I. Tổng quan

It's a Wonderful Life là một bộ phim điện ảnh Mỹ được sản xuất vào năm 1946 (1 năm sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc), chuyển thể từ truyện ngắn "Món quà tuyệt vời nhất" của Philip Van Doren. Đây là phim được bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì "tính văn hóa, lịch sử và tín hiệu thẩm mỹ" và đứng thứ 11 trong top 100 phim vĩ đại nhất mọi thời đại (6/1998).

II. Nội dung chính

Phim có cách mở đầu khá mới lạ với cuộc đối thoại giữa chúa và thiên thần hạng hai Clarence Odbody. Chúa giao nhiệm vụ cho Clarence là phải cứu mạng một người đàn ông tên George Bailey - người có ý định tự tử trong đêm giáng sinh - đổi lại chúa sẽ ban tặng cho Clarence đôi cánh. Từ đó bộ phim hé lộ về số phận của nhân vật chính George Bailey do James Stewart thủ vai. George là một người đàn ông bình thường đến chẳng thể bình thường hơn, thậm chí điều bất bình thường duy nhất ở George đó là anh bị hư tai trái. Cũng như bao thanh niên Mỹ thời đó hay chính những thanh niên bây giờ, anh ước mơ được đi thật xa và làm những điều vĩ đại
 "Tôi sẽ rũ bỏ đất của thị trấn Bedford Falls già cỗi này khỏi ống quần tôi. Tôi sẽ đi khắp thế giới, xây dựng những tòa nhà chọc trời, những chiếc cầu dài 100m, những phi trường rộng ,... 
Nhưng ước mơ vĩnh viễn là mơ ước, những yếu tố khách quan đã mãi mãi níu chân chàng trai trẻ nơi dải đất này, anh không thể đi châu Âu vì đám tang của ba, không thể đi học đại học vì phải tiếp quản ngân hàng của gia đình, rồi anh lấy vợ và sinh con, cột chặt bản thân mình vào thị trấn Bedford Falls, thậm chí anh không thể ra trận và lập nên chiến tích gì vì bị hư tai trái. Anh đau khổ với chính cuộc đời của mình, với những ước mơ còn dang dở. Dường như George luôn sống vì người khác thay vì chính bản thân. Anh luôn đấu tranh với lão Potter và giúp người dân thị trấn thoát khỏi khu ổ chuột nhưng chính anh lại chẳng lấy gì làm dư giả với một người vợ và bốn đứa con. Bi kịch đến với George khi người chú của anh để quên 8000 đô của ngân hàng trong một tờ báo, và rủi thay số tiền ấy lọt vào tay lão Potter. Mất tiền, đối mặt với nguy cơ vào tù, anh đến cầu xin, vay mượn lão Potter - người giàu nhất thị trấn và bị từ chối thẳng thừng, cay nghiệt. Tuyệt vọng, anh cầu chúa và sau đó nhận ngay một cú đấm trời giáng. Tưởng đó là lời đáp của chúa cho nỗi đau khổ của mình, George đi tự tử. Anh định nhảy xuống sông thì thiên thần Clarence quyết định cứu anh bằng việc nhảy xuống trước. George cứu Clarence nhưng dường như khát vọng muốn chết của George vẫn còn mãnh liệt. Vô tình câu nói của George
"Nếu không có tôi mọi người sẽ sống tốt hơn nhiều, vợ tôi, con tôi và cả bạn bè tôi."
Đã làm Clarence nảy ra một ý tưởng, hãy để anh chàng này sống trong một thế giới không có anh ta thử xem, một thế giới mà George Bailey chưa từng tồn tại. Lúc đầu, George không tin, anh không tin mình đã gặp được thiên thần và xem Clarence là kẻ mất trí cho đến khi những thay đổi choáng lấy anh. Xung quanh anh là vũ trường và nhà thổ. Những căn nhà tươi đẹp anh xây nên đã hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là một đống căn nhà ổ chuột của lão Potter. Bạn thân - người được anh xây cho căn nhà mơ ước đã chẳng còn nhớ anh là ai, thay vào đó là một người đàn ông bị vợ bỏ sống trong khu ổ chuột. Ông dược sĩ Gower đã trở thành ăn xin sau mấy chục năm ở tù do kê sai thuốc. Em trai anh đã chết vì không được anh cứu mạng. Chú anh bị điên sau sự phá sản của ngân hàng. Mẹ anh sống cô độc không con. Vợ anh trở thành một cô thủ thư luống tuổi chưa chồng,... Đúng như lời Clarence nói
"Cuộc sống của mỗi con người chạm đến cuộc sống của rất nhiều người khác. Nếu anh không xuất hiện trên đời thì sẽ để lại một lỗ hổng lớn không bao giờ bù đắp được..." 
George nhận ra cuộc đời mình đáng quý nhường nào và ước mơ được quay trở lại. Đúng như lời nguyện, anh quay trở lại cuộc đời mình hằng căm ghét và một niềm hớn hở khác thường. Và phép màu đêm giáng sinh xuất hiện, tất cả người trong thị trấn khi nghe vợ anh kể về khó khăn hiện tại của George đều đến quyên góp với tất cả tiền bạc mà họ có và họ cùng nhau vui vẻ hát vang bài Old Lang Syne đón mừng giáng sinh.

III. Cảm nhận cá nhân

Cái hay của bộ phim là khiến nó rất dễ đồng cảm. George là một nhân vật điển hình. Bạn có thể nhìn thấy anh ở bất kì đâu trên thế giới này, ở ba bạn, ông bạn, mẹ bạn hay chính bản thân bạn. Một người phi thường nhưng nhỏ bé. Một người đã từ bỏ những ước mơ thời trẻ của mình để vun vén hạnh phúc cho người khác. Đáng lẽ George có thể là một kiến trúc sư vĩ đại, một nhà thám hiểm, một người thật giàu có và thành công nhưng cuộc đời đã cho George được nhớ tới với những vai trò khác, một người chồng tốt, một người cha tốt, người anh vị tha và một người con tuyệt vời. Anh có những mối quan hệ không thể đong đếm được bằng tiền và cuộc đời anh đã có ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời khác. Anh đã cứu ông Gower khỏi 20 năm tù khi ông kê sai thuốc. Cứu em trai mình thoát chết dưới lớp băng tan. Hi sinh hạnh phúc bản thân vì hạnh phúc của em mình. Anh tuy không trở thành một kiến trúc sư vĩ đại xây được những tòa nhà cao nhất, nhưng đã giúp hàng chục con người ở quê nhà có cuộc sống tốt hơn. Không đi được đâu xa nhưng đã giúp em mình đi được rất xa và trở thành một người lính đáng ngưỡng vọng. Cuộc đời của George giống với mấy câu thơ sau trong bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm
Họ đã sống và chết đi
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên Đất Nước
Ai dám nói cuộc đời như thế không vĩ đại. Cái vĩ đại đâu nằm ở điều chi to tát. Một cuộc đời vĩ đại khi nó làm cho những cuộc đời khác tuyệt vời hơn. Và cuộc đời của George, tuy nhìn có vẻ nhỏ nhoi, nhưng mất đi rồi thì sẽ thành một lỗ hổng không tài nào bù đắp được. Đó là thông điệp mà "It's a wonderful life" đã và đang truyền tải qua bao thế hệ và nó sẽ không bao giờ cũ.

IV. Thành công hay thất bại

Phải nói "It's a wonderful life" chẳng mấy thành công về mặt doanh thu. Nó chỉ thu được một nửa so với số tiền bỏ ra và tuy được đề cử tới 5 giải Oscar nhưng nó lại ra về tay trắng. Đây là một điều bất ngờ vì lúc đó cả đạo diễn Frank Capra và nam chính James Stewart đều là những cái tên chói sáng trong kinh đô Hollywood với những thành công liên tiếp. Phải đến mấy mươi năm sau, phim mới giành được sự công nhận mà nó đáng được hưởng. It’s A Wonderful Life được bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì “tính văn hóa, lịch sử và tín hiệu thẩm mỹ”, được Viện điện ảnh Mỹ xếp vào vị trí số 11 trong Top 100 phim vĩ đại nhất mọi thời đại vào tháng 6/1998. Năm 2003, It’s A Wonderful Life được Radio Times bình chọn là Phim Giáng sinh hay nhất mọi thời đại và Bộ phim có nụ hôn kiểu Giáng sinh đẹp nhất. Năm 2006, tác phẩm này đứng đầu danh sách những bộ phim truyền cảm hứng do Viện điện ảnh Mỹ bình chọn. Tuy nhiên những người làm ra bộ phim lại chẳng được hưởng một tí gì cho những thành công đó vì hiện nay phim đã thất lạc bản quyền.