It's a wonderful life (1946) và lòng biết ơn cuộc sống
Giáng sinh vừa qua, một năm nữa lại sắp đến và giữa cơn bão lòng vì cảm thấy một năm đã trôi qua vô nghĩa, mình đã chọn xem lại bộ...
Giáng sinh vừa qua, một năm nữa lại sắp đến và giữa cơn bão lòng vì cảm thấy một năm đã trôi qua vô nghĩa, mình đã chọn xem lại bộ phim It’s a wonderful life (1946) với mong muốn kéo tâm trạng ủ dột lên khỏi chứng rối loạn lo âu. Và đúng vậy, dù nghe hơi sáo rỗng, nhưng mình đã học được nhiều điều từ bộ phim này. Mình đã khóc, đã cười, đã đồng cảm với nhân vật chính George Bailey trên con đường đi tìm hạnh phúc vô cùng gập ghềnh của anh. Và giữa hàng ngàn tin nhắn công việc tới tấp, những deadline, những đêm mất ngủ vì stress, mình đã học cách thỏa thuận với bản thân để tìm ra những niềm vui, dù chỉ là nhỏ nhoi của mình. Dưới đây là một vài điều mình đúc kết ra từ bộ phim này:
1. ‘Nothing ever goes as planned’ hay hãy làm quen với những ngã rẽ
George Bailey là một người khi sinh ra đã mang trong mình những lý tưởng, hoài bão to lớn. Anh đã tự vẽ ra bản đồ của cuộc đời mình. Rằng anh sẽ làm một thuyền trưởng ngoài khơi xa, vùng vẫy với những con sóng và chèo lái cuộc đời mình.
Thế nhưng cuộc đời không bao giờ xoay vần như ta dự tính. Hàng loạt các biến cố ập đến khiến George phải đột ngột xóa đi bản vẽ cuộc đời trong đầu anh. Cha mất, anh phải gồng gánh cả sự nghiệp của gia đình và để em trai có cơ hội thực hiện được ước mơ của cậu.
Thay vì trở thành một thuyền trưởng, anh phải làm quen với tiền, những con số, chiến đấu lại những đối thủ cạnh tranh đáng gờm và những cơn khủng hoảng tài chính. Anh chìm mình trong những công việc mình không yêu thích hay hứng thú, nhưng vì trách nhiệm của một người con, anh đã phải hy sinh và chôn vùi những giấc mơ của mình.
Cuộc sống luôn như vậy, luôn biến chuyển theo hướng ta chẳng thể lường được. Đôi khi ta không thể làm chủ được những gì xảy đến với mình, nhưng ta luôn có thể làm chủ được thái độ và hành động với những biến cố ấy. Mỗi bước đi, mỗi ngã rẽ, đều là cơ hội để chúng ta khám phá ra những khả năng không ngờ tới của chính bản thân mình.
Nói về những ngã rẽ, mình lại nhớ đến nhân vật Forrest Gump, anh sống chẳng vì một mục đích cao cả nào, tất cả những gì anh làm là chạy trên những cung đường mà mình muốn, như một linh hồn tự do, phóng khoáng, hồn nhiên, luôn yêu, lao động và cống hiến hết mình. Anh sống như những gì mà Bob Dylan đã hát:
How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
Bao nhiêu chặng đường ta phải bước đi,
để khi nằm xuống ta làm người thật sự ?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Bao nhiêu đại đương cánh bồ câu phải sải ,
để đến một ngày ngủ trên cát bình yên ?
Yes, and how many times must the cannonballs fly
Before they're forever banned?
Và bao nhiêu, bao nhiêu làn đạn phải bay...
để rồi chúng sẽ im trong nòng súng ?
The answer, my friend, is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind
Câu trả lời, bạn của tôi ơi
Nó đang dần cuốn theo cơn gió
Câu trả lời....gió đã thổi bay đi..
Những chuyến hành trình của cuộc sống đều đầy ắp những bất ngờ. Cách mà chúng ta đối mặt với nó đó là phải thích ứng, phải can đảm, phải hết mình và hãy cứ trôi theo như những chiếc lá bay trong cơn gió. George Bailey,và cả Forrest Gump đều đã sống trọn vẹn với những gì mà cuộc đời mang đến.
2. Sợi dây liên kết vô hình nhưng vững chắc giữa con người và gia đình, xã hội
George luôn nghĩ bản thân là gánh nặng của gia đình, rằng anh là một kẻ thất bại. Anh tức giận và căm phẫn với giấc mơ đã ngủ yên của chính mình, anh giận rằng mình không thể che chở đùm bọc cho vợ và các con, không thể bảo vệ được cho cơ nghiệp của người cha đã mất, George đã mong ước rằng mình chưa từng được sinh ra. Khi sự nghiệp của George đâm vào bước đường cùng và anh đã nghĩ đến cái chết, và khi thiên thần Clarence lời ước mong chưa từng được sinh ra của anh được thực hiện, cũng là khi George nhận ra vị trí quan trọng của cuộc đời mình trên thế giới.
Khi George không được sinh ra, em trai Harry của anh đã mất vì đã không được anh cứu khi ngã xuống sông băng. Ông chủ của anh hóa điên khi mắc tội sát nhân khi anh không ngăn cản ông kịp, khu dân cư Bailey Park sẽ không xuất hiện, thay vào đó là Pottersville – khu dân cư mà đối thủ làm ăn của anh dựng nên, vợ anh sẽ trở thành một bà cô không chồng do cô không thể yêu ai khác, và căn nhà cũ kỹ mà gia đình anh vẫn đang chung sống đầm ấm giờ chỉ còn là một căn nhà hoang đổ nát. Chứng kiến những cảnh tượng đó, George đã sợ hãi và cầu xin Clarence cho anh được lấy lại cuộc sống vốn đầy rẫy chông gai nhưng quý giá đó.
Clarence đã nói rằng: Thật kỳ lạ, phải không nào? Một cuộc đời có thể chạm tới biết bao cuộc đời khác. Và khi họ biến mất, thế giới sẽ trống đi mất một phần. Đó cũng là lúc George nhận ra cuộc sống thật quý giá biết nhường nào. Anh ôm chầm lấy những người thân yêu của mình, anh âu yếm và xin lỗi những đứa con vì đã lỡ mắng chúng trước đó, anh hôn cả chiếc tay nắm cầu thang đã rời ra vì cũ kỹ. Anh nâng niu và trân trọng những thứ không hoàn hảo mà anh đã từng muốn vứt bỏ.
Mỗi người đều vật lộn với những cuộc chiến của chính mình, thế nhưng sẽ luôn có những điều nhỏ bé, những thứ không hoàn hảo mà chúng ta muốn giữ gìn. Bởi mỗi người đều có một sợi dây vô hình kết nối với những cuộc đời khác. Mỗi chúng ta, nếu so về kích thước vật lý thì chỉ bé như những hạt bụi trong vô vàn vì tinh tú. Thế nhưng sức ảnh hưởng của mỗi con người lên cuộc sống đều rất to lớn. Giống như hiệu ứng cánh bướm, khi mà một cánh bướm đập có thể gây ra một cơn bão ở bán cầu bên kia, mỗi một hành động nhỏ của một con người đều có thể mang đến những ảnh hưởng nhất định cho cuộc sống.
3. Một hạt giống lòng tốt sẽ trồng nên những cánh rừng rậm rạp nhân hậu
George Bailey không giàu, nhưng anh là một con người giàu lòng nhân hậu. Anh có thể sẵn sàng hy sinh tính mạng của bản thân để cứu em trai bị ngã xuống sông băng, cứu ông chủ khi ông gửi nhầm thuốc chữa bệnh thành thuốc độc, anh sẵn sàng hy sinh ước mơ của mình để vực lại cơ ngơi gia đình, thậm chí dành toàn bộ số tiền đi trăng mật của mình để giải quyết khủng hoảng tài chính cho khách hàng. George luôn luôn cho đi và cho đi, dù anh cũng phải sống trong cảnh khó khăn bần hàn, nhưng chưa khi nào George ngừng cho đi. Cũng vì thế, hạt giống lòng tốt của anh đã nảy nở đâm chồi và làm nên những cánh rừng rậm rạp của tình người.
Khi gặp biến cố, những người đã được anh cứu giúp, nâng đỡ, đều quay lại chung tay để cho anh một bờ vai.Tưởng chừng như những món nợ đã đánh dấu chấm hết cho cuộc đời anh, nhưng những người bạn, những khách hàng, những người hàng xóm yêu quý của anh đều sẵn sàng cứu anh thoát khỏi những vũng lầy, và ôm ấp anh bằng tình yêu thương và đưa anh trở lại với cuộc sống.
Một lần nữa, thiên thần Clarence lại gửi cho anh một thông điệp: Anh bạn, hãy nhớ rằng, không ai là một sự thất bại khi họ có những người bạn. Trên hành trình cuộc đời anh, bằng lòng nhân hậu và cống hiến hết mình, anh đã mua được những thứ còn quý hơn cả tiền – những người bạn, những người sẵn sàng giúp đỡ anh khi gặp giông bão. Đó là món quà Giáng Sinh tuyệt vời nhất của George khi anh nhận ra giá trị của cuộc sống và tình yêu thương luôn hiện hữu trong cuộc sống vốn không hoàn hảo của mình.
Lời kết
It’s a wonderful life (1946) mang đến những thông điệp không mới, nhưng chúng ta vẫn thường hay quên lấy chúng, trong cuộc sống vốn bủa vây bộn bề. Thông điệp về tình yêu thương, về lòng tốt, về sự biết ơn đến những gì mình có được gửi gắm qua bộ phim là một cái ôm ấm áp vào mùa Giáng sinh và năm mới, khi rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang chiến đấu với bao khó khăn thường nhật. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu, các cuộc nội chiến, xung đột chính trị,….vẫn là những vấn đề nhức nhối hàng ngày. Thế nhưng nếu ta dừng lại một lúc, thở chậm lại, cho bản thân thời gian, chúng ta vẫn có thể tìm ra những thứ mình thấy biết ơn, dù vô cùng nhỏ bé.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất