Sau khi tôi post bài “IKIGAI” rất nhiều người đã quan tâm đến khái niệm đặc biệt của Nhật Bản này:( https://www.facebook.com/namhhn/posts/832502683478337 )


Như tác giả đã viết, nếu chỉ xem rồi gật gù thì bài viết chẳng có mấy giá trị thực tiễn. Chỉ mong sao có một bộ phận người đọc suy nghĩ, mà tốt hơn hết là lấy giấy bút ra, để bắt đầu cuộc tìm kiếm ikigai cho chính bản thân mình. Bởi vì tùy đối tượng, tùy quyết tâm của từng người cũng như hoàn cảnh cá nhân cuộc tìm kiếm này có thể chóng váng đi đến kết quả, hoặc sẽ kéo dài rất lâu đấy, thậm chí có thể không đi đến đích, nhưng bản thân sự tìm kiếm ikigai cũng là một quá trình đầy ý nghĩa rồi. Ngay cả ở Nhật Bản cũng rất nhiều người không có được ikigai...


“Tại một thành phố nhỏ ở Nhật Bản có người phụ nữ đang hấp hối. Đến một thời điểm chị ta cảm thấy tâm hồn mình đang lìa khỏi thể xác, bay bổng lên trên và trình diện trước vong linh của tổ tiên. Một giọng nói âm vâng hỏi chị ta: “Nhà ngươi là ai?”“Con là vợ của thị trưởng ạ” – người phụ nữ trả lời. “Ta không hỏi ai là chồng ngươi. Hãy trả lời ta, ngươi là ai?”“Con là mẹ của bốn đứa con. Con làm giáo viên tại trường học”.“Ta đâu có hỏi, ngươi có mấy con và làm việc ở đâu?”Và cứ thế tiếp diễn cho đến lúc người phụ nữ trả lời: “Con là người mỗi sáng thức dậy để giúp đỡ gia đình và ở trường dậy dỗ trẻ em”.Sau đó hồn nhập về lại thân thể và người phụ nữ qua cơn bạo bệnh. Chị ấy đã tìm được ikigai của mình!”

Có rất nhiều trường hợp khác mà ikigai dễ tìm, dễ hiểu (nhưng không chắc đã dễ thực hiện hơn đâu!), ví dụ như có người có ikigai là thợ làm tóc-thì ý nghĩa cuộc sống của anh ta là làm thêm nhiều mẫu tóc đẹp cho cuộc đời này. Hay người bà đã về hưu, ikigai bây giờ chính là chăm sóc cho đứa cháu ngoại mới chập chững biết đi...Tuy vậy nhiều bạn trẻ chúng ta khá lười tìm ikigai cho mình, hăng hái một chút sau khi đọc bài “Ikigai” nhưng mới bắt đầu rồi lại đã bỏ cuộc, có lẽ đó cũng là biểu hiện của lối tư duy Việt Nam của chúng ta chăng-có thì “hay” đấy mà không có thì đâu có sao, bao nhiêu người chả có cơ mà? Hoặc là lập tức hỏi cách tìm sao cho nhanh, mặc dù trong bài đó cũng đã có chỉ dẫn những bước tìm kiếm ikigai cơ bản rồi...Có lẽ chúng ta quen hời hợt mất rồi, như ý thơ trong bài thơ rất nổi tiếng của tác giả Nguyễn Sĩ Đại:
“Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp lũy xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh”.

Tôi muốn viết “IKIGAI-2” này đã lâu rồi, và gần một năm nay đã viết ra dăm ba bản, nhưng rồi lại bỏ đó, khó viết vì cảm thấy ngay mình cũng chưa hiểu được bao nhiêu về ikigai, nhưng hôm nay đã biết cách viết phần tiếp theo này nhờ vào một câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt trên FB: “Tìm được (ikigai) sao tự tử nhiều thế?” Nó hoàn toàn ứng với một trường hợp tìm kiếm ikigai của một người phụ nữ-Việt Nam ta nhé-mà tôi được theo dõi, và hôm nay được sự đồng ý của chị ấy xin kể lại với mọi người:


Hồi nhỏ cô gái đó là một trong những học sinh xuất sắc nhất của thế hệ mình. Ngoài học ra cô bé còn rất người lớn, có tài tổ chức, tài trong cả văn hóa, thể thao...Hãy để những câu thơ của cô học sinh này nói thay những suy nghĩ của mình: 


LẼ SỐNG
Tôi đọc thơ không hiểu nhiều khi

Thơ tình phức tạp những gì gì

Nhưng không có thơ tôi sao sống nổi

Tâm hồn thơ mang cả trái tim tôi!

Mọi người bảo rằng tôi “đa cảm”

Đa cảm ư! Tôi chẳng chối đâu

Nhưng cuộc sống nếu không tình cảm

Không tình bạn, không tình yêu cái đẹp

Thì cuộc sống cũng chỉ là nhỏ hẹp

Của những kẻ lười gian yếu hèn!
Nhưng tôi muốn sống sao cho ra sống

Sống vì bao lẽ phải trên đời

Sống vì bao hạnh phúc của loài người

Chính vì thế mà tim tôi nồng nhiệt

Yêu nhân loại và yêu thơ tha thiết!
(13 tuổi)

Rồi như lẽ tự nhiên cô đi học nước ngoài học ngành tự nhiên đúng như sở trường, bảo vệ tiến sỹ lúc mới hai mấy tuổi rồi về nước. Thời mới bỏ bao cấp, cũng như mọi người cô phải khó khăn tìm việc, tìm nguồn thu nhập, tìm chỗ đứng của mình trong xã hội, nhưng với bản tính ngay thẳng, không nề hà bất cứ việc gì và dùng trí tuệ của mình cô cũng nhanh chóng tìm được vị trí rất đàng hoàng của mình trong công tác khoa học và đào tạo, chưa kể nhiều sản phẩm của cô được thương mại hóa khá tốt trên thương trường. Gia đình êm ấm, con cái biết nghe lời...tưởng chừng thế là quá tốt cho một người phụ nữ, thế nhưng không...Từ bé cô đã luôn có suy nghĩ ám ảnh, rằng mình chẳng cần bất cứ cái gì, chẳng quá muốn cái gì trong cuộc đời này, tuy chẳng hề biết sợ hãi gì nhưng có một nỗi bất an cứ len lén trong tim! Cũng lại qua những vần thơ của chính cô ta có thể thấy được điều đó:

XIN CHO TÔI MỘT CHÚT BÌNH YÊN!

Cuộc đời ơi! Xin cho tôi một chút bình yên!

Xin cho nghe tiếng sóng êm dồn vào vách đá

Xin cho nghe tiếng hoàng hôn khe khẽ thầm thì, 

Và tiếng dòng nước xanh đang thong thả trôi đi...
Xin cho tôi một chút bình yên....

Hãy nhìn vào mắt tôi và đừng chờ những lời tôi đáp lại

Dù mỗi nối đau nhẹ nhất của cuộc đời,

Vẫn chạm vào lòng tôi khe khẽ , rung rinh...
Xin cho tôi một chút bình yên...

Dù những cơn đau vẫn nổi lên day dứt

Và chính trong giờ phút này đây, sóng dậy từ nơi sâu xa nhất...

Những nỗi đau vò xé suốt một đời!
Ai có lắng nghe tiếng màn đêm nhè nhẹ buông rơi,

Tiếng gió thổi luồn qua chân gốc lúa,

Dưới những làn sóng xanh dào dạt xô bờ.

Và ai có lắng nghe tiếng trời xanh lách nhẹ qua mây,

Hát lời ca trong sáng nhất

Gieo những mầm xanh hiếm hoi giữa ngày hè nắng gắt!

Sẽ hiểu lòng tôi hôm nay

Những phút giây buồn lặng lẽ

Yêu cuộc đời trong nỗi cay đắng xót xa!
Xin cho tôi một chút bình yên

Như sau cơn lũ sông xin một ngày lặng gió

Để hiến trọn cho đời những giọt nước còn trong

Cho nơi sâu thẳm tận cùng lắng phần chua chát nhất

Cho những giọt nước mắt ngậm ngùi sẽ chảy vào trong.
(17 tuổi)


Một người có tài năng, trách nhiệm với cuộc sống như thế, mà sao hay có cảm giác “chẳng có gì níu kéo trong cuộc sống này”, thậm chí nhiều khi có cảm nhận rõ rệt “chỉ muốn sớm ra đi, không hề tiếc nuối”? Tôi và người phụ nữ đã U50 này thử tìm ikigai của cô ấy, nhưng mà khó thật. Chúng tôi đọc lại từng câu, từng chữ về ikigai, xem có thể vì lý do ngôn ngữ nào mà vẫn chưa hiểu đúng ikigai không...?


“...Để mỗi sớm mai thức giấc có thể dễ dàng vùng dậy với cảm giác vui sướng để sống một ngày thật hiệu quả, đầy ý nghĩa và hạnh phúc”-hay là có gì đó ở đây mà chúng tôi chưa hiểu kỹ? Cô ấy bảo vẫn luôn cố gắng làm những việc mà cô ấy yêu thích, chứ chẳng có ai khác bắt ép được cô làm khác đi; cô ấy sẵn sàng vùng dậy, chứ “với cảm giác vui sướng” thì chắc là không có, nhưng tại sao như vậy thì chưa hiểu được...

Đọc mãi về ikigai chúng tôi mới để ý đến một chi tiết nhỏ, đúng hơn là về “quê hương” của ikigai-hòn đảo nhỏ Okinawa. Ngoài việc ai cũng có ikigai của mình, ở đây còn có một khái niệm cũng đặc trưng chỉ riêng cho Nhật Bản, cũng là một trong các yếu tố để con người sống hạnh phúc hơn và tuổi thọ cao hơn. MOAI –hay “sự tương trợ cộng đồng Moai”- có thể dịch sơ bộ là “cuộc gặp gỡ cho một mục đích chung”. Nghĩa đầu tiên và truyền thống của Moai là “những người láng giềng góp tiền giúp cho người cần thiết”-chẳng hạn bạn thiếu tiền nhưng cần mua gấp cái nhà cho con trai đi lấy vợ, và những người láng giềng của bạn tự động họp nhau lại để bàn xem ai góp được bao nhiêu để  tìm cách giúp bạn vượt khó khăn, và làm rất trách nhiệm, hoàn toàn vô tư! Vâng, dân ta cũng có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, nhưng không có đến mức như Moai đâu, và ngày này càng hiếm gặp hơn! Nếu bạn có gì buồn rầu, thì Moai sẽ có nghĩa là những người hàng xóm bên bạn sau buổi gặp sẽ chia nhau tới thăm bạn, và tìm cách giúp bạn được vui lên... Chính cách sống HÀNG NGÀY luôn có IKIGAI, lại thêm tinh thần sẵn sàng tương trợ MOAI làm cho các cụ ở Okinawa sống lâu trăm tuổi!

Và người phụ nữ U50 của chúng ta chợt hiểu ra rằng từ bé cô đã chỉ cảm thấy thật sự hạnh phúc khi giúp được một ai đó cái gì, cũng là “ca hiếm” phải không các bạn? Lại qua những vần thơ của cô bé ngày xưa:

Bạn có thấy chăng?...

Hãy mở rộng tâm hồn đón lấy bao rung động của đời

Để giữ cho dòng sông sâu thẳm bên núi cao vời vợi in trời

Để giữ cho dòng sông chẳng cạn

Để giữ cho hồn ta trong sáng!
(Chùa Hương, 14 tuổi)

Và chị ấy nhận ra được ikigai của bản thân đó chính là được giúp đỡ mọi người, được làm những điều tử tế-không phải ngay một lúc mà có thể quen với ý nghĩ đó, càng không đơn giản khi chấp nhận và thực hiện theo ikigai đó hàng ngày, như người Okinawa...nhưng chị ấy làm được, đang làm rồi, và đúng như sự hiểu biết về ikigai, trong ikigai chị đã tìm ra “sứ mệnh” của riêng mình trong cuộc sống này (và phải tiếp tục thực hiện nó, cũng như tiếp tục tìm tòi, vì mọi cái đều có thể thay đổi, kể cả ikigai!)- đó là chỉ khi giúp đỡ mọi người thì chị mới thực sự cảm thấy có ích và hạnh phúc!

Về ikigai có thể viết mãi và mãi...Tìm ra nó thì khó, chứ biết ta có nó hay không dễ hơn nhiều, nhất là khi ta thức dậy mỗi buổi sáng, liệu có nhiều người có cảm giác được như Wilbur Wright (1867—1912)-anh cả trong 2 anh em chế tạo ra chiếc máy bay có động cơ đầu tiên trên thế giới- thế này không: “Chúng tôi nóng lòng mong trời sáng để có thể lại bắt tay vào công việc!”.
Good morning! Vậy thì bạn có tin chắc vào ikigai của bạn - “việc của mình là xanh”? 

Xem và bình luận tại đây: https://www.facebook.com/namhhn/posts/991008260961111
(Ảnh: nguồn internet)

Đọc thêm: