Into the Wild: Đừng cố trở thành một Chris McCandless!
Chắc hẳn rất nhiều người chúng ta đều đã biết đến nhân vật này, một nhân vật gắn liền với một câu chuyện truyền cảm hứng, nhưng cũng...
Chắc hẳn rất nhiều người chúng ta đều đã biết đến nhân vật này, một nhân vật gắn liền với một câu chuyện truyền cảm hứng, nhưng cũng gây nên không ít những tranh cãi. Là những tâm hồn ưa phiêu lưu, khám phá, ta bị thôi thúc bởi chuyến hành trình của Chris, một kẻ lang thang chính hiệu. Nhưng, tuyệt nhiên, đừng cố để trở thành như anh ấy…
Có quá nhiều lý do để không nên dấn thân vào một cuộc đời như Chris. Tôi sẽ chỉ ra vài điều dưới đây.
Thứ nhất: Tự hỏi bản thân, bạn đã thật sự MUỐN điều đó?
Có một thứ phép thuật của điện ảnh, là khả năng gây ảnh hưởng đến hành vi. Nhất là đối với những người vào độ tuổi thiếu niên, khi quyết định còn dựa nhiều vào cảm tính. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi một bộ phim vừa xem, dễ vui dễ buồn và có thể dễ mang những trạng thái tâm lý như nhân vật trong khoảng thời gian ngắn sau đó. Thậm chí, đáng ngại hơn là còn có thể mang những tư tưởng, quan điểm của chính nhân vật trong phim, vận vào mình, vì sự đồng tình đơn giản với vai diễn nên ít nhiều nhìn cuộc sống qua lăng kính của nhân vật đó.
Vào thời điểm đầu khi xem phim chưa phải là đam mê, tôi là người nhạy cảm, bị cảm xúc lấn át khá nhiều. Quyết định thường ngả về cảm tính hơn, bất luận cái lý có sai. Tôi cảm thấy có điểm chung với các nhân vật hướng thiện, và sống dần ngả theo chiều đó, đến nỗi các quyết định cũng phải nghĩ: “Trong hoàn cảnh này anh ta/cô ấy sẽ nghĩ gì?” . Nhìn chung, tôi không sáng suốt khi đưa ra quyết định, và rất dễ bị lòng trắc ẩn đánh lừa. Đó là vì sao có đôi khi tôi mua gói tăm, cái bút của người bán rong chỉ vì “trông người ta khổ quá”.
Nhân vật quá hiền lành và thuần thiện thì gây nhàm chán, lại quá ngây thơ. Đấy là chưa kể đến tuyến nhân vật phản diện, kẻ điên hoặc những kẻ quậy phá. Nếu để phim điều hướng bạn theo tư duy của các nhân vật đó, thì rất dễ dẫn đến những lựa chọn tiêu cực. Có những câu chuyện kẻ thủ ác thiếu niên vì xem quá nhiều phim bạo lực, kinh dị nên đã giết cả gia đình. Đến như thế, thì không chỉ là lời nói, mà đã thành bi kịch.
Không có nghĩa bạn nên tránh xem, hay không được phép xem những đề tài như trên. Quyền tự do là ở mỗi người, và lựa chọn cũng vậy. Điều quan trọng, là hãy đừng để những bộ phim bạn xem trói buộc bạn trong khuôn mẫu của một nhân vật cụ thể nào. Bạn vẫn là một người thật, có cá tính riêng, lập luận riêng của mình. Xem phim cũng như đọc một bài báo, nghe một bản nhạc, nó không thể biến bạn thành người khác mà chỉ có thể nâng cao, mở mang góc nhìn của bạn về những điều đang diễn ra xung quanh, để có thể suy xét mọi sự đa chiều hơn.
Thế nên, trước khi lựa chọn đi theo lối sống của một nhân vật, hãy tự hỏi lại mình: bạn có thật sự MUỐN như vậy hay không?
Thứ hai: Cuộc đời lang thang KHÔNG DÀNH CHO những kẻ nổi hứng nhất thời.
Đúng, một kẻ lang thang có thể tùy hứng, nhưng đã chọn cho mình một cuộc sống không ràng buộc với thế giới văn minh, số hóa, bạn không được phép dễ dãi với quyết định của mình.
Lang thang, hay đúng nghĩa là lang bạt, là một hành trình đầy trắc trở. Để đi trên đó, người ta phải chuẩn bị nhiều thứ chứ không thể có chuyện ngày một ngày hai. Bởi cuộc đời còn khắc nghiệt hơn nhiều những gì phim ảnh đã phơi bày. Trên hành trình thật sự, không có chỗ cho kẻ mơ mộng hão huyền, luôn phải thấu hiểu thực tế.
Bạn không thể làm freelance toàn thời gian khi chưa có một nền tảng đủ tốt để tách khỏi công việc ổn định với mức lương cứng. Cũng vậy, rời xa xã hội, sống hoàn toàn biệt lập, săn bắn, leo núi, nay đây mai đó,… là thế giới không dành cho người nhẹ dạ. Có thể trong mỗi người chúng ta, một giây phút nào đó xuất hiện ý nghĩ muốn rời đi khỏi tất cả những kết nối công nghệ, sống gần gũi với thiên nhiên. Nhưng buông bỏ hoàn toàn đến cực đoan như McCandless, dám chắc là hiếm người có thể. Anh ta là dạng cá tính pha trộn của cả cả đại ngốc và người anh hùng. Thật khó để tách biệt hai cá tính trên.
Hãy nghĩ kỹ nhé, có thể làm một thử nghiệm đơn giản như tắt hết mọi liên lạc và không dùng mạng xã hội trong vòng 1 tuần xem. Nếu vượt qua được, bạn có thể cân nhắc sâu hơn nếu vẫn còn sôi sục với quyết định như một Chris thứ hai. Còn không, hãy quay về lại nhà, bật máy tính lên, kết nối Internet, và post lên vài dòng. Nội dung đại loại như: Tôi đã trải nghiệm một cách sống khác trong một tuần. Thú vị đấy, nhưng không phải lựa chọn của tôi!”
Thứ ba: Bạn có một MỤC ĐÍCH rõ ràng để ra đi?
Khi đã chắc chắn về quyết định của mình, lại có một câu hỏi đặt ra: Cuộc sống ấy sẽ mang lại điều gì cho bạn. Hãy trả lời, để cho chính bản thân bạn hơn là vì ai.
Với McCandless, anh ta muốn thành thật với mình. Chuyến đi của anh là để tìm được sự thật, về những ý nghĩa đẹp của cuộc sống. Cuộc đời anh chỉ được bắt đầu khi anh rời đi và thực hiện những điều mình muốn, không phải sống vì những kỳ vọng từ người khác.
Kể cả bạn có đi vì để khai phá những giá trị cá nhân, hay muốn lý giải điều gì có tầm vóc hơn, cũng nên có một mục đích. Để biết bạn sẽ đi về đâu. Vì bạn không thể rời đi rồi lại sống như bạn từng sống ở cuộc đời cũ được, vậy thì khác gì nhau.
Thứ tư: Những mối quan hệ, người thân xung quanh- bạn NHÌN NHẬN thế nào?
Bạn không nên trả lời theo cả hai cách: tích cực – tiêu cực. Nghĩa là bạn cần những mối quan hệ đó hay không, và bên đó cũng có những ý nghĩa nhất định mang lại cho bạn. Không, hãy trả lời cho chính mình, vì đúng hay sai chỉ là lý thuyết. Đã tự quyết được cuộc đời mình, bạn cũng có quyền đưa ra cái đúng sai của riêng mình.
Đừng trả lời kiểu như: Vì gia đình bạn bố mẹ rất tốt, tâm lý nên bạn sẽ không đi bởi như vậy sẽ làm bố mẹ buồn. Hay gia đình này chẳng có ai hiểu bạn, nên bạn rời đi cho họ phải nhớ đến bạn, cho họ thấy được nỗi đau khi không có bạn. Nhiều người sẽ trả lời theo mẫu như vậy, vì một phần do sự lệ thuộc ít nhiều vào những thói quen, vào hoàn cảnh sống hiện tại. Bạn bỗng nhiên nghĩ đến việc người khác sẽ thế nào trước hết, thay vì nghĩ xem bản thân bạn có hạnh phúc với quyết định của mình hay không. Chúng ta luôn đặt ra chuẩn mực, nguyên tắc, những phép lịch sự, sự tôn trọng,… chung lại là những ràng buộc mang tính hình thức của xã hội. Mà một xã hội, có những con người, có các thứ bậc và giai cấp, thì tồn tại những chuẩn mực ấy là điều dễ hiểu.
Nhưng khi đã chọn rời xa, tuyệt giao với thứ xã hội “độc hại” giống tinh thần của Chris
McCandless, cũng đồng nghĩa phải gạt bỏ những chuẩn mực ấy. Từ bước đường này trở đi, trên thế giới chỉ có 2 loài: bạn, và xã hội. Con người bạn là một xã hội mới, không lệ thuộc, tự chủ hoàn toàn với cơ thể lẫn tâm trí mình.
Bây giờ quay lại với câu hỏi ở đầu mục, bạn đã có câu trả lời chưa?
Thứ 5: Bạn sẽ không bao giờ TRỞ THÀNH Chris McCandless, dù thế nào.
Thật sai lầm nếu như đọc đến đây và bạn vẫn nghĩ bạn sẽ có thể trở thành giống như người đàn ông trong câu chuyện kia.Vậy thì dù bạn có tìm thấy mình đúng với bản chất của mình, vẫn có một điều cản chân bạn: ý nghĩ muốn giống như một con người khác. Và điều đó sẽ ràng buộc bạn, cũng như thế bạn không thể là chính mình, mãi mãi cố gắng để đạt được hình ảnh như tự thâm tâm lý tưởng hóa lên, và theo một cách nào đó, bạn đang nói dối.
Lời nói dối với chính mình còn đáng trách hơn đối với người khác.
Nếu xem bộ phim đó, chúng ta đều công nhận một điều rằng: điều làm McCandless đặc biệt chính bởi vì anh sống với sự thật tuyệt đối, tận hưởng theo cách của RIÊNG anh. Tuy lối sống đó có phần cực đoan, nhưng là lý tưởng của người đàn ông, nó xứng đáng được tôn trọng.
Bộ phim là một câu chuyện truyền cảm hứng vô tận cho những người muốn bứt phá khỏi cuộc sống quá nguyên tắc, nhưng không nhất định hướng con người ta đến với thế giới hoang dã. Điều tối quan trọng, không phải là bạn ở đâu, mà bạn LÀ AI. Miễn là con đường bạn lựa chọn là thuộc về bạn, thì hãy hiên ngang và tự hào mà tiến bước.
Sống với giá trị thật của mình, thì dù có làm gì hay ở đâu, cũng đều tìm thấy được hạnh phúc!
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất