Bài viết này trên mong muốn chia sẻ cách thức của bản thân mình trong việc giải quyết các cảm xúc bên trong - mà có thể nói là cơn bão xúc cảm. Bài viết có thể mang rất nhiều quan điểm và ý kiến chủ quan nên suy nghĩ trước khi đọc. Cám ơn mọi người.
Một điều thú vị ở trên đời là, dù ta là ai, lớn hay nhỏ, nam hay nữ, giàu hay nghèo, một học sinh giỏi hay là một học sinh cá biệt, IQ 2000 hay là dưới 100 thì đã là con người và có trái tim, thì ta phải thừa nhận rằng, chúng ta luôn luôn tồn tại cảm xúc.
Là một con người nhạy cảm, đôi lúc tôi cũng cảm thấy bất lực với cái đống hỗn độn bên trong mình. Có những ngày bước ra ngoài và cảm thấy thế giới thật tuyệt vời, và có thể nhanh chóng sau đó, đống cảm xúc đó trở thành một sự mệt mỏi và tức giận khi sau một chặng đường dài đến công ty.
Thật thú vị rằng những đứa trẻ có thể lại là bậc thầy của việc giải quyết các cảm xúc này. Buồn thì khóc, tức giận thì la hét, vui thì cười, trong trẻo và ngây thơ, và chân thật. Trong đoạn đường trưởng thành, bằng cách này hay cách khác, chúng ta vô tình khoác lên rất nhiều lớp áo và mặt nạ đến nỗi rốt cuộc cảm xúc này là gì, từ đâu mà có ta cũng cảm thấy khó mà xác định được.
Ta buồn vì những điều vu vơ và chênh vênh với một đống cảm xúc khó định nghĩa. Có những lúc ta nghĩ đáng lẽ mình có thể vui vẻ nhưng không hiểu sao một vài tiêu cực vẫn bám lấy chúng ta để rồi trào dâng lên các cảm xúc không mong muốn.
Và tôi đã làm gì để thay đổi điều này.
Bước 1: Chấp nhận những gì đang xảy ra.
Khoảng thời gian sau chia tay, tôi đã quyết định lấp đầy khoảng trống trong lòng mình bằng công việc, rất nhiều việc. Nhưng mà nó không ổn tí nào, tôi không thể nghe nhạc, cũng không thể xem Youtube vì lỡ vô tình va vào một nội dung nào đó chúng tôi từng xem chung thì chắc chắn không ổn tí nào. Tôi hạn chế tiếp xúc và nói chuyện, luôn bắt mình phải làm việc. Khi phải ở một mình, tôi có thể nhắn tin và làm quen rất nhiều người khác để phân tán đi suy nghĩ trong đầu và nỗi đau trong lòng.
Nhưng mà tôi nhận ra mình không ổn tí nào, công việc và sự lảng tránh không khiến tôi dễ thở hơn một tí nào. Một lúc nào đó trong vô thức, tôi vẫn bất giác rơi nước mắt hoặc là cảm thấy như chính bản thân mình đang rơi vậy.
Sau này tôi chịu khó hơn một chút, vì dù sao chúng ta cũng phải đi làm và có trách nhiệm với công việc đúng không. Nên thay vì lãng tránh nó, mỗi lúc tôi không làm chủ được cảm xúc của mình nữa, tôi sẽ nói với mọi người: xin lỗi mọi người, em cần ra ngoài một chút, hoặc là, sếp yêu sếp dấu ơi, cho em một phút giây trầm buồn nha, 5 phút thôi rồi em sẽ lại xuất hiện bên chị liền nè, love you.
Tôi cho mình một khoảng thời gian và chấp nhận là mình đang buồn, và tự nói với bản thân là, không sao đâu nè, hãy cứ buồn nhé, rồi chúng ta sẽ lại bắt đầu lại.
Ảnh bởi
Caroline Veronez
trên
Unsplash
Bước 2: Nhìn nhận cảm xúc ở vị trí ngôi thứ ba.
Thay vì đồng bộ chính bản thân mình với cảm xúc của mình, bạn hãy tập cách nhìn nhận nó ở vị trí ngôi thứ ba, tôn trọng và chấp nhận sự hiện hữu của nó. Như tôi nói ở trên, tôi nhìn nhận nỗi buồn của mình như một đứa trẻ đang khóc và cần an ủi. Tôi dỗ dành chính cảm xúc đó, vận động nó, không sao đâu nè cô bé, mọi chuyện sẽ ổn thôi, chúng ta rồi sẽ qua dần thôi. Chúng ta có nhau nhỉ? Ha ha ha. Nếu bạn có thể chấp nhận sự tồn tại của cảm xúc của bạn ở phía trên thì ở bước này sẽ dễ hơn rất nhiều. Kiểu như một cách tự nói chuyện với bản thân vậy. Hỏi han và quan tâm, sao bạn buồn vậy hả cô gái xinh đẹp này. Bạn có biết bạn mà buồn thì tôi cũng đau lòng lắm không cô gái?…..
Bước 3: Hiểu về cảm xúc đó.
Đây là một việc vô cùng khó khăn, vì có thể bạn cảm thấy buồn nhưng chưa chắc đó là nỗi buồn. Có những thứ nó đang xảy ra nhưng mà thật ra nó xảy ra từ rất lâu rồi, từ những nỗi đau và vết thương trong quá khứ. Những vết thương từ đứa trẻ bên trong của bạn.
Vậy thì ta phải làm sao đây?
Sau khi thực hiện được hai bước kể trên, chắc hẳn là bạn cũng đã dần khống chế được tâm trạng của mình rồi. Và để hiểu về nó, ta có nhiều cách, ví dụ như đặt câu hỏi. Đây là lúc mà bộ não của bạn sẽ phải phát huy tác dụng đó, hãy hoá thân thành một nhà trị liệu tâm lý nào.
Đây là cảm xúc gì?
Tại sao tôi lại buồn? Tôi buồn vì chuyện A hay chuyện B. Chuyện A nó có nguyên nhân thế này, kết quả thế này, vậy thì có đáng buồn không?
Nếu không phải là buồn thì đây là cảm xúc gì?
Một cách nữa để xác định cảm xúc của mình là Word cloud.
Bạn có thể lấy một tờ giấy và ghi ra tất cả những cảm xúc hiện tại bạn đang cảm nhận được - và dùng một cây bút khác đặt câu hỏi cho từng cụm từ đó cho đến khi bạn hiểu rõ nhất cảm xúc của mình.
Và đương nhiên vẫn là câu hỏi, tại sao mình có cảm xúc này? Tại sao một người với một đống ưu điểm như mình lại có những cảm xúc tiêu cực này. Liệt kê những khả năng có thể xảy ra và hiểu về nó đến khi bạn biết chính xác lý do và nguyên nhân cho cảm xúc đó.
Bước 4: Chấp nhận và yêu thương.
Thật ra hiểu hết về cảm xúc và ly do nguồn gốc của nó không có nghĩa là bạn đã ổn. Nó vẫn sẽ ở đó, hành trình chữa lành là một hành trình rất dài. Nhưng ít nhất giờ bạn đã hiểu tại sao mình lại có những cảm xúc như vậy, bạn thấu suốt về nó và điều khiển được nó.
Đến khi tôi hiểu rằng mình là một đứa ích kỉ thì tôi không còn cảm thấy quá khó chịu khi mà mình không phải là tâm điểm của sự chú ý nữa. Tôi chấp nhận sự ích kỉ của chính mình, tôi học được cách nhìn thấy nó và yêu thương nó.
Mong rằng bạn sẽ may mắn hiểu được chính mình nhé!
Before I see you, I see myself first.
Ảnh bởi
Kat J
trên
Unsplash