Ra mắt vào năm 2010, đến nay đã được gần 15 năm. Inception hay kẻ cắp giấc mơ, luôn được đánh giá là một trong bộ phim hay nhất trong sự nghiệp làm đạo diễn của Sir Christopher Nolan. Sở hữu một ý tưởng nguyên bản, không hề dựa theo bất cứ một tác phẩm văn học, một thương hiệu có sẵn hay một trò chơi điện tử nào. Inception đã khai thác đề tài về giấc mơ với một cách tiếp cận đầy táo bạo. Bộ phim không chỉ là hành trình du hành vào trong giấc mơ, đi qua những mê cung tiềm thức được xây dựng vô cùng tỉ mỉ, chi tiết, mà nó còn là hành trình đối mặt với những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ của nhân vật chính, do nam diễn viên Leonardo DiCaprio thủ vai, để có thể bước tiếp trên chặng đường còn lại của cuộc đời mình. Đó là những gì mình sẽ nói trong phần tiếp theo của bài viết này, và đây là một bài review về Inception của mình. 
img_0

GIỚI THIỆU 

Inception hay Kẻ Cắp Giấc Mơ, là một bộ phim điện ảnh Anh – Mỹ thuộc thể loại hành động – khoa học viễn tưởng – giật gân ra mắt vào năm 2010 do Christopher Nolan làm đạo diễn, viết kịch bản và đồng sản xuất. Bộ phim kể về hành trình của Dom Cobb, một kẻ cắp chuyên nghiệp chuyên thực hiện các hoạt động gián điệp kinh tế bằng cách xâm nhập vào tiềm thức mục tiêu của anh ta. Cobb được đề nghị thực hiện một nhiệm vụ để chuộc lại cuộc đời cho mình, một nhiệm vụ bất khả thi: "ý tưởng khởi nguồn" – thông qua việc cấy ghép ý tưởng của một người vào trong tiềm thức của người khác.
img_1

NỘI DUNG 

MỘT THẾ GIỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG QUÁ CHẶT CHẼ.

Điều đầu tiên khiến mình ấn tượng với nội dung của bộ phim có lẽ là thế giới với quy tắc riêng, cơ chế thời gian giãn nở giữa các tầng mơ, sự tồn tại của "limbo" (hư không vô tận), đến khái niệm totem giúp nhân vật phân biệt giữa đâu là thực và mơ. Tất cả đều được xây dựng một cách vô cùng chặt chẽ, logic, và có chiều sâu, đảm bảo cho việc không có bất cứ một hạt sạn nào xuất hiện ở trong phim. Cái khiến mình thích ở xây dựng nội dung cho Inception còn nằm ở việc, khối lượng kiến thức trong phim không hề bị quá tải, nó không quá nhiều để khiến mình bị ngợp đến mức chẳng hiểu cái gì đang xảy ra, nhưng cũng không đến mức đơn giản kiểu đến đứa trẻ lên 5 xem cũng được. Nhìn sang 1 tác phẩm khác của đạo diễn Nolan, đó là Tenet, nói về chủ đề du hành thời gian, mình vẫn đánh giá đây là một tác phẩm hay, tuy nhiên nếu để so học thuyết đảo ngược thời gian của phim với cơ chế du hành trong mơ của Inception, mình vẫn đánh giá Inception vẫn làm tốt hơn rất nhiều lần. Lý do là bởi Tenet mọi thứ diễn ra quá nhanh, quá nhiều lý thuyết, sự kiện xảy ra mà khán giả có khi còn chưa kịp load được. Học thuyết đảo ngược khi đưa ra có vẻ rất hay ho, tuy nhiên nó nhồi một cách liên tục, khiến cho người xem có cảm giác bị quá tải kiến thức và khó có thể tiếp nhận được hết những gì phim đang cố truyền tải, đặc biệt là khúc cuối phim, bản thân mình đã khá rối trước những gì diễn ra trên màn ảnh, và đó là chưa kể, phim cũng không hề có một lời giải thích nào cho người xem hiểu được về nguyên lý vận hành của khái niệm đảo ngược, từ đó khiến khán giả vô cùng khó hiểu. Trong khi đó với Inception, mọi cơ chế, cách vận hành để đi vào trong mơ đều được lý giải, giải thích một cách vô cùng chặt chẽ, logic, và những lý thuyết này được đưa ra vừa đủ để khán giả không bị ngợp khi xem phim. Tất cả những gì mà bạn cần làm, đó là hãy chú ý tới các lời thoại xuyên suốt cả phim, ghi nhớ các mốc sự kiện, và trên hết hãy tập trung cao độ hết mức khi xem phim, chỉ cần như vậy bạn đã có thể nắm được khoảng 75-80% những gì đã và đang xảy ra trong phim rồi.
img_2
Phim của Nolan chưa bao giờ đơn giản, và Inception cũng không ngoại lệ. Vị đạo diễn 54 tuổi nổi tiếng với cách kể chuyện phi tuyến tính, đan xen các mốc thời gian để thách thức khán giả – từ Tenet với sự giao thoa của quá khứ, hiện tại, tương lai, Memento tua ngược ký ức, đến Dunkirk hội tụ ba câu chuyện ở một điểm. Với Inception, ngay từ cảnh mở đầu, Nolan đã khéo léo tiết lộ tất cả: ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là một giấc mơ, nhưng hóa ra là giấc mơ trong giấc mơ – một cú xoay chuyển tài tình. Từ đó, phim xoáy sâu vào cơ chế du hành giấc mơ, mở ra một thế giới với những quy tắc riêng, chặt chẽ đến mức không có lỗ hổng nào.
Khi các khái niệm như ba tầng mơ và cõi limbo (hư không vô tận) được giới thiệu, Nolan không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà còn xây dựng chúng thành một hệ thống hoàn chỉnh. Tầng đầu tiên là thành phố thực tại bị bóp méo, nơi mưa rơi không ngừng và thời gian trôi chậm hơn thực tế. Tầng thứ hai là mê cung khách sạn với những hành lang xoắn ốc, nơi trọng lực đảo lộn đầy bất ngờ. Tầng thứ ba là pháo đài tuyết lạnh giá, nơi mọi thứ trở nên căng thẳng và hỗn loạn. Và rồi, limbo một không gian hư vô nơi thời gian gần như ngừng trôi, ký ức và hiện thực hòa lẫn vào nhau, khiến khán giả tự hỏi liệu nhân vật có thực sự thoát ra được không. Bốn câu chuyện ở bốn tầng này được kể đan xen, không theo thứ tự thời gian thông thường, nhưng vẫn hợp lý và cuốn hút nhờ cách Nolan kết nối chúng qua từng chi tiết nhỏ, từ tiếng vang của bài hát Non, je ne regrette rien của Édith Piaf, cho đến sự tác động của tầng 1 đến tầng 2 và các tầng khác như thế nào. 
img_3

 ĐỐI MẶT VỚI QUÁ KHỨ VÀ CHẤP NHẬN HIỆN THỰC 

Bên cạnh việc sở hữu một thế giới nguyên bản được xây dựng từ bộ não thiên tài của Nolan, Inception còn khiến khán giả, trong đó có mình, ấn tượng bởi nó không chỉ là một bộ phim khoa học viễn tưởng về du hành cõi mộng. Ẩn sâu trong những tầng mơ phức tạp là một câu chuyện nhân văn đầy cảm xúc về hành trình đối mặt với mặc cảm tội lỗi trong quá khứ của nhân vật chính Dom Cobb, do nam diễn viên Leonardo DiCaprio thủ vai xuất sắc. Cobb không chỉ là một kẻ trộm lành nghề trong thế giới giấc mơ, mà còn là một người đàn ông bị giam cầm bởi chính ký ức của mình, nơi quá khứ và những sai lầm không ngừng ám ảnh anh.
img_4
Hơn nữa, câu chuyện về Cobb còn mang một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn: giấc mơ không chỉ là nơi anh trốn chạy, mà còn là nơi anh buộc phải đối diện với chính mình. Mỗi tầng mơ không chỉ là một thử thách vật lý, mà còn là một hành trình tâm lý, nơi Cobb dần gỡ bỏ những lớp vỏ của tội lỗi để tìm lại con đường trở về với các con. Cảnh cuối phim, khi anh để con quay xoay mà không cần biết nó có dừng hay không, là minh chứng cho việc anh đã học cách chấp nhận thực tại dù đó có thể là mơ hay thật. Theo như đạo diễn Nolan lý giải, Cobb đã không còn quan tâm mơ hay tỉnh, anh ta chỉ quan tâm đến niềm hạnh phúc. Bởi anh đã học cách chấp nhận thực tại dù đó có thể là mơ hay thật. Chính điều này khiến Inception không chỉ dừng lại ở một bộ phim giải trí thông minh, hack não, mà còn là một tác phẩm chạm đến trái tim, nơi Nolan khéo léo đan xen khoa học viễn tưởng với những chiêm nghiệm về tình yêu, mất mát, đối mặt với tội lỗi và sự chuộc lỗi. Đồng thời phim cũng xóa nhòa đi bức rào chắn giữa hai cõi mơ và thực, khiến chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi: Thế giới trong mơ có khác gì hiện thực khi nó cũng hoàn chỉnh về kết cấu và có tác động đến cả cảm xúc, cơ thể của người trải nghiệm ?

NHÂN VẬT

Sở hữu một dàn diễn viên cực kỳ chất lượng với những cái tên như Leonardo DiCaprio, Cillian Murphy, Tom Hardy, Joseph Gordon-Levitt, Marion Cotillard, Elliot Page,... không quá khó hiểu khi diễn xuất của tất cả các nhân vật trong phim đều được thể hiện từ tốt cho đến xuất sắc. Không hề có một nhân vật nào là thừa ở trong câu chuyện này cả, mỗi một nhân vật lại đóng một vai trò nhất định trong tổng thể câu chuyện của cả bộ phim, góp phần làm nổi bật chủ đề chính của phim là ranh giới mong manh giữa thực tại và ảo giác. 
img_5
Đầu tiên chúng ta hãy nói đến nhân vật chính Dom Cobb do Leonardo DiCaprio thủ vai. Khỏi phải nói về trình độ của nam diễn viên năm nay đã tròn 50 tuổi, Leo đã thực sự thổi hồn vào nhân vật Dom Cobb mà anh vào vai. Từ một gã siêu đạo chích, chuyên đi ăn cắp trong giấc mơ, dần dần qua phi vụ tưởng như bất khả thi, chúng ta thấy dần câu chuyện quá khứ của anh. Đó là những ám ảnh, những dằn vặt, mặc cảm tội lỗi. Câu chuyện của Cobb bắt đầu từ mối quan hệ với Mal – người vợ đã qua đời của anh, người mà anh không thể buông bỏ. Trong suốt bộ phim, Mal liên tục xuất hiện như một bóng ma trong các tầng mơ, không phải với tư cách một nhân vật phụ, mà là hiện thân của nỗi đau và sự dằn vặt trong tâm trí Cobb hay có thể coi Mal chính là phản diện của cả bộ phim, và thật trớ trêu thay, kẻ thù của Cobb lại chính là người anh yêu nhất. Chính anh là người đã gieo ý tưởng vào đầu cô, ý tưởng rằng thế giới thực không phải là thật, dẫn đến cái chết bi kịch của cô khi Mal nhảy từ cửa sổ, để lại Cobb với cảm giác tội lỗi không thể xóa nhòa. Mỗi lần Mal xuất hiện, từ tầng mơ trong khách sạn đến pháo đài tuyết hay cõi limbo, cô không chỉ phá hoại kế hoạch của Cobb mà còn buộc anh phải đối diện với câu hỏi: Liệu anh có thực sự chịu trách nhiệm cho cái chết của vợ mình? Nỗi đau này không chỉ là một chi tiết phụ, mà là động lực chính thúc đẩy hành động của Cobb, để khán giả thấy được anh với vẻ ngoài là một tên trộm lạnh lùng thành một con người đầy tổn thương và vẫn luôn khao khát trở về với cuộc sống trước kia, nơi anh thực sự có được hạnh phúc.
img_6
Nếu không có những mâu thuẫn nội tâm này, Inception có lẽ chỉ là một bộ phim hành động thông minh với các màn đấu trí trong giấc mơ. Nhưng chính sự giằng xé của Cobb đã nâng tầm câu chuyện. Mọi thứ trong phim có thể đã diễn ra suôn sẻ nếu Cobb không mang theo gánh nặng quá khứ, không có Mal can thiệp, không có những khoảnh khắc anh chần chừ giữa nhiệm vụ và ký ức. Thế nhưng, chính những dằn vặt ấy lại là chất keo gắn kết các tầng mơ với thực tại, làm cho hành trình của anh trở nên chân thực và lay động. Chẳng hạn, ở cảnh đối đầu trong limbo, khi Cobb cuối cùng thừa nhận rằng anh không thể thay đổi quá khứ và phải để Mal ra đi, đó không chỉ là khoảnh khắc giải thoát cho nhân vật, mà còn là lời nhắc nhở cho khán giả về sức mạnh của sự buông bỏ. Leonardo DiCaprio đã thể hiện xuất sắc sự phức tạp này, từ ánh mắt day dứt khi nhìn Mal đến cái run rẩy trong giọng nói khi anh thú nhận sự thật về tội lỗi của mình. Sau cùng, nhân vật của anh đã có được một cái kết đẹp khi anh đã sẵn sàng đối mặt với những tội lỗi của mình, dù cho đến nay, vẫn còn rất nhiều người tranh cãi về việc cảnh cuối trong phim, nhưng điều đó đâu còn quan trọng với Cobb nữa, bởi khi ranh giới giữa thực và mơ được xóa nhòa, chẳng phải anh đang ở trong chính thực tại của mình hay sao và chẳng phải anh ta hoàn toàn xứng đáng có hạnh phúc sau những gì đã trải qua hay sao ?
Về các nhân vật khác, như mình đã nhắc, không ai trong Inception là mang đến cho khán giả cảm giác thừa thãi, mỗi người đều là một mảnh ghép không thể thiếu trong thế giới phức tạp mà Nolan xây dựng. Đầu tiên là Arthur, do Joseph Gordon-Levitt thủ vai, người trợ thủ đắc lực của Cobb và cũng là bộ óc lý trí của nhóm. Anh không chỉ giải thích các quy tắc của giấc mơ – như cách thời gian giãn nở giữa các tầng, mà còn giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát. Cảnh hành lang không trọng lực ở tầng thứ hai, nơi Arthur chiến đấu với đám lính trong tình trạng xoay tròn, là minh chứng cho sự bình tĩnh và tài năng của anh, đảm bảo không một sai lầm nào làm sụp đổ kế hoạch. Tiếp đến là Ariadne, do Elliot Page thể hiện, một kiến trúc sư trẻ đầy sáng tạo. Cô thiết kế những mê cung trong mơ, từ thành phố uốn cong đến cầu thang Penrose bất tận, dẫn dắt khán giả từng bước qua các tầng giấc mơ. Hơn thế, Ariadne còn là người khám phá quá khứ của Cobb, như một nhà trị liệu bất đắc dĩ, giúp anh đối diện với bóng ma Mal qua những câu hỏi sắc bén và sự tò mò không ngừng.
img_7
img_8
Rồi đến Eames, do Tom Hardy thủ vai, kẻ mạo danh tinh quái và hài hước. Anh không chỉ mang lại tiếng cười để giảm bớt căng thẳng, như câu châm biếm về Arthur ‘thiếu trí tưởng tượng’,  mà còn là người tạo bất ngờ trong kế hoạch. Cảnh Eames giả dạng Browning, chú của Fischer, để đánh lừa tâm trí đối phương ở tầng thứ ba là một điểm nhấn, cho thấy sự linh hoạt và sáng tạo của anh trong việc thao túng giấc mơ. Và cũng không thể bỏ qua Robert Fischer, do Cillian Murphy khắc họa đầy cảm xúc. Fischer không chỉ là mục tiêu của nhóm mà còn là góc nhìn của khán giả: một người bị xâm nhập ký ức, để lộ sự tổn thương khi đối diện với mối quan hệ phức tạp với cha mình. Cảnh anh rơi nước mắt trong két sắt ở tầng thứ ba, nơi ký ức về chiếc chong chóng được khơi dậy, không chỉ là bước ngoặt của kế hoạch mà còn cho thấy sự nguy hiểm và cái giá của việc đào bới quá sâu vào tâm trí.
img_9
Những nhân vật khác như Saito, do Ken Watanabe thủ vai, người khởi xướng toàn bộ nhiệm vụ. Saito không chỉ là nhà tài trợ mà còn là động lực thúc đẩy Cobb, với lời hứa trả lại anh một cuộc sống tự do. Sự hiện diện của anh ở các tầng mơ, đặc biệt là khi bị thương và đối mặt với limbo, làm tăng tính khẩn cấp và kịch tính của câu chuyện. Yusuf, do Dileep Rao thủ vai, là nhà hóa học tài ba chế tạo thuốc mê giữ nhóm trong giấc mơ sâu. Và cuối cùng, không thể không nhắc đến Mal, do Marion Cotillard thủ vai, dù không phải thành viên chính thức của nhóm. Cô là bóng ma trong tâm trí Cobb, xuất hiện ở mọi tầng mơ để phá hoại, từ cú bắn Saito ở tầng một đến việc dụ dỗ Cobb ở limbo. Mal không chỉ là bóng ma của quá khứ mà còn là thử thách lớn nhất, buộc Cobb và cả khán giả phải tự hỏi đâu là ranh giới giữa mơ và thực.
Tất cả những nhân vật này  từ sự điềm tĩnh của Arthur, sự thông minh của Ariadne, sự lém lỉnh của Eames, nỗi đau của Fischer, quyết tâm của Saito, kỹ năng của Yusuf, đến ám ảnh từ Mal, đều hòa quyện để tạo nên một đội ngũ không chỉ hỗ trợ Cobb mà còn làm giàu thêm câu chuyện. Họ không chỉ là những vai phụ đơn thuần mà là những mắt xích quan trọng, mỗi người góp phần làm rõ hơn thế giới giấc mơ và những tầng ý nghĩa của Inception. Chính sự đa dạng và chiều sâu này đã biến bộ phim thành một tác phẩm vừa thông minh vừa đầy cảm xúc, khiến mình không thể rời mắt khỏi từng khoảnh khắc.
img_10

HÌNH ẢNH VÀ ÂM NHẠC 

Về phần hình ảnh của Inception, nếu phải mô tả ngắn gọn, mình chỉ có thể dùng hai từ: 'tuyệt đỉnh'. Bộ phim là minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu ứng thực tế và CGI, tạo nên những cảnh quay không chỉ đẹp mắt mà còn gây kinh ngạc, khiến khán giả khó lòng rời mắt. Hãy thử nhớ lại cảnh cả thành phố Paris bị gập đôi lại như một tờ giấy, khi các tòa nhà uốn cong một cách mượt mà, vừa kỳ ảo vừa chân thực – đó là khoảnh khắc khiến mình thực sự choáng ngợp trước tài năng của Nolan và đội ngũ làm phim. Hay như cảnh một đoàn tàu bất ngờ lao ra giữa lòng thành phố, cắt ngang dòng xe cộ trong tầng mơ đầu tiên, mang đến cảm giác hỗn loạn đầy sống động mà không chút gượng ép. Rồi đến thế giới bất ổn của cõi Limbo, nơi những tòa nhà đổ nát trôi nổi trong không gian hư vô, kết hợp với ánh sáng mờ ảo, tạo nên một bầu không khí vừa đẹp đẽ vừa ám ảnh, như thể hiện chính sự tan rã của tâm trí nhân vật Cobb.
img_11
Nhưng đỉnh cao nhất có lẽ là cảnh hành lang ở tầng mơ thứ hai rơi vào trạng thái không trọng lực. Khi Arthur chiến đấu trong không gian xoay tròn, tường và trần nhà đảo lộn, mọi thứ được quay một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết, nhờ những cảnh thực được dựng trên trường quay với kỹ thuật quay phim sáng tạo. Chính sự công phu này đã biến Inception không chỉ thành một bộ phim xuất sắc về nội dung mà còn là một bữa tiệc thị giác mãn nhãn, thỏa mãn cả những khán giả khó tính nhất. Không ngạc nhiên khi phim đã xuất sắc giành được hai tượng vàng Oscar cho hạng mục 'Quay phim đẹp nhất' và 'Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất'. Những giải thưởng này không chỉ là lời công nhận cho kỹ thuật, mà còn cho thấy cách Nolan biến hình ảnh thành một phần không thể tách rời của câu chuyện – mỗi khung hình đều mang sức nặng, từ sự choáng ngợp của thành phố gập đôi đến sự căng thẳng tột độ của hành lang không trọng lực. Với mình, phần hình ảnh của Inception không chỉ đẹp, mà còn là một trải nghiệm vượt xa kỳ vọng, góp phần làm nên sự vĩ đại của tác phẩm này.
Về phần âm thanh, khỏi phải nói, Hans Zimmer với mình vẫn là GOAT trong lòng mình về mảng âm nhạc, khi ông đã tạo ra một trong những soundtrack mang tính biểu tượng nhất của điện ảnh hiện đại. Bản nhạc "Time" với những nốt piano lặp đi lặp lại mang đến cảm giác tiếc nuối và day dứt, còn "Non, je ne regrette rien" của Édith Piaf được sử dụng như tín hiệu đánh thức, tạo nên một lớp ý nghĩa thú vị khi phim cũng là một câu chuyện về sự hối tiếc và quá khứ. Ngoài ra, kỹ thuật braaam (âm trầm dồn dập) trong phần nhạc phim đã đẩy phần kịch tính của phim lên rất nhiều lần, nhất là phân cảnh thực hiện The Kick để đánh thức các thành viên tỉnh dậy xuyên qua 3 tầng đã khiến mình thực sự cảm thấy hồi hộp và căng thẳng đến cực độ, và để làm được điều này, âm nhạc của phim đã thể hiện vô cùng tốt.

TỔNG KẾT

Inception không chỉ là một phim khoa học viễn tưởng hay một bộ phim hành động đơn thuần, mà còn là một tác phẩm điện ảnh khiến khán giả phải suy ngẫm về nhận thức, thời gian và thực tại. Bộ phim khép lại bằng một trong những cái kết gây tranh khá nhiều, khi con quay của Cobb lắc lư, nhưng liệu nó có đổ không? Đó là câu hỏi mà mỗi khán giả sẽ có câu trả lời riêng. Với kịch bản thông minh, nhân vật cuốn hút, hình ảnh ấn tượng và âm nhạc xuất sắc, Inception xứng đáng là một trong những bộ phim hay nhất của Christopher Nolan, và là tác phẩm buộc phải xem trước khi chúng ta “bay màu” khỏi thế giới này. Với những trải nghiệm mà Kẻ Cắp Giấc Mơ mang đến, mình nghĩ số điểm 10/10 là hoàn toàn xứng đáng với tác phẩm có thể coi là “bộ phim bom tấn nguyên bản cuối cùng của Hollywood”. 
img_12