Mở đầu bài review cho quyển sách này bằng một từ: Intriguing.
Quyển sách là một trò chơi ghép hình đúng điệu. Tác giả sẽ đưa cho bạn những mảnh ghép, và mình nghĩ bạn sẽ thắng nếu bạn ghép ra bức tranh toàn cảnh trước khi tác giả giúp bạn phần đó.
Hố phát hành bởi Nhã Nam. Ảnh do mình chụp.

Đọc được một phần năm, mình cứ thấy sao chán chán, câu chuyện nó cứ đơn điệu, không mạch lạc và chậm. Mình đã định drop giữa chừng nhưng vẫn quyết định cầm lên đọc tiếp. Có thể nói, ở những chương đầu là những mảnh ghép ở gần 4 góc của bức tranh. Nó không dính líu gì đến nhau, bạn sẽ không hiểu bạn đang đọc chuyện gì. Nhưng bí quyết để chơi jigsaw đó là bạn phải tìm cho ra 4 góc trước, và tác giả đã đi theo hướng đó.
Bốn góc của bức tranh trong tác phẩm Hố của Sachar có thể là:
1. Trại Hồ Xanh – nơi những đứa trẻ, thanh niên có nguy cơ vào tù, được “ban phúc” cho một kì giáo dưỡng nhân cách bằng cách đào hố.
2. Stanley Yelnats – một cậu thanh niên cấp ba, nhút nhát, chây lười, yếu ớt, không có bạn, bị khép tội lấy trộm giày của một tuyển thủ bóng chày và bị đưa vào Trại Hồ Xanh.
3. Quá khứ của dòng tộc Yelnats – Gia đình Yelnats là một gia đình mắc phải một lời nguyền không thể may mắn trong những chuyện mình làm. Quá khứ của dòng tộc lại là một chất xúc tác cho sự ra đời của những cái hố.
4. Những cái hố - những thứ được xuất hiện với lý do được cho là “để giáo huấn con người”
Và rồi khi đã cố định được 4 góc, ta bắt đầu tìm những miếng ghép cạnh, những thứ nối 1 và 2, 2 và 3, 3 và 4, 4 và 1. Từ 1 đi đến 2 là những vụ tranh chấp kiện tụng, những câu chuyện về gia đình Yelnats. Từ 2 đi đến 3 là một sự hồi tưởng từ hiện tại. Từ 3 đi đến 4 là một câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc, về tình yêu ai oán, về một nỗi mất mát không bù đắp được và về đau thương hoá thù hận. Từ 4 về lại 1 là một phần của hiện tại, tiếp nối từ quá khứ.
Những mảnh ghép ở giữa, mình sẽ không nói cụ thể. Mình sẽ chỉ chạy dọc theo 4 cạnh của bức tranh mà có lẽ là các bạn đã có thể nắm được phần nào nội dung. Stanley Yelnats, vì bị khép tội ăn cắp giày của một tuyển thủ, đã được đưa ra hai lựa chọn giữa ngồi tù hoặc đi vào Trại Hồ Xanh. Khi đến Trại Hồ Xanh, nó mới phát hiện ra mọi thứ đều mang một màu nâu đất. Tại đây đã không có mưa trong suốt 110 năm. Nhiệm vụ của nó hàng ngày là dậy sớm đào hố, mỗi cái hố phải rộng bằng chiều dài cái xẻ, cao bằng chiều cao cái xẻng, đào dưới cái nóng đổ lửa. Đến cuối ngày thì sẽ về giường xếp ngủ. Stanley không biết nó đào cho ai, đào vì điều gì. Nhưng nó biết được quá khứ của Trại Hồ Xanh. Tại đây nó kết bạn được với những thằng cùng lứa, cùng nhau hơn thua, cùng nhau tranh giành thứ bậc, lấy lòng nhau, cùng nhau tránh né những con thằn lằn đốm vàng. Và rồi trải qua từng chương, tác giả lại trải ra thêm vài mảnh ghép, ngày càng xoáy dần vào tâm của bức tranh ghép. Đến chương 50, sẽ là những mảnh ghép chính giữa cuối cùng.
Nói như thế có vẻ còn rất chung chung. Nhưng thực sự nếu đã kể thì cuốn sách sẽ không còn giá trị kinh điển cuốn hút ban đầu nữa. Nên mình sẽ để phần tìm kết cục lại cho các bạn đọc. Lý do nó thuộc vào hàng kinh điển cũng là bởi nó mang giá trị xã hội, giá trị lịch sử, chứ không chỉ giá trị nhân văn. Mỗi một chương đều chứa đựng những câu nói đáng để trích dẫn, đáng để suy ngẫm. Ngoài ra thì tác phẩm cũng sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ, là một trong những tác phẩm viết cho thanh thiếu niên được đem vào curriculum(giáo trình học) tại Mỹ, được mổ xẻ và phân tích như những tác phẩm tại Việt Nam.

Thứ nhất là mình rất ấn tượng với cách kể và cách dùng từ của Sachar. Biết là đang miêu tả những tâm trạng buồn, bực, tức nhưng đọc vào mình chỉ muốn cười. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật mỉa mai, là cái cảm giác chua chát khi mà sự hài và bi trộn lẫn vào nhau. So với cách kể ở ngôi thứ nhất thì cách kể ở ngôi thứ ba mang tính khách quan nhiều hơn, sự mỉa mai thấy rõ hơn. Nó bỏ bớt đi cảm giác chủ quan của nhân vật, đặt Stanley trong sự tương quan với ngoại cảnh, và người đọc sẽ được chứng kiến toàn cảnh sự tương quan đó, toàn sự mỉa mai đó. Sự khinh rẻ mà Trại dành cho Zero thể hiện qua câu “Nó không thể ngăn mình nghĩ rằng một trăm lần zero vẫn bằng không”, không biết rằng Zero có thể làm được gì. Sau đó là cách tác giả thắt nối câu truyện thành một mạch dính liền. Mình đã phải trầm trồ, ồ lên ồ xuống như một đứa trẻ lần đầu đi xem ảo thuật, khi đọc tác phẩm. Tác giả mở nút rất hay, không chi tiết nào là dư thừa cả, dù cho ta có cho là vậy. Khi mình đọc, mình rất ít khi động não tìm cái kết, mà mình sẽ động não xâu chuỗi lại những gì mình đọc thành một dây chuyền. Có như vậy thì bất kể cái kết là gì thì cũng sẽ có được một dấu ấn. Khi ta đọc, ta sẽ phát huy trí tưởng tượng tối đa để hiểu và cảm nhận toàn bộ câu chuyện. Ở đây trí tưởng tượng không chỉ dừng lại ở hình ảnh hay màu sắc, mà còn ở cảm giác, mùi vị. Mình thực sự cảm giác được khí hậu nóng bức của một khung cảnh toàn màu nâu đất, nắng trên đầu, đất cứng dưới chân, tái tạo lại được mùi vị hành tây khi Stanley ăn chúng như cao lương mỹ vị. Có lẽ một phần cũng là do cách dùng từ và cách kể của Sachar. 
Tình bạn giữa Stanley và Zero được miêu tả trong phim
Tuyến nhân vật Zero cũng là một khía cạnh rất đáng xem xét. Nó là một thằng bé bị mọi người tưởng là bị câm hoặc đần, không biết nói chuyện. Nhưng chỉ đơn giản là nó không muốn nói. Tuy không biết viết nhưng lại có khả năng tính nhẩm tài tình. Tuy vậy, những người ít nói nhất lại là người có nhiều thứ để nói nhất, dù rằng họ không nói bằng lời mà bằng hành động và cảm xúc. Zero thằng bạn thân duy nhất của Stanley tại Trại. Chúng nó giúp đỡ nhau, đồng cam cộng khổ qua những cái thăng trầm tại nơi đây. Đến một ngày nó quyết định trốn khỏi Trại để Stanley phải đi tìm, từ đó mở ra một hành trình đầy cảm động của hai đứa. Zero là hình ảnh đại biểu cho câu nói "Friends help us become better", thông qua bạn bè mà chúng ta tốt hơn.
Nói về giá trị biểu tượng, thì có một vài biểu tượng chính xuyên suốt tác phẩm. Một là hình ảnh những cái hố, vô vị, trống rỗng, nhàm chán, tương tự như cuộc đời Stanley trước khi vào Trại Hồ Xanh. “Khi sống trong hố suốt cả đời thì đường duy nhất mày đi được là lên trên thôi.” Câu nói này của thằng Zero đã tóm gọn lại được bước đổi đời của Stanley khi đến với Trại. Những nghịch cảnh về môi trường, giao tiếp, thứ bậc đã đẩy Stanley lên một tầm cao mới, thử được những chuyện nó chưa từng dám làm. Để rồi khi nó nằm ngắm sao trên đỉnh Ngón Cái Lớn, nó lại thấy một “niềm hạnh phúc không thể lý giải, một cảm giác về định mệnh” khi nó đến với Trại và gặp những con người ở đó. Hơn nữa, hố là thứ rút cạn năng lượng của mấy thằng bé, là cái lõm. Vì thế tác giả đem vào hình ảnh của ngọn núi Ngón Cái Lớn, là cái lồi, thứ ngược lại với hố, thứ cung cấp sự sống còn cho Zero và Stanley. Thứ hai là hình ảnh củ hành tây và thằn lằn đốm. Có thể coi đây là hai hình ảnh trái ngược nhau. Củ hành tây đại diện cho sự hào phóng, lạc quan, cởi mở, thông qua lúc hai đứa Stanley và Zero dật dừ trên ngọn núi, chỉ có những củ hành tây để ăn và chia sẻ cho nhau. Còn bọn thằn lằn đốm lại đại diện cho những thứ rủi ro, hiểm nguy rình rập tại Trại. Theo mạch truyện, hành tây là thứ duy nhất có thể trị bọn thằn lằn, điều đó cũng có thể áp dụng trong đời sống, don’t you think?

Những con thằn lằn đốm theo bản điện ảnh
Sau quãng thời gian tại Trại Hồ Xanh, con người Stanley đã lật ngược 180 độ, một sự thay đổi hoàn toàn. Điều gì làm nên sự thay đổi của Stanley? Người ta vẫn nói “Don’t go through life, grow through life.” Dù cho muốn hay không, Stanley cũng được đặt vào vô vàn nghịch cảnh khác nhau. Chính những nghịch cảnh này đã đem đến một cái cảm giác của ý nghĩa trong cuộc đời Stanley. Khi nằm trên đỉnh Ngón Cái Lớn, nghĩ về những chiến tích, những gian lao mà bản thân phải trải qua trong suốt quãng thời gian tại đây, chắc hẳn nó đã gợi nên sự tự hào. Mở rộng hơn, trong triết học có một trường phái tư tưởng xuất hiện ở giai đoạn hiện đại, đó là Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialism). Về cơ bản, chủ nghĩa này cho rằng những trải nghiệm là khởi nguồn của giá trị, và rằng con người là cá thể tự tạo ra ý nghĩa cho sự tồn tại của mình thông qua trải nghiệm. Khi một người đánh giá cuộc sống dựa vào hiệu quả (productivity), mình nghĩ đó cũng là một biểu hiện của tư tưởng trên. Sẽ có những lúc mà bản thân mỗi người không nhận ra mình đang sống vì điều gì, khi mà cái suy nghĩ rằng thời gian của mình sắp cạn nó chợt đến với mình, và ta sẽ phát hoảng, thậm chí là rơi vào giai đoạn của trầm uất và vô định, đó gọi là giai đoạn của Existential Crisis. Cá nhân mình cũng đã và đang sống dựa vào phương châm trên. Và khi đọc được quyển sách này, mình lại một lần nữa cảm nhận cái luồng khí Hiện Sinh thổi vào mặt mình, củng cố hơn nhân sinh quan đấy.
Albert Camus - một trong những nhà tiên phong trong phong trào Triết học Hiện Sinh, người tích hợp lý thuyết đó vào trong các tác phẩm văn học của mình (VD: Người Xa Lạ, Thần thoại Sisyphus,..)

Đây thực sự là một tác phẩm có bề dày về ý nghĩa và nội dung. Nó không chỉ là một chuỗi sự kiện liên quan với nhau mà còn là một chuỗi bài học về nghịch cảnh, thứ bậc xã hội, bình đẳng, sống ngay thẳng và tự trọng. Nó không mượn bối cảnh xã hội bấy giờ để làm tiền đề phát triển cốt truyện. Mà nó đi thẳng vào những vấn đề về sự trưởng thành của mỗi người. Sachar nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi và tuổi trưởng thành. Và quyển sách cũng nhận giải thưởng Sách Quốc Gia Hoa Kỳ 1998. Hãng Walt Disney đã từng làm một bộ phim dựa trên cuốn sách này, nhưng ta nên đọc trước khi đến với phim. Nó làm cho phim có ý nghĩa hơn nhiều một khi ta đã hiểu những lớp giá trị ẩn bên dưới nó. Tiếng Latin có một câu nói: Carpe Diem. Tiếng Anh là Seize The Day, Hãy làm cho mỗi ngày trở thành ngày ý nghĩa nhất. Mong rằng khi lần tới bạn cầm quyển sách này lên và đọc, bạn cũng cảm nhận được cái khí nóng của Trại Hồ Xanh, cái khát của mấy thằng bé, cái chát của hành tây, cái đổ mồ hôi hột của những buổi cuốc đất, và cái luồng gió của Ý Nghĩa phả vào mặt mình.

Poster bản điện ảnh của Disney cho quyển sách

Một quyển sách kỳ công và tài tình, 5 sao !
P/s: Mong lại nhận được đóng góp của các bạn trong bài review này. Còn bạn nghĩ sao về ý nghĩa và giá trị của quyển sách kinh điển hiện đại này?