Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Đây là lý do đơn giản vì sao mọi người thường không thể tự vẽ ra viễn cảnh tương lai cho bản thân: chúng ta bị mắc kẹt. Mắc kẹt bởi (1) những tiếc nuối và sai lầm trong quá khứ hoặc, (2) cái cảm giác quá đỗi thoải mái với thói sống được lặp đi lặp lại mỗi ngày trong hiện tại. 
Sợ hãi làm chúng ta chùn bước, ổn định làm chúng ta thụ động.

Và rồi cứ thế, phần lớn mọi người ngồi chờ cho một bài giảng, một cuốn sách, một bài báo, hay một người tình cờ nào đấy bất ngờ ập đến và thay đổi toàn bộ cuộc đời họ, thay vì trước đó hoàn toàn có thể ngồi xuống và dành thời gian cho một cuộc nói chuyện tử tế với một người duy nhất có khả năng giải quyết: bản thân. Điều này dẫn tới một thực trạng thường thấy khi rất nhiều bạn trẻ dễ bị những hình ảnh thành công hào nhoáng được nhào nặn qua giới truyền thông và lao vào đuổi theo cái gọi là "đam mê" nhưng lại quên mất dừng lại một giây và hỏi, "Ủa, vậy rốt cuộc mình thực sự thích quá trình hay chỉ bị hớp hồn bởi cái hình ảnh thành công đó thôi? Và bản thân có nhắm chịu khổ được khi chấp nhận con đường này không?"
Đấy, đơn giản vậy thôi, buồn là ít người chịu đi đến bước này. Nhưng để thành công, chúng ta cần sự quan tâm và kỷ luật thay vì chỉ đơn thuần đam mê và những hành động ngẫu hứng. Hành động và kế hoạch là vô nghĩa nếu bạn không hiểu động lực đằng sau nó, cũng như việc ước mơ sẽ chỉ mãi là ước mơ nếu không có một kế hoạch rõ ràng để định hướng đường đi trong tương lai. 
Có 2 bài của anh Husky rất hay có thể tham khảo thêm:
Mình tình cờ vừa xem được một video của ông Jim Rohn nói về "How to Design Your Next 10 Years", nhưng vì mục đích bản quyền nên chỉ được có 8 phút thôi thì bị cắt dở chừng. Cái cảm giác khó chịu nó nhoi nhói lên nên có con bé lại dở chứng mò lên Spiderum để hoàn thành nốt cái mình nghĩ là một cách đúng để thiết kế một bản kế hoạch tương lai cho 10 năm tới. Cái này chỉ dựa trên suy nghĩ và rút ra từ kinh nghiệm cá nhân thôi nên nó có thể đúng với nhiều người, sai với nhiều người. Tự đọc tự ngẫm nhé :)
Lấy giấy bút ra nào, rồi chúng ta cùng bắt đầu...

1. Định nghĩa giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân

Giá trị cốt lõi cá nhân (core personal value) là những giá trị mà bạn ưu tiên nhất và sẽ đi theo bạn đến suốt cuộc đời, mặc cho hoàn cảnh có ra sao, tính cách thay đổi thế nào. 
Đây là một bài tập nho nhỏ giúp bạn phần nào định ra những giá trị này: trong một danh sách gồm 230 giá trị dưới đây, hãy chọn ra top 100 -> 50 -> 30 -> 10 -> 5 -> 3 giá trị mà bạn cảm thấy là mình đang ưu tiên và quan trọng nhất trong cuộc sống hiện tại. 



Bổ sung: mình vừa tìm được một list dài hẳn 500 giá trị - cho những ai muốn biết nhiều hơn :)
Và cuối cùng trong top 3 đó, hãy làm sao để thấy được duy nhất 1 từ nổi bật còn lại - đây là giá trị được đặt lên trên hết của bạn. Đương nhiên, sẽ có một lúc nào đó vị trí của những giá trị bị thay đổi qua nhiều trải nghiệm sống trong tương lai, có cái mất đi, có cái lại được thêm vào. Nhưng nếu xét về hiện tại, hãy để nó làm kim chỉ nam để dẫn đường cho mấy đứa con nít thò lò mũi xanh chưa có đủ kinh nghiệm sống và biết xác định hướng đi như tụi mình. Khi bạn lớn lên theo thời gian, danh sách những giá trị này sẽ dần được ổn định hơn qua những lớp filters bạn tự tạo ra từ đúc kết của nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, nên đừng lo lắng bây giờ nếu bạn cảm thấy lo sợ về danh sách này. Mình từng vật lộn 3 tiếng đồng hồ để hoàn thành bài tập này và không ngờ nó đã giúp bản thân phần nào sáng tỏ được khá nhiều cái suy nghĩ không rõ ràng trước đó. Sau khi định nghĩa được giá trị cốt lõi của bản thân thế nào rồi, mình không ngờ là kết quả mang đến lại là cảm giác tự tin lên hẳn lên suốt quãng thời gian trưởng thành sau đó. 
Tự làm thử bài tập này 2 năm trước
Một điều thú vị nữa là sau khi nhận biết giá trị bản thân thế nào rồi, mình biết thông cảm hơn với người khác vì mình nhận ra được mỗi cá thể có một giá trị khác nhau, vì thế không thể so sánh và bảo cái này tốt hơn cái kia được. Sau này thay vì đánh giá người khác một cách nhanh chóng, mình thường đứng lại hỏi thăm những lý do trong quá khứ nào của họ đã giúp định hình nên cái giá trị hiện tại và rất nhiều câu chuyện đầy cảm hứng và hay ho đến bất ngờ đã được kể.
Tiếp theo, đơn giản thôi, hãy tự hỏi bản thân 2 câu hỏi sau dựa trên những giá trị cá nhân được chọn ra ở trên và kinh nghiệm quá khứ:

1/ Hạnh phúc là gì?

Để trả lời câu hỏi này, hãy suy nghĩ về những điều làm bạn cảm thấy vui và thích thú trong cuộc sống. Có người hạnh phúc là khi được ăn ngon mặc đẹp, có người càng hạnh phúc khi có càng nhiều tiền và danh tiếng, có người đơn giản hơn định nghĩa hạnh phúc đến từ mọi thứ nho nhỏ trong cuộc sống, hoặc có người hạnh phúc khi gặp được những người hiểu mình và đọc những cuốn sách hay.
Đọc thêm:

2/ Thành công là gì?

Mình nghĩ cách đơn giản nhất để trả lời câu hỏi này là lập ra một danh sách tất cả các thành tựu lớn nhỏ mà bạn đạt được tới giờ. Và cũng dùng chiến thuật như trên, dần rút ngắn danh sách lại thành top 3 điều làm bạn tự hào nhất khi đạt được, rồi ngẫm nghĩ xem đối với bạn, như thế đã là thành công chưa? Bạn mong đợi bản thân sẽ đạt được những gì trong tương lai sau khi thấy được thực lực hiện tại?
Hãy viết tất cả những suy nghĩ của bạn xuống và cuối cùng rút ra định nghĩa trong một câu cho cả 2 câu hỏi trên. 
Ví dụ:
- Hạnh phúc: khi tôi được làm những điều mình thích với những người tôi yêu.
- Thành công: khi tôi kiếm được hơn 1 tỉ đồng mỗi năm và nổi tiếng trên toàn thế giới.
Đừng lườiĐúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng ở đây là bạn đang học được cách trình bày rõ ràng suy nghĩ của bản thân. Làm chưa được thì làm lại, cho tới khi nào cảm thấy ổn thì thôi. Ý của mình mà còn chưa diễn đạt được thì làm sao mà gào lên đòi thay đổi thế giới, đúng không? :)

Đây là xong phần căn bản. Sau khi đã làm xong những bài tập trên, bạn có thể (trong thời gian rảnh) tìm hiểu rõ bản thân hơn bằng cách làm những bài trắc nghiệm tính cách, mẫu người, etc. để phần nào có ý niệm hơn về tính cách/đặc điểm của mình. Nhưng cá nhân mình thấy những bài kiểm tra trên mạng thường không được chính xác hoàn toàn, vì nó thường chỉ ra những đặc điểm chung chung và theo hướng khen ngợi hơn là chỉ rõ ra con người bạn. Hiểu đơn giản, những bài kiểm tra này phần lớn đưa kết quả mà bạn muốn đọc chứ không nhất thiết phản ánh thực tế. Mà nếu bạn muốn trở nên khác biệt với đám đông và tự tin làm chủ cuộc sống của bản thân, cuộc hành trình chỉ mới khởi điểm.

2. Lập một danh sách những giả định/câu hỏi chưa có câu trả lời và 50 điều bạn muốn thực hiện trong 10 năm tới

Giả định = những niềm tin bạn nghĩ là đúng nhưng cần được kiểm chứng.
Câu hỏi chưa có câu trả lời = những câu hỏi bạn chỉ trả lời được khi hành động. 
Ví dụ:
- Tôi muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng.
- Tôi thích nhiều cái quá, bây giờ nhìn cái nào cũng vui mà lao vào thì sợ sai rồi thất bại. Vậy phải làm sao?
- Tôi không biết đam mê của mình là gì.
- Tôi không biết mình giỏi hay dở gì.
Lần nữa, bạn nên viết hết xuống và lại chắt lọc lại top 7 điều lớn nhất cần được kiểm chứng. Nhưng đồng thời, bạn nên để dành lại những điều bị lọt ra ngoài kia để sau này sau khi kiểm nghiệm xong 7 điều này thì sẽ lập một top 7 mới, khỏi mất công phải ngồi suy nghĩ lại từ đầu.
Tiếp theo, hãy suy nghĩ về 50 điều bạn nghĩ là quan trọng nhất mà bạn muốn dành được hoặc có trong cuộc sống trong 10 năm nữa. Đây sẽ là những mục đích mà bạn đang hướng tới. Nó có thể là tìm ra đam mê, trở thành hình ảnh lý tưởng mà bạn tự vẽ ra trong đầu cho 10 năm tới, khám phá ra sở trường, sở đoản của bản thân, nuôi chó/bạn gái, tự lập về tài chính, có một gia đình hạnh phúc etc. Hãy dựa vào những giá trị cá nhân bạn đã tìm ra được ở phần 1 để giúp hoàn thành phần này. 

3. Kiểm nghiệm những giả định đó


2/3 bài viết này toàn là về lý thuyết, và phần cuối cùng là hành động - đồng thời cũng là phần quan trọng nhất. 10 năm là một khoảng thời gian dài và bạn không thể tính hết những biến cố xảy ra trong tương lai, nhưng bạn luôn có thể chuẩn bị sẵn những kiến thức và kĩ năng cần thiết để đối đầu với bất cứ thứ gì cuộc đời có thể quăng vào mặt bạn. Dựa trên danh sách câu hỏi và mục tiêu ở phần 2, việc bạn đầu tiên có thể làm là google con đường thực hiện đến mục tiêu. Nếu muốn làm nhà văn, thử google cách viết truyện ngắn. Nếu muốn học lập trình, thử google cách viết game. Nếu muốn học thiết kế đồ hoạ, thử google cách vẽ một logo. Nếu muốn làm kiến trúc, thử google cách thiết kế một bản vẽ nhà cửa. Tham khảo trước được quá trình để đạt được mục đích gì đấy sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc định hướng kế hoạch cho bản thân. Hơn nữa, học và làm là hai việc đi đôi với nhau, và bạn không hề thiếu nguồn trong thời đại 4.0 này. 
Quan trọng là có muốn hay không thôi.
Từ những khởi điểm này, bạn có thể lập ra lộ trình và kế hoạch cho ngày mai, tuần tới, tháng tới, năm tới, 5 năm tới, hoặc 10 năm tới. 
Ví dụ:
Tôi muốn bản thân từ một đứa không biết lập trình là gì -> trở thành một lập trình viên cấp cao (senior software developer) trong vòng 10 năm tới.
Rồi thử vạch ra vài cái mục tiêu / từ khoá cho từng năm:
Năm 1 -  Tự Tìm Hiểu: Nắm rõ khái niệm và công cụ cơ bản của lập trình
Năm 2 - Cộng Đồng: Tham gia hoặc tự thiết kế nhiều đồ án hơn để tăng kinh nghiệm thực tế
Năm 3 - Việc Làm: Tìm những kỳ thực tập sinh dành cho người mới ở vài công ty công nghệ và thử nộp vào
abc xyz... 
Không có gì gọi là tuyệt đối chính xác, và nó cũng không cần phải đúng vì chắc chắn nó sẽ còn thay đổi nhiều trong tương lai. Nhưng thế thì sao chứ? Nếu nó làm bạn bỏ được nỗi sợ hãi vô hình và xách mông lên hành động thì cứ mạnh tay mà làm đi, phải có trải nghiệm rồi mới sửa được chứ. 
Giống như khi bạn nghe rất nhiều review tốt xấu khác nhau về một cuốn sách, nhưng bạn sẽ không thể nào đánh giá nó được cho tới khi thật sự đọc được cuốn sách. Bạn đọc -> từ cảm nhận và kiến thức cá nhân sẽ đánh giá được là cuốn sách đó thật sự hay / dở -> tự đánh giá và so sánh cảm nhận của mình có đúng hoặc sai với người khác thế nào -> tự rút ra một kết luận riêng cho bản thân.
Giống như khi bạn xem rất nhiều phim Hàn Xẻng và đọc rất nhiều ngôn tình. Và bạn nghĩ bạn biết yêu? Không, bạn chỉ thật sự tập tành học cách yêu khi quan tâm và chăm sóc ai đó với cả trái tim. Bạn có thể may mắn yêu đúng người -> nhưng quan tâm sai cách -> chia tay -> rút kinh nghiệm và so sánh với kinh nghiệm của người khác -> tự rút ra bài học riêng cho bản thân và cải thiện ở mối quan hệ tiếp theo.
Yup, yêu cũng cần phải học
Mọi thứ cần phải học, và bạn không thể học nếu không chịu làm. Điều này được áp dụng cho tất cả những kiến thức lẫn kĩ năng như giao tiếp, nấu ăn, quản lý thời gian, quản lý tài chính, viết code mượt và sạch, etc. Qua nhiều lần lên kế hoạch và ngẫm nghĩ về hành động của mình sau khi kiểm nghiệm, bạn có thể sẽ thường xuyên thấy bản thân quay lại cái danh sách giá trị cốt lõi hoặc mục tiêu cho 50 năm sau. Không bất ngờ lắm, bạn sẽ thấy bản thân đang tiến bộ và ngày càng hiểu mình muốn gì hơn mặc cho có thành công hay thất bại. Không có gì là tuyệt đối cả, nên hãy cố gắng sao cho phiên bản ngày hôm sau của bạn sẽ tốt hơn phiên bản của ngày hôm qua và đừng so sánh với thành tựu của người khác. Đơn giản vì giá trị và quan điểm về hạnh phúc / thành công của mỗi người là mỗi khác. 

Kết

Sơ lược lại, bài này gồm 3 bước chính để lập một bản kế hoạch cho 10 năm sau:
1. Định nghĩa giá trị cốt lõi của bản thân
2. Lập một danh sách những mục tiêu và giả định
3. Lên kế hoạch thực hiện RỒI thực sự hành động
Cách tiếp cận này được lấy cảm hứng từ một cuốn sách giáo khoa về lập nghiệp mình vừa đọc được. Trong một môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt, startup nào tung được sản phẩm của họ ra thị trường và lấy được feedback từ khách hàng nhanh nhất, người đó thắng. Cũng theo tư duy tương tự được áp dụng lên những biến đổi trong tương lai ở một cá thể, nếu mình không hiểu rõ được chuyện gì đang xảy ra thì cách tốt nhất không phải là mù quáng cắm đầu vào theo một kế hoạch mà mình nghĩ là hoàn chỉnh; mà là chủ động làm và học nhanh từ thất bại, rồi dần nâng cấp bản thảo theo thời gian và kinh nghiệm.

Đây chỉ là những gì mình nghĩ ra qua trải nghiệm cá nhân, đã thử thực hiện và có kết quả khá ổn, nên mong là bài này có thể giúp ích được cho ai đó ngoài kia cũng đang hoang mang khi bị hỏi câu "Em nghĩ sao về mình của 10 năm sau?" đầy bối rối. Mình biết cái cảm giác ấm ớ không biết trả lời sao nó rất khó chịu và ngứa ngáy, nên hy vọng cái sự khó chịu đó ở những người bạn trẻ sẽ thúc đẩy họ đi tìm câu trả lời cũng như tìm được cách định hướng cho bản thân trong tương lai. 
Scarlet.
Bài tham khảo