Is my Selfie for myself?
Nguồn ảnh: Vănguard Năm 2013, từ vựng ‘selfie’ chính thức được “cấp đất” trên từ điển Oxford. Việc một từ tiếng lóng được giới hàn...

Năm 2013, từ vựng ‘selfie’ chính thức được “cấp đất” trên từ điển Oxford. Việc một từ tiếng lóng được giới hàn lâm xem xét nghiêm túc là tín hiệu cho thấy ngay cả những thứ hôm nay bị cho là trào lưu nhất thời ngày mai vẫn có thể nhiễm nhiên được xem như một hiện tượng có tính bền vững của thời đại.
Bản thân hành vi selfie cũng mang trong nó sứ mệnh normalisation, bình thường hóa những thứ đang bị cho là bất thường và dị biệt, thông qua việc sử dụng những nền tảng, phương tiện được công chúng chấp nhận để phóng chiếu ra những tồn tại mới mẻ, độc đáo, và duy nhất.
Selfie là kế thừa và mở rộng.
Kế thừa ở chỗ bản thân người selfie phải tiếp thu quan niệm của cộng đồng về đẹp và xấu, chấp nhận được và không chấp nhận được. Bức ảnh được lựa chọn phải có góc mặt và biểu cảm thế nào, ánh sáng và màu sắc ra sao để không gây sốc, không gây phản cảm, không bị report… và tạo được một sự kết nối nhất định với người xem ảnh.
Mở rộng ở chỗ thông qua selfie, người ta phóng chiếu ra một hình ảnh, một khoảnh khắc, một câu chuyện, một khía cạnh nhân dạng mà họ yêu thích. Nó thể hiện khao khát được thể hiện mình, được là duy nhất. Nó phải đủ riêng biệt, cá tính, độc đáo để mình cảm thấy hài lòng với sự mới mẻ, ưu trội của bản thân.
Selfie vừa là “đồng hóa” vừa là “dị hóa”, vừa bộc lộ cái khao khát được là một cái “tôi” riêng biệt duy nhất, vừa mong muốn cái “tôi” ấy được đại chúng chấp nhận và cảm mến.
Selfie như một công cụ chính trị giới
Để dễ dàng hơn cho việc truyền đạt, hãy giả định rằng tồn tại một vùng đất nọ nơi các quan niệm thẩm mỹ cơ thể tranh nhau giành sức ảnh hưởng và giành quyền thống trị xuyên suốt chiều dài lịch sử con người. Ở đó, người ta thấy dấu tích thịnh suy của từng đế chế, tộc người hay tôn giáo trên những hàm răng đen vì nhuộm, cái áo nịt thắt eo con kiến và những bàn chân phụ nữ bị bó đến biến dạng, không đi được.
Người ta thấy chưa bao giờ cái đẹp không nhuốm màu chính trị, chưa bao giờ nó không bị quyền lực lũng đoạn. Và ngày nay cũng vậy. Những cơn bão văn hóa từ Đông Á, từ Mỹ, từ phương Bắc lướt qua và làm biến dạng những gì thuần túy nhất về thẩm mỹ cơ thể (trong khi người ta vẫn còn tin vào một thứ vẻ đẹp nào đó Thuần Việt – tôi không!).
Chưa có một biên niên sử nào được ghi lại, chưa có bất kì một khảo cứu nào soi sáng vùng đất nhiều lớp bồi tích của định kiến và tranh đấu ấy (hoặc có nhưng tôi chưa có may mắn được chạm đến).
Và ngày nay, xem cơ thể và hồ sơ trên mạng xã hội như phương tiện để trình diễn nhân dạng, ta cứ tưởng cách nghĩ của ta về đẹp - xấu đã là ổn, nhưng không hề. Chúng ta vẫn đang là nô lệ của những gì là normativity, của những hào nhoáng đương thời.
Người ta vẫn ưu ái mũi cao, da trắng, mắt sâu… hay một sự tổng hòa của các tính trạng cơ thể nào đó được cổ xúy bởi những tập đoàn mỹ phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ, và các công ty truyền thông, hệ quả của toàn cầu hóa, Mỹ hóa, Hàn Lưu, hay tàn dư tư tưởng thuộc địa...
Selfie để ngẩng cao đầu
Nhiệm vụ của một người selfie có ý thức sâu sắc về tranh đấu trong quan niệm về cơ thể, về thẩm mỹ, về giới là phải mở ra nhiều khả thể về biểu hiện nhân dạng, về thể hiện giới.
Bạn không cần phải da trắng, sáu múi, ăn mặc quần áo đắt tiền và đăng ảnh được trên 1000 likes để được cảm thấy là mình là kiểu vạn người mê mẩn.
Không được bi lụy, không được mặc cảm cơ thể khi mình không đáp ứng được một chuẩn mực nào đó do người ta đặt ra để rồi bị rối loạn ăn uống hay chán sống. Đó là cúi đầu, là nô lệ.
Xem selfie như một công cụ chính trị giới, chính trị thẩm mỹ… là cách để ta thách thức quyền lực thịnh hành, bình thường hóa sự khác biệt và nêu lên tuyên ngôn nhân văn:
Hãy can đảm thể hiện mình và yêu lấy bản thân mình.
Về chuyện ‘thế nào mới là mình’ tôi hy vọng sẽ được trình bày trong một dịp nào đó. Về những tranh cãi quanh chuyện ‘ảo’ hay ‘thật’, tôi xin khẳng định, ngay cả khi không có công nghệ số, chúng ta cũng luôn không ngừng phóng chiếu ra một cái symbolic self.
It’s not text, it’s texture that defines who we are.
‘Thật’ chính là sự thể hiện ra ngoài của cái bị cho là ‘ảo’, và ‘ảo’ thực chất lại thật hơn cả cái được cho là ‘thật’. Chính cái quá trình bồi đắp, dựng xây, constructing, fabricating cái inner self đó làm chúng ta cảm thấy mình sống ở đời này không phải là một dấu cách, mà là một ký tự.

Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất