Gần đây, nếu các bạn sử dụng các dịch vụ như Youtube, Facebook, Gmail,... thì có thể bạn sẽ nhận được các email có tiêu đề đại khái như thế này: “We’re updating our term of service and privacy policy” phải không?. Nếu như bạn hay tìm kiếm nội dung trên google và lang thang vào nhiều trang web khác nhau thì chắc hẳn bạn sẽ gặp những thông báo như thế này: “This website uses cookies to ensure you get the best experience on our website”. Tại sao họ lại để những pop-up như vậy trên trang web họ để gây cảm giác khó chịu cho người đọc? Nếu bạn đang hỏi câu hỏi như vậy thì có thể bạn chưa quan tâm tới quyền riêng tư của mình trên internet rồi. Privacy - hay còn gọi là riêng tư, ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên phương tiện truyền thông báo chí , qua quá trình ngắn làm việc về dữ liệu cũng như thu thập dữ liệu trên internet mình nhận thấy privacy là một vấn đề quan trọng mà mỗi “dân mạng” chúng ta nên biết và hiểu để có thể sử dụng Internet một cách an toàn và thoải mái. Phần này mình sẽ không chú trọng vào QUYỀN riêng tư nói chung mà sẽ cố gắng làm rõ về sự riêng tư trên internet, tại sao bạn cần chúng và các nhà cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu và sử dụng chúng như thế nào.
Nếu bạn không thích chém gió linh tinh thì hãy đọc luôn P2 tại đây:
Liên kết xã hội. 
Con người là một loài sống theo xã hội và đặc tính xã hội ấy ngày càng được thể hiện rõ, hãy lấy ví dụ: một em bé nhỏ tuổi có thể tự tồn tại trong môi trường thiên nhiên hay không, và nhìn xa hơn có bao nhiêu người trưởng thành có thể tồn tại một mình trong môi trường thiên nhiên. Chúng ta sinh ra đã phụ thuộc, gắn bó với chính đồng loại của mình; đó là cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, đồng bào,... Ngược lại, một cá thể rùa biển từ khi nở khỏi trứng, theo bản năng riêng sẽ tự bò về phía biển và bắt đầu một cuộc sống bằng chính bản thân nó. Một cá thể rùa biển để có thể tồn tại tốt chúng phải tự học thêm những kỹ năng trong quá trình vận động và phát triển: săn mồi, lẩn trốn hay giải trí bằng cách thả mình theo dòng đại dương và ngắm nhìn vẻ đẹp của nó. Quay lại với con người, chúng ta là một loài xã hội vì vậy để có thể tồn tại và phát triển chúng ta phải biết tương hỗ cho nhau. Tất nhiên, để mối quan hệ giữa con người phát triển tốt thì ngoài các đặc tính vốn có sẵn của mỗi con người, chúng ta phải trao đổi những phần riêng của mình để có thể hiểu rõ nhau hơn, giúp cho mối liên kết trở nên rõ ràng hơn.


Chúng ta có thể thấy sự chia sẻ thông tin giữa các cá thể trong một quần thể qua các ví dụ sau:
  • Con kiến tiết ra các chất hóa học để xác định đường đi tới thức ăn và chia sẻ chúng tới đồng loại.
  • Một bầy linh dương sẽ có những con canh gác các loài săn mồi như sư tử và chia sẻ thông tin ấy với đồng loại qua các dấu hiệu cảnh báo.
Loài người, không biết xuất hiện từ đâu mà đã được thừa hưởng một đặc tính quan trọng; đó là sự thông minh (trí tuệ). Từ trí tuệ và qua quá trình vận động con người tích lũy được trí thức của mình và của loài, chúng ta sử dụng trí thức để giúp sự liên kết trở nên rõ ràng và gắn chặt hơn.
Chia sẻ và riêng tư.
Nếu như sự chia sẻ giữa con người ngày càng mở rộng thì sự riêng tư của cá thể ngày càng giảm xuống.  Tất nhiên rồi, từ “chia sẻ” đã nói lên điều đó, chúng ta phải chia đi những thứ của bản thân cho người khác, chúng ta hằng ngày nhắc tới sự sẽ chia, giúp đỡ nhau để cho xã hội trở nên phát triển và hạnh phúc hơn. Những thứ được chia sẻ có thể là kiến thức, tình cảm, vật chất và cả sự riêng tư. Riêng tư từ lâu đã là một bản thể của mỗi cá thể, tuy nhiên riêng tư chỉ có thể hiểu được khi chúng ta có sự chia sẻ và kết nối và ngược lại.
Loài người chúng ta khác với một loài xã hội khác là loài kiến. Loài kiến khi được sinh ra đã có vai trò và mục đích sống xác định: sinh đẻ, xây dựng, bảo vệ, kiếm ăn. Loài người thì khác, mỗi cá nhân chúng ta đều có một mục đích sống khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian.
máy móc chỉ có thể thay thế loài người khi chúng có mục đích tồn tại của riêng nó - không chỉ trí tuệ và kiến thức.
Chính vì mỗi con người có mục đích sống khác nhau nên phần riêng của mỗi người sẽ khác nhau dưới nhiều hình thức: tập tính sinh hoạt, tình cảm, sở thích, nhu cầu, vân vân và mây mây. Chúng ta luôn muốn chia sẻ để phát triển nhưng vẫn luôn muốn giữ lại những phần riêng ấy bởi vì đó mới chính là bản thân chúng ta. 
Sự chia sẽ luôn được nhắc tới hằng ngày, chúng ta luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi chúng được thực hiện một cách tự nguyện. Ngược lại, chia sẻ một cách bắt buộc sẽ khiến chúng ta có những cảm xúc tiêu cực, những cảm xúc ấy được hình thành vì do đi ngược lại một phần bản chất của chúng ta: riêng tư.
Thời kì internet phát triển đem đến chúng ta cơ hội được kết nối để tìm hiểu và chia sẻ một cách dễ dàng. Chúng ta chia sẻ và mở rộng kiến thức bản thân bằng cách tìm kiếm những thông tin cần thiết,thể hiện tình cảm qua các mạng xã hội. Chính nhờ Internet mà không cần nhờ chiến tranh có thể giúp các nền văn hóa của các quốc gia trở nên phong phú, đa dạng; cũng nhờ Internet mà tốc độ phát triển của kiến thức nhân loại trở nên rộng lớn hơn bao giờ hết.
Internet về bản chất là các mạng máy tính - nơi các máy tính được kết nối với nhau. Mạng máy tính có các mạng cục bộ (LAN) và mạng toàn tục (WAN) (MAN???). Ban đầu, các mạng máy tính hình thành với mục đích chính là trao đổi thông tin về kiến thức, tài liệu sau đó được phát triển thêm để có thể trao đổi thông điệp cá nhân và dần dần hình thành nên các mạng xã hội - một xã hội hầu như không có biên giới khi bạn có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia, thậm chí, nếu có khả năng bạn có thể tự xây dựng một mạng xã hội của riêng mình và mời mọi người tham gia. Tất nhiên, một mạng xã hội thực sự là một mạng xã hội khi chúng phải được kết nối và chia sẻ, và nếu sự chia sẻ được hình thành thì sự riêng tư cũng sẽ được nhắc tới. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi phải khẳng định rằng riêng tư trên mạng xã hội thực ra là một “riêng tư ảo” - nó chỉ đại diện cho sự riêng tư của chính bạn ở xã hội thực tế, có thể nói: trên Internet, chúng ta không có sự riêng tư! Vấn đề này sẽ được làm rõ qua các nội dung bên dưới.
Cá nhân hóa.
Bạn có thích mỗi khi bước vào một cửa hàng nào đó, các món ăn vừa đúng sở thích, vừa đúng tâm trạng của bạn được phục vụ ngay? Các nghiên cứu cho thấy, chúng ta luôn có xu hướng thích và trả tiền nhiều hơn cho những thứ phù hợp với bản thân, hay còn gọi là cá nhân hóa bởi chúng ta luôn có xu hướng muốn tiếp xúc với những thứ gần gũi với bản thân: bạn bè, môi trường làm việc, nơi ở, món ăn,... Nhờ vào đặc điểm tâm lí này, các chiến dịch marketing đều nhắm vào các nhóm đối tượng nào đó: Phát tờ rơi quảng cáo bách hóa xanh cho các công nhân ở các công ty, giới thiệu taxi qua số điện thoại của các khách hàng đi máy bay!!,... Về mảng cung cấp dịch vụ, thực tế cho thấy các dịch vụ mang tính cá nhân hóa ngày đã dần trở nên thống trị trên thị trường: Spotify gợi ý các playlist phù hợp với từng khách hàng, Netflix gợi ý các bộ phim phù hợp cho từng sở thích của mỗi người,... Spiderum hiển thị các bài viết thích hợp cho từng đọc giả? ( :D ), Tiki ngoài quảng cáo rầm rộ trên các MV ca nhạc còn có thể gợi ý cả cái quần sịp mà bạn vừa search google!!!??? . Tất cả các dịch vụ trên đều sử dụng các recommender engine (bộ máy gợi ý) để cá nhân hóa nội dung cho khách hàng.
Cá nhân hóa - giải pháp tốt nhất để cải thiện dịch vụ.Trở lại với ví dụ mình đã đề cập ở phần trên: nhà hàng, làm sao để nhà hàng đó có thể phục vụ món ăn phù hợp với bạn như vậy? Có thể trả lời một cách đơn giản đó là họ hiểu bạn. Nếu bạn là một ông chủ, bạn có thể làm biết được các khách hàng quen thuộc của quán mình bằng cách: làm quen, nói chuyện và hỏi họ - hình thành mối liên kết; dần dần, bạn có biết được họ có quốc tịch nào, hay ăn món gì, thời gian ăn như thế nào và có thể phục vụ tốt hơn cho các lần tiếp theo. Câu trả lời với suy luận đơn giản và ai cũng có thể nghĩ ra được nhưng câu trả lời cho việc làm sao để biết được tất cả thông tin và sở thích của toàn bộ khách hàng lại là một câu hỏi khó và dường như không thể thực hiện một cách bình thường cho các quán ăn có lượng khách hàng lớn được.
Cá nhân hóa - sự tiện ích luôn phải đánh đổi. Quay ngược lại về phía khách hàng, trải nghiệm và sử dụng một dịch vụ được cá nhân hóa giúp chúng ta cảm thấy tiết kiệm được thời gian, thoải mái khi được tiếp xúc với những thứ phù hợp với bản thân và còn có thể biết được thêm về sở thích của bản thân mà chính mình còn không biết. Tuy nhiên, tiện ích trên chính là sự đánh đổi với chính sự riêng tư của bạn. Khi chúng ta muốn tiết kiệm thời gian để mua quần áo, chúng ta phải chia sẻ về nhu cầu mua quần áo và sở thích về thời trang của bản thân. Khi bạn muốn “mlem” qua Tinder, bạn phải chia sẻ thông tin cá nhân của mình với người khác. Như mình đã đề cập ở phần đầu, sự chia sẻ chỉ đem lại cảm giác thoải mái khi chúng đến sự hành động tự nguyện. Chúng ta xem cá nhân hóa là một tiện ích tức là chúng mang lại sự thoải mái và đồng nghĩa với, chúng ta tự nguyện chia sẻ thông tin của mình. 
Qua phần này, mình đã chia sẻ về một số kiến thức và nhận định về sự liên kết và sự riêng tư, cá nhân hóa của chúng ta trong xã hội. Trong phần sau, hoặc có thể là những phần sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, tranh luận về riêng tư và cá nhân hóa trên internet qua cách thức mà các nhà cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu và sử dụng chúng.