"Huế vẫn thế, bao đời nay vẫn thế
Hương Giang trôi, còn trôi mãi ngàn năm
Nhịp Tràng Tiền đâu còn quá xa xăm
Em anh ơi, em có về xứ Huế?"
(Trích Theo anh về Huế | Huỳnh Minh Nhật)
Huế xưa nay ẩn hiện trong lòng du khách với sự thầm thương mến mộ, Huế xưa nay nằm gọn trong lòng người Cố đô với sự gần gũi thân thương. Vậy, Huế xưa nay trong lòng một cô gái Huế chính gốc sẽ như thế nào?
Có phải một buổi chiều tan trường vài năm về trước, tà áo dài thướt tha với môi cười duyên dáng cùng những người bạn đồng trang lứa. Khi khoác lên mình bộ áo dài tinh ươm, cô gái Huế đã tự nhận ra được bản thân cần phải nâng niu những phẩm hạnh sẵn có của người phụ nữ Cố đô. Đó không phải sự ép buộc miễn cưỡng, đó là tất cả sự ngưỡng mộ và là sự tự hào với danh xưng nữ sinh Đồng Khánh một thời.
Vậy Huế xưa nay trong lòng cô gái nhỏ có phải là sự tự hào thầm kín với những bóng dáng thướt tha tự lâu đời. Mà luôn tự nhủ với bản thân rằng mình phải luôn nhu mì và kiêu hãnh như thế.
Mình của 3 năm trước tại trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế
Hay phải chăng là những kiến trúc cổ kính đang được người người ca tụng và bảo tồn. Một buổi chiều nắng nhẹ ghé thăm ngôi chùa Thiên Mụ lâu năm. Với "ngài Rùa Thần" nặng nghìn kí, với "Đại hồng chung" trong thơ ca "Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương", với các gian phòng im ắng và kín đáo, lại càng đậm nét "Huế", một chất Huế nhẹ nhàng nhưng bí ẩn. Ngày Quốc khánh, những địa điểm lăng tẩm và khu di tích của Huế thương đồng loạt xả cổng. Cô gái Huế bước từng bậc cấp, tiến vào lăng Khải Định với ánh mắt ngỡ ngàng, với cái tâm buông bỏ mọi vướng bận mà tham quan, thưởng thức những tinh hoa của quê hương đất nước. Những nét thiết kế độc đáo mà phù hợp, truyền thống nhưng vẫn đầy sự mới mẻ, thật dễ dàng để thấy được vị vua Khải Định này rất biết cách tận hưởng những cái đẹp, cái lạ. Với diện tích nhỏ hẹp hơn những lăng tẩm khác ở Huế, bù lại, mọi chi tiết được khắc chỉnh tỉ mỉ cùng nội thất độc đáo mới lạ đã cho ra được một tác phẩm với sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử. 
Vậy Huế xưa nay trong lòng cô gái nhỏ có phải là sự khao khát được khám phá và giữ mãi những điều đặc biệt thiêng liêng chỉ dành cho mảnh đất Cố đô. Trong lòng có phải chỉ mong mọi khoảnh khắc từ nắng mai đến hoàng hôn buông nhẹ trên mảnh đất này đều nằm gọn trong mọi giác quan của mình.

Mình ở Lăng Khải Định, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km
Các "o gái Huế" với từng gánh trên vai, người từng người mưu sinh trong thành phố nhỏ. Thế nhưng người ta vẫn cứ hạnh phúc thôi, bởi phố Huế vốn dĩ đã thật yên tĩnh, mà đâu phải cứ yên tĩnh thì phải buồn. Hình ảnh người phụ nữ tay nâng chén đậu hũ, miệng cười nói không ngừng với người mua, đó mới chính là những khoảnh khắc đáng lưu giữ ở nơi đây. Bởi Huế e dè và kín đáo, nhưng Huế không ganh đua và chẳng tham lời. 
Hỏi thăm một "o gái Huế" đã trên dưới 80 vẫn ngồi vỉa hè để bán một vài thứ quả mưu sinh, bà bảo gia đình chỉ có mấy mẹ con, bao gồm đứa cháu thần kinh không ổn định. Bà phải đi bán thôi, bán để mua đồ ăn cho cháu, chứ cháu nó chẳng biết gì cả. Thứ làm cô gái nhỏ ngạc nhiên là nụ cười của bà, bà cười, một nụ cười khổ nhưng vẫn tràn ngập thương yêu. Cô nghĩ dù hoàn cảnh đau thương, nhưng bà vẫn đang hạnh phúc khi đang còn có thể lao động để làm ra cho người cháu những bữa ăn. Bởi bản chất của "o gái Huế" là sự hi sinh thầm lặng, với lại, không thứ gì trên đời có thể trong suốt và thiêng liêng hơn tình yêu của một người phụ nữ.
Vậy Huế xưa nay trong cô gái nhỏ có phải là sự trân quý những nét lao động chất phát thân thương, sự giản dị hiếm hoi mà chỉ mình Huế có. Thế là thương lại càng thương mảnh đất Cố đô này.

Mình và các anh chị tham gia khảo sát dự án xã hội "Kinh tế vỉa hè" tại TP Huế
Nên nói rằng cô gái Huế, giá trị của cô luôn cần phải xuất phát từ chính tâm hồn, từ cái hồn của mảnh đất Huế. Huế xưa nay trong lòng cô đã luôn là một thành trì mà không một nơi nào có thể phá vỡ. Bởi quá yêu thương Cố đô, nên mới càng thêm trân trọng và cố gắng gìn giữ những phẩm hạnh của mình đến thế, đúng không?