“Hát là biểu lộ sự hoan hỉ của tâm can”, bà Lillian đã nói thế, trong khi Llewyn, L-L-E-W-Y-N, đáp trả: “Cháu là một người chuyên nghiệp, cháu hát là để kiếm tiền, không phải để làm trò mua vui trong nhà”.
Nhưng đó đúng ra là ước muốn của Llewyn hơn là thực tế. Thực tế là, việc ca hát đủ mang lại cho anh một chiếc giường ngủ, chiếc giường ấy chuyển từ chiếc đi-văng nhà người này sang chiếc đi-văng nhà người khác, khắp năm quận ở New York (bao gồm cả chiếc ở nhà bà Lillian). Đôi khi nó êm ái, đôi khi chật chội, đôi khi nó bất ngờ thu nhỏ lại thành chiếc giường bé con của cậu cháu trai, đôi khi lại biến thành sàn lạnh, nếu người chủ nhà đã lỡ dành nó lại cho một vị khách khác.
Jean chán chường nhìn Llewyn:
    -    Anh có nghĩ về tương lai lúc nào chưa?
    -    Tương lai? Ý em là ô tô bay à? Hay khách sạn trên mặt trăng?
    -    Bảo sao đời anh không nát bét! Anh là người sẽ chẳng đi đến đâu. Anh chẳng có định hướng. Anh là kẻ chỉ biết đi ngủ lang. Anh sống chẳng có phương hướng, thế nên vận đen cứ không gõ mà đến, bởi vì anh muốn thế. Hơn nữa, anh là đồ khốn. Tối nay anh ngủ đi văng nhà ai? (*)
Jean hát 500 miles ở phòng trà Gaslight, cô nhìn xoáy vào tâm can Llewyn khi hát đến câu này:
Not a shirt on my back
Not a penny to my name
Lord, I can't go back home this ole way
Không một manh áo vắt vai
Chẳng một đồng xu dính túi
Trời ơi sao con có thể trở về nhà trong bộ dạng này

Thế mà Llewyn quyết định trở về nhà, sau khi người chủ rạp Gate of Horn – câu lạc bộ nhạc folk có tiếng ở Chicago, nghe anh chơi một bài rồi khuyên chân thành, rằng hãy tái hợp với ban nhạc của anh, mà ông nào đâu biết, Mike, người bạn hát song ca cùng Llewyn, đã thả mình xuống cầu George Washington sau đĩa đơn đầu tiên ế ẩm của họ - If We Had Wings.
Chẳng có một đôi cánh, theo bất cứ nghĩa nào, cũng không thả mình xuôi dòng, Llewyn trở về gặp bố, thông báo rằng anh sẽ đi theo con đường của ông, sống lay lắt trên tàu buôn.
Nhưng muốn sống lay lắt cũng chẳng được ngay. Khi khí thế sôi sục chạy theo đam mê âm nhạc, anh tin rằng mình sẽ dành cả đời lật những bản nhạc giấy trắng nốt đen, chứ không phải gom ghém giữ gìn mớ giấy chứng chỉ, thứ tối quan trọng để được cấp phép lên tàu. Thế là, tạm biệt, Au revoir!, chẳng tàu bè gì nữa hết, anh thậm chí không thể trả thêm 85$ để làm lại nhúm giấy tờ, sau khi đã mất hẳn 145$ trả tiền phí nghiệp đoàn còn nợ từ bao giở bao giờ.
Vẫn còn may, Llewyn không đối xử với cây đàn theo cách ấy. Mang theo cây đàn, với sự giúp đỡ của Jean, lần thứ 400 anh hát ở phòng trà giẻ rách Gaslight. Thế mà buổi biểu diễn ấy cũng trở thành phần sáng sủa nhất của đời anh trong suốt bộ phim.
Phần sáng sủa nhất này là đúng theo cả nghĩa đen, so với bất kì cảnh nào khi Llewyn xuất hiện với cây đàn. Ánh sáng một lần chạm vào anh, dù không phải theo cách chiếc spotlight tỏa ánh mềm mại lên chàng ca sĩ Bob Dylan hát ngay sau anh trên cùng một sân khấu, nhưng ít nhất khuôn mặt Llewyn cũng phần nào được soi rọi. Bruno Delbonnel, đạo diễn hình ảnh của bộ phim, đã dùng ánh sáng kể câu chuyện về Llewyn theo cách người ta ví von, rằng người nghệ sĩ thường sống trong ánh hào quang sân khấu, thì ở đây, Llewyn mãi như kẻ ngoài cuộc của ánh sáng ấy.
Cuộc đời và con người của Llewyn Davis dường như được phơi bày trần trụi và thảm bại, không chỉ với khán giả mà cả trước mặt những người xung quanh anh. Đến người đàn ông ngồi cùng xe anh mới dăm bữa cũng mạnh bạo nói thế này: “Rồi có ngày cậu sẽ choàng tỉnh và ngộ ra rằng: Sao đời tôi nó khốn khổ thế này? Có thể không đến mức như vậy, có thể là: Sao tôi làm gì cũng chẳng ra đâu vậy? Cả đời tôi là một đống phân bầy nhầy. Tôi chẳng nhớ mình tạo nên đống phân này lúc nào.(*)

Nhưng có phải chuyện về Llewyn chỉ có thế là hết? Tên bộ phim là Inside Llewyn Davis kia mà? Nếu như tất cả đã được nói rõ thế thì bên trong Llewyn còn gì? Cứ như thể anh em nhà Coen chẳng màng đến việc nói về điều ấy cho lắm. Đến ngay cả bìa album, mang tên bộ phim, cũng chỉ xuất hiện ở khoảng giữa phim một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng có lẽ điều đó lại để nói rằng tâm can một người là điều chẳng thể kể ra lộ liễu, cũng như chẳng dễ để hiểu lòng ai chỉ bằng cái nhìn hời hợt.
Với mình, “Inside” nằm ở câu nói của Llewyn khi trở về từ Chicago, sau thất bại với cả ý định lên tàu và việc theo đuổi nghề hát: “Anh cứ tưởng ngủ một giấc là sẽ hết, nhưng không ngờ lại khó đến thế”. Và trong một cảnh mà mình cho là cao trào của bộ phim: Khi Llewyn chạy xe trong cơn buồn ngủ, giật mình đâm phải một chú sói băng qua đường, anh dừng lại, mở cửa xe và bước ra, sững sờ nhìn chú sói hoang mang trên mình vết thương đang tập tễnh bước trở lại rừng sâu trong cơn mưa tuyết tự do mải miết rơi trong đêm.
Bỏ qua việc cảnh phim diễn ra vào đúng thời khắc mà một kịch bản phim Hollywood sẽ gọi là cao trào kết thúc hồi 2, thì khoảnh khắc đó có nghĩa là gì? Nghĩa là Llewyn Davis như một chú sói hoang mang vết thương tập tễnh bước vào đời? Dẫu là gì, mình có cảm giác mạnh mẽ rằng cảnh phim đó chính là tiếng vang của lòng chàng Llewyn. Như những lần khi người ta bỗng dừng lại nhìn thật lâu vào điều gì, và thấy lòng mình xôn xao..

Lấy bối cảnh phát triển nhạc folk ở Greenwich Village, New York những năm 1960, bộ phim Inside Llewyn Davis được viết và đạo diễn bởi Ethan và Joel Coen, ra mắt năm 2013. Với mình, đây là gợi ý thú vị trước khi xem phim. Không thể mong chờ một chuyện phim bình thường theo kiểu Hollywood từ hai vị đạo diễn nhà Coen. Diễn tiến phim được kể ra theo cách đời sống thật vận hành: Đó là chẳng bao giờ có chuyện chàng Dude dễ dàng cuỗm được vali tiền của tay nhà giàu mà không mất mát gì trong The Big Lebowski (1998), hay thậm chí phải trả giá bằng mạng sống như Llewelyn Moss trong No Country For Old Men (2007), sự trả thù không bao giờ là đúng và diễn ra suôn sẻ vì cuộc đời sẽ luôn đáp lại con người những bài học đích đáng như cách nó làm với Mattie Ross trong True Grit (2010). Bởi thế, làm sao có thể mong chờ chàng Llewyn dễ dàng bước ra từ bóng tối và tìm thấy mình trong ánh hào quang?
Bộ phim bắt đầu và đi đến đoạn kết bằng cảnh Llewyn hát ở phòng trà Gaslight, một cách thường thấy để mở ra và khép lại trọn vẹn chuyện phim. Ở đây, dường như cách thức đó không phải để vun vén cho hành trình của Llewyn mà là để ám chỉ sự luẩn quẩn của cuộc đời anh. Dẫu đến cuối, chút ánh sáng sân khấu đã chạm lên người anh, nhưng liền sau, cũng là kết thúc của phim, là cảnh Llewyn bị dập tơi bời để trả giá cho vụ lộn xộn anh gây ra đêm trước ở chính phòng trà anh hát. Au revoir! Tạm biệt! Llewyn nói, nằm lết trên đường nhìn theo chiếc xe chở người đàn ông vừa cho anh một trận đòn đang lao vào đêm hun hút. 

Tên phim được lấy cảm hứng từ tên album của ca sĩ nhạc folk Dave Van Ronk - Inside Dave Van Ronk. Nhưng đây lại cũng là điểm duy nhất mà chàng Van Ronk có liên quan đến bộ phim. Rõ ràng Llewyn Davis chẳng có gì là tương đồng với Dave Van Ronk, người ca sỹ luôn được mô tả là một chàng trai trẻ tốt bụng và thân thiện. Người vợ của ca sỹ quá cố này phê bình gay gắt: “Tôi không ngờ là gần như chẳng thể nhận ra thế giới nhạc folk những năm 1960 trong bộ phim này. Cảm giác như họ lấy một cảnh sôi động, giòn giã, chung chung, điên rồ, say xỉn, ẩu đả rồi nhào trộn nó thành một bộ phim ảm đạm màu nâu buồn bã.”
Có khi phần nào bà đã nói đúng, vì màu nâu buồn bã ảm đạm luôn là một khả năng có thể xảy ra của tuổi trẻ, như các nhân vật trong phim, những ca sỹ đôi ba mươi loay hoay, mơ hồ, hoài nghi, rệu rã, si mê theo đuổi lý tưởng sống và tình yêu âm nhạc.
Al Cody, chàng ca sỹ do Adam Driver (chàng thơ trong Paterson) thủ vai, giấu thùng đĩa đơn ế ẩm có cái tên five & twenty questions dưới gầm bàn, chạy bằng xe của mẹ, hát cùng Llewyn và Jim ca khúc Please Mr. Kennedy do Jim sáng tác, ôm chiếc đàn mà không được gảy dù chỉ một nốt và hát phần lời lặp đi lặp lại thế này: "10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 second please"rồi đệm liên tục "Uh oh! Please don’t shoot me into outer space. Outer space, outer space. Please don’t shoot me into outer space. Uh oh! Please Mr. Kennedy…"
Có gì đó trong phần thể hiện bài hát này của ba chàng trai khiến mình thấy vừa có vẻ trêu cười vừa mang lòng thương cảm mà người làm phim dành cho tuổi trẻ ngây thơ, vô tư và hào phóng dốc hết sức mình cho đam mê.
Bạn của Al, Johnny Five, nghiện thuốc lá, chẳng nói chẳng rằng suốt chuyến đi với Llewyn, đột ngột kể như nhả từng chữ chuyện sô diễn của anh ta đáng ra đã có thể diễn ra tốt đẹp nếu không bị cảnh sát làm phiền, rồi đọc bài thơ anh ta viết, kiểu như là:
“Nữa nữa nữa đi, chiếc giường than khóc
Ôi chiếc giường gánh trên mình sức nặng của toàn thế giới
Mọi giấc mơ tan nát đè nén trên ngươi
Ôi chiếc giường không bao giờ mọc tóc
Chẳng thể ăn nằm
Hay có thể ăn nằm
Ôi chiếc giường bóp vụn muôn tuổi
Chảy tràn trên ngươi
Ôi, chiếc giường.” (*)
Giữa chừng cuộc đi với Llewyn, anh lại bị cảnh sát tóm, chẳng biết cuộc đời sau đó sẽ ra sao.
Người trẻ triển vọng nhất có lẽ là Troy Nelson, chàng ca sỹ hiền lành chuẩn bị rời quân ngũ về hát cho rạp Gate of Horn, và cặp song ca Jim and Jean hát 500 miles mà có thể bạn đã nghe đâu đó một lần dù chưa xem phim.
Đối với mình, Inside Llewyn Davis không phải một bộ phim ca nhạc, mà là bộ phim kể về những người trẻ say mê âm nhạc. Những ca khúc được thể hiện bởi các nhân vật trong phim làm thành một album  có thể để dành nghe đi nghe lại cho những người yêu nhạc folk.
Đối với Joel và Ethan Coen, âm nhạc không chỉ xuất hiện như một nhân vật chính trong phim thuộc chủ đề âm nhạc. Hãy xem O Brother, Who Art Thou? (2010) để nghe những kẻ đào tẩu lập band đứng hát trên sân khấu, hay gần đây nhất là The Ballad of Buster Scruggs (2018) với những tay cao bồi đủng đỉnh trên lưng ngựa cất tiếng hát vang trời trước khi bước vào cuộc đọ súng.
Bob Dylan, thủ vai bởi Benjamin Pike, hát Farewell trong cảnh cuối phim
Một điểm khiến mình thấy độc đáo và vô cùng thích thú khi xem phim của Joel và Ethan Coen, đấy là không khí thần thoại đặc trưng trong những bộ phim của họ. Ngay cả trong Inside Llewyn Davis, lấy bối cảnh xã hội hiện đại, kể chuyện tâm tư những người ca sỹ trẻ, hai đạo diễn vẫn nhất quyết đưa vào đó những yếu tố cần thiết tạo ra không khí này. Đó là Roland Turner, người đàn ông to béo ngồi cùng xe với Llewyn trong chuyến đi Chicago. Ông ta mặc comple, đầu đội mũ fedora và mang một chiếc gậy batoong cứ thi thoảng lại dùng để chọc vào sau gáy Llewyn hỏi han rồi đốp chát bằng những mẩu chuyện kì quặc. Như một kẻ mau chữ, Roland gán cho Llewyn biệt hiệu Kẻ lớn xác và con mèo: “Folk singer with a cat. You queer?”
Một khoảnh khắc mang đậm không khí thần thoại khác, một lần nữa xin được gợi lại, là khi Llewyn nhìn chăm chăm về phía chú sói bị thương nơi bìa rừng giữa màn tuyết rơi từng hạt sáng lên trong đêm đen.
Cuối cùng, Mèo! Phải nói về mèo! Chúng sẽ không vui tí nào nếu bỏ quên diễn xuất tự nhiên – như luôn luôn – của chúng! Anh em đạo diễn nhà Coen trong một lần phỏng vấn đã kể, phim chẳng có cốt truyện gì, thế là chúng tôi đưa một con mèo vào, bất chấp lời cảnh báo của người huấn luyện động vật, rằng mèo thì không như chó, chó thì làm hài lòng ta, còn mèo chỉ làm hài lòng chính nó. Thế rồi khi phim đã xong, hai vị đạo diễn đâm ra sợ làm phim với mèo, Ethan Coen rao bảo, chúng tôi có quá trời cảnh quay mèo, có ai muốn mua không nhỉ?

(*) Lời dịch từ bản chiếu Inside Llewyn Davis trên internet
(**)  Ảnh phim từ imdb