Đây là bài viết đầu tiên của mình trên diễn đàn, xin được chia sẻ Hướng dẫn cơ bản cho người mới đi xe côn tay để xử lý tình huống trên đường hàng ngày. Chúng ta bắt đầu nhé:
Xe của mình: Win 110cc độ lên 125cc, hộp số 1 tiến 3 lùi tức là 1, 0, 2, 3, 4 (Số mo/số 0 ở giữa số 1 và 2). Cần số có đạp trước và đạp sau (đạp trước để về số thấp, đạp sau để lên số cao thay cho móc). Nói thêm là xe mình chỉ có 1 đồng hồ hiện số vòng tua máy (đồ chơi thôi), không có đồng hồ hiện tốc độ, hiện km, hiện xăng, hiện số đang đi – hiện đại như exiter hay xe số đắt hơn khác. Nên để xác định đang đi số nào phải đi một thời gian để cảm nhận độ gằn và tiếng của động cơ.
Nguyên tắc đi cơ bản: thuộc lòng 2 khẩu quyết “Côn ra ga vào” và “Tốc thấp đi số thấp, tốc cao đi số cao”. Các bạn tìm hiểu trên mạng cái này, mình sẽ chia sẻ bên dưới là kinh nghiệm thực tế để xử lý tình huống hàng ngày sau khi đã hiểu 2 khái niệm cơ bản trên.
Mình cũng sẽ không nói những thuật ngữ chuyên môn như bộ ly hợp, bố nồi, truyền động… Chính mình cũng chỉ mới đi xe côn tay được 1 tháng và đang tìm hiểu, nên viết bài này chia sẻ những thứ mình tập luyện cũng như tổng hợp được trên mạng. Vì mình biết với người không được ai chỉ cho cách đi, tự tập đi qua những kiến thức đọc được trên mạng thì những thứ đơn giản dễ hiểu mình sắp viết sau đây sẽ có ích nhiều hơn nói chuyện hàn lâm.

A. ĐỀ MÁY:

Với 1 số xe như Honda 67 thì không có đề, bạn sẽ phải đạp cần đạp (hông bên phải xe khi ngồi lên, không phải phanh chân nhé!) để máy nổ. Khi đạp thì phải về số 0. Khi xe đang tắt máy muốn biết xe đang ở số 0 hay số 1,2,3,4 thì chỉ cần đẩy xe tiến lên hoặc lùi lại tý, nếu thấy bị cản trở, không đẩy tiếp được tức là xe đang không ở số 0 (1 hoặc 2,3,4). Khi đó hãy về số 0 bằng cách (không cần biết đang ở 1 hay 2,3,4) đạp về số (cần số ở hông bên trái xe, đạp tới phía trước là về số, tức từ số cao ví dụ 4 về 3 > đạp tiếp về 2 > đạp nhẹ về 0/đạp mạnh về 1 vì số 0 ở giữa số 1 và 2) liên tục đến khi hẫng không đạp được nữa là đang ở 1, sau đó móc nhẹ cần số là số 0 (đẩy tiến lên hoặc lùi lại không bị cản trở nữa để xác nhận). Sau đó đề máy hoặc đạp cần đạp.
Với xe có đề thì khi đang ở số 1 vẫn có thể khởi động máy và đi luôn được bằng cách sau: máy đang tắt và đang ở số 1 (check như trên) > bóp côn > đề máy > máy nổ (côn vẫn bóp) > nhả côn từ từ đồng thời lên ga. Làm theo khẩu quyết “côn ra ga vào”.

B. CÁCH PHANH:

Nhấp nhẹ cả 2 cùng lúc và nhấp 2-3 lần, không nên bấm mạnh phanh hết cỡ luôn vì khi đang đi tốc độ cao mà bóp mạnh phanh tay và/hoặc đạp mạnh phanh chân có thể gây ra bó cứng phanh (với xe không trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS, mà các xe có ABS đều giá trên 50 triệu trở lên rồi, mình đang nói về các xe côn tay giá rẻ như mình không có ABS). Và cần bóp phanh tay và đạp phanh chân cùng lúc (nên tập thói quen vậy) nếu không có thể xảy ra tình huống:
1. Bóp mạnh phanh tay (phanh bánh trước) mà không đạp phanh chân (phanh bánh sau) thì bánh sau sẽ bị trượt về trước (quẫy đuôi)
2. Đạp mạnh phanh chân (phanh bánh sau) mà không bóp phanh tay (phanh bánh trước) thì xe cũng rung lắc mạnh dễ ngã.

C. DỪNG ĐÈN ĐỎ:

Từ xa giảm tốc bằng các thao tác bóp côn > phanh (như cách đã nêu trên) > về số (ví dụ từ số cao nhất là 4 về 3) > tốc độ giảm dần và đến gần vạch dừng thì về số lần nữa (từ 3 về 2, lưu ý vẫn bóp côn) > dừng xe về 1 (vẫn bóp côn) hoặc về 0 (không cần bóp côn).
Hết đèn đỏ thì nếu xe đang ở số 1, côn vẫn bóp thì nhả côn lên ga đi tiếp, nếu xe đang ở số 0 thì bóp côn > đạp số 1 > lên ga đi tiếp.
Lưu ý ở đây là khi từ số 2 về số thấp hơn có thể đạp nhẹ về 0, đạp mạnh thì về 1 do số 0 nằm giữa số 1 và số 2. Nếu khi xe dừng bạn từ số 2 đạp về 0 được thì không cần bóp côn nữa, nhả côn ra và đứng chờ đèn đỏ 1 cách thoải mái. Nếu khi xe dừng bạn từ số 2 đạp về 1 thì bạn phải móc nhẹ để về 0 mới có thể nhả côn ra cho đỡ mỏi tay (với đèn đỏ ở Sài Gòn hoặc Hà Nội thời gian chờ có thể lên đến 90 giây). Tuy nhiên, có vấn đề ở đây là với xe của mình thì khi máy nổ khá khó về 0, thỉnh thoảng mới làm được, vì vậy buộc phải bóp côn liên tục cho hết đèn đỏ ở số 1 rồi nhả côn lên ga đi tiếp luôn. Cũng có cách đó là bạn về được 1 rồi thì tắt máy về 0 rồi khởi động lại xe khi đèn sắp sang xanh rồi tiếp tục quy trình: bóp côn > đạp số 1 > nhả côn > lên ga. Hơi cực đúng không, đến giờ khi đi được tầm 1 tháng rồi thì mình cảm nhận động cơ và xe được tốt hơn thì thỉnh thoảng có đạp được về 0. Cảm nhận sẽ khác nhau là nếu từ 2 đạp về 1 thì mình thấy xe hơi chồm về trước dù đã bóp hết côn (có lẽ côn mình cắt không hết chăng?) còn về 0 thì xe rất êm, không động đậy gì. Khi đó bạn có thể nhẹ nhàng nhả côn cho tay thoải mái (tuy nhiên nhả từ từ, cảm nhận xe có di chuyển không cho chắc nha, nếu vẫn di chuyển thì đang ở số 1 chứ không phải số 0, khi đó bóp côn lại ngay!)

D. CẮT CÔN KHI ÔM CUA

Khi đi tốc độ chậm thì việc cắt côn cùng lúc ôm cua sẽ không có nhiều khác biệt với không cắt côn, với người mới thì có thể sẽ cảm thấy muốn bóp côn khi ôm cua vì sợ tắt máy.
Tuy nhiên khi đi tốc độ cao thì tuyệt đối không cắt côn lúc ôm cua do bánh sau mất kiểm soát, xe sẽ bị văng vào lề ngay!

E. DI CHUYỂN

Nếu đi trong điều kiện đường tắc, xe gần như liên tục bị đứng yên rồi mới nhích tiếp được à phải đi số 1, bóp nhả côn đồng thời lên ga hợp lý. Lưu ý bóp thì dứt khoát, bóp hết côn, không bóp nửa vời. Nếu chỉ nhích xe được tầm mấy chục phân với 1m thì chắc về 0 về đạp chân cho nhanh, đỡ bóp côn mỏi tay.
Quay đầu: nếu điều kiện đường rộng thoáng, không có xe đi ngược chiều có thể để số 3 tuy nhiên với người mới mình khuyên để số 2 để tránh tắt máy.
Vào cua: nếu điều kiện đường rộng thoáng, không có xe đi ngược chiều có thể để số 4 hoặc tự tin cảm nhận ga và tốc độ tốt thì ôm cua bình thường. Với người mới còn sợ tắt máy thì về số 3 trước khi ôm cua.

Trên đây là một số chia sẻ từ kinh nghiệm của mình cho người mới đi xe côn tay để xử lý các tình huống hàng ngày gặp phải trên đường. Hy vọng có ích với các bạn và hẹn gặp lại trong các bài chia sẻ khác.