Người Việt yêu tiếng Việt nhé các bạn <3
Hế lô các bác, nhận thấy xu hướng học ngoại ngữ ngày càng bùng nổ trong mọi tầng lớp giai cấp từ tiểu nông đến địa chủ, từ nhi đồng cho đến các bô lão như hiện nay, người đàn bà thích hoài niệm, yêu dân tộc này quyết định bắt tay viết chuỗi bài: Phương ngữ Việt Nam
Mục đích là để níu giữ “nội ngữ” của hậu duệ Âu - Lạc. Mong quý zị đọc bài vui và có thêm kiến thức, phần nào đó giúp quý zị trong cuộc sống ngày càng ô nhiễm và cạnh tranh này. <3
Thú thật, mình không phải là người theo học ngành Ngôn ngữ hay nghiên cứu ngôn ngữ (dù mình rất thích ngôn ngữ). Mình chỉ đơn giản là người hay tò mò và muốn chia sẻ những gì mình mày mò được. Thực tế, mình chưa tìm hiểu hết các phương ngữ của Việt Nam nhưng mình đang. Mình nghĩ nếu chuỗi bài này được ủng hộ, mình sẽ có động lực đi nhiều hơn, đọc nhiều hơn và viết lại nhiều thông tin hơn. Ước mơ của mình là được chia sẻ cả tiếng các dân tộc thiểu số của nước mình đó (nhân tiện khoe khoang là mình đang học tiếng dân tộc Thái hehe). Dù sao thì cũng xin 500 anh em bơm cho mình ít động lực nhé (kiên nhẫn đọc hết bài sẽ có quà).

Disclaimer: 

1. Như mình đã nói, mình không phải là chuyên gia ngôn ngữ. Tất cả những gì mình sắp chia sẻ đều là trải nghiệm cá nhân tự đúc kết.
2. Không phải tất cả những gì mình chia sẻ dưới đây đều được công nhận bằng nghiên cứu khoa học hoặc được phổ cập đại chúng. Tuy nhiên, chúng diễn ra trên thực tế (vì mình đã chứng kiến). Mong các bạn iu đọc với cái đầu lạnh chứ không phải trái tim ấm nóng thương yêu mình thái quá. Mình rất vui và biết ơn nếu các bạn bổ sung giúp mình kiến thức còn thiếu cũng như sử dụng tư duy phản biện để thông não cho con bé hèn mọn, chơi vơi giữa đời này. Lò vé!
3. Mình có chèn một số từ lóng đồng nghĩa trong bài. Mình không chắc là các từ đó còn thông dụng nữa hay không nhưng do từng nghe qua nên bổ sung vào. Các bạn cứ vui vẻ chỉnh sửa giùm nhá.
4. Bài có một số thông tin về địa lý, lịch sử,... của người Nghệ An, Hà Tĩnh. Mong các bạn bổ sung nếu thông tin mình đưa ra chưa phải bản cập nhật nhất.
---

5 giây tóm tắt nội dung bài như sau:

1. Lý do nên học phương ngữ và tại sao mình chọn tiếng Nghệ mở màn chuỗi bài này
2. Hướng dẫn học tiếng Nghệ theo 4 nội dung: Nghe - Nói - Đọc - Viết 
3. Bảng tra cứu từ vựng tiếng Nghệ phổ biến
Okeyy, let’s get started!

Lý do nên học phương ngữ và tại sao mình chọn tiếng Nghệ mở màn chuỗi bài này

Cũng giống như học ngoại ngữ, chúng ta học “nội ngữ” để giao tiếp dễ hơn với những người sống ở địa phương khác. Tuy nhiên, mình cho rằng, lý do sâu xa cho việc học phương ngữ có thể là 1 trong 5 điều cơ bản sau:
  • Xu hướng đô thị hóa khiến nhiều người trẻ ở các địa phương rời quê, lập nghiệp và định cư ở các thành phố lớn. Và không phải tất cả trong số họ đều nói tiếng phổ thông tròn vành, rõ chữ, dễ hiểu.
  • Sự hạn chế hiểu biết phương ngữ có thể khiến bạn bực mình: Khi thấy một nhóm đồng hương nói tiếng Việt nhưng nghe như tiếng nước ngoài, khi cảm giác bị cà khịa - nói đểu nhưng không phải bằng tiếng phổ thông,...
  • Có thể nói tiếng địa phương hoặc hiểu tiếng địa phương giúp bạn nhanh chóng hòa nhập hơn với người bản địa (khi đi du lịch đến các địa phương đó). Yep. Khả năng ngôn ngữ có ý nghĩa sống còn đấy các ba ^^
  • Bạn là người nước ngoài học tiếng Việt và đang hết sức hoảng loạn với phong ba bão táp ngữ pháp Việt Nam. Học thêm phương ngữ có thể không làm bạn bớt hoảng sợ nhưng có thể khiến bạn thấy ngôn ngữ này thật thú zị. Khẩn thiết cầu xin anh em có người quen nào là người nước ngoài đang học tiếng Việt / nghiên cứu tiếng Việt hãy chia sẻ bài viết này cho họ. <3 Yêu nước x1000.
  • Mình thích thì mình học thôi. “Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm”, “Tiếng Việt muôn năm”, “Khi tôi chết hãy chôn tôi với tiếng dân tộc tôi”,...

Tại sao lại là tiếng Nghệ?

Google nói với mình: Nghệ An - quê hương của Hồ chủ tịch là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, là địa phương có dân số đứng thứ 4. Suy ra một cách không logic lắm, có thể tiếng Nghệ là một trong những phương ngữ phổ cập nhất hiện nay.
Nghệ An là một tỉnh miền Trung (giáp với Hà Tĩnh và Thanh Hóa). Tiếng Nghệ An đa dạng nhưng cũng có sự đồng điệu nhất định với phương ngữ của đồng bằng Duyên hải Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Nghệ An và Hà Tĩnh trước đây là một tỉnh (Nghệ Tĩnh, mới bị tách ra từ năm 1991). Nhiều người con Nghệ Tĩnh hiện nay đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính phủ. Và nói đến Hội đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh ở khắp dải đất hình chữ S này, chúng ta đều phải thừa nhận sự đoàn kết, bao bọc lẫn nhau của họ (hãy hiểu một cách tích cực nhé các đồng chí).
Lý do cuối cùng là bởi, mình thích mê thơ về Tiếng Nghệ Tĩnh. Điển hình là chiếc thơ thú zị này của nhà thơ Bùi Vợi - cũng là một người con Nghệ Tĩnh.
Bài này đọc lên thành tiếng cảm tưởng như đang sống ở một vùng đất nào đấy vượt ngoài lãnh thổ Việt Nam các bác ạ. Nghe là lạ nhưng hay xỉu =))

Hướng dẫn học tiếng Nghệ theo 4 nội dung/ kỹ năng : Nghe - Nói - Đọc - Viết 

Nếu các sĩ tử thi IELTS, TOEFL, TOEIC,... ngày nay vật lộn với Listening - Speaking - Reading - Writing thì các thanh niên mê phương ngữ cũng có thể tiếp cận theo 4 nội dung đó. Sau đây là hướng dẫn sơ lược để các bạn nắm được kiến thức tiếng Nghệ căn bản (cô mình bảo, học được tiếng Nghệ là có thể hiểu được 70% tiếng các tỉnh miền Trung rồi đó).

Nghe

Kỹ năng nghe ứng dụng trong các trường hợp sau:
  • Nghe hiểu các đoạn hội thoại của nhóm bạn/ đồng nghiệp/ các sếp người Nghệ An - Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung khác. Bạn sẽ không còn cảm thấy lạc lõng giữa đám đông những con người nói chuyện mà như bắn súng liên thanh này nữa. 
  • Xem clip tiếng Nghệ An - Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung khác không cần phụ đề. Thật là một bước tiến lớn thể hiện sự yêu nước đó các đồng chí =))

Phương pháp học:

Học từ vựng: Điều này rất quan trọng, mình sẽ nhắc lại nhiều lần. Luôn phải học từ vựng, học đầy tâm huyết vì tiếng Nghệ Tĩnh dù là tiếng Việt nhưng có một hệ thống từ vựng khá khác với tiếng phổ thông. Các bạn mới làm quen thì tra bảng từ vựng ở cuối bài và đọc to thành tiếng (tất nhiên nếu bạn không có vấn đề về phát âm, nếu có, cứ lên Google gõ và nhờ chị đọc hộ nhé. I dì game. Thật may vì tiếng Việt là ngôn ngữ đọc sao viết vậy).
Đặc biệt chú ý này các bác: Người Nghệ Tĩnh không nói được dấu ngã (~) hoặc hỏi!!! Vì vậy khi phát âm, họ thường đọc thành dấu nặng. Ví dụ: bạo = bão, cụng = cũng, mãi mãi = mại mại, Đà Nặng = Đà Nẵng, Hà Tịnh = Hà Tĩnh, vui vẹ = vui vẻ,...
Lịch học: Bạn không cần lên lịch với kỹ năng này. Nó tuy khó thời gian đầu nhưng càng học càng lên. Cứ từ từ rồi khoai cũng sẽ nhừ. Mình đảm bảo nếu ngày nào cũng nói chuyện với người Nghệ An, chỉ khoảng 6 tháng là bạn có thể master Nghe An Listening rồi ^^
Lưu ý: Tiếng Nghệ cũng có tiếng Nghệ this và tiếng Nghệ that. Nếu tiếng Anh có Anh Mỹ, Anh Úc, Anh Ấn,... thì tiếng Nghệ cũng có tiếng thành Vinh, tiếng Thanh Chương - Đô Lương - Nam Đàn, tiếng Nghĩa Đàn - Quỳ Châu - Quỳ Hợp - Quế Phong và tiếng Nghi Lộc (siêu khó nghe, bạn cứ tưởng tượng nó như là phiên bản Anh Ấn và Anh Thái nói với từ vựng tiếng mẹ đẻ vậy). Vì vậy, để luyện tập, vui lòng lên Youtube, Google gõ các từ khóa trên để nghe đi nghe lại cho nó thấm nhuần ngôn ngữ nhé. Phương pháp học tiếng anh Deep Listening có thể áp dụng khá hiệu quả trong trường hợp này. Yoyo.

Nói 

Người Nghệ Tĩnh thường đùa cách người địa phương khác phát âm tiếng của họ là “Bây nói như Việt Kiều về nước á. Choa nghe mà nhọc” (Chúng mày nói như Việt Kiều về nước vậy. Bọn tao nghe mà mệt.” Thực tế thì tất cả người Nghệ Tĩnh đều có thể nghe hiểu tiếng nhiều vùng miền và nếu cần trao đổi, bạn có thể chuyển sang tiếng phổ thông, họ đều hiểu.
Một số người khá khó ở khi nghe ai đó cố gắng nói tiếng Nghệ vì họ cho rằng đó là sự mỉa mai hoặc cố tình bắt chước. Trong khi một số người lại rất thích. Nhìn chung, các bạn cứ mạnh dạn thử nói, nếu gặp người khó tính thì thôi, còn nếu gặp ai vui vẻ thì cứ thế tới luôn. Luyện nhiều thì nghe cũng tự nhiên.
Về phần này mình không hướng dẫn nhiều, chỉ cần các bạn phát âm chuẩn các từ vựng đặc trưng của tiếng Nghệ Tĩnh khi nói chuyện bằng giọng bình thường, chậm rãi là được. Tra bảng từ vựng phổ biến ở cuối bài.
Lưu ý: Người Nghệ Tĩnh phát âm “Tr/ Ch”, “x/s” khá chuẩn không như nhiều người miền Bắc (Ninh Bình trở ra). Các bạn ở các địa phương này có thể luyện các âm này để tạo sự tự nhiên khi nói nhé!
Nếu bạn nào hay xem video của bạn Khánh Vy 7 thứ tiếng sẽ phát hiện rất rõ đặc điểm này. Cách nhấn nhá âm Tr/ Ch của em ấy cho thấy 100% người Nghệ luôn á (cái này người ta hay nói là: phát âm đặc sệt). 

Đọc - Viết

Đọc - Viết tiếng Nghệ có thể là trường hợp mà các bạn ít bắt gặp trong đời sống (ít hơn việc vận dụng kỹ năng nghe) vì phần lớn chúng ta soạn thảo các văn bản chính thống bằng tiếng Việt phổ thông. Tuy nhiên, trong các trường hợp dưới đây, mình tin là kỹ năng này có thể hữu dụng:
  • Nhắn tin/ gửi thư trò chuyện với crush/ bạn/ đối tác người Nghệ An - Hà Tĩnh. Tưởng tượng khi bạn nói với họ là: Mày cứ thoải mái nói tiếng Nghệ đi, tao đọc hiểu hết mà xem, người ấy chắc chắn sẽ rất vui. Dù sao trò chuyện bằng ngôn ngữ quen thuộc nhất vẫn dễ chịu hơn và tự nhiên hơn nhiều. Khi giao tiếp với đối tác nước ngoài và người đó hiểu tiếng Việt, mình cũng thấy sướng mê tơi vậy đó.
  • Đọc hiểu các văn bản trên mạng. Ngôn ngữ ngày càng linh hoạt mà, nhiều lúc đọc các bài bóc phốt hoặc chia sẻ viết bằng tiếng Nghệ mà lấn cấn thì cũng khá khó chịu.
  • Viết các nội dung cho đối tượng người Nghệ An - Hà Tĩnh (bỗng nhiên lạc vào group/ thread của Hội đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh nhưng vẫn sân si muốn ở lại hóng biến chẳng hạn).
Đối với 2 kỹ năng này, các bạn chỉ cần nhận diện và viết đúng chính tả các từ vựng trong bảng tra cứu cuối bài là được. 
Một số nguồn luyện tiếng Nghệ trên Facebook (bao gồm văn bản, video,...): Choa dân 37, Nghệ An, báo Hà Tĩnh, Hà Tĩnh quê choa

Bảng tra cứu từ vựng tiếng Nghệ Tĩnh phổ biến






Xin lỗi vì mình chỉ biết cho vào Excel rồi crop ảnh như thế này *cúi đầu*.
Lưu ý: Thực tế, trong nội bộ tiếng Nghệ còn chia ra nhiều nhánh nhỏ với hệ từ vựng đôi chút khác nhau. Ví dụ: từ “hái” bị đọc thành “hoái” hoặc từ “lộn” bị đọc thành “lôn/ lốn/ l*n” ở một số nơi. Tuy nhiên, các bạn chỉ cần học bảng từ vựng trên là có thể hiểu 90% tiếng Nghệ Tĩnh các vùng miền rồi.
Nếu các bạn sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu và nhiều giờ cho việc học ngoại ngữ thì 10 - 15 phút học phương ngữ Việt Nam mỗi ngày, MIỄN PHÍ cũng không quá khó đúng không? Nhất là khi các bạn được sinh ra, lớn lên hoặc sinh sống và làm việc tại đây. Biết đâu đó, khi đất nước phát triển, các bạn có cơ hội đi công tác đến địa phương khác, kiến thức này có thể giúp công việc và cuộc sống của bạn dễ dàng hơn.
Mình không khó chịu khi nhiều người Việt quên tiếng Việt nhưng mình sẽ rất vui nếu người Việt chịu khó tìm hiểu tiếng mẹ đẻ của mình thay vì cho vào quên lãng.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài đến đây. Món quà cho những con người ham học hỏi và không lười đọc bài hôm nay là:
1. Một số group trao đổi về ngôn ngữ/ tiếng Việt có thể bạn hứng thú:
2. Một số địa điểm tham quan du lịch Nghệ - Tĩnh:
Nghệ An:
  • Đồi hoa hướng dương & đồi hoa xuân thị xã Thái Hòa
  • Trang trại TH thị xã Thái Hòa
  • Đồi chè Thanh Chương
  • Vườn quốc gia Pù Mát
  • Biển: Cửa Lò, Quỳnh Bảng, Diễn Thành, cảng Hoàng Mai
  • Thác Xao Va Quế Phong
  • Hang Bua Quỳ Châu
  • Làng Sen - Nam Đàn
Hà Tĩnh:
  • Biển: Thiên Cầm, Xuân Thành, Hoành Sơn
  • Chùa Hương Tích
  • Núi Hồng Lĩnh
  • Hồ Kẻ Gỗ
  • Vườn quốc gia Vũ Quang
Chúc các bạn yêu luôn vui và học được nhiều điều mới. 
Ký tên,
Bà chị Việt Nam yêu đời <3

Đọc thêm: