Những ngày thực hiện giãn cách, mỗi gia đình có một cuộc sống riêng đằng sau cánh cửa. Không ồn ào, không dòng người náo nhiệt, toàn thành phố như đang hát những nốt nhạc trầm buồn. Nhờ những lúc như thế này, chúng ta có thời gian để ngồi suy ngẫm về mọi thứ: về công việc, gia đình, người thân, về đam mê, sở thích của cá nhân,…
Trong thời gian nghiên cứu, mình tìm thấy một khái niệm: IKIGAI. Có lẽ nó không còn xa lạ với rất nhiều người, bản thân mình cũng từng tìm kiếm ikigai cho cuộc sống, chỉ là hôm nay mình mới biết để gọi đúng tên của nó.
Ikigai (生きがい)là một khái niệm bắt nguồn từ Nhật.
/Iki/: cuộc sống, sống
/gai/: mục đích, ý nghĩa
Ikigai dịch nôm na là mục tiêu, ý nghĩa sống, mục đích cuộc sống của bạn. Có nhiều người may mắn có được ikigai ngay từ những ngày trẻ, nhưng cũng có những người đến khi lớn tuổi vẫn chưa biết ikigai của mình là gì.
Bài viết này mình xin chia sẻ một số khái niệm, phân tích về Ikigai, cũng như những ví dụ mình hoạ để mọi người có cái nhìn rõ hơn, vậy nên bài hôm nay sẽ hơi dài một xíu.
Một Ikigai phải hội tụ đủ 4 yếu tố như trong hình minh hoạ.
- Là cái bạn yêu thích
- Là cái bạn làm giỏi
- Là cái xã hội cần
- Và bạn kiếm ra tiền từ đó
Một nhà thần kinh học – Ken Mogi đã giải thích rằng Ikigai được hiểu đơn giản: đó là lý do để bạn thức dậy mỗi buổi sáng.
Có Ikigai, bạn thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi được làm công việc ấy. Bạn có thể làm việc tới quên ăn, quên ngủ, nhưng không cảm thấy áp lực như một nghĩa vụ phải làm. Cảm xúc đó được gọi là FLOW, một dòng chảy đam mê, một khoảnh khắc, một ngày đáng sống của bạn khi có ikigai.

Nếu chỉ có 2 trong 4 yếu tố trên, Ikigai sẽ như thế nào?

Ảnh từ tài liệu của hieu.tv
Ảnh từ tài liệu của hieu.tv
1. Việc bạn yêu thích và xã hội cần
Khi bạn làm một việc khiến bạn thấy yêu thích và công việc ấy cũng có ích cho xã hội thì đó là Sứ mệnh của bạn. Nhưng nếu bạn chỉ thích nhưng không giỏi lĩnh vực ấy, và bạn cũng không kiếm được tiền từ nó thì công việc ấy cũng sẽ không đem lại động lực thúc đẩy, gắn kết lâu dài với bạn.
Một cô bạn của mình rất mê macrame, cô ấy thức dậy từ 3h sáng để tạo ra những chiếc túi, những bức rèm được kết từ dây. Thế nhưng công việc này không đem lại thu nhập vì cô ấy không quá giỏi trong lĩnh vực này. Để tạo một chiếc rèm phải mất hơn 1 tuần, cô ấy cũng không thể bán với tốc độ sản xuất chậm và cũng không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
2. Có thể kiếm tiền và xã hội cần
Hai trong bốn yếu tố này khi kết hợp, sẽ tạo ra một Công việc, nhưng nếu bạn làm công việc ấy mà không cảm thấy thích thú và bạn cũng không giỏi thì sẽ khó lâu bền để theo đuổi.
Ví dụ dễ hiểu của trường hợp này là những bạn văn phòng ngày ngày tới công ty làm việc. Công việc cho bạn thu nhập, công ty và xã hội cũng cần vị trí ấy, nhưng bạn không thấy hứng thú khi mỗi sáng phải đi làm. Và vì không yêu thích nên bạn cũng không muốn trao đồi, học hỏi để tiến bộ hơn trong công việc đó.
3. Cái bạn giỏi và bạn kiếm ra tiền từ nó
Khi hội tụ 2 yếu tố này, bạn sẽ trở thành Chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nhưng nếu công việc ấy lại không có ích cho xã hội và bạn cũng không hứng thú với nó, thì công việc ấy cũng không được gọi là Ikigai.
Mình đưa dẫn chứng cho trường hợp này là những bạn hacker. Các bạn ấy có thể rất giỏi trong việc lấy cắp tài khoản ngân hàng của người khác và kiếm được nhiều tiền từ việc đó. Nhưng rõ ràng đây là một công việc không tốt, bản thân người ấy có thể cũng không thích vì biết rõ nó phạm pháp. Vậy nên dù công việc của 1 hacker tài giỏi đem lại nguồn thu nhập cao nhưng nó cũng không phải là 1 ikigai.
4. Cái bạn thích và bạn làm nó rất tốt
Khi bạn làm giỏi một việc mình thích thì đó gọi là Đam mê. Nhưng nếu bạn chỉ có đam mê, công việc ấy lại không mang lại lợi ích cho xã hội, bạn cũng không kiếm ra tiền từ nó, thì công việc đó cũng không được gọi là Ikigai.
Ví dụ như những người cá độ gà. Họ rất giỏi trong việc chăm sóc, lựa chọn một con gà chọi. Nhưng đó không phải công việc xã hội cho phép, và bản thân họ cũng không kiếm nhiều tiền từ việc cá độ. Bởi vì đã là một canh bạc đỏ đen thì may rủi, có người thắng sẽ có kẻ thua.

Vậy một Ikigai đầy đủ có khó không?

Như bạn đã thấy, nếu giao thoa chỉ 2 trong 4 yếu tố trên thì vẫn chưa đủ để tạo ra Ikigai. Việc tìm kiếm mục đích, lý do của cuộc sống thực sự không hề đơn giản. Nếu bỏ qua rào cản về tài chính, có lẽ sẽ có nhiều lựa chọn, nhiều ikigai hơn trong cuộc sống. Nhưng sự thật là chúng ta vẫn phải sống, vẫn phải cần tiền để mua thức ăn, nhu cầu vật chất và giải trí của bản thân.
Một cách dễ hiểu của sơ đồ Ikigai này là sự cân bằng và biết cân bằng. Một ngày làm việc với:
- một công việc lương có thể không cao nhưng đủ cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống,
- một công việc mà bạn yêu thích và đam mê học hỏi nó,
- một công việc không bị ngăn cấm và có ích cho xã hội
Đó chính là một ngày đáng sống, một ngày được tuôn trào dòng chảy FLOW trong bạn.

Một Ikigai thành công

Để tìm kiếm Ikigai là cả một chặng đường và cần sự nghiêm túc từ chính mỗi người. Bản thân mình cũng đã và đang trên đường tìm kiếm ikigai của chính mình. Hôm nay có thể mình chưa thực sự được một ngày làm việc theo dòng chảy flow vì công việc ấy chưa tạo ra thu nhập. Nhưng mình cũng đã có 3 trong 4 yếu tố của Ikigai khi mình nghiêm túc ngồi xuống viết ra những điều đang nghĩ trong đầu.
“If you have a goal, write it down. If you do not write it down, you do not have a goal - you have a wish.” - ― Steve Maraboli
Một câu nói rất hay mình từng đọc được. Chỉ đến khi bạn viết ra thì điều ấy mới có thể từng bước trở thành hiện thực.
Cảm ơn bạn đã dừng lại và đọc bài chia sẻ cùng mình.
Bài viết có tham khảo:
- Định nghĩa Ikigai từ: https://positivepsychology.com/ikigai/
- Hình ảnh sơ đồ và cảm hứng về ikigai từ bài viết của anh Hiếu.TV: https://youtu.be/KYQNUZrvnew