Hướng nội [My story]
Bạn có biết là 1/3 thế giới này là những người hướng nội? Trong đó có tôi và cũng có thể là bạn. Hẳn bạn cũng biết, hình mẫu hướng...
Bạn có biết là 1/3 thế giới này là những người hướng nội? Trong đó có tôi và cũng có thể là bạn. Hẳn bạn cũng biết, hình mẫu hướng ngoại, từ lâu luôn được cho là chuẩn mực của sự thành công và được tôn sùng cho đến nay vẫn vậy. Liệu điều này có thật sự đúng, liệu rằng chúng ta có cần phải thay đổi để biến mình trở thành hướng ngoại hơn. Chúng ta hẳn không ít lần cảm thấy khó khăn trong cuộc sống, giao tiếp, hòa nhập và vô vàn những vấn đề khác… Nhưng tin tôi đi bạn ạ, điều duy nhất bạn cần phải làm là hiểu về bản thân mình hơn, bạn nghĩ mình đã đủ hiểu, hmm, chưa hẳn đâu.
Hướng nội?
Hướng nội không thích những nơi đông người, không thích xã giao, tụ tập. Họ thích ở một mình nhiều hơn, họ thích không gian riêng tư, thích làm việc độc lập và các cuộc nói chuyện thân mật. Hướng nội sẽ làm việc tốt hơn trong môi trường hài hòa và thoải mái, khác với những người hướng ngoại khi họ lại làm việc hiệu quả hơn trong môi trường cạnh tranh và gay gắt. Chắc hẳn đôi lúc chúng ta – những người hướng nội luôn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi phải ở nơi quá đông người, luôn phải cố gắng tỏ ra là một người quảng giao, và tin tôi đi, nếu bạn để tình trạng ấy diễn ra quá lâu, bạn sẽ bị kiệt sức đấy. Lúc đó bạn sẽ thật sự thèm cảm giác trốn trong căn phòng một mình đọc một cuốn sách bên cạnh tách cà phê :). Nói dễ hiểu thì hướng ngoại lấy năng lượng tinh thần khi ở giữa đám đông và ngược lại hướng nội nạp đầy năng lượng khi được yên thân một mình.
Hướng nội và điểm mạnh?
Sáng tạo. Sáng tạo tốt nhất là trong quá trình tư duy độc lập, không bị ảnh hưởng những phiền toái bên ngoài và hướng nội rất giỏi việc này. Những bộ óc thiên tài nhất là tuýp người hướng nội có thể kể tới như: Albert Einstein, Isaac Newton, Abraham Lincoln, Warren Buffett, Bill Gates, Mahatma Gandhi… Bạn biết đấy Newton phát minh ra định luật Vạn vật hấp dẫn khi ngồi một mình bên vườn táo chứ không phải trong khi dự tiệc với bạn bè.
Sâu sắc. Hướng nội không thích nói nhiều, thay vào đó là nghĩ nhiều hơn, họ thường chỉ nói khi mọi thứ đã sắp xếp một cách logic mạch lạc trong đầu. Trong một cuộc brainstom hướng nội thường không là người đưa nhiều ý kiến, nhưng sẽ là người quan sát tổng hợp và phân tích vấn đề. Ít nói cho phép hướng nội một khoảng lặng để xem xét tổng quan đa chiều và logic.
Những mối quan hệ sâu sắc là điều không thể thiếu đối với người hướng nội. Tất nhiên rồi, họ không thích xã giao, thích nói chuyện thân mật với những người bạn thân mà nhờ vậy những mối quan hệ mà họ có dù ít nhưng luôn bền chặt tuyệt vời.
Hướng nội nên làm thế nào?
Ta vẫn hay thường phân thế giới ra làm hai kiểu người, hướng nội và hướng ngoại. Tất nhiên khi sinh ra, mỗi người chúng ta đều đã có cho mình một kiểu tính cách vượt trội tạo nên bản chất riêng. Tuy nhiên theo thời gian và môi trường tác động, cách hành xử và suy nghĩ của chúng ta dần thay đổi. Và bạn cần nhớ rằng dù có thay đổi tới đâu, bản chất của chúng ta vẫn thế, ta sẽ không từ một người hướng nội bỗng chuyển thành một người hướng ngoại được, nhưng ngược lại ta hoàn toàn có thể cư xử theo nhiều tính cách khác nhau trong nhiều trường hợp để phù hợp với hoàn cảnh, điều này dễ và ít mệt mỏi hơn việc bạn bắt hoàn cảnh phải theo ý mình.
“Vờ hướng ngoại”. Ta luôn có những lúc phải vờ hướng ngoại để phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình và nếu như để phục vụ cho niềm đam mê và hướng tới những mục tiêu cao cả trong công việc thì điều này chẳng có gì là sai cả, mà ngược lại còn rất đáng. Nếu cần thiết hãy cố gắng tập luyện việc này.
“Góc phục hồi”. “vờ hướng ngoại”, nhưng không có nghĩa ta sẽ làm vậy cả ngày vì điều đó chẳng chóng thì chầy bạn sẽ bị kiệt sức mà thôi. Để đạt được cân bằng cuộc sống, hãy cho mình những góc phục hồi, đó là những khoảng không gian, thời gian riêng tư một mình, để làm việc độc lập, để đọc sách, để viết, để thư giãn, nạp lại năng lượng, sống là chính mình và đừng bắt bản thân phải gồng lên giữa những đám đông ồn ã. Mạnh dạn hủy bỏ những cuộc gặp mặt, chơi bời, tụ tập không cần thiết để dành thời gian một mình cho tới khi bản thân đã cảm thấy đủ. Đó chính là khi ta đã đạt tới “điểm ngọt ngào”, hay cũng chính là cách mà tôi điều chỉnh cuộc sống.
Chúng ta luôn mang trong mình những phần tính cách khác nhau, không hẳn lúc nào cũng rạch ròi "Hướng nội" hay "Hướng Ngoại", vì vậy hãy tìm cho mình những điểm cân bằng trong cuộc sống, hãy ra ngoài khi bạn muốn và cũng sẵn sàng dành cho mình những khoảng lặng bình yên. Hiểu rõ mình hơn, bởi bản thân là cán cân duy nhất giúp ta cân bằng giữa dòng đời biến động.
Cho những ai muốn hiểu sâu hơn. Hãy tìm đọc "Quiet" - Susan Cain.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất