Trước khi đọc bài, hãy thử viết ra 4 điều sau: Những điều bạn biết - Những điều bạn không biết - Những điều bạn nghĩ không biết nhưng hóa ra bạn biết - Những điều bạn nghĩ là biết nhưng hóa ra không biết.
Đối chiếu lại và tự hỏi bản thân mình: Liệu có điều gì bạn chắc chắn rằng mình hoàn toàn biết rõ không?
“Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả”
Đây là câu nói nổi tiếng của Socrates - triết gia người Hy Lạp cổ đại, ông được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây. Socrates được xem là người thông minh nhất thành Athena vì ông sống và hành động theo niềm tin rằng “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả”.
Sinh thời, Socrates thường tranh luận với những người mình gặp. Ông sẽ đặt câu hỏi như vì sao bạn làm như vậy, nếu làm như thế thì có tạo được kết quả như mong muốn không. Từ đó giúp người đấy nhận ra những thiếu sót trong lập luận của bản thân.
“Người ta kể rằng mẹ của Socrates là bà đỡ và ông so sánh công việc triết học của mình với “phép đỡ đẻ”.. công việc của Socrates là “đỡ đẻ” cho những trí tuệ sinh ra tư tưởng đúng. Hiểu biết đích thực chỉ đến từ bên trong từng người.” - Trích sách “Thế giới của Sophie”
Phải biết rằng vào khoảng thời gian mà Socrates sinh sống, việc cúng thờ thần linh, sở hữu nô lệ hay hình tượng hóa sự can đảm của người đàn ông được xem là điều hiển nhiên. Vậy nên việc Socrates đặt câu hỏi, đi ngược lại những điều ấy đã khiến ông phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Tại sao bạn cần biết là mình không biết gì cả?
Tất nhiên bạn sẽ không muốn có kết cục như Socrates (chúng ta cũng không sống dưới thời đại việc giết người được quyết định bằng phiếu bầu của đa số). Nhưng chúng ta sống ở thời đại với quá nhiều thông tin, quá nhiều hình mẫu về việc bạn nên làm gì, nên trở thành người như thế nào.
Việc biết rằng mình không biết gì giúp bạn hoài nghi những hệ giá trị mà người khác đưa ra. Đúng hơn, nó cho bạn cơ hội để định nghĩa lại bản thân.
Tại sao trước đây mình nghĩ bản thân là kẻ thất bại? Vì mình không productive, không học tập xuất sắc, không có đam mê,.. Vậy tại sao phải học giỏi, phải làm việc chăm chỉ, thăng tiến trong sự nghiệp mới gọi là thành công?..
Nếu nhìn lại lịch sử, hẳn bạn cũng thấy rằng có rất nhiều điều vốn được xem là chân lý thì hiện tại bị cho là mê tín, hoang đường, lạc hậu. Vậy điều gì khiến bạn chắc chắn rằng những niềm tin hiện tại là đúng đắn?
Tương tự với những vấn đề xã hội, dưới ảnh hưởng từ truyền thông hay ý kiến của số đông, bạn dễ dàng hạ thấp, chỉ trích những người có quan điểm khác mình. Đơn cử như những tranh cãi về từ thiện đúng cách, cách ly xã hội hay việc tiêm vaccine.
Nhận thức rằng mình không biết gì sẽ giúp bạn có cách tiếp cận đúng hơn với những vấn đề trên. Bạn trở nên có trách nhiệm với suy nghĩ, hành động của chính mình. Bạn tự phản biện lại những niềm tin “thông thường” để tìm ra đâu là điều mình muốn làm theo.
Tư duy như Socrates
Khi tranh luận, Socrates không nghĩ mình là người thông thái nhất, ông không muốn chứng tỏ mình đúng hay muốn thắng cuộc. Thay vào đấy, ông hiểu rõ mình không biết điều gì cả và khốn khổ vì việc ấy.
Với thái độ đó, Socrates đã tư duy theo cách sau:
- Hỏi về một điều được xem là lẽ thường, điều hiển nhiên
- Liệu điều ấy có trường hợp ngoại lệ nào không?
- Trong trường hợp có ngoại lệ thì điều trên cần được định nghĩa lại như thế nào?
- Lặp lại 2 bước trên
Như khi ai đó bảo rằng “bạn cần tìm ra đam mê của bản thân để sống một cuộc đời ý nghĩa”. Vậy với những người không có đủ nguồn lực để theo đuổi đam mê, hay không biết đam mê của mình là gì thì sẽ sống cuộc đời không có ý nghĩa ư? Hay định nghĩa như thế nào là cuộc đời có ý nghĩa?
Dù vậy, đôi khi bạn không cần cách lập luận trên để biết được điều nào không phải là chân lý. Ví dụ như bạn biết rằng không nhất thiết phải có công việc ổn định ở tuổi 30 hay cần tìm ra đam mê để được xem là đáng sống. Dù vậy, cách tư duy này vẫn hữu ích vì:
“Socrates gọi một niềm tin đúng mà không kèm theo hiểu biết về cách đáp trả những phản bác bằng lập luận là ý kiến đúng, và cho rằng nó có vị trí thấp hơn so với tri thức, bởi vì tri thức phải bao gồm không chỉ hiểu biết về nguyên nhân tại sao một điều được coi là đúng mà còn cả nguyên nhân tại sao điều ngược lại là sai.” - Trích sách “Sự an ủi của triết học”
Tổng kết lại, việc tự nhận thức được rằng mình không biết gì cả, rằng kiến thức của mình rất đỗi nhỏ bé có thể không khiến cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại, nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó sống hơn nhiều khi phải nghi vấn lại những điều mình từng tin. Nhưng đó cũng sẽ là cánh cửa để bạn tiếp cận tri thức một cách cởi mở và thành thật nhất.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất