi vị của những pha bóng đó vậy. Chẳng giả thuyết nào có được bằng chứng thuyết phục cả, chính vì thế, nó càng khiến cho xâu kim trở thành một thứ bí ẩn của bóng đá.
Trong các ngôn ngữ khác, từ đường hầm (tunnel) được sử dụng một cách dễ hiểu hơn. Trong tiếng TBN, tiếng mẹ đẻ của Riquelme, họ sử dụng từ “cano”. Từ này có nghĩa là ống hay đường ống, một dạng khác của từ đường hầm, thường gắn liền với nước. với ý niệm rằng nước là một thứ có thể chảy ở bất cứ đâu nó muốn, cuốn phăng mọi thứ cản đường, giống với cái cách Riquelme xâu kim Yepes vậy.
Các mánh khóe luôn là thứ tạo nên phong vị cho bóng đá Nam Mỹ. Khác với lối đá "cần cù bù ranh mãnh" của người Anh. Bóng đá Nam Mỹ thường nhắm vào việc "chiến thắng bằng mọi giá". Hãy lấy Luis Suarez làm một ví dụ. Tiền đạo người Uruguay không bao giờ ngại ăn thua đủ, cắn hay thậm chí là ăn vạ trước các đối thủ. Nhiều người đã lên án lối chơi này của anh trong quá khứ, nhưng không thể phủ nhận rằng, lối đá này của anh cực kỳ hiệu quả.
Trong một trận bóng, nhất là ở Nam Mỹ, có rất nhiều khoảnh khắc khiến khán giả phải đứng bật dậy như một đợt sóng. Những pha cứu thua xuất sắc trên chấm phạt đền cũng như những pha tắc bóng rợn người chính là những điều làm nên bản sắc. Tình huống bóng của Riquelme trước Yepes vào tháng 5 năm 2000 chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng ngàn những pha bóng mà NHM vùng Nam Mỹ vẫn thường được chứng kiến hàng tuần trên các sân cỏ của xứ sở của máu lửa và mê say này. Tuy vậy, nó vẫn được nhớ đến và nhắc đi nhắc lại trên khắp đất nước Argentina, một phần vì nó diễn ra trong một trận đấu cực kỳ kinh điển của bóng đá Argentina: trận Superclasico.
Đây chẳng phải lần đầu tiên cũng chẳng là lần cuối Riquelme khiến đối thủ xấu hổ, nhưng với tính chất căng thẳng khi đụng phải một đội bóng như River Plate, pha bóng đó của huyền thoại số 10 vẫn được coi là cú xỏ háng “đỉnh” nhất mọi thời đại.
Nhưng đúng với bản tính hiền hòa và tôn trọng đối thủ, Riquelme vẫn giành lời ca ngợi đối thủ Yepes: "Trong một trận đấu kinh điển và bị xâu kim như thế này, chắc chắn các cầu thủ khác đã phá bóng hoặc cáu gắt lắm. Tuy vậy anh ấy theo tôi tới tận góc sân mà chẳng làm gì ác ý. Việc này đối với tôi còn “đàn ông” hơn cả việc xâu kim ai đó như tôi vẫn hay thực hiện." Những lời từ tận đáy lòng đó của Riquelme cũng cho thấy rằng trong bóng đá cổ điển, ngoài những mánh lới ra, vẫn có chỗ cho những luật lệ bất thành văn mà Yepes cũng như Riquelme tuân thủ.
Riquelme là như thế, một con người với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Một gã du mục, lang thang đi khắp thế gian tự do tự tại. Một con người ngang tàng, nhưng cũng là một người trượng nghĩa. Trên hết, Riquelme là một nghệ sĩ sân cỏ đích thực. Một tờ báo ở Argentina thậm chí đã đùa rằng, Chúa nên xem xét hủy bỏ môn bóng đá vào cái ngày Riquelme giải nghệ. Số 10 cổ điển cuối cùng đã ra đi, khiến cho tất cả những gì đẹp nhất về một “Ảo thuật gia lười biếng” trở thành quá vãng.
_____________
Biên tập: Kinh Luân.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 1/2/2019 với title: “JUAN ROMÁN RIQUELME, MARIO YEPES AND THE GREATEST NUTMEG EVER.”