Dưới đây là một vài chia sẻ kinh nghiệm thực tế cũng như tham khảo được của mình về một số vấn đề có thể là quan trọng, nâng cao hơn khi bạn đã bước đầu biết đi xe côn tay. Mình sẽ không nói về những kỹ năng cơ bản như chuyển số, đi đúng số đúng tốc, chạy xe không tắt máy, cơ bản về sử dụng côn… Các vấn đề được nêu dưới đây có thể thấy là tập trung vào việc đi xe côn tay được an toàn hơn. Thông tin thêm là mình hiện đã sở hữu chiếc xe côn tay thứ hai là Honda CB150R Neo Sport Cafe và cũng đã thử đi trải nghiệm một số chiếc phân khối lớn, nhỏ khác. Dù còn chưa phải quá rành nhưng cũng chia sẻ lại chút kinh nghiệm và kiến thức tham khảo được cho những bạn cần.
Honda CB150R Neo Sport Cafe
Honda CB150R Neo Sport Cafe

1. Ôm cua không cắt côn hay thực hiện đổi số:

Lý do là khi cắt côn hoàn toàn (bóp tay côn hết cỡ) thì sẽ ngắt truyền động bánh sau của xe do đó bánh sau đang nhận lực được truyền từ động cơ tới ly hợp qua bộ nhông sên dĩa thì không còn nhận lực nữa trong khi quán tính của bánh sau vẫn còn lớn mà xe lại đang ôm cua đổi hướng dẫn đến mất kiểm soát bánh sau và bánh sau sẽ bị trượt đi do còn quán tính theo hướng cũ nhưng lại không được kiểm soát. Hậu quả là tăng khả năng bị trượt bánh sau dẫn đến xoè, tốc độ càng cao thì mức độ trượt bánh và khả năng xoè càng cao. Nên nếu đi tốc độ thấp trong thành phố ví dụ ôm cua, quay đầu dưới 20km/h thì cắt côn hoặc đổi số (sẽ phải cắt côn) với người mới có thể không cảm nhận được sự trượt bánh sau hoặc do lốp bám đường tốt và trọng lượng xe đầm giúp xe bám đường hơn cũng giúp hạn chế việc trượt bánh, tuy nhiên khi đi tốc độ cao sẽ cảm nhận rõ việc trượt bánh hơn.
Vậy các thao tác đúng để ôm cua an toàn và tăng tốc nhanh khi thoát cua là:
- Bước 1: về số hợp lý trước khi vào cua. Lý do là như giải thích ở trên, không nên cắt côn trong quá trình ôm cua, như vậy cũng không thực hiện đổi số khi đang ôm cua, và về số là để đảm bảo lực kéo giúp xe tăng tốc nhanh ngay sau khi thoát cua. Ví dụ về 1 số với ôm cua thông thường (đang đi số 4 thì về số 3, đang đi số 3 thì về số 2…), nếu cua gắt kèm dốc cao có thể về số 2 hoặc 1 tuỳ tính toán của người lái về dự kiến lực kéo cần thiết để kéo xe tăng tốc sau khi thoát cua cùng tốc độ muốn kiểm soát trong khi ôm cua để tránh tắt máy và kiểm soát xe tốt.
- Bước 2: ôm cua, có thể tham khảo tư thế ôm cua hợp lý trên mạng với những người yêu thích tốc độ để ôm cua tốc độ cao. Còn kinh nghiệm an toàn của 1 người đặt an toàn lên trên thì mình luôn giảm tốc trước khi vào cua và kiểm soát tốc độ xe ở mức không quá cao cùng việc cố gắng tìm phương án ôm cua nhẹ nhàng, an toàn, không quá gắt do đó không cần nghiêng xe và người quá nhiều. Vì vậy không cần cạ gối.
- Bước 3: thoát cua và tăng ga đi tiếp luôn mà không cần giảm số.
Có 1 trick xem được trên mạng nói về việc làm thế nào cắt côn khi vào cua nhưng giảm được khả năng trượt bánh sau (có lẽ dùng trong trường hợp bất đắc dĩ phải đổi số khi vào cua khi gặp tình huống bất ngờ, tuy nhiên theo mình tốt nhất không nên thử trong thực tế nếu không có đủ đồ bảo hộ và việc thử nên diễn ra ở sân tập hoặc trường đua tập): khi ngắt côn thì cũng nhấn nhẹ phanh sau để giảm sự trượt bánh sau.

2. Kinh nghiệm phanh an toàn

Trong trường hợp khẩn cấp cần giảm tốc nhanh nhất có thể thì theo phản xạ người lái hay bóp chặt phanh tay bên phải (tức phanh bánh trước). Theo phân tích về mặt vật lý thì khi xe giảm tốc đột ngột thì phần lớn trọng lượng của xe dồn về bánh trước do đó bánh trước vừa cần hệ thống phanh với lực phanh mạnh mẽ, hiệu quả lại vừa cần hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-lock Brake System) hơn bánh sau (do đó mà kẹp phanh bánh trước cũng thường nhiều piston hơn bánh sau cho hiệu suất phanh tốt, hay phanh đĩa thường được trang bị bánh trước rồi mới bánh sau, hoặc thậm chí 2 đĩa phanh bánh trước với kẹp phanh 4 piston mỗi đĩa trong khi bánh sau chỉ cần 1 đĩa phanh với kẹp phanh 2 piston, ABS cũng được ưu tiên trang bị bánh trước hơn bánh sau).
Phương thức phanh sẽ có 2 cách:
- Cách 1 là phanh thông thường: là thông qua bóp tay phanh bên phải (phanh bánh trước) để tác dụng lên hệ thống phanh đĩa bánh trước giúp giảm tốc độ bánh trước và thông qua đạp chân phanh bên phải (phanh bánh sau) để tác dụng lên hệ thống phanh đĩa (hoặc tang trống/đùm) bánh sau giúp giảm tốc độ bánh sau.
- Cách 2 là phanh động cơ: khi về số, ví dụ số 4 với tốc độ 60km/h vòng tua đang là 6000rpm thì khi ta bóp côn hạ số về số 3 thì tua máy vẫn còn là 6000rpm tuy nhiên với số 3 thì vòng tua máy phải đạt 7000rpm mới đạt được tốc độ 60km/h (ví dụ) do đó mà nếu sau khi chuyển số ta không tăng ga (tăng tua máy) thì tốc độ xe sẽ giảm dần do tua máy thấp sẽ đồng tốc dần với tốc độ quay bánh xe. Động cơ sẽ ghì xe lại. Nếu ta liên tục hạ số nhanh mà không tăng ga bằng kỹ thuật dồn số gấp sẽ khiến động cơ ghì xe lại đang kể.
Như vậy tuỳ vào thói quen cũng như tình huống xử lý hoặc xe có trang bị ABS hay không ta có thể dùng 1 trong 2 hoặc kết hợp cả 2. Xin gợi ý 1 phương án xử lý giảm tốc gấp với khi gặp tình huống khẩn cấp tốt với xe có ABS và không có ABS:
- Với xe có ABS bánh trước hoặc cả 2 kênh: giảm ga tức thì và thực hiện đồng thời bóp phanh trước với 70% lực cùng nhấn phanh sau với 30% lực (hoặc chỉ phanh trước với phanh trước có ABS do dễ tiếp cận nhất khi phản xạ nhanh trong trường hợp khẩn cấp). Việc bóp phanh có thể là bóp chết (bóp hết cỡ phanh) hoặc nhấp nhả vài lần đều được vì kể cả bạn bóp chết phanh thì do có hệ thống ABS làm giúp bạn việc nhấp nhả phanh để tránh bó cứng phanh (ABS sẽ tự động tính toán và thực hiện nhấp nhả khoảng ví dụ 100 lần trên giây nhằm giúp xe giảm tốc nhanh nhưng không hề bị bó cứng phanh gây tình trạng bánh bị trượt). Khi ABS kích hoạt thì bạn bóp cứng phanh nhưng sẽ thấy phanh khựng khựng lại và đẩy tay bạn ra từ từ, đó là dấu hiệu ABS kích hoạt. Xe đã giảm tốc đáng kể thì thực hiện dồn số gấp, khi đó ví dụ cách vị trí cần dừng tầm 10m là có thể về được số 1 khi xe dừng. Trong trường hợp cách vị trí cần dừng chỉ 5m với tốc độ cao thì khả năng cao chỉ có thể bóp chết phanh trước với ABS và nhấn phanh sau với ABS. Đó cũng là lý do xe có ABS 2 kênh vẫn là an toàn hơn. Trên thế giới thì ABS đã trở thành tiêu chuẩn an toàn bắt buộc ở rất nhiều nước đối với xe máy/ô tô lưu thông.
- Với xe không có ABS bánh trước và bánh sau: giảm ga tức thì và thực hiện đồng thời việc bóp phanh trước với 70% lực cùng nhấn phanh sau với 30% lực nhưng khác biệt với trường hợp trên là xe có ABS thì bạn bóp chết phanh hay nhấp nhả đều được thì ở đây bạn phải tự thực hiện việc nhấp nhả phanh (không liên tục và chuẩn xác được như ABS), ví dụ nửa giây 1 lần. Lưu ý phân bổ lực 2 phanh và không bóp chết phanh (bóp hết cỡ phanh). Làm đúng thì giảm được tương đối khả năng trượt bánh gây nguy hiểm. Khi tốc độ giảm tương đối sau khi dùng phanh thông thường thì tiến hành dồn số gấp và bóp côn khi xe dừng hẳn, số lúc đó về 1.
Lưu ý:
- Thứ nhất, dồn số gấp có khả năng gây ra tình trạng trượt bánh sau, lý do cũng phần nào được giải thích ở trên mục 1 khi xe đang đi tốc cao nhưng dồn số gấp (bóp nhả côn liên tục và nhanh để về liên tục vài số khiến động cơ ghì xe lại theo từng lần ngắt côn về số) khiến xe hãm tốc nhanh nhưng bánh sau vẫn còn quán tính lớn mà trong trường hợp lốp mòn hoặc ít ma sát hoặc đường trơn sẽ tăng khả năng trượt bánh sau. Do đó phía trên mới gợi ý phanh thông thường trước rồi ở tốc độ thấp hơn thì dồn số gấp để tận dụng phanh động cơ, đồng thời giúp về đúng số theo tốc độ xe giảm dần. Dồn số gấp có khả năng gây ra trượt bánh sau nên mới sinh ra bộ ly hợp chống trượt khi dồn số gấp (với xe nhỏ tại Việt Nam có thể thấy trên Yamaha R15 v3 từ mấy năm gần đây và mới nhất với xe nhỏ có trên Honda CBR150R 2021).
- Thứ hai, không cắt côn khi phanh vì không có tác dụng gì với việc phanh mà còn có thể gây trượt bánh sau nếu chỉ bóp phanh bánh trước mà không nhấn phanh bánh sau. Côn chỉ có tác dụng khi xe gần dừng hẳn thì bóp côn để tránh tắt máy, khi xử lý phanh như trên thì thực hiện dồn số gấp xong về số 1 thì xe đã gần về hẳn, lúc đó có thể bóp côn tránh tắt máy và có thêm tác dụng nữa là ngắt truyền động bánh sau tránh việc cuống khi xử lý mà vặn ga dẫn đến xe chồm lên hoặc phóng về phía trước. Thói quen bóp cứng tay côn (cắt côn hoàn toàn) khi xử lý tình huống (kể cả khi ôm cua hay xuống dốc sẽ nói ở dưới) nhìn chung khiến người lái tự bỏ đi quyền kiểm soát bánh sau khiến cho khả năng kiểm soát tổng thể chiếc xe kém đi, gây nguy cơ trượt bánh sau và không hề có tác dụng gì trong việc phanh. Do đó với việc ngắt côn nên tập thói quen ngắt côn dứt khoát, rõ ràng (bóp nhanh và hết cỡ để cắt côn hoàn toàn trong khi chuyển số cao ví dụ 3 lên 4 hoặc lên nữa hoặc dồn số gấp) trừ lúc khởi động xe từ số 1 thì côn ra từ từ cùng ga vào để xe chạy, còn không rà côn liên tục khi đang đi bình thường hay có thói quen bóp hờ côn (bóp 1 nửa) dù xe vẫn đang đi bình thường để tránh thói quen xấu khi xử lý tình huống ở trên đồng thời không gây tình trạng cắt côn không hết làm hại lá bố, bộ nồi, tránh việc cháy lá bố sớm.

3. Có nên cắt côn hay về số mo (số N, số 0) khi đổ đèo hay xuống dốc?

Câu trả lời là không được cắt côn hoặc về số mo (số N, số 0) khi đổ đèo hay xuống dốc. Lý do là:
- Cắt côn: nếu cắt côn thì người lái sẽ mất kiểm soát bánh sau, do đó khi lao từ dốc xuống mà trọng lượng xe phân bổ không tốt, ví dụ đuôi quá nặng (do chở thêm người hoặc đồ nặng) hoặc bánh sau độ bám đường kém thì nếu có phanh bánh trước thì bánh sau dễ xảy ra tình trạng trượt bánh hoặc thậm chí với đường trơn, bánh sau không bám đường thì có thể trượt ngay. Đồng thời khi cắt côn thì xe không còn lực hãm từ động cơ để giảm tốc mà người lái chỉ có thể trông chờ vào phanh thông thường nên nếu cần giảm tốc mà thực hiện phanh cũng dễ gây trượt bánh hơn và không tận dụng được phanh động cơ cũng khiến phanh thông thường phải hoạt động nhiều hơn, có nguy cơ cháy hoặc gặp sự cố cao hơn.
- Về số mo: nếu về số mo khi lao dốc thì có 2 cái bất lợi là thứ nhất, không có phanh bằng động cơ hỗ trợ phanh tay, nếu xuống dốc chỉ bằng phanh tay thì nếu phanh cháy do phải bóp rà liên tục hoặc phanh vốn không hiệu quả sẽ khiến xe mất phanh hoặc hãm không đủ và tai nạn. Phanh động cơ giảm việc phải phanh tay tối đa, giúp xe xuống dốc từ từ (nếu đi đúng số, câu thần chú là lên số nào xuống số ấy, càng dốc thì xuống dốc với số càng thấp) mà thậm chí không cần phanh tay, đồng thời khi xe đang vào số thì người lái kiểm soát hoàn toàn chiếc xe, có thể tăng giảm ga nếu muốn hoặc trong trường hợp khẩn cấp bị dừng giữa dốc khiến xe tắt máy thì xe đang gài số sẽ khiến bánh không bị trượt đi trong khi nếu để số mo thì xe bị trượt đi có thể gây nguy hiểm.
Hy vọng giúp ích cho mọi người và có thể hẹn gặp vào 1 bài viết sau nếu mình có hứng thú viết. Đề tài mới có thể nói thêm kinh nghiệm về kỹ thuật dồn số gấp, kỹ thuật đá số sống, sang số không giật… hay chia sẻ về một số vấn đề khi đi côn tay hay phân khối lớn như nhiệt độ máy khi tắc đường hoặc dừng đèn đỏ; không có chỗ móc đồ hay chằng đồ đi xa (nếu không lắp baga và thùng); bắn bùn và nước khi mưa; có nên lắp giá để điện thoại trên ghi đông không? Có nên độ pô không? Các vấn đề cần cân nhắc khi mua chiếc motor đầu tiên...