Xứ tuyết” là một cuốn sách nhỏ gọn nhưng lại hàm ẩn trong đó nhiều giá trị. Dọc theo mạch truyện, người ta không bắt gặp một tình huống kịch tính nào - điều có thể khiến ta cảm thấy nhàm chán. Nhưng không, người đọc đã bị hấp dẫn để rồi chú tâm tới các chi tiết dù là nhỏ lẻ trong không gian Kawabata.

(Ảnh Internet)

          Sự ẩn tàng của những chuẩn mực văn hóa
         Kawabata đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn về những thiên kiến ăn sâu vào xã hội Nhật Bản thông qua hệ thống nhân vật trong tác phẩm. Như chi tiết Shimamura lén nhìn thoáng bóng hình Yoko phản chiếu qua tấm kính ô cửa sổ xe lửa thay vì trực diện ngắm nhìn cô gái rồi lại vội vàng nhìn xuống, tôi cảm nhận được sự kiểm soát cảm xúc mạnh mẽ trong lòng anh ta. Dường như việc nhìn trực diện vào người lạ là một điều tối kị trong xã hội của họ.
      Những nhân vật của Kawabata không phải những cái loa phát thanh nói cho ta nghe về ý nghĩa của họ trong tác phẩm. Và hành động của họ dường như lạc hẳn so với ngôn từ trong lời nói. Sự lạ lùng ấy biểu lộ sinh động thông qua mối quan hệ của Komako và Shimamura. Dọc suốt các trang truyện, Komako dường như chỉ xuất hiện, đến và đi, trong phòng của Shimamura với vai trò của một “geisha”, rằng miễn sao có thể làm vui lòng những người khách trọ như Shimamura. Rõ ràng cô nói với Shimamura rằng cô đang tham gia buổi tiệc nhưng cô lại xuất hiện ở phòng anh ta và kể về chuyện chẳng mấy liên quan mình thích rượu sake đến mức nào, rồi cả chuyện cô phải quay lại làm việc,… Có quá nhiều điều ẩn tàng trong sự giản đơn của bế mặt câu chữ giống như mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của các nhân vật. Có vẻ như Komako đang cố gắng để Shimamura nhớ về mình, nhưng cô ấy lại dời đi chưa đủ lâu để Shimamura có thể nhớ đến cô.
          Mâu thuẫn trong đối thoại
Kawabata cũng tạo ra sự mâu thuẫn trong chính lời thoại của các nhân vật như Komako và Shimamura. Trong những lời thoại đầu tiên, Shimamura không bao giờ trực tiếp hỏi Komako về cuộc sống của người kĩ nữ mà chỉ gọi họ là các “geisha”. Có lẽ Komako đã hiểu được ý nghĩa hàm ẩn đằng sau cách gọi “geisha” đó, để rồi cô phản ứng lại một cách mạnh mẽ khi bản thân cô đang làm công việc ấy. Komako như đang mâu thuẫn với chính mình, để rồi dẫn đến những màn kịch tuyệt vọng: khi Komako cố gắng thúc ép Shimamura quay trở về Tokyo, cũng là lúc cô cố gắng níu giữ anh ở lại với Xứ Tuyết này thêm đôi chút:
        “  - Hãy quay về Tokyo đi!
           -  Thực tế là anh cũng đã nghĩ đến việc trở về vào ngày mai.
           -  Không! Sao anh lại quay về? – Komako ngước lên, giật mình như bị đánh thức khỏi giấc ngủ.”
          Chỉ với ba câu thoại, Kawabata đã có thể thể hiện những đối cực đang cùng hiện diện trong tâm trí Komako, như trò hề mà Komako trình diễn với Shimamura, còn Shimamura thì dường như đang lờ đi điều đó, hoặc cố gắng ngăn mình không mắc vào vòng lưới của Komako. Cuộc đối thoại ấy không chỉ định hình nhân vật mà còn minh họa cho sự tác động qua lại mạnh mẽ giữa họ. Sự tương tác ấy xác lập mối quan hệ giữa hai con người dọc trong cả cuốn tiểu thuyết, đến nỗi thật buồn vì tôi cũng khó mà xác định rằng Komako đang thực sự thao túng Shimamura hay cô ấy đang chìm trong sự mâu thuẫn của những khát khao trong chính lòng mình.
 Bóng hình không gian
       Lưng chừng dốc trên lùm cỏ cao và đám bụi rậm, là một bụi tre lùn rậm rạp mà cành tỏa ra mọi phía. Gần ngay cửa sổ, có một vuông vườn với những luống khoai lang, củ cải, khoai tây vươn thẳng. Mảnh vườn thật bình thường lại rực rỡ ánh ban mai khiến Shimamura được hưởng lần đầu tiên thứ màu xanh tươi tắn lạ, như được đánh bóng lên trong buổi sáng mát lành."
  Kawabata đã tạo lập một bầu khí quyển dày đặc trong tiểu thuyết của mình và bản thân không gian ấy cũng chất chứa những tư tưởng sâu kín. Như trong đoạn Shimamura giã từ Komako và Xứ Tuyết, cảnh sắc hiện lên trong ngòi bút như dẫn Shimamura về một thế giới khác, tối tăm hơn và đậm sắc hơn: “Tàu chạy xuống một thung lũng, Ở đây, những khoảng tối hơi nhuốm màu hoàng hôn đã ngập đầy những vực thẳm xen giữa các ngọn núi cao chồng đống lên nhau. Sườn núi phía bên này vẫn còn chưa có dấu vết của tuyết.” Tôi đã từng bày tỏ rằng tôi trân trọng biết bao những lời văn viết về cảnh sắc ấy. Giữa một không gian tĩnh lặng của ngôn từ, sự tinh tế của cảnh vật trong ngòi bút Kawabata như họa lên những đường nét sắc sảo và phức tạp cho một câu chuyện tưởng chừng đơn sắc.
[...]
Hải Yến dịch.
Bài viết được dịch từ
 https://islamcketta.com/kawabatas-quiet-contradiction/