- Mực, lại đây ăn nè con! 
Nghe tiếng nói nhẹ nhàng của bác gái, tôi liền chạy lại đứng dưới chân bà. Không biết hôm nay bà sẽ cho tôi ăn gì đây. Dù sao thì tôi cũng đói meo rồi, thế nên có là gì thì tôi cũng chén tất. So với những ngày tháng vất vả tự kiếm ăn khi xưa thì giờ tôi không kén chọn đồ ngon hay dở nữa. Woah, là cơm chiên cá mặn, món tôi thích nhất.
Trước khi vục mặt vào bát cơm thơm lừng trước mặt, tôi vẫn không quên ngước nhìn người phụ nữ lớn tuổi đang nhìn mình hiền hoà rồi “meo meo” cảm ơn bà. “Hiền hoà”, không biết tôi dùng từ này có đúng không, tôi không giỏi sử dụng mớ từ ngữ phức tạp của con người. Đối với bọn chúng tôi thì khi miêu tả về con người, chỉ có hai từ để hình dung và phân loại, đó là:“an toàn” và “nguy hiểm”. Nếu từ dành cho họ là “an toàn” thì tức là chúng tôi có thể đến gần họ mà không cần lo sợ, tôi nghĩ là bác gái nằm ở nhóm này. 
Có vẻ hôm nay tâm trạng của bác gái rất tốt, thế nên mới cho tôi ăn một bữa thơm ngon thế này. Mà không đúng, bà lúc nào chẳng đối xử tốt với tôi, kể từ khi tôi về ở đây, chưa ngày nào bà bạc đãi tôi. 
- Mực nè, thằng An nó nói dạo này nó sống rất tốt, buổi tối không còn thấy ác mộng, còn mập thêm được mấy ký nữa. 
Bác gái vừa vuốt ve tôi vừa nói trong khi tôi đang thưởng thức bữa trưa của mình. Hoá ra là bà vừa đi thăm con trai Tâm An của bà. Nhưng chẳng phải những lần trước khi quay về, bà lúc nào cũng trông phiền muộn ư? Chà, hiếm khi nào bác gái lại không buồn bã, tự nhiên tôi cũng thấy vui lây. Vậy là tôi ngừng ăn để ngước lên nhìn bà, khi thấy tôi kêu “meo meo”, bà cười rồi xoa đầu tôi. 
- Anh An của con cũng hỏi thăm con, nó nói muốn bà chăm con thật tốt. 
Từ nãy đến giờ, tôi không hề rời mắt khỏi bác gái, thế nên lúc này tôi liền nhận ra có nước trong hốc mắt bà. 
- Nó sắp đi rồi…
Thật ra, bác gái không phải là người chủ đầu tiên của tôi. Hồi trước tôi ở với ông chủ và cô chủ. Kể từ lúc tôi bắt đầu ghi nhớ được, thì xung quanh tôi đã chẳng có ai. Tôi không có người thân, cũng không có bạn bè. Mà nói đúng ra thì hai khái niệm “người thân” và “bạn bè” này tôi học được từ con người đó, chứ hồi xưa tôi còn nghĩ con mèo nào cũng như mình, chui ra từ một cái lỗ cống. Cống thoát nước là chỗ ở của tôi, ở đó tôi thấy an toàn hơn vì không có sinh vật hai chân nào nhìn thấy tôi. Ở đó, chỉ có mình tôi. Nhưng khi trời mưa thì nó cũng không phải là một nơi lý tưởng để ở. Nước ào ào thoát xuống và như có gì đó hút chúng trôi về một phía. Có lần tôi bị cuốn đi khá xa, phải rất vất vả mới tìm được về chỗ ở ban đầu. 
Tôi và cô chủ gặp nhau lần đầu cũng là vào một ngày mưa, mưa không quá lớn nhưng nó làm tôi ướt sũng. Tôi đang cố gắng trèo ra khỏi cống trước dòng nước đang đổ xuống, vừa đói vừa lạnh nên tôi chẳng có sức mà nhảy phóc lên như mọi ngày. Rồi bỗng dưng tôi thấy ánh sáng trước mắt mình bị che khuất dần, một gương mặt hiện ra ngay trước mặt tôi và ngày càng phóng đại. Là cô chủ của tôi, sinh vật hai chân đẹp đẽ nhất mà tôi từng gặp. Cô nắm lấy hai chân tôi để kéo tôi lên khỏi cống và ánh sáng ban ngày lại lần nữa xuất hiện. 
Tôi sợ hãi và muốn vùng lên để bỏ chạy nhưng rồi lại nhanh chóng bị thuyết phục bởi nụ cười của cô chủ và liền tự xếp cô bé trước mặt vào nhóm “an toàn”. Khi cơn mưa ngày hôm đó đã tạnh, tôi cuối cùng cũng biết thế nào gọi là “nhà”, tất cả là nhờ có cô chủ nhỏ của tôi. À, còn ông chủ thì chính là ba của cô chủ. Ông chủ, cô chủ và tôi, ba chúng tôi là một “bầy”.
Ông chủ của tôi, tôi không thể nói rõ là ông thuộc nhóm nào. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người như vậy, không phải lúc nào họ cũng thuộc về nửa “an toàn” hay nửa “nguy hiểm”, họ chỉ là họ. Ông chủ thì không quan tâm đến tôi lắm, nên tôi cũng không cần quá để ý xem liệu ông có an toàn để ở cạnh hay không. Tuy nhiên cả hai chúng tôi có một điểm chung, chính là đều cùng quan tâm đến cô chủ. Theo tôi thì ông chủ là một người cha yêu thương con, ông cũng vui tính nữa. Ông hay đùa giỡn với con gái lắm, họ hay chơi đuổi bắt cùng nhau. Kể cả là ban đêm khi đang ngủ, tôi vẫn cảm nhận được những bước chân họ nện trên sàn nhà. Có vẻ cả hai đều có một buổi tối thú vị, chỉ có điều, họ không bao giờ chịu cho tôi chơi cùng. Thường khi tôi chạy lại quấn lấy chân ông chủ, ông vẫy tôi ra rất mạnh, nhưng như thế cũng đủ để cô chủ của tôi chạy thoát. 
Tôi vui lắm, vì có vẻ tôi vừa giúp cô chủ chiến thắng trong trò chơi này, nhưng đổi lại thì tôi phải nhận hình phạt từ ông chủ. Đây là trò chơi kia mà, còn tôi thì là đồng minh của con gái ông (tôi không thiên vị nhưng mà dù sao thì tôi nghĩ cô chủ yếu thế hơn trong mấy trò này nên tôi chọn đứng về phe của cô), cớ sao lại nhốt tôi vào nhà kho chỉ vì tôi giúp đồng đội của mình chứ?
Một hôm khi đang thiu thiu ngủ, tôi cảm thấy như có ai đang vuốt ve mình. Tôi hé mắt và nhận ra đó là cô chủ. Nhà kho không có ánh sáng còn cô thì không bật đèn, nhưng tôi nhận ra mùi của cô. Cô chủ dùng tay lướt trên thân tôi, từ đầu đến tận đuôi. Động tác của cô chậm rãi và đều đều, tay cô ươn ướt làm tôi thấy hơi lạnh nên tôi kêu lên một tiếng rất khẽ. Có lẽ bị tôi làm giật mình nên cô chủ rút tay lại, trong không gian im ắng, tiếng thở gấp của cô vang lên rất rõ ràng, cô bị tôi doạ sợ ư? Nghĩ vậy, tôi đến cuộn tròn trên chân cô. Sao người cô chủ lại lạnh toát thế này? Mà đúng rồi, khuya như vậy tại sao cô không ngủ? Cô lo cho tôi nên mới đến đây để xem tôi thế nào ư? 
- Mực ơi, xin…lỗi
Giọng cô chủ run run, cô nói nhỏ quá tôi suýt thì không nghe được. Sau đó, cô còn lẩm bẩm gì đó nhưng lời cô không thoát ra khỏi khoé môi. Cô chủ lại dùng bàn tay không chút hơi ấm để vuốt ve tôi, nhưng cô cho tôi cảm giác ấm áp trong dạ, hệt như khi tôi cuộn mình trong cái ổ mà cô đã làm cho tôi. Thật muốn cho cô biết cô không có lỗi gì cả, giúp cô chiến thắng mọi trò chơi là nhiệm vụ của tôi. Mấy trò này tôi cũng hay chơi với tụi chuột cống quanh đây. Đôi khi tôi thắng và tụi nó trở thành chiến lợi phẩm của tôi, nhưng cũng có khi vì lí do nào đó mà tôi để chúng thoát. Tuy vậy thì tôi không tức giận, trò chơi mà, phải có thắng thua. Hôm nào tôi cũng thắng thì chẳng mấy chốc sẽ chẳng con chuột nào còn sống để mà chơi với tôi nữa. Chà, nói vậy thì có vẻ ông chủ không giỏi chịu đựng thất bại như tôi. 
Cũng có khi tôi thất bại trong nhiệm vụ giải cứu cô chủ. Ông chủ bắt được cô trước khi tôi kịp phá bĩnh, hoặc đôi khi tôi đã bổ nhào vào ông nhưng ông vẫn hất văng tôi ra xa để đuổi theo con gái. Ông chủ sẽ lôi cô chủ vào phòng của cô, tôi không biết ông làm gì cô nhưng chắc cũng không dễ chịu gì so với những gì bọn chuột thường phải chịu đựng từ tôi. Tôi nghe tiếng cô chủ ré lên, rồi những tiếng gào đứt quãng sẽ im bặt sau đó. Tôi cố hết sức cào cửa nhưng không ai để ý đến tôi. Họ mải mê trong trò chơi. 
Dù vậy thì tôi vẫn đợi trước cửa chứ không rời đi, tôi đợi cửa mở để vào xem cô chủ của tôi. Khi ông chủ bước ra, tôi nhìn ông, ông nhìn tôi, tôi né tránh ánh mắt ông. Nhưng ông chủ không làm gì tôi mà chỉ đóng sầm cửa lại trước khi tôi kịp lẩn vào phòng. Không nản lòng, tôi vẫn ngồi đó đợi vì tôi biết cửa sẽ mở. Đây là luật ngầm giữa tôi và cô chủ, những đồng minh của nhau. Ban đầu là do tôi cào cửa đòi vào, nhưng lâu dần rồi thì cô chủ luôn để cửa hé một nửa để chào đón tôi. 
Cô chủ luôn nằm trên giường, vẻ mệt mỏi. Tôi sẽ trèo lên và nằm kế cô, cố hết sức để không đụng trúng những vết sẫm màu có hình thù kỳ lạ trên người cô chủ. Có lần, tôi vô ý chạm vào bụng cô làm cô co người lại. Cô chủ bị đau, đau đến mức khoé mắt chảy nước. Tôi không biết những vết đó là gì, nhưng tôi đoán nó tới từ ông chủ. Dường như quá yêu ai đó cũng có thể làm họ đau. Tôi không muốn làm cô chủ đau, dù tôi thương cô rất nhiều. Vậy nên tôi không chạm vào người cô mà tôi để cô vuốt ve hay ôm tôi nếu cô muốn, thế mà nhiều hôm tôi vẫn thấy nước mắt cô rơi vào người khi cô chủ ôm mình. 
“Nước mắt”, con người gọi thứ chất lỏng chảy ra từ mắt họ như vậy. Tôi thích cách gọi này, đơn giản và dễ hiểu. Họ cũng gọi hành động rơi nước mắt là “khóc”. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao những sinh vật hai chân đó lại khóc? Theo như tôi quan sát thì họ sẽ khóc khi bị đau, nhưng tại sao khi tôi đã cố không làm cô chủ đau thì cô vẫn khóc? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đi đến kết luận chắc hẳn phải có một điều gì đó làm cô đau nhưng nó không tồn tại bên ngoài nên tôi không nhìn thấy được, có lẽ nó nằm ở bên trong. Dù sao thì lý do cho những giọt nước mắt có vẻ không đơn giản như tên gọi của nó. 
Rồi bỗng một hôm, tôi không biết bắt đầu từ bao giờ, cô chủ không còn khóc nữa, nhưng cô cũng chẳng cười. Cô không còn rơi nước mắt khi ôm tôi hay thậm chí không còn chảy nước mắt khi bị tôi đụng vào những vết sẫm màu trên da. Cô đã hết đau rồi, cả bên ngoài lẫn bên trong. Tôi mừng cho cô nhưng có lẽ cô không mấy vui vì điều đó. Tôi cố bày trò để chọc cô vui, nhưng khóe môi cô chỉ câu lên đôi chút rồi lại mím thành một đường thẳng. 
Cô chủ chỉ còn cười khi gặp anh An. Cái anh chàng nhà ở cuối xóm mà cô hay dẫn tôi theo cùng mỗi khi sang chỗ anh chơi. Tôi không thích anh An lắm, vì cô chủ thường không để ý đến tôi khi có anh ở cùng. Nhưng tôi không ghét anh, tôi biết anh thuộc về nhóm “an toàn” vì anh làm cho cô chủ cười. Tôi nghe nói họ là bạn đã lâu, từ hồi còn bé tí. Giờ khi đã lớn, họ vẫn quấn quýt bên nhau. Khi cô chủ trở về từ nhà anh An, cô luôn cầm theo những chiếc hộp mà cô gọi là hộp quà. Cô chủ rất quý những chiếc hộp đó, thế nên cô cất rất kỹ ở một góc khuất trong tủ quần áo. Chắc cô không muốn ai trông thấy chúng ngoài mình. 
Một hôm, tôi thấy cô chủ hoảng hốt lục tung cả tủ quần áo để tìm những hộp quà nọ, nhưng chẳng thấy tăm hơi chúng đâu. Tôi biết người đã giấu mấy cái hộp ấy đi, mà chắc cô cũng đoán ra. Ông chủ lại bày ra trò mới. Khi ông trở về nhà vào tối hôm đó, họ lại bắt đầu trò chơi của mình. Nhưng lần này, tôi không thấy cô chủ chạy đi nữa, cô đứng đó nhìn chằm chằm vào ông. Họ nói rất nhiều thứ mà tôi nghe không hiểu, nhưng giọng họ rất lớn làm tôi thấy sợ nên tôi đành trốn đi. Chỉ đến khi nghe tiếng đóng cửa phòng quen thuộc và tiếng gào chói tai của cô chủ, tôi mới dám ló đầu ra khỏi ổ. 
Lần này, hai người ở trong phòng rất lâu khiến tôi có chút sốt ruột. Khi ông chủ bước ra khỏi phòng, tiếng đóng cửa của ông làm tôi phải nhảy cẫng lên vì hốt hoảng. Nhưng tôi lại như cũ, ngồi trước cửa để đợi cô chủ. Thế mà qua rất lâu vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi đành cào cửa và kêu lên để cô nghe thấy, dù phải mất một lúc lâu thì cô mới chịu mở cửa cho tôi nhưng may mà tôi luôn có thừa sự kiên nhẫn với chủ nhân của mình. 
Hôm ấy, cô chủ lại khóc. Những giọt nước mắt mà đã lâu rồi tôi không còn thấy, giờ đang lăn trên hai bầu má cô như những hạt sương tôi hay đuổi bắt trên lá. Cô chủ, có phải cô lại thấy đau rồi có đúng không? Tôi có nhiều điều muốn hỏi cô mà có vẻ cô chủ không bận tâm đến tôi, cô chỉ nhìn đăm đăm lên trần nhà. 
Tôi nằm cạnh cô trên cái giường nhỏ hẹp mà mình luôn rất thích nằm, vì nó có mùi của cô chủ. Lúc này, chiếc giường còn lẫn cả mùi của ông chủ. Không phải những lần trước tôi không ngửi thấy, nhưng tôi cố lờ đi. Tôi không thích mùi hương đó nên cố nép sát hơn vào cô chủ để cho mùi của cô lấn át đi mùi của người đàn ông kia. Nhưng càng làm vậy càng vô ích, vì mùi của ông vương đầy trên người cô. 
- Mực đói chưa? Chị lấy đồ ăn cho em nhé? 
Cô chủ đột nhiên bật dậy từ trên giường, giọng cô khàn đặc và có gì đó rít đến khó chịu, hệt như khi tôi cào móng mình lên gỗ. Đây chưa phải là giờ ăn của tôi, nhưng nếu cô chủ muốn cho tôi ăn thì tôi sẽ ăn, chỉ cần điều đó làm vui lòng cô. 
Tôi ngoan ngoãn theo chân cô vào bếp và yên lặng nhìn cô đổ cá hộp ra khay đựng thức ăn cho mình. Tôi rất thích món này, nhưng không được ăn thường vì ông chủ không cho. Cô chủ còn thay nước uống và cát trong chậu cho tôi. Xong xuôi, cô ngồi cạnh và nhìn tôi ăn. Nói thật là món này ngon quá, nên tôi chưa đói mà vẫn ăn như thể bản thân đã bị bỏ đói ba ngày. 
Cô chủ xoa đầu tôi, hơi ấm nơi lòng bàn tay cô khiến tôi chỉ muốn dụi đầu vào mãi thôi.  Tôi còn đang thích thú hưởng thụ cái vuốt ve của cô thì thấy cô chìa bàn tay về phía mình, thế là tôi cũng đặt một chân trước vào lòng bàn tay cô. Đây là trò chơi riêng của hai chúng tôi. Rồi lặng lẽ, những giọt long lanh rơi xuống và vỡ tan trên da tôi, thấm vào những kẽ lông mảnh. Tôi ngước nhìn cô chủ và thấy cô nhìn tôi với ánh mắt của ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Ánh nhìn ấy êm dịu như nắng ban trưa chiếu qua những kẽ lá. Tôi thích nắng nhưng nắng không chịu để tôi nhìn thẳng vào mình, thế nên tôi hay nép dưới tán cây để được ngắm nó, vi lúc này nắng hiền lành hơn nhiều. 
“Meo” 
Tôi kêu lên khi nhìn thấy nụ cười của cô chủ. Hoá ra người ta có thể vừa khóc vừa cười. Vậy rốt cuộc họ có còn đau hay không?
- Mực ăn ngoan nhé… chị thương em! 
Cô chủ ôm lấy mặt tôi bằng cả hai tay, rồi cô vuốt hai má tôi bằng ngón cái của mình. Sau đó, cô đứng dậy và quay về phòng. Còn tôi tiếp tục mê mải với bữa ăn của mình và phải đến một lúc lâu sau mới chạy đi tìm cô.
Tôi không nhớ ngày hôm đó mình đã quanh quẩn trước phòng cô chủ bao lâu. Tôi đã cào vào cánh cửa đó đến mức móng tôi đau nhức, lao mình vào nó như thể nó là kẻ thù lớn nhất của tôi. Nhưng cô chủ dường như vẫn không nghe thấy gì. Nghĩ là cô đã ngủ, thế nên tôi lặng lẽ ngồi chờ trước cửa. 
Trời sập tối và tiếng ếch nhái rềnh vang càng tô đậm sự trống trải của căn nhà. Ông chủ vẫn chưa về, còn cô chủ… Cửa phòng cô đã không còn hé mở. Một cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng tôi, chẳng phải đáng sợ lắm hay sao khi ai đó đóng sầm cánh cửa của họ? Nghĩ đến đó, tôi liền chạy đi, rất nhanh, nhưng không phải vì muốn bỏ trốn. Tôi chạy đến cuối xóm để tìm người có thể giúp cô chủ mở cánh cửa đó. 
Đến bây giờ, mọi ký ức về những chuyện xảy ra sau đó trong tôi chỉ vỏn vẹn là hình ảnh người ta bế cô chủ của tôi ra khỏi nhà và đưa cô đi đâu đó. Phải qua đến tận hôm sau thì họ mới đưa cô về. Nhưng chắc vì cô còn giận tôi mải ăn đến quên cả mình nên cô mới không thèm để ý đến tôi. Suốt cả ngày, cô chủ chỉ nhắm nghiền mắt trên bộ ván gõ, trong khi tất cả mọi người đi đi lại lại xung quanh. Hẳn là cô phải mệt lắm nên dù người ta có phiền hà thế nào cũng không thể đánh thức được cô.
Tôi không dám lại gần để tránh làm cô thêm bực bội, mà thật ra thì mấy cái người đang tập trung quanh cô cũng không cho tôi đến gần. Tôi chỉ đứng từ xa để nhìn chủ nhân của mình được người ta đặt vào trong một chiếc hộp gỗ, chắc cũng là một dạng hộp quà. Không biết người ta sẽ gửi cô đi đâu trong khi cô đang nhợt nhạt thế này, đáng lẽ họ nên cho cô nghỉ ngơi thêm nữa, khi thậm chí vết hằn trên cổ cô vẫn còn chưa nhạt bớt. Cô chủ tôi sẽ trở thành món quà của ai đó, chắc hẳn người đó sẽ rất hạnh phúc khi nhận được món quà này. Bởi vì cô gái nhỏ đó là sinh vật hai chân đáng yêu nhất và thánh thiện nhất trên đời. Có lẽ ông chủ và cả tôi nữa, đều không xứng đáng có được cô. 
- Mực ơi, bà xin lỗi con
Nước mắt lăn dài trên những nếp nhăn khắc khổ của bác gái như nước mưa rơi trên thân cây thô ráp. Bà đã xin lỗi tôi nhiều lần trong khi tôi không hiểu vì sao bà lại nói xin lỗi. Đôi khi tôi chợt nghĩ, người nên nói xin lỗi nhiều nhất là ông chủ. Nhưng người đàn ông đó vẫn chưa từng nói lời nào với ai. 
Ông chủ tội nghiệp của tôi giờ đây chỉ còn lại một mình. Ông không còn ở nhà thường nữa. Cũng phải thôi, người duy nhất chịu đùa giỡn với ông giờ đã đi xa nên ông cũng không cần về nhà làm gì. Nhưng những khi ông chủ ở nhà, tôi lại trở thành đối tượng cho những trò đùa của ông. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao cô chủ không muốn chơi cùng ông, mấy trò của ông chẳng vui chút nào. Tôi đau nhức khắp người mỗi lần chơi cùng ông chủ, vậy mà ông cũng không thèm trả công tôi mua vui cho mình. Ông chủ không cho tôi ăn, không thay nước, thay cát hay làm gì cho tôi cả. Chắc là ông không biết cách chăm sóc một con mèo. Ông không sợ tôi sẽ bỏ đi và để ông một mình ư?
May cho ông chủ là tôi không có ý định bỏ ông đi, hay nói đúng hơn là tôi không muốn rời khỏi ngôi nhà đó. Tôi ở lại để chờ cô chủ. Không biết là cô đã đi đến tận đâu mà hiếm khi thấy cô về thăm. Chỉ có một lần duy nhất tôi nhìn thấy cô kể từ khi cô đi. 
Hôm đó ông chủ đang ngồi uống rượu ở nhà, tôi từ trong bếp đi ra thì thấy cô chủ đứng ở cửa nhìn ông. Sắc mặt cô hồng hào hơn lần gần nhất tôi gặp cô, nhưng vết hằn trên cổ thì vẫn còn nguyên. Tôi thấy hơi lo, không biết liệu nó có chịu mờ đi hay không? Cô chủ chỉ đứng yên nhìn ba mình, cô không nói hay có biểu cảm gì đặc biệt. Không biết cô có thấy tôi khi tôi chạy về phía cô hay không. Chắc là không, vì cô chủ cứ đăm đăm nhìn về phía ông chủ. Một ông già đang ngồi uống rượu thì có gì đáng để nhìn? 
Tôi tò mò nên đến ngồi bên chân cô và ngắm người đàn ông đó. Tôi chưa từng ngắm ông cho thật kỹ, nhưng tôi nhớ khi xưa ông cũng không gầy rộc như thế này. Và chắc thời gian cũng trôi qua rất nhanh với ông thế nên chỉ trong vài tháng từ khi cô chủ đi, mà ông như đã già thêm cả chục tuổi. Từ khi tôi về nơi này, chưa khi nào tôi thấy ông cười. Ông chủ thích đùa của tôi không thích cười, chắc vì ông không thấy vui. Nhưng tôi cũng chẳng bao giờ thấy ông khóc. Ông giống như một ngày mà bầu trời đầy mây đen, chưa mưa nhưng cũng chẳng có nắng. Ta đã nghe trong gió thoảng mùi mưa, nhưng dường như còn gì đó đè nén bên trong những đám mây đó nên nó chưa chịu hóa thành nước. 
Không biết ông chủ say chưa mà đã dừng uống từ lâu. Ông ngồi bên cạnh cái bàn kê sát cửa sổ với ánh sáng yếu ớt rọi vào như chút hơi tàn của một ngày sắp chuyển sang đêm. Nếu ông chủ còn ngồi như thế này nữa, chẳng mấy chốc mà dáng ông cũng sẽ lẩn vào đêm tối. Nghe tiếng ông thở khò khè, tôi tiến đến gần để quan sát mặc cho người ông đang nồng mùi cồn. 
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông chủ chật vật thế này, gương mặt ông đỏ lựng, còn những lằn và rãnh chằng chịt trên đó thì càng lúc càng như được tô đậm bởi bóng tối. Nhưng tôi nhìn thấy trong đôi mắt mờ đục của ông có gì đó lấp lánh, nó ánh lên giữa một vùng tối như sương khi trời còn chưa tỏ. Là nước. Nó nằm trong hốc mắt ông tựa nước nằm trong giếng sâu. Nó không thể trào ra nhưng nó có ở đó. 
Sao ông không để nước mắt rơi mà giữ lại làm gì? Hay là ông giống tôi, không bao giờ để ai nhìn thấy mình đi vệ sinh. Có lẽ với một số người, khóc cũng riêng tư như đi vệ sinh vậy.
Nghĩ thế nên tôi bỏ ra sau bếp, nhưng trước khi đi, tôi đã kịp nhìn thấy cô chủ bước về phía cổng rồi mất hút sau hàng râm bụt. 
- Con đừng trách anh An nha, nó đã khổ sở một thời gian rất dài. 
Tôi nằm trên đùi bác gái và nghe bà thủ thỉ về con trai. Giá mà tôi có thể cho bà biết là tôi không hề trách anh. Tôi còn muốn cho bà biết rằng tôi tin con trai bà không như những gì mà người ta vẫn nói.  
Một lần nữa, tôi lại ở trước một chiếc hộp gỗ. Lần này, người nằm trong hộp không ai khác hơn là ông chủ của tôi. Ba ngày trước trời mưa lớn nên ông chủ không ra ngoài mà ở nhà một mình uống rượu. Nhưng rồi tiếng chuông cửa réo liên hồi trong tiếng mưa nặng hạt đã kéo ông ra khỏi cơn say sưa. Tôi không biết người tìm ông đã nói gì mà ông lại đi theo họ giữa lúc mưa to gió lớn như vậy. Mà ông đi là đi đến ba hôm mới về, đi đến mức mệt nhoài để khi về chỉ có thể nhắm nghiền mắt trên ván gõ như cô chủ ngày trước. 
Rồi người ta cũng đặt ông vào một chiếc hộp gỗ, mọi thứ như lặp lại một lần nữa trước mắt tôi. Ông chủ sẽ trở thành quà tặng cho ai đó, dù không phải một món quà hoàn hảo nhưng tôi hy vọng người nhận sẽ không trả ông về. Mà chắc là ông cũng sẽ như con gái mình, sẽ đi rất xa và biền biệt không về. Vì kể từ lần duy nhất được thấy cô chủ ở trước cửa, cô không còn xuất hiện lần nào nữa. 
- Không biết sao số ông Hảo lại bất hạnh như vậy? Vợ bỏ đi theo người khác, con gái mới mười bảy thì tự sát, giờ bản thân lại chết thảm.
- Sao cái thằng đó có thể ra tay với ba của bạn gái mình chứ, đúng là không bằng cầm thú. 
Tôi nghe được rất nhiều lời tương tự từ những người loanh quanh bên cạnh chiếc hộp gỗ của ông chủ. Những người đó luôn nói những lời thật khó hiểu, nhưng tôi chắc là họ cũng không hiểu về những gì mình nói hơn tôi là bao. 
Kể từ khi ông chủ không còn ở đây, mẹ của anh An đã nhận nuôi tôi. Ở bà có sự ấm áp giống hệt như cô chủ, chỉ có điều bà có quá nhiều muộn phiền. Bà hay nói với tôi về việc con trai bà sẽ ra đi, tôi không rõ là đi đâu. Nhưng chắc anh An cũng đi đến nơi tương tự như ông chủ và cô chủ của tôi. Chỉ khi người ta đi xa như vậy thì họ mới không về, khi người ta không về, họ để nỗi buồn cho người ở lại. 
Bác gái đối xử với tôi vô cùng tốt, bà luôn chiều theo ý tôi. Hình như bà không thích ánh sáng nên khi ở nhà, bà luôn đóng hết mọi cánh cửa và kéo luôn cả rèm lại. Nhưng bà biết tôi thích nắng, nên khi đi chợ vào buổi sáng, bà sẽ để mở cửa sổ và buộc rèm lại để tôi có thể nhìn thấy nắng. 
Hồi trước tôi hay trèo lên bệ cửa để được thấy nhiều người qua lại trên con lộ bên hông nhà nhưng sau này tôi không làm vậy nữa. Vì tôi không thích thấy ánh mắt của người ta khi nhìn vào ngôi nhà này. Họ vừa nhìn vừa chỉ trỏ và bàn tán gì đó, cứ làm vậy không biết chán từ ngày này qua ngày khác. 
Bàn tay đang vuốt ve tôi của người phụ nữ lớn tuổi bỗng ngưng lại, chắc là bà vừa nghĩ đến chuyện gì đó. Tôi lại nghe thấy tiếng bà thở dài, nhưng tôi nghĩ hôm nay tôi có thể tặng cho bác gái một món quà để làm bà vui hơn. Tôi bật dậy từ trong lòng bài và chạy vào phòng anh An, tôi lôi ra dưới gầm giường anh một vật mà mình vừa tìm thấy vài ngày trước. Hăm hở, tôi ngoạm lấy nó rồi chạy đến thả vào lòng bà chủ. 
- Cái này là… 
“Mực biết hoa này là hoa gì không? Là hoa hướng dương đó, nhưng cái này không phải hoa thật đâu. Chị may nó để tặng cho anh An thôi à, mà Mực biết tại sao không? Vì Hướng Dương là tên của chị. Nó có nghĩa là hướng về phía mặt trời. Hy vọng là ảnh sẽ thấy vui mỗi khi nhìn vào bông hoa này, vì hướng về mặt trời cũng có nghĩa là hướng về ánh sáng hay những thứ tươi sáng. Mực thấy ý nghĩa không? Em cũng phải nhớ kỹ tên chị đó.”
Bác gái nhìn bông hoa bằng vải trong tay một lúc lâu, còn tôi thì nhìn bà chăm chú. Không biết nhận được cái này thì bà có vui như cô chủ đã nói hay không, nhưng tôi thấy khóe môi bà giật giật rồi bà lại khóc. Bà đứng dậy, đi đến cửa chính và hai cửa sổ nằm hai bên hông ngôi nhà, sau đó bà lần lượt kéo tất cả những chiếc rèm cửa ra.
Ánh nắng vẫn trong trẻo như mọi lần. 
—-------
Đài Bắc, ngày 7 tháng 9 năm 2022.