Các quốc gia Nam Tư cũ trong lịch sử thường xuyên bị xâm lược, chiếm đóng, xóa tên trên bản đồ, thế hệ sinh vào thập niên 90 cũng từng nếm trải và hiểu rõ chiến tranh. Điều đó khiến chủ nghĩa dân tộc ở các nước thuộc Nam Tư cũ rất cao, họ thường thêm Quốc huy vào trong Quốc kì của nước mình.
    Quốc kì Croatia gồm ba dải nằm ngang bằng nhau màu đỏ – trắng – xanh dương, ở chính giữa là Quốc huy Croatia. Nếu bỏ hình quốc huy thì cờ Croatia giống với cờ Hà Lan.

Thiết kế


    Quốc huy Croatia gồm một lá chắn lớn và 5 lá chắn nhỏ tạo thành một vương miện phía trên lá chắn chính. Họa tiết chủ yếu của lá chắn lớn là caro trắng đỏ, gồm 13 phần màu đỏ và 12 phần màu trắng. Họa tiết này trông giống bàn cờ, trong tiếng Croatia nó cũng được gọi là šahovnica (bàn cờ). 5 tấm khiên nhỏ đại diện cho 5 vùng đất cấu thành Vương quốc Croatia, tính từ trái sang phải: Bleu celeste, Dubrovnik, Dalmatia, Istria, Slavonia.
    Vào thời Trung cổ muộn, 5 tấm khiên nhỏ được thêm vào tấm khiên lớn šahovnica, tạo thành vương miện của tấm khiên lớn. Ngày 21/12/1990, chính quyền hậu Cộng sản Croatia chấp nhận thiết kế quốc huy của nhà thiết kế đồ họa Miroslav Sutej, Quốc huy Croatia như ngày nay ra đời.

Lịch sử

    Đỏ, trắng và xanh dương là các màu sắc phổ biến trên Quốc kì các nước châu Âu, nhưng màu sắc của mỗi Quốc gia đều có ý nghĩa của riêng nó. Quốc kì Croatia là sự kết hợp màu sắc các lá cờ của Vương quốc Croatia (đỏ và trắng), Vương quốc Slavonia (trắng và xanh dương) và Vương quốc Dalmatia (đỏ và xanh). Ba vương quốc này là những quốc gia trong lịch sử Croatia. Ba màu đỏ-trắng-xanh da trời đã được sử dụng như cờ Croatia từ năm 1848, và là màu sắc truyền thống của những dân tộc Slav, có thể nhận thấy rõ trên Quốc kì của họ ngày nay.
    Người Slav là một nhóm chủng tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu với ngôn ngữ cùng thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Slav. Hiện nay, họ tập trung chủ yếu tại nửa phía đông châu Âu và được chia thành ba nhóm chính: Tây Slav (Ba Lan, CH Séc, Slovakia), Nam Slav (Slovenia, Croatia, Bosnia & Herzegovina, Serbia, Montenegro, CH Macedonia, Bulgaria), Đông Slav (LB Nga, Belarus, Ukraine).
    Họa tiết bàn cờ (šahovnica) lần đầu được xem là biểu tượng của Vương quốc Croatia từ năm 1527. Khi đó Thái tử Áo Ferdinand I trở thành vua Croatia, con dấu Hoàng gia trong bản điều lệ Cetingrad tuyên bố sự kiện này có hình một bàn cờ. Biểu tượng này là ấn triện Hoàng gia ở thành phố Innsbruck thuộc Đế quốc La Mã Thần Thánh (ngày nay thuộc Áo), nó được sử dụng lần đầu bởi Hoàng đế Thánh chế La Mã Maximilian I năm 1495. Không rõ vì sao Maximilian I lại chọn biểu tượng này, có thuyết cho rằng vì ông ta… chơi cờ rất giỏi, và muốn các trận chiến của mình cũng toàn thắng như khi chơi cờ!
    Ở Croatia, tuy mù mờ hơn nhưng nguồn gốc chắc chắn nhất của họa tiết bàn cờ bắt nguồn từ thế kỷ thứ X thời vua Stephen Drzislav I, khi đó nó là họa tiết trên tấm khiên của nhà vua và các Hiệp sĩ mỗi khi ra trận. Cũng theo truyền thuyết thì vua Peter Krisimir IV (1058 – 1074) khi rửa tội ở thành phố Split đã trông thấy một con chim ưng quắp theo một bàn cờ bay ngang qua tháp chuông nhà thờ, cho rằng đây là dấu hiệu của Thiên Chúa nên ông cho khắc họa tiết này lên tháp chuông, ngày nay nó vẫn còn ở nhà thờ Thánh Lucy thuộc thành phố Split.
    Kích thước bàn cờ vua là 8 x 8 ô, nhưng họa tiết bàn cờ ở Croatia là 5 x 5 ô (giống Quốc huy ngày nay) như một cách để tượng trưng cho 5 vùng đất cấu thành Vương quốc Croatia. Do Quốc sắc của Vương quốc Croatia là đỏ và trắng nên họa tiết bàn cờ cũng là caro đỏ trắng. Đỏ và trắng đều là Quốc sắc của Croatia nhưng trên Quốc kỳ Áo (nhà Habsburg của Đế quốc Áo bảo trợ cho Vương quốc Croatia và họ cũng là chư hầu của Áo) của thái tử Ferdinand I có màu đỏ nhiều hơn, nên điều tương tự xảy ra trên họa tiết bàn cờ của Croatia – màu đỏ nhiều hơn màu trắng.
    Đến cuối thế kỷ XIX, šahovnica chính thức trở thành một biểu tượng đại diện của người Croatia – một nước đang nỗ lực giành lấy độc lập từ Đế quốc Áo–Hung. Năm 1919, họa tiết này xuất hiện trên Quốc huy Liên minh Serbia–Croatia (về sau là Vương quốc Nam Tư). Trước đó, nó cũng từng có trên Quốc huy Liên minh Hungary–Croatia. Tất cả các vùng đất hoặc quốc gia của người Croatia sau này đều dùng šahovnica như một biểu tượng dân tộc.
    Quãng thời gian 1939 – 1943, Croatia là một tỉnh tự trị của Vương quốc Nam Tư, quốc kì thời gian này không có Quốc huy, giống hệt cờ Hà Lan.
    Sau Thế chiến thứ hai, Croatia trở thành một phần của Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư. Họa tiết šahovnica vẫn được sử dụng nhưng có thêm các biểu tượng quen thuộc của Xã hội chủ nghĩa (vòng tròn lúa mì, ngôi sao đỏ, mặt trời tỏa nắng). Từ năm 1980, ý thức dân tộc Croatia bắt đầu gia tăng và šahovnica xuất hiện trở lại với tần suất ngày càng tăng. Quốc kì Croatia như hiện nay được thông qua ngày 21/12/1990, gần một năm trước khi Croatia tuyên bố độc lập và nổ ra Chiến tranh Nam Tư.

Quốc kì Croatia (Republika Hrvatska) từ 1991-nay.

Các nước Nam Tư cũ.
   
 Nguồn: lược dịch từ Wikipedia & Internet.