Bạn có thể sống đến năm bao nhiêu tuổi mà vẫn còn có thể tự hào nói rằng "Tôi không có gì để hối hận"?
Mỗi người có một mục tiêu lớn cho riêng mình trong đời. Đối với mình, đó chính là có thể sống qua đến cuối cùng mà không phải hối tiếc. 
Tiểu thuyết Kim Dung có một nhân vật. Dương Tiêu Tả Sứ của Minh Giáo cùng Kỷ Hiểu Phù của Nga Mi vượt qua ranh giới chánh tà yêu nhau, đại khái làm nên một thiên tình sử nức (tai) tiếng trên giang hồ, sinh hạ một con gái, tự Dương Bất Hối. Dương Bất Hối sau gặp lại người trong mộng của mẫu thân là Ân Lê Đình của Võ Đang, vốn bị phụ tình phụ nghĩa mà mang tật nguyền, lại nguyện chung thuỷ cùng người. Ân Lê Đình thân là tàn phế nhân, mới bảo nàng theo ta sau ắt hối hận. Dương tiểu thư chỉ nói ta chính là như tên mình, không hối hận. Một đoạn tình nghĩa hợp tan, chỉ để lại dư âm duy nhất trong hai chữ Bất Hối.
Kể từ lúc đấy, cái ý niệm này đã theo mình dai dẳng mãi không thôi. Sống cuộc đời mà sau này khi rời đi lại hoàn toàn xuôi tay mà không có gì hối tiếc? Ý tưởng này hấp dẫn cực kì. Nhưng là, sống thế nào để có thể bảo rằng mình không hối hận? Hay là, nên hỏi, phải giữ tâm thế không hối hận mà làm bao nhiêu chuyện thì mới có thể thực sự tự mình thành toàn? Cuối cùng, hành động có trước, hay ý chí có trước? Thực sự là cái bẫy muôn thuở kinh điển của nhân gian.
Lại nói, muốn giải thích cho cặn kẽ tường tận ra xem như thế nào mới tính là bất hối, phải xem lại xem: Hối hận là thế nào? Lập trình máy móc một chút cũng sẽ hiểu ra - nếu chỉ hành động mà không biết mình thế nào mới là hối hận thì sớm muộn, dẫu có cẩn trọng đến đâu, cũng sẽ thấy hối hận. Mà ngược lại, cũng là nếu không biết rõ giới hạn của Hối của bản thân nằm ở đâu, cứ khư khư giữ lấy cái ý niệm mơ hồ đó, thì vô chừng sẽ trở nên cuồng loạn ngông nghênh, mà cuối cùng vẫn không thoát khỏi chính nó.
Sống ở trên đời, chỉ trong tư duy thôi cũng đã khó khăn - chính là như vậy. Muốn sống cuộc đời "bất hối", ắt nhiên cũng không có đơn giản là dũng cảm yêu rồi chôn thân như nàng Dương thị kia. Mà cũng không thể ngược lại cứ đâm đầu vào mọi thứ chỉ vì sợ, một nỗi sợ mơ hồ, rằng mình sẽ hối hận - một ngày nào đó, vì một điều gì đó. Trên hết cả, muốn đạt được cảnh giới "bất hối", bản thân phải thấu tỏ chính mình, cũng phải thấu tỏ mục đích và giới hạn của mình, như thấu tỏ chính những hình ảnh nhân diện của mình phản ánh trong gương. Tường tận thấu hiểu, khi đó, mới nắm rõ ràng cái ranh giới hối - bất hối đang nằm ở đâu. 
22 năm. Hẳn là giới hạn của mình.
Bởi vì mãi cho đến lúc này, mình mới nhận thức rõ ràng được sự mập mờ của mình với hai chữ bất-hối. Thực là quả đắng. Cam đoan tin vào bản thân mình, ôm giữ khư khư hai tiếng bất hối, mà đã đi được một đoạn đường rất xa. Mãi đến cuối cùng mới nhận ra, mỗi bước đi lại lệch ra khỏi chính đạo thêm một dặm trường. Cảm giác hối hận quả thực rất mãnh liệt.
Là quả đắng, không sai. Hối hận chính là cảm giác đắng ngắt bạn cảm thấy trong vòm họng mình, khiến cho lời biện minh, dù có bao nhiêu ý tứ cũng không dám cả gan tuôn ra ngoài. Hối hận đặt bạn vào hoàn cảnh khi mà câu nói "giá như" cứ treo lơ lửng như một tảng đá nặng, che mất bạn khỏi mục tiêu, dù không trực tiếp chắn đường bạn đi tiếp. Quả đắng - là bởi vì nó khiến bạn thấy không thể yên ổn, bức bối, và lạc lõng trong suy tưởng. 
Nó kích thích khao khát phục thù! Vùng dậy, trả đũa, khẳng định lại, khoả lấp, sửa sai... Nó khiến bạn muốn tìm cách loại trừ nó, chối bỏ nó, và gạch xoá nhì nhằng lên nó. Là loại quả đắng khiến bạn rơi vào cảnh khốn cùng nhất của lương tâm chính mình. Nó thôi thúc bạn vùng vẫy, mà đồng thời lại như vũng bùn, càng vùng vẫy sẽ càng lôi lấy bạn. Nếu "Bất Hối" là một cái bẫy nhỏ, thì cái vũng lầy của hối hận thực sự là không lối thoát.
Phải chống lại nó! Cách thức? Có lẽ là như cây Bẫy Quỷ đi vậy: thả lỏng người ra. Chấp nhận Hối Hận như là một thứ thuốc khó nhai, nhưng là một thứ dược liệu nhắc nhở nghiêm khắc để bạn nhận ra sai lầm của chính mình. Tĩnh tại mà tắt cơ chế phòng vệ của bản thân, để cho phép thuốc đắng được len lỏi vào từng tế bào, và chữa trị. Phải chào mừng nó, chân thành, dù không nhất thiết là nhiệt thành.
Bạn có thể sống bao nhiêu lâu mà không có gì để hối hận? Có lẽ đó không phải là câu hỏi trọng điểm thực sự quan trọng. Điều bạn nên hỏi có lẽ là: đến cuối đời, khi nhìn lại, bạn đã chấp nhận bao nhiêu điều hối hận, và phòng trừ bao nhiêu hậu hoạ trong đời? Tỉ lệ, trong một vài trường hợp, có sức mạnh khẳng định vững chắc. Còn con số tuyệt đối, sẽ cho bạn một thước đo thành công của chính mình.
Nhưng chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ có thể trả lời là "đến tận cuối đời" cho câu hỏi ở trên.
16.03.2018