J. L. Borges - “Xổ số Babylon”
Như mọi người ở Babylon, tôi đã được là quan thống đốc; cũng như mọi người, tôi đã chịu thân nô lệ. Tôi đã biết tới toàn năng, ô nhục,...
Như mọi người ở Babylon, tôi đã được là quan thống đốc; cũng như mọi người, tôi đã chịu thân nô lệ. Tôi đã biết tới toàn năng, ô nhục, tù đày. Hãy nhìn đây - bàn tay phải của tôi thiếu mất ngón trỏ. Hãy nhìn đây - qua vết rạch ở áo choàng có thể thấy trên bụng tôi hình xăm màu đỏ thắm - chữ cái thứ hai, Beth. Vào đêm trăng tròn, chữ cái này cho tôi quyền năng trên những ai mang chữ Gimel, nhưng bắt tôi phục dịch những kẻ mang chữ Aleph; những kẻ này, vào đêm không trăng, lại tuân lệnh những kẻ mang chữ Gimel. Dưới ánh bình minh chập choạng, trong ngục tối, đứng trước bệ thờ, tôi đã cắt cổ bò thiêng. Có lần, trong suốt cả mùa trăng, tôi đã được tuyên bố là người vô hình - khi tôi hét lên không ai nghe tiếng tôi cả, tôi ăn cắp bánh mỳ mà không bị đem ra chặt đầu. Tôi đã biết thứ mà người Hy Lạp không biết: sự bất định. Trong căn phòng màu đồng, đứng trước thừng treo cổ lặng câm, niềm hy vọng đã không bỏ tôi; dưới suối hoan lạc, cơn hoảng hốt đã trung thành với tôi. Heraclides Ponticus đã ghi lại đầy ngưỡng mộ rằng Pythagoras nhớ mình đã từng là Pyrrhus, và trước đó là Euphorbus, và trước đó, một người nữa; để hồi tưởng những xoay vần đó tôi không cần đến cái chết, không cần cả lường gạt.
Những sự đa dạng quái gở ấy có được là nhờ một thiết chế - trò Xổ số - mà ở nơi khác không hề hay biết, hoặc có hợp tác nhưng lỏng lẻo hay một cách ngấm ngầm. Tôi chưa hề nghiên cứu kỹ lịch sử trò Xổ số. Tôi chỉ biết những tay pháp sư tranh cãi mải miết mà không thể đồng tình. Những mục đích cao cả của nó tôi chỉ biết như một kẻ mù tịt môn thiên văn biết về Mặt trăng. Vương quốc của tôi làm người ta bối rối, nơi mà trò Xổ số là một yếu tố quan trọng của thực tại; tới tận ngày hôm nay, tôi đã ít bận tâm tới nó như tới cách vận hành của những vị thần khó hiểu hay nhịp đập của trái tim tôi. Giờ đây, khi đã xa khỏi Babylon và những phong tục yêu dấu, tôi có chút hoang mang về trò Xổ số, về những giả thuyết báng bổ mà những kẻ trùm kín mặt thì thầm trong ánh sáng nhập nhoạng của bình minh hay ban chiều.
Cha tôi từng kể rằng rất lâu về trước - nhiều năm, hay nhiều thế kỷ? - trò xổ số ở Babylon là thú vui của người bình dân. Ông kể lại (cho dù tôi không rõ điều ấy là đúng hay sai) rằng những tay thợ cạo sẽ lấy của người chơi một đồng xu và trả lại cho anh ta những miếng hình vuông làm từ xương hay da khô, trên đó có khắc các biểu tượng. Rồi giữa thanh thiên bạch nhật, người ta sẽ mở một màn rút thăm; những kẻ được số phận mỉm cười, không cần minh chứng ngẫu nhiên gì, sẽ được trao những đồng đúc bằng bạc. Quy trình này, quý vị thấy đấy, vẫn còn thô sơ.
Dĩ nhiên những trò “sổ xố” kiểu này rồi cũng lụn bại. Chúng không mang lại giá trị đạo đức gì. Chúng không kích thích trí tuệ con người mà chỉ đánh vào niềm mong mỏi của anh ta. Sự thờ ơ của dân chúng khiến những nhà buôn tổ chức trò sổ xố ăn tiền này dần thua lỗ. Có kẻ bèn thử một chiêu mới: đưa vào danh sách con số may mắn một vài lá xui xẻo. Trò chơi được cải tiến nghĩa là những kẻ mua các miếng vuông giờ có cả may lẫn rủi: anh ta có thể thắng một khoản tiền hay bị bắt phải nộp phạt - đôi khi một khoản phạt đáng kể. Lẽ dĩ nhiên vận rủi nho nhỏ đó (cứ ba mươi lá “đẹp” thì có một lá gở) làm cho dân chúng thích thú. Người Babylon kéo hàng đàn đến đánh cược. Người nào không tham gia thì bị coi là hà tiện hèn nhát, một kẻ không có thú phiêu lưu. Qua thời gian sự khinh bỉ ra mặt này tìm thêm đối tượng mới: không chỉ với những ai đứng ngoài cuộc, mà với cả những kẻ thua cuộc và phải nộp phạt. Công ty (cái tên bắt đầu được biết đến) phải bảo vệ lợi ích của người chiến thắng, mà người đó sẽ không được phần thưởng khi tất cả tiền phạt chưa được bỏ vào hũ. Họ đệ đơn kiện những kẻ thua: quan lớn buộc bọn chúng phải trả khoản phạt ban đầu, thêm phí xét xử, nếu không sẽ bị tống giam vài ngày. Tất cả đều chọn tù giam để làm khó Công ty. Khởi đầu từ thách thức của một nhóm người mà sự toàn năng của Công ty - một thứ quyền lực tầm cỡ giáo hội, gần như siêu hình - dần được dựng nên.
Một thời gian sau, bản thông báo rút thăm không còn ghi danh sách nộp phạt mà chỉ ghi số ngày tống giam với từng lá xui xẻo. Giải pháp tiện lợi ấy, dù không ai để tâm đến, lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng: Đó là sự xuất hiện lần đầu của yếu tố phi tiền tệ trong trò sổ xố. Và nó đã gặp thành công vang dội - quả thực, những người chơi thuyết phục Công ty tăng thêm số lá thăm xui xẻo.
Ai cũng biết người dân Babylon là những kẻ tôn thờ logic và quy luật cân xứng. Sẽ là thiếu nhất quán nếu như lá may mắn được thưởng đồng bạc còn lá xui xẻo được đếm bằng bao nhiêu ngày đêm trong tù. Một vài đạo đức gia lập luận rằng việc có tiền không phải luôn đem lại hạnh phúc, và có những kiểu hạnh phúc khác có lẽ sẽ trực tiếp hơn.
Dân chúng ở đẳng cấp thấp lại phàn nàn một điều khác. Giới tăng lữ lao vào đánh cược điên cuồng, và được hưởng mọi thăng trầm của kinh hãi và hy vọng; dân nghèo, ghen ghét một cách chính đáng, hay không còn cách nào khác, thấy mình bị gạt ra ngoài vòng quay đầy say mê, thậm chí khoái lạc ấy. Với mong ước công bằng và có lý cho mọi đàn ông đàn bà, giàu hay nghèo đều được tham dự trò xổ số như nhau, người ta đã biểu tình ầm ĩ, đến nỗi qua thời gian ký ức về niềm căm phẫn này vẫn chưa phai nhạt. Những kẻ cứng đầu không hiểu (hay giả vờ không hiểu) rằng đây là trật tự thế giới mới, một giai đoạn tất yếu của lịch sử...
Một tên nô lệ ăn trộm tấm vé màu đỏ; màn rút thăm kết luận rằng kẻ sở hữu tấm vé sẽ bị cắt lưỡi. Luật pháp cũng quyết định hình phạt y hệt cho tội ăn cắp vé số. Vài người Babylon bảo rằng tên nô lệ phải chịu thanh thép nung vì tội trộm cắp; những kẻ khác, cao thượng hơn, bảo rằng đao phủ phải dùng thanh thép nung vì số phận đã an bài...
Bạo động xảy ra, có những vụ đổ máu đáng tiếc, nhưng dân chúng Babylon đã chiến thắng giới khá giả và áp đặt được ý chí của mình. Những mục tiêu cao cả của bọn chúng được đem ra thực hiện. Thứ nhất, Công ty sẽ nắm mọi công quyền. (Việc sáp nhập này là cần thiết bởi các hoạt động mới có quy mô lớn và phức tạp hơn.) Thứ hai, trò Xổ số sẽ diễn ra bí mật, được tổ chức miễn phí, và áp dụng cho mọi tầng lớp. Việc bán vé số lấy tiền được gỡ bỏ; một khi được nhập môn những nghi thức huyền bí của thần Baal, mọi công dân tự do sẽ mặc nhiên tham gia vào màn rút thăm thiêng liêng diễn ra ở mê cung của thần cứ sáu mươi ngày một lần và sẽ quyết định số phận của từng người cho tới lần rút thăm tiếp theo. Hậu quả không thể tính được. Một lá may mắn có thể nâng một người lên hàng pháp sư hay tống ngục những kẻ thù của anh ta (công khai hay bí mật), hay cho anh ta nhìn thấy, trong ánh sáng dịu của căn phòng, một người đàn bà sẽ vấn vương vào cuộc đời anh ta hay tưởng như sẽ không quay về; một lá xui xẻo: chặt bỏ bộ phận, sỉ nhục theo nhiều cách, kể cả cái chết. Đôi khi một sự kiện duy nhất - C bị sát hại trong quán rượu, B được tôn sùng một cách bí hiểm - là kết quả nảy ra từ ba mươi hay bốn mươi lần rút thăm. Rất khó để gộp các màn cược với nhau, nhưng ta phải nhớ rằng những kẻ làm cho Công ty là toàn năng, và rất thông minh. Nhiều khi việc biết chắc một phen may mắn chỉ là kết quả ngẫu nhiên sẽ làm giảm hiệu lực của sự kiện ấy; để chặn trước khả năng đó, những tay chân của Công ty phải dùng đến ám thị và ma thuật. Con đường mà họ đi, mưu đồ họ dệt nên, luôn là bí ẩn. Để thâm nhập vào những hy vọng thầm kín và nỗi sợ sâu thẳm nhất của con người, họ kêu gọi các nhà chiêm tinh và những tên gián điệp. Sư tử đá, hố xí ở đền thiêng có tên Qaphqa, kẽ nứt trong một máng nước phủ bụi - người ta tin rằng đó là những nơi dùng để liên lạc với Công ty, và những kẻ cầu may hay cầu rủi sẽ đặt vào đó thông tin tuyệt mật. Các bản báo cáo nửa tín nửa ngờ ấy được xếp vào một tập tài liệu theo alphabet.
Lạ thay, vẫn có những lời xì xào. Với sự thận trọng thường thấy, Công ty không phản hồi ngay; thay vào đó, họ đặt ở một phế tích lời biện giải của mình - một cuộn giấy viết nguệch ngoạc hiện được truyền trong Sách thánh. Bản viết bảo rằng, theo giáo lý, trò Xổ số là cách để tự ý đưa may rủi vào trật tự vũ trụ, và cũng nhận xét rằng chấp nhận sai sót là tăng thêm may rủi chứ không mâu thuẫn với nó. Bản viết cũng lưu ý rằng Công ty có quyền tham khảo thông tin đặt ở tượng đá, những bệ ngồi ở đền thiêng; nhưng không đứng ra đảm bảo chính thức.
Lời tuyên bố này làm dịu lo lắng trong dân chúng. Nhưng nó cũng dẫn đến những hậu quả mà có lẽ người viết không tính đến. Nó đã biến đổi sâu sắc cả tinh thần và cách vận hành của Công ty. Tôi chỉ còn ít thời gian; chúng tôi được nhắc rằng con thuyền sắp ra khơi - nhưng tôi sẽ cố giải thích.
Điều này có vẻ lạ thường, nhưng chưa một ai, cho đến tận lúc ấy, đã từng thử nghiên cứu một lý thuyết đánh cược tổng quát. Người Babylon không hay biện luận; họ tuân phục những mệnh lệnh của may rủi, họ quy phục nó bằng cả cuộc đời, bằng hi vọng và nỗi kinh hoàng không tên, nhưng lại chưa một lần đi sâu vào những quy luật rối rắm của nó hay soi xét quả cầu thủy tinh bày ra kết quả của nó. Dù sao, lời tuyên bố không chính thức mà tôi vừa nhắc tới đã gây cảm hứng cho nhiều cuộc tranh biện về luật pháp và toán học. Từ đó xuất hiện một phỏng đoán: Nếu trò Xổ số là sự tăng cường may rủi, là cách để truyền sự hỗn loạn vào vũ trụ theo chu kỳ, thì phải chăng sẽ đúng hơn nếu may rủi phải tham gia vào mọi mặt của trò sổ xố, chứ không chỉ trong kết quả rút thăm? Có lẽ là nực cười nếu như may rủi ra lệnh cho một kẻ phải chết, trong khi hoàn cảnh của cái chết - riêng tư hay công cộng, vào thời hạn một giờ hay một thế kỷ - lại không đặt dưới sự ngẫu nhiên? Những phản đối hoàn toàn hợp lý đó thúc đẩy một loạt cải tiến; độ phức tạp của hệ thống mới (càng rắc rối hơn vì nó đã vận hành nhiều thế kỷ nay) chỉ có một nhúm các chuyên gia hiểu được, nhưng tôi sẽ cố tóm tắt một cách tượng trưng.
Chúng ta hãy tưởng tượng màn rút thăm đầu tiên buộc một người tội chết. Theo lệnh đó, một màn rút thăm nữa diễn ra; màn thứ hai này cho ra, giả dụ, chín tên đao phủ. Trong chín số đó, bốn người sẽ lập một màn rút thăm thứ ba để xác định tên của đao phủ, hai người sẽ hoán đổi lá rủi bằng lá may (ví dụ như tìm được kho báu), một người khác sẽ quyết định cho tăng nặng màn xử tử (làm nhục, hay tra tấn), và những người còn lại sẽ đơn giản là từ chối hành hình...
Đó là mô hình tượng trưng của trò Xổ số. Trên thực tế,
số màn rút thăm là vô hạn. Không có quyết định nào là cuối cùng; tất cả đều rẽ nhánh sang những lối khác. Kẻ ngu độn quả quyết rằng số màn rút thăm vô hạn đòi hỏi thời gian phải vô tận; thật ra chỉ cần thời gian có thể chia nhỏ đến vô cùng, như ngụ ngôn nổi tiếng về Achilles chạy đua với rùa. Sự vô tận ấy hòa quyện một cách đáng ngưỡng mộ với con số ngoằn ngoèo của May rủi và với Hình mẫu Thiên đàng của trò Xổ số được tôn sùng bởi môn đệ Plato...
Tiếng vang méo mó của phong tục chúng tôi dường như đã vọng đến Tiber: Trong cuốn Cuộc đời Antoninus Heliogabalus, Aelius Lampridus đã kể rằng hoàng đế viết trên vỏ sò số phận mà ông ta định ra cho khách trên bàn ăn - có kẻ sẽ nhận mười lạng vàng; kẻ khác, mười con ruồi, mười con chuột sóc, mười con gấu. Hãy nhớ Heliogabalus lớn lên ở Tiểu Á, được nuôi dạy bởi những pháp sư của vị thần mang tên ông.
Có cả những màn rút thăm không dành cho con người, mục đích của chúng không ai rõ. Một vé số ra lệnh cho viên ngọc sa-phia từ Taprobana được ném xuống dòng nước Euphrates; với vé số khác, một chú chim được thả từ đỉnh tòa tháp nào đó; một vé số khác nữa, cứ một trăm năm một hạt cát sẽ được thêm vào (hay lấy ra) từ hằng hà sa số hạt cát ở một bãi biển. Đôi khi, hậu quả có thể rất khủng khiếp.
Dưới sức ảnh hưởng rộng lớn của Công ty, sự may rủi đã thấm đẫm vào tục lệ của chúng tôi. Một người mua một chục chiếc vò đựng rượu Damascene sẽ không ngạc nhiên nếu một chiếc có chứa lá bùa, hay rắn hổ mang; người viết giao kèo không lần nào không phạm lỗi; bản thân tôi, trong lời thổ lộ vội vàng này, đã xuyên tạc hay thêu dệt nên điều gì đó huy hoàng, tàn ác - hay phải chăng, điều gì đó đơn điệu...
Các sử gia của chúng tôi, những kẻ sáng trí nhất mặt đất này, đã bày ra một phương pháp sửa lại may rủi; phương pháp này nổi tiếng với những kết quả (nhìn chung) đáng tin tưởng - cho dù, lẽ dĩ nhiên, chúng không bao giờ được tiết lộ mà không có biện pháp đánh lừa. Bên cạnh đó, không có gì bị thêu dệt nhiều hơn lịch sử của chính Công ty...
Một văn bản cổ tự, được khám phá ở một đền thờ nào đó, có thể là kết quả của màn rút thăm ngày hôm qua hay từ hàng thế kỷ trước. Không cuốn sách nào được xuất bản mà không có mâu thuẫn giữa các phiên bản với nhau. Các thợ viết đã bí mật tuyên thệ sẽ bỏ sót, thêm thắt, tạo ra dị bản. Những sai sót gián tiếp cũng được thực hiện.
Công ty, với sự khiêm nhường cao cả, luôn tránh khỏi công chúng. Những tay chân của họ, tất nhiên, cũng bí mật; những mệnh lệnh họ liên tục (hay liên tiếp) truyền đi cũng không khác gì những mệnh lệnh lan truyền khắp nơi bởi những kẻ mạo danh. Hơn nữa, kẻ nào lại vỗ ngực tự xưng là mạo danh? Người say xỉn phun ra một yêu cầu kỳ quặc, người đàn ông đang ngủ bỗng thức dậy và quay sang bóp cổ người đàn bà cạnh mình tới chết - liệu họ có đang thực hiện một chỉ thị bí ẩn nào đó của Công ty? Sự vận hành im lìm đó, như cách của Chúa, gieo rắc vào đầu người ta đủ mọi giả thuyết. Một kẻ lỗ mãng bảo rằng Công ty đã ngừng tồn tại từ hàng trăm năm, và sự hỗn loạn thiêng liêng của đời sống chúng ta chỉ là kế thừa, là truyền thống để lại; một kẻ khác tin rằng Công ty là vĩnh cửu, và rao giảng rằng họ sẽ tồn tại tới ngày cuối, khi vị thần cuối cùng xóa sạch mặt đất này. Nhưng lại có kẻ nữa tuyên bố rằng Công ty là toàn năng, nhưng chỉ tác động đến những điều nhỏ nhặt: tiếng chim hót, ánh màu của bụi và gỉ sét, giấc mơ chập chờn nửa đêm về sáng. Một giả thuyết khác, vang lên từ môi mép của bọn tà đạo trùm kín mặt, bảo rằng Công ty chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ tồn tại. Một kẻ khác, nham hiểm không kém, lập luận rằng không khác biệt gì nếu người ra khẳng định hay chối bỏ sự tồn tại của tập đoàn bí hiểm đó, vì Babylon chỉ là một trò chơi may rủi vô tận.
- - -
The Lottery in Babylon là một truyện ngắn của nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges, ra mắt năm 1941 trong tạp chí văn học Sur và sau này xuất hiện trong tuyển tập The Garden of Forking Paths, phần đầu của tập truyện nổi tiếng Ficciones (1944). Truyện ngắn đặt bối cảnh ở vương quốc Babylon giả tưởng, nơi mọi hoạt động đều được quản lý bởi một trò xổ số toàn năng, ẩn dụ cho vai trò của tính ngẫu nhiên trong cuộc sống. Trong các tác phẩm khác như Thư viện Babel, Borges cũng đặt ra các câu hỏi siêu hình về ý nghĩa cuộc sống và khả năng tồn tại của các thế lực lớn hơn, cũng như hình dung nghịch lý về một vũ trụ nằm dưới bàn tay của thần linh tốt lành và sáng suốt nhưng dường như vô nghĩa.
Trong truyện ngắn Borges có nhắc tới tiền bối Franz Kafka dưới tên "Qaphqa", tên của địa điểm nơi gián điệp của Công ty gửi tin mật.
- - -
Dịch: abresolute
Đọc thêm: Nhà của Asterion
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất