Năm 2021 là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại văn hòa Fyodor Dostoevsky (11/11/1821-2021) và 140 năm ngày ông lìa cõi thế (09/02/1881-2021). Trong 60 năm cuộc đời, ông đã mất 9 tháng ngồi tù, 4 năm bị lưu đày, 5 năm phục vụ trong quân đội; chính thời gian đầy gian khổ này đã hun đúc nên một thiên tài văn chương thế giới mà trước đó, nhà phê bình nổi tiếng của Nga lúc bấy giờ, Vissarion Belinsky đã phải thốt lên: “Một Gogol mới đã xuất hiện”. Kể từ năm 1860, sau khi trải qua quãng đời kia, Dostoevsky bắt đầu bước vào thời đại hoàng kim trong sự nghiệp sáng tác của mình. Chính trong 21 năm cuối đời này, ông đã để lại cho thế giới năm kiệt tác văn chương: Bút ký dưới hầm (1864), Tội ác và Trừng phạt (1865), Kẻ khờ (1867), Lũ người quỷ ám (1871-1872), và Anh em nhà Karamazov (1880).
Là một người say mê F. Dostoevsky từ thời học đại học, và để kỷ niệm 200-140 năm ngày sinh-mất của ông, tôi mạo muội hệ thống lại một số ghi chép vụn vặt của mình thành những bài viết ngắn. 
Với tôi, F. Dostoevsky không chỉ là một nhà văn, mà còn là một nhà tâm lý, một triết gia, một thần học gia đã mổ xẻ thành công hiện trạng xã hội Nga và con người Nga lúc bấy giờ. Điều ông viết còn vượt ra khỏi lãnh thổ nước Nga, vươn đến từng ngóc ngách hành tinh này: điều ông viết không chỉ là một chiếc gương phản chiếu lại, nhưng là một lời tiên báo về xã hội và về chính con người trong nhiều năm sau đó.

IVAN KARAMAZOV: LỐI VỀ CỦA SỰ DỮ

Mạnh T. Nam
Ai là người đã trực tiếp xuống tay sát hại lão già Fyodor Pavlovich Karamazov trong tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” của F. Dostoevsky? Tiểu thuyết đã trả lời: Hung thủ của vụ giết cha gây chấn động này chính là Pavel Smerdyakov; nhưng “Smerdyakov chỉ là kẻ thực thi việc giết cha. Ivan Karamazov mới là đầu não”[1]. Chính Ivan đã đề ra, đã củng cố cả một hệ thống các lý lẽ để nhìn nhận rằng người ta được phép giết người; và Smerdyakov chỉ là kẻ thực thi lý thuyết của Ivan. Như thế, nếu Smerdyakov là nhân vật ghê tởm nhất, thì ta không cần phải xếp hạng Ivan vào cái nhất, nhì, ba; vì hắn đứng riêng ở một nơi, ẩn mình sau cái nhất, nhì, ba và thao túng tất cả. Nếu Smerdyakov là hiện thân của hành động đưa đến sự dữ, thì Ivan là hiện thân của lý luận dẫn đến sự dữ.
Con đường của lý luận dẫn đến sự dữ được Dostoevsky khắc họa nơi Ivan Karamazov với ba chặng: 1/ Mọi sự đều được phép; 2/ Ước muốn không có tính luân lý; 3/ Chủ động tham dự mới có trách nhiệm luân lý.

Chặng 1: Mọi sự đều được phép?

Trong cuộc gặp gỡ giữa Rakitin và Dmitri Karamazov, Dmitri đã hỏi các nhân đức đến từ đâu nếu không phải đến từ Chúa; Rakitin trả lời, đối với một “người thông minh” thì tất cả đều được phép và anh ấy “có thể làm được tất”, miễn là anh phải liệu sao đừng để bị tóm.
Ivan Karamazov còn nắm bắt được vấn đề này sâu sắc hơn cả Rakitin. Là một sinh viên ngành khoa học tự nhiên, anh hiểu được luật tự nhiên là thứ luật không có giá trị luân lý. Một quy luật tự nhiên chẳng liên hệ gì đến việc có đạo đức hay không. Theo Miusov, một người họ hàng của mẹ Dmitri Karamazov, Ivan đã nói, vì không có một thứ luật tự nhiên nào khiến con người phải chăm lo cho nhau, nên việc họ có chăm lo cho nhau hay không chỉ là bởi họ tin vào cái gì đó vượt trên những luật lệ này, chẳng hạn như sự bất tử. Nếu niềm tin đó bị tiệt trừ, Ivan kết luận, thì “mọi sinh lực để tiếp tục cuộc sống trần thế sẽ cạn kiệt”[2]. Điều đó cũng có nghĩa, sự tốt lành chỉ là ảo mộng, và “khi ấy không còn cái gì là vô đạo đức, mọi việc đều được phép làm, ngay cả án giết người”[3]. Lời tranh biện nổi tiếng này thường được diễn giải thành “Nếu không có Chúa, mọi chuyện đều được phép”.
Lối lập luận của Ivan là lối lập luận nước đôi, không nghiêng về bên nào cả. Nhưng chính trong lập luận ấy, cha Zosima đã nhận thấy xác tín thực sự của Ivan, chỉ là Ivan không thừa nhận. Zosima nói, Ivan hoặc có phúc khi tin rằng mọi thứ đều được phép, hoặc là người rất bất hạnh; vì anh “không tin linh hồn là bất diệt, mà cũng không tin những gì anh viết về giáo hội và vấn đề giáo hội”[4], anh chỉ tin vào luật tự nhiên. Nhưng “ý nghĩ ấy vẫn chưa nhất quyết trong tâm tư anh, vì vậy anh bị giày vò. […] Ở anh vấn đề đó chưa được giải quyết, và đấy là nỗi đau xót lớn của anh, vì nó khẩn thiết đòi phải được giải quyết”[5].
Mọi sự đều được phép thực ra là một diễn ngôn cho sự tự do tuyệt đối. Liệu người ta có được sự tự làm việc mà mình muốn không? Trong Anh em nhà Karamazov, Dostoevsky xem xét vấn đề này ở điểm căn cốt nhất: Nếu mọi thứ đều được phép, nếu ta được tự do làm mọi việc, thì liệu ta có được dùng vũ lực để đối đãi nhau không? Ta có thể trả lời, người ta chỉ nên dùng vũ lực trong một chừng mực cần thiết nào đó, nghĩa là, giết hại người khác chẳng qua chỉ là trong tình thế bất khả kháng (chẳng hạn như chiến tranh vệ quốc, hay tự vệ). Và khi ta phủ nhận luôn cả chừng mực này và nhìn nhận mọi sự đều được phép, “tự do của con người sẽ chuyển thành nô dịch chính bản thân mình”[6]. Khi ấy, con người sẽ tự tung tự tác, tự khẳng định mình và “sẽ đi đến những cưỡng bức bạo lực vĩ đại nhất”[7]. Để sinh tồn cách tốt đẹp, họ có thể làm mọi thứ, kể cả giết người dưới nhiều hình thức khác nhau (sát nhi, giết cha, ăn thịt người, giết người để làm thí nghiệm khoa học, lợi dụng con người vì mục tiêu chính trị, v.v.). Với Dostoevsky, tự do như thế “ắt phải đi đến phủ định không những Thượng Đế, không những thế gian và con người, mà còn phủ định ngay cả chính tự do nữa”[8].
The Brothers Karamazov – Tranh minh họa của William Sharp
The Brothers Karamazov – Tranh minh họa của William Sharp

Chặng 2: Ước muốn không có tính luân lý?

Lần kia, nhầm tưởng rằng Grushenka đang ghé thăm cha mình, Dmitri đã xộc vào nhà và tấn công Fyodor Pavlovich. Khi nói chuyện này với Alyosha, Ivan lạnh lùng buông lời: “Rắn nuốt rắn”[9]. Quá hoảng sợ, Alyosha hỏi: “Chẳng lẽ mỗi người có quyền phán xét người khác để quyết định kẻ nào đáng sống, kẻ nào không đáng sống ư?” Ivan đã trả lời. Trước hết, “vấn đề này thường được giải quyết trong trái tim của người ta, hoàn toàn không dựa trên cơ sở đáng hay không đáng, mà vì những nguyên nhân khác tự nhiên hơn nhiều”[10]. Ivan đang muốn ám chỉ luật tự nhiên, vốn không liên hệ đến phán đoán luân lý. Tiếp theo, Ivan giả sử cái tốt và cái xấu thực sự hiện hữu, và phán đoán luân lý giữ vai trò quan trọng, thì những phán đoán như thế chỉ được áp dụng cho hành động, chứ không cho các ước muốn: “Còn về quyền thì ai không có quyền mong muốn?”[11] Từ việc nhìn nhận mọi thứ đều được phép, Ivan lý luận, cái được phép nhất trong mọi hoàn cảnh đó chính là ước muốn, và do đó, ước muốn không có chuyện đúng-sai.
Alyosha, một đan sĩ Chính Thống giáo, biết rõ, Bài giảng trên núi[12] xác định phạm vi phán đoán luân lý áp dụng cả cho hành động lẫn ước muốn. Nếu bạn ham muốn người khác, bạn đã phạm tội ngoại tình từ trong lòng[13]; và giận dữ, xem là ước muốn giết người, tự nó là tội, ngay cả khi nó không nghiêm trọng như hành vi giết người thực sự[14].
Dmitri Karamazov không hề giết cha nhưng “anh ta đã từng nói: ‘Một con người như thế thì sống làm gì?’. Bằng câu nói ấy anh ta đã thực hiện việc giết cha trong chiều sâu tinh thần của mình”[15].
Ivan Karamazov tuy không trực tiếp giết cha nhưng đã mở đường và dẫn lối để Smerdyakov thực hiện tội ác ấy: “Trong những ý nghĩ thầm kín của mình, trong lĩnh vực tiềm thức, anh ta mong muốn cái chết cho cha mình […]. Anh ta mê hoặc Smerdyakov, nâng đỡ ý chí tội ác của hắn, củng cố ý chí ấy”[16].
Mọi sự dữ đều bước ra từ những ước muốn. Môi trường xã hội chỉ là cái phụ họa mà thôi. Vào một khoảnh khắc bất kỳ, có thể có hơn một sự việc sẽ xảy ra. Mỗi khoảnh khắc đều ẩn chứa một nhóm các khả năng, một số có thể xảy ra hơn, một số lại ít hơn. Chính ước muốn định hình nhóm các khả năng ấy và sẽ chọn lựa khả năng nào. Trong một môi trường đầy hận thù, sự dữ có khả năng xảy ra hơn, ngay cả khi không một ai chủ tâm phạm phải. Ước muốn của chúng ta dẫn đường cho sự dữ khi định hình được nhóm các khả năng để sự dữ xảy đến.
Cha Zosima giải thích, hầu hết sự dữ xảy đến là do hầu hết chúng ta muốn như thế. Ta không muốn hành động nhưng rất muốn chính hoàn cảnh sinh ra từ hành động ấy. Như thế, trong ước muốn, chúng ta dễ có khuynh hướng “đồng lõa” gây ra sự dữ. Vì vậy, theo Zosima, “mỗi người thực sự có lỗi với tất cả mọi người khác về mọi sự”[17]. Với mỗi một sự dữ xảy ra trên thế giới này, chỉ một số người có trách nhiệm trực tiếp nhưng mọi người đều có trách nhiệm liên đới.
Ngoài chuyện ta ước muốn hoàn cảnh như vừa đề cập, ta còn muốn không màng đến thứ sẽ khiến chúng ta hành động. Bất cứ khi nào tâm trí ta nhận được thông tin mà ta không muốn biết, ta sẽ lập tức hướng sự chú ý đến chỗ khác. Theo đó, chính ước muốn ấy sẽ tạo ra một chứng cứ ngoại phạm hoàn hảo nhưng giả tạo.

Chặng 3: Chủ động tham dự mới có trách nhiệm luân lý?

Sự lập lờ nước đôi và thái độ đứng ngoài cuộc vốn là bản tính trước giờ của Ivan Karamazov. Trong các bài viết của mình, anh đã nhận lấy bút danh là “người quan sát”, là người đứng nhìn nhưng không tham dự vào. Anh tránh để mình nghiêng về bất kỳ quan điểm nào. Bất kể anh có ý muốn nói gì, anh đều cho người ta thấy rằng mình thiếu nghiêm túc, do đó, không ai biết được thực sự anh đứng về phía nào. Ngay cả các bài viết của anh dường như đã được viết bằng một thứ ngôn ngữ mà rất ít người, nếu không nói là không có ai, có thể thực sự hiểu được. Một số bài viết cho thấy anh đang đứng về phía này của vấn đề, số khác lại cho thấy anh đang đứng ở phía kia.
Pavel Smerdyakov trong lần gặp mặt thứ ba với Ivan Karamazov – Tranh minh họa của Fritz Eichenberg
Pavel Smerdyakov trong lần gặp mặt thứ ba với Ivan Karamazov – Tranh minh họa của Fritz Eichenberg
Trong vụ giết hại Fyodor Pavlovich cũng vậy. Khi khuyên Ivan rời thị trấn để đi việc cho cha mình, Smerdyakov đã đưa đủ thông tin để Ivan có thể đoán ra rằng khi anh rời đi, hoặc Dmitri sẽ giết lão già, hoặc Smerdyakov sẽ giết ông ấy và đổ tội cho Dmitri. Nếu Ivan rời đi theo gợi ý của Smerdyakov thì rõ ràng Ivan thuận theo kế hoạch ấy. Ngày hôm sau khi Ivan rời khỏi thị trấn, anh đã nói rằng: “Đúng tôi là thằng đểu cáng!”[18]; nhưng một lần nữa, anh lại không hỏi vì sao.
Khi Ivan trở về, Fyodor Pavlovich đã bị giết, và anh đã thấy có gì đó đáng nghi trong lời buộc tội Dmitri và yêu cầu Smerdyakov giải thích cuộc trò chuyện “mơ hồ” trước đó giữa họ. Smerdyakov đã giải thích, nhưng lại theo một hướng khác, để che đậy một phần sự thật; và điều tương tự đã xảy ra trong cuộc gặp mặt thứ hai. Cứ mỗi lần như thế, Ivan ngày càng cảm thấy choáng váng với tội ác không thể dung thứ ấy. Trong cuộc gặp mặt thứ ba, Smerdyakov cuối cùng cũng nói Ivan chính là “kẻ sát nhân đích thực”: “Cho nên, ngay tối hôm nay, tôi muốn chứng minh thẳng vào mặt cậu rằng ở đây cậu là kẻ sát nhân chính, duy nhất, còn tôi không phải là kẻ sát nhân chính, tuy rằng chính tôi giết. Cậu mới chính là kẻ sát nhân đích thực!”[19].
Như vậy, chủ động đứng ngoài cuộc, nhìn bề ngoài, thực sự là một bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo. Nhưng khi ta đã biết đến một âm mưu, nhưng ta lại chọn không làm gì, chọn lánh mặt đi; tuy không trực tiếp thực hiện điều dữ nhưng lại “nối giáo cho giặc”. Những lập luận chỉ chứng Ivan được Dostoevsky đặt song song với việc Ivan vô tình vô tình gặp một gã nông dân say rượu chắc chắn sẽ chết cóng trước khi trời sáng. Luôn là “người quan sát” không dính dáng gì cả, Ivan tránh qua một bên mà đi. Nếu gã nông dân ấy chết, thì là do gã chết vì lạnh; Ivan không gây ra cái chết của gã; nhưng trong khả năng của mình, đáng ra Ivan có thể giúp gã tránh được tai họa ấy, nhưng anh đã không làm, đã chủ động đứng ngoài cuộc – một bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo.
Sau khi Smerdyakov chứng minh được sự đồng lõa của Ivan trong vụ mưu sát, Ivan quay trở lại và cứu gã nông dân kia. Lúc ấy anh đã nhận ra được sự sai lầm trong quan điểm của mình. Trong trường hợp này, không chỉ việc chủ động tham dự, mà cả việc chủ động không tham dự vào cũng có trách nhiệm luân lý. Quan điểm chủ động đứng ngoài cuộc quan sát đã khiến anh không thể nhận ra được sự dính líu của mình trong âm mưu giết cha.

Lời kết

Cách Smerdyakov chỉ chứng Ivan là kẻ giết người thực sự ấn tượng làm sao. Hắn đưa ra ba lý lẽ chính[20]. Trước hết, hắn khởi đi từ lý lẽ của chính Ivan – “Mọi sự đều được phép” – và cho biết sự việc mưu sát diễn ra “hết sực tự nhiên, theo đúng lời của chính cậu”. Thứ đến, chính Ivan đã mong muốn cho cha anh chết – tuy ban đầu Ivan còn chối bỏ, nhưng sau đó đã cay đắng nhìn nhận: “Có lẽ quả thật tao ngấm ngầm mong… bố chết đi”. Cuối cùng, chính Ivan đã “lẳng lặng ưng thuận” để Smerdyakov thực hiện âm mưu của mình, bằng việc chọn rời khỏi thị trấn: “Nếu cậu ở lại thì sẽ chẳng xảy ra gì hết, tôi thừa biết rằng cậu chẳng muốn điều đó. […] Còn nếu cậu đi, thì tức là cậu làm tôi tin chắc rằng cậu sẽ không dám đưa tôi ra tòa và sẽ bỏ qua cho tôi ba ngàn ấy”. Trong đó, lý lẽ đầu là quan trọng nhất, vì đó là nền tảng cho mọi chọn lựa của Ivan. Như vậy, kẻ tuyên bố “mọi sự đều được phép” mới là kẻ sát nhân thực sự, là kẻ thao túng vụ mưu sát, là kẻ “vẽ đường cho hươu chạy”.
Mọi thứ đều được phép, ước muốn không có giá trị luân lý, và chỉ những người chủ động tham dự mới có trách nhiệm luân lý là ba chặng trên nẻo đường sự dữ đi vào thế gian này. Và Anh em nhà Karamazov đã chứng minh được sự sai lầm trong cả ba học thuyết ấy.
[1] “Lời giới thiệu” của dịch giả Phạm Mạnh Hùng trong dịch phẩm Anh em nhà Karamazov do Nxb. Văn học ấn hành năm 1988.
[2] Quyển II, Chương 6.
[3] Quyển II, Chương 6.
[4] Quyển II, Chương 6.
[5] Quyển II, Chương 6.
[6] N. Berdyaev, Thế giới quan của Dostoevsky, Nguyễn Văn Trọng dịch và chú giải, Nxb. Tri thức, 2017, tr. 122.
[7] N. Berdyaev, Sđd, tr. 133.
[8] N. Berdyaev, Sđd, tr. 132.
[9] Quyển III, Chương 9.
[10] Quyển III, Chương 9.
[11] Quyển III, Chương 9.
[12] Bài giảng trên núi (the Sermon on the Mount) là một loạt các giáo huấn của Đức Giêsu dành cho các môn đệ và đám đông dân chúng, được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu (5,1-7,28).
[13] Trong Kitô giáo, “ham muốn” ở đây được hiểu là ham muốn nhục dục. Nếu bạn đã có gia đình mà ham muốn người khác (không phải vợ/chồng mình), thì bạn đã ngoại tình. Bạn cũng phạm tội ngoại tình nếu ham muốn người đã có gia đình. Nếu bạn độc thân và có ham muốn nhục dục với người độc thân khác, bạn phạm tội mê dâm dục.
[14] Giận dữ có hai thái cực. Giận dự tích cực là sự bất bình trước điều xấu, điều bất công, và không phải là tội. Trái lại, giận dữ tiêu cực sinh ra từ đố kỵ; giận dữ này dễ dẫn đến nói xấu, vu khống, gièm pha, v.v.. Theo Kitô giáo, hành động nói xấu đó cũng được xem là hành động giết người (ảnh hưởng đến nhân phẩm); do đó, giận dữ tiêu cực được hiểu là ước muốn giết người.
[15] N. Berdyaev, Sđd, tr. 167-168.
[16] N. Berdyaev, Sđd, tr. 167.
[17] Quyển VI, Chương 2.
[18] Quyển III, Chương 11.
[19] Quyển XI, Chương 8.
[20] Quyển XI, Chương 8.
Bài từng được đăng trên FOX