Nếu bạn đã quen thuộc với hai tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ Mark Twain (“Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, và “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”, xuất bản năm 1985), thì đây chính là phần còn thiếu của hai tác phẩm ấy.
Bản dịch tiếng Việt "James" của Percival Everett vừa được phát hành bởi Rainbow Books
Bản dịch tiếng Việt "James" của Percival Everett vừa được phát hành bởi Rainbow Books
“James” của tác giả Percival Everett, xuất bản năm 2024 là một tác phẩm văn học viết lại - kể lại (retelling book - thể loại này là một xu hướng mới trong ngành xuất bản gần đây). Ông đã tái hiện tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”. Tuy nhiên, thay vì trong tác phẩm gốc, Huckleberry Finn là nhân vật trung tâm thì trong “James”, nhân vật chính lại là người nô lệ da đen tên Jim (Jim chính là James trong tác phẩm “James” của Everett). Cùng với sự thay thế nhân vật trung tâm là sự thay đổi góc nhìn và các chủ đề trọng tâm mà cuốn sách nói tới. Everett không triển khai tác phẩm theo hướng đưa người đọc vào các cuộc phiêu lưu, đối mặt với những thử thách, gặp gỡ những con người kỳ lạ và những câu chuyện kỳ lạ, tạo ra sự gay cấn, thú vị và hấp dẫn người đọc. “James” là một hành trình đầy cảm xúc của người nô lệ tên James khi anh chạy trốn để sống sót, để tìm kiếm tự do, và để tìm cách bảo vệ, giải phóng cho gia đình của mình. “James” đã đem tới một cái nhìn độc đáo và không ít dũng cảm của chính tác giả về một phương diện khác của người da đen lúc bấy giờ.
Đề tài người nô lệ da đen không hề mới. Và hình ảnh quen thuộc thường thấy sẽ là những người ít học, thô lỗ, hoặc xấu xí, hoặc tốt bụng lương thiện… và điểm chung đều là nạn nhân của những bất công về chủng tộc. Jim (James) trong tác phẩm của Mark Twain là anh chàng ngu dốt (ở khía cạnh không biết đọc, biết viết, không có tri thức), hay phịa ra những câu chuyện bịa đặt về phù thủy, cướp biển, cũng dễ bị lừa… tuy nhiên lại khá lanh lợi khôn ngoan, giàu tình yêu thương và lòng tốt.
Có thể không, nếu bên ngoài là vậy mà thực ra không phải vậy. Everett đặt ra một giả định, rằng tất cả những ngờ nghệch, không hiểu biết ấy chỉ là một sự giả vờ, một chiếc mặt nạ mà một số người da đen cấp tiến cố tình tỏ ra như vậy, diễn như vậy để người da trắng tin rằng người da đen là như vậy, và chỉ như vậy, những người da đen mới được an toàn trong cộng đồng và an toàn âm thầm làm điều mà họ đang âm thầm làm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người da trắng biết một tên nô lệ đọc sách của Voltaire, Montesquieu… và “biết ý nghĩa của cạnh huyền”?
Phía sau một anh da đen luôn giả vờ ngu dốt, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ của người nô lệ, lại là một người không những biết nói thứ tiếng văn minh của người da trắng mà còn biết đọc, biết viết, thậm chí là đọc những cuốn sách về triết học, tư tưởng cấp tiến. James không những đọc mà còn có thể “đối thoại” (trong nội tâm) với chính tác giả. Không ít lần trong cơn mê sảng lúc đứng ở lằn ranh của sự sống và cái chết, anh đã đối thoại thậm chí phản biện lại các tác giả của những cuốn sách mà anh đã lén lút đọc trong thư viện của ngài thẩm phán Thatcher.
Nhờ đọc trộm sách anh đã có kiến thức, hiểu biết, hình thành nên cách suy nghĩ và chính kiến riêng, và dần trở thành người văn minh, cấp tiến. Anh đã ý thức được bản sắc của mình, hiểu được những điều liên quan đến quyền con người. Anh là người có uy tín trong cộng đồng sắc tộc của mình.
Khi phải đối mặt với nguy cơ trực tiếp về quyền sống, anh đã chọn cách bỏ trốn, không phải bỏ trốn vì hèn nhát, mà để tìm cách có được tự do, để tìm cách quay về giải cứu vợ con và những người thân của anh. Từ khi bắt đầu cho tới những dòng cuối cùng của sách luôn là những giây phút đấu tranh đến nghẹt thở để giành giật quyền sống. Trong những tình huống cực kỳ cam go mà ở đó mạng của một người nô lệ da đen bị rẻ rúng tới nỗi họ có thể bị treo cổ hoặc đánh cho tới chết chỉ vì một cây bút chì, một cuốn sách, thậm chí chẳng vì lí do gì ngoài việc làm phật ý ông chủ.
Cuốn sách được viết lại từ tác phẩm gốc “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”, xuất bản năm 1885 và bối cảnh là miền Nam nước Mỹ, sau nội chiến. Mặc dù cái kết, với nhiều người khá đột ngột. Nhưng có lẽ chỉ từng đó là đủ - James và những người thân yêu của anh sẽ được tự do. Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ (1863) do Tổng thống Abraham Lincoln ban hành, đánh dấu bước đầu tiên trong việc giải phóng nô lệ ở Mỹ. Tiếp theo là Tu chính án thứ 13 (1865) chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ. Ngày 10/5/1994, Nelson Mandela trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi sau cuộc bầu cử dân chủ đa sắc tộc đầu tiên trong lịch sử đất nước. Mandela là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do và bình đẳng cho người da đen trên toàn thế giới. Để có được thực tế lịch sử đó, tất yếu phải có những cá nhân như James, những con người ý thức được bản sắc của mình, ý thức được quyền con người, và khát vọng cháy bỏng để đấu tranh giành lấy tự do ấy. Góc nhìn và giả định của Everett về một dòng chảy khác, mạnh mẽ, cấp tiến và kiên cường trong cộng đồng da đen hoàn toàn lợp lẽ và đầy táo bạo.
img_0
“James” đã đưa bạn đọc trải qua một hành trình nghẹt thở, nhưng cũng đầy những khoảnh khắc nhân văn tươi đẹp, đầy cảm xúc, với ý chí và nghị lực, với sự chân thành và lòng tốt. Trên tất thảy là sức mạnh của niềm tin và hi vọng.
Như những gì bạn đọc thế giới đã ghi nhận: JAMES là một tác phẩm đầy tham vọng, là cuộc trò chuyện giữa Everett và Mark Twain. Nó được định sẵn sẽ trở thành một tác phẩm lớn và sẽ là nền tảng của văn học Mỹ thế kỷ 21.
Sơn Lam
img_1