Huế và cô gái tuổi 20
“Huế thương” – chỉ vỏn vẹn hai chữ vậy thôi nhưng chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của những người con xứ Huế...
“Huế thương” – chỉ vỏn vẹn hai chữ vậy thôi nhưng chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của những người con xứ Huế và những khách thập phương đối với mảnh đất Cố đô đầy mộng mị này, trong đó có tôi. Huế dịu dàng và đẹp, cổ kính và nên thơ. Huế không ồn ào, náo nhiệt và xô bồ mà điềm đạm, nhẹ nhàng và tĩnh lặng. Kể cả con người, thiên nhiên, vạn vật… mọi thứ đều chuyển động trong tĩnh lặng. Huế là nơi có phong cảnh u nhàn, tịch mịch và đẹp một vẻ đẹp dịu hiền, êm ả, đã làm động lòng biết bao tâm hồn nhạy cảm của các thi sĩ từ xưa đến nay:
Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ. Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ Quai lỏng, nghiêng vành chiếc nón thơ. (Trích Trong đôi mắt Huế - Đông Hồ)
Đi ngược thời gian trở về thế kỉ XIX, Huế là Thủ phủ của chín đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất Việt Nam dưới mười ba triều vua Nguyễn. Vùng đất kinh đô này đã từng là cái nôi nuôi dưỡng những nhân tài đất Việt như Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành, Tố Hữu, ... không những đào tạo, rèn luyện con người mà nơi đây còn là môi trường hun đúc, bồi dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên, lập nghiệp. Cho đến tận bây giờ Huế vẫn là nơi ươm mầm cho những tài năng trẻ, đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước và sẽ là trụ sở của Trung tâm đổi mới sáng tạo cấp Quốc gia. Là mảnh đất kinh kì nên con người nơi đây rất gia phong và nền nếp. Họ luôn giữ sự cung cách của mình trong từng hành động từ lời ăn tiếng nói đến lễ giáo gia nghi. Chính vì thế, những tinh hoa văn hóa truyền thống được đúc kết từ xưa đến nay vẫn còn được lưu giữ. Tuy khắt khe nhưng người dân nơi đây lại thân thiện, hiền hòa và mến khách. Hình ảnh bác lái xe xích lô với nụ cười trên khóe môi và cái vẫy tay nhẹ nhàng lướt qua những lần tôi thơ thẩn trên các con đường ngõ ngách nhường như khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Có một điều mà tôi cảm nhận được trong tính cách con người xứ Huế đó là họ có sự giao hòa với thiên nhiên cỏ cây. Khắp nơi đều được cây cối bao phủ và trong chính ngôi nhà của người dân cũng được xây dựng theo lối hướng ngoại. Thiên nhiên như là sợi dây gắn kết mọi người lại với nhau và Huế được mệnh danh là "Kinh đô vườn" thật chẳng hề sai.
Khi xưa, mỗi khi đến kì thi Tú tài, các sĩ tử khắp nơi nô nức đổ về đây tham dự, để rồi vương vấn bóng hình cô gái xứ Huế dịu dàng, đoan trang, khả ái. Từ đó, những câu chuyện tình đẹp bắt đầu. Nhắc đến con gái xứ Huế, có một điều mà ở đoạn thơ đầu bài đã nhắc đến đó là “nàng Tôn nữ”. Thật không khỏi không ngạc nhiên khi một người ngoại tỉnh như tôi bắt gặp một cô gái mang họ “Công tằng tôn nữ” hay “Công huyền tôn nữ” bởi đây là họ của cháu chắt gái của tước Công – anh em chú bác với Hoàng đế. Tuy Họ này rất ít nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp, trang trọng, đài các và kiêu sa. “Tôn nữ” cũng được hiểu là những ai góp phần làm cho Huế đẹp hơn bởi tài nữ công gia chánh của mình. Khi mà quan niệm xã hội định hình, nhiệm vụ “kinh bang tế thế” là trọng trách của đấng nam nhi thì người phụ nữ được hướng đến “công - dung - ngôn - hạnh” để chăm lo việc tề gia. Cuộc sống danh gia vọng tộc nơi đất Thần kinh càng khiến cho các “Tôn nữ” ý thức rõ ràng hơn thiên hướng đó của cuộc sống. Vậy là ngay từ nhỏ, trong từng nếp nhà, những “Tôn nữ” mẹ đã âm thầm dạy bảo các “Tôn nữ” con chi ly theo kiểu “thanh cũng đặng mà thô cũng xong”, có nghĩa là ở nhà thì xốc vác, đảm đang, ra ngoài thì áo nón chỉnh tề, đi đứng ý tứ, nói năng lễ độ, họp bạn thì ít nhiều cũng góp tiếng ngâm thơ, đàn hát; đặc biệt là những khả năng về nội trợ và nấu nướng, lo miếng ăn, thức uống cho vừa miệng chồng, con.
Đến với Huế, có lẽ điều khiến tôi và mọi người đều thích thú, say mê không chỉ là vẻ đẹp của cô gái xứ Huế mà còn là vẻ quyến rũ của “phong cảnh thuỷ mặc” mà thiên nhiên đất trời ưu ái dành cho nơi đây. Huế có sông Hương hiền hòa thơ mộng. có núi Ngự thông reo vi vu giữa trời xanh, có Kinh thành - nơi chứng kiến biết bao sự đổi thay quyền cai trị đất nước, có lăng tẩm đền đài lưu dấu ngàn thu của các bậc Vua chúa, có chùa Thiên Mụ - ngôi cổ tự hùng thiêng trải qua bao thế hệ, ngân mãi hồi chuông đến mai sau, có chùa Từ Hiếu – nơi xuất gia của vị thiền sư đức độ nổi tiếng khắp thế giới Thích Nhất Hạnh, có phố cổ Bao Vinh với sự nhộn nhịp, giàu có một thời thương cảng… và có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp đến nức lòng.
Tọa lạc bên bờ sông Hương xanh biếc êm đềm vốn xưa nay vẫn chảy lững lờ qua lòng đô thị chính là quần thể kiến trúc nghệ thuật Kinh đô Huế được xây dựng dưới triều Nguyễn với lối kiến trúc dung hòa giữa Tây và Ta thật đặc biệt. Ở bờ Bắc dòng là Kinh thành – Hoàng thành và Tử Cẩm Thành với hàng chục cung điện vàng son lộng lẫy. Xa xa ở phía Nam là những lăng tẩm của các vị vua từ Gia Long đến Khải Định và Đàn Nam Giao - nơi vua tế trời đất. Đây được xem như những công trình nghệ thuật tuyệt đẹp giữa chốn đồi núi linh thiêng này. Sự hài hòa giữa kiến trúc thiên nhiên của kinh thành Huế đã đạt đến mức tuyệt diệu và hoàn chỉnh. Kinh thành được xem là một thành lũy có hình ngôi sao mà về đêm trông như một vì tinh tú đẹp lung linh, huyền ảo.
Cách đây gần một trăm năm mươi năm vua Tự Đức đã đến một ngọn núi và nhận thấy rằng nơi đây có thể quan sát được kinh thành Huế cũng như nhiều địa điểm di sản văn hóa quan trọng của triều Nguyễn. Ông đã cho dựng tấm bia khắc tên núi là Cư Khiêm Sơn và ghi lại điều đó trong Khiêm Cung Ký. Cho đến nay đây vẫn là điểm quan sát thành phố Huế khá thú vị và cũng là điểm tuyệt đẹp để ngắm nhìn sông Hương thơ mộng. Dòng Hương Giang không chỉ là sợi dây gắn kết các di sản của các vua Nguyễn, dòng sông tâm linh và văn hóa của người dân xứ Huế, mà còn là dòng sông của một vẻ đẹp vượt thời gian. Nó uyển chuyển uốn lượn quanh khu vực như một dải lụa mềm buông hững hờ trên vai cô thiếu nữ và thướt tha e ấp nghiêng che núi Ngự vào lòng.
Tôi thích những lần thơ thẩn trên đoạn đường đi bộ ở bia Quốc học ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống. Những tia nắng cuối cùng bắt đầu héo hon, rọi lên bao gương mặt người đi bộ một cách âu yếm tình tứ và nấn ná luyến tiếc khi phải rời xa để là là xuống mặt đất và rồi hút dần vào không trung. Bóng hoàng hôn mượt như nhung soi dưới dòng Hương Giang êm dịu lững lờ trôi cùng những đường nét chấm phá của thiên nhiên hai bên sông tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo và đã vô tình rơi vào những dòng thơ hay đi vào nỗi nhớ của những kẻ lãng du đang lang thang ngắm Huế. Đây cũng là lúc người dân cùng nhau đi dạo, chạy bộ, tập dưỡng sinh hay tụm lại ở những chiếc ghế đá dưới hàng cây long não trò chuyện râm ran sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Dọc theo tuyến đường Lê Duẩn dưới hai hàng cây xanh mát, tôi hít một hơi thật sâu để cảm nhận luồn không khí trong lành lùa vào hai hốc mũi. Phóng tầm mắt nhìn dòng Hương Giang xanh biếc soi bóng Tràng Tiền, thấp thoáng dáng dấp cô thiếu nữ trong tà áo dài tím thơ với chiếc nón lá nghiêng nghiêng mái đầu, trên môi nở một nụ cười đằm thắm làm say đắm bao trái tim kẻ si tình. Chiếc nón lá vốn là hình ảnh đặc trưng gắn liền với phụ nữ Việt Nam, và đối với nón bài thơ xứ Huế, nó mang một vẻ đẹp đặc biệt bởi những họa tiết trang trí và những dòng thơ sẽ hiện lên, nhảy múa dưới ảnh mặt trời:
Anh đi ra đất thần kinh Mua chiếc nón Huế ân tình trao em.
Theo chân trên tuyến đường này, băng qua con đường Kim Long lộng gió, tôi đến một ngôi chùa với hơn bốn trăm năm tuổi và là một điểm du lịch nổi tiếng không thể bỏ qua đối với bất cứ du khách nào đến Huế. Ngôi chùa ấy mang tên Thiên Mụ. Nổi tiếng với tháp Phước Duyên được xây dựng vào năm 1844, một biểu trưng cho “trí tuệ” và “phúc lành” đã làm cho nơi đây trở thành biểu tượng để mọi người biết đến Huế, nhớ đến Huế cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Thiên nhiên ở Huế cũng níu giữ lòng người đến lạ lùng và đồi Thiên An là một trong số đó. Một đồi hoa sim màu tím biếc, một vùng đồi hoang vắng với một rừng thông bạt ngàn màu xanh thẳm nằm gần hồ Thủy Tiên huyền thoại là những gì tôi chiêm ngưỡng được khi đặt chân đến đây. Một vẻ đẹp đầy sâu lắng và quyến rũ lòng nguời. Khí hậu nơi đây mát mẻ, trong lành đến tuyệt vời. Chiều vọng cảnh nâng ly đón hoàng hôn thấm đẫm một màu vàng, soi bóng duyên dáng dưới dòng sông Hương huyền hoặc và kỳ ảo. Những tia nắng lấp lánh ánh phản chiếu của vàng bạc làm mờ mắt những kẻ muốn cướp đi vẻ đẹp thanh bình nơi đây.
Huế về đêm lại càng tĩnh lặng hơn bao giờ hết. Không còn sự tấp nập của dòng xe qua lại, không còn sự hối hả của những bạn học sinh sắp muộn giờ đến trường, không còn sự nhộn nhịp kẻ bán người mua ở khắp các khu chợ mà thay vào đó là một sự yên ắng và chậm rãi. Chầm chậm từng bước chân trên cầu Gỗ Lim, ngắm nhìn sự chuyển màu của cầu Trường Tiền, ngoằm ngoặm ổ bánh mì huyền thoại dưới chân cầu hay vi vu vào khu bán đồ lưu niệm, chiêm ngưỡng các tác phẩm thêu nghệ thuật trong bảo tàng XQ là những kí ức khó quên đối với tôi. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu về đêm còn là nơi tập thể dục, chơi thể thao hay là nơi hẹn hò của các đôi trai gái. Không chỉ ngắm cảnh sắc ở thành phố, tôi may mắn được ngắm Huế về đêm trên bãi biển Quảng Công cách trung tâm độ hai mươi kilomet. Bên ngọn lửa nồng ấm dưới bầu trời vô vàn vì tinh tú lấp lánh mà ta khó có thể bắt gặp được trong những bức tường đô thị, nhìn những gợn sóng lăn tăn tấp vào bờ rồi vỡ ra trắng xóa, xa xa nhập nhoạng ánh sáng của con tàu thủy mặc, một khung cảnh tĩnh mịch khiến tôi như muốn tan ra hòa vào màn đêm u tối này.
Huế nổi tiếng với vẻ đẹp đượm buồn và ấn tượng. quả không thể chối cãi. Và trong những đặc trưng văn hóa lâu đời của Huế thì sự đa dạng cầu kỳ trong cách chế biến thức ăn cũng mang vẻ đẹp ấn tượng, góp phần vào việc hình thành nét riêng xứ Huế. Món ăn Huế giản dị, phong phú, mang hương vị đằm thắm của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, sông núi vùng đất Cố đô song cũng không kém phần sang trọng tinh tế với cách bài trí món ăn mang tính nghệ thuật của các món ăn cung đình. Bên cạnh sự cầu kỳ, tinh tế của ẩm thực cung đình thì nét thanh tao, phong phú của ẩm thực dân gian cũng níu giữ mỗi tín đồ ẩm thực đến Huế. Đó là các loại bánh như bánh bèo, bánh nậm, bánh ướt, bánh khoái, bánh bột lọc, cùng các loại chè như chè sen, chè thịt heo quay, chè đậu đỏ, chè bưởi,... Khi những miếng bánh khoái Đầm Chuồn tan ra hòa quyện cùng nước chấm, một tín hiệu gãi lên vỏ não khiến ta thích thú vô cùng.
Huế đã từng trải qua nhiều đau thương trong chiến tranh, biết bao nhiêu con người đã hy sinh trên mảnh đất ấy. Nhưng người Huế đã đứng lên xây dựng quê hương bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Và đất thần kinh đang trỗi dậy, vươn lên trở thành Thành phố Huế phát triển năng động với những con người hiện đại, trẻ trung đang tiếp bước truyền thống ông cha ngày trước. Với các dự án đầu tư, phát triển về nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như thu hút nhiều nguồn nhân lực bằng các chính sách hợp lí của chính quyền địa phương, Huế đang rục rịch thay chiếc vỏ mới từng giờ từng ngày. Con người Huế rất sang nên khi chúng ta khơi gợi được sự sang trọng trong họ thì Huế sẽ phát triển nhanh chóng theo cách rất riêng của mình.
Huế không phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên mà là nơi tôi đã, đang và sẽ trải qua quãng đời sinh viên tươi đẹp của mình. Nhường như có bàn tay vô hình nào đó gắn kết tôi với Huế và cứ thế tình yêu xứ Huế trong tôi cứ trỗi dậy mỗi ngày một lớn dần. Huế là nơi tôi được yêu thương và trao đi sự yêu thương của mình, nơi tôi có những người thầy, những người anh người chị, những người bạn, những người em đặc biệt luôn quan tâm và giúp đỡ theo cái cách tế nhị, kín đáo mà lại dễ thương đúng kiểu người dân vùng Cố đô vậy.
Một ngày mới lại bắt đầu, tôi ngồi nhâm nhi thưởng tách trà hoa sen và hướng ánh mắt vô định vào khoảng không phía trước. Bỗng lách tách tiếng mưa rơi. Tiếng mưa thỉnh thoảng cao lên, to lên rồi thấp xuống như một lời thì thầm bên tai. Mưa làm con người ta buồn, một nỗi buồn man mác khiến ta suy ngẫm về cuộc đời, làm rung động những trái tim chất chứa nỗi niềm tâm sự và là vỏ bọc cảm xúc cho bất kì ai. Tôi húp một ngụm trà và ngắm mưa rơi rả rích, lòng bâng quơ nghĩ về Huế. Huế hãy cứ sang trọng, cứ dịu dàng, cứ bình yên như vốn dĩ Huế từng có nhé, bởi đó mới chính là Huế thương trong sâu thẳm trái tim của cô gái tuổi 20 này cũng như của bao con người yêu Huế!
|Huế | 2020|
Tái bút Trương Hoàng Uyên
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất