Người ta cho rằng du lịch làm cho chúng ta thấy giàu sức sống hơn, thế thì làm sao phòng khách sạn lại là một chốn đầy cô độc và tuyệt vọng như vậy?
Bức Western Motel (1957) của Edward Hopper, nguồn: https://www.edwardhopper.net
Từng có trong đời một giai đoạn mà tôi dành nhiều thì giờ trong phòng khách sạn. Lướt từ Thượng Hải sang Dublin qua Vilnius và Rome trong một tháng là chuyện thường tình, và rồi lặp lại tất tần tận: Athens, Novosibirsk, Kuala Lumpur. Tôi đi một mình đến những thành phố này và khi tới nơi tơi buộc phải đứng trên sân khấu, ngồi vào bàn thảo luận và nói không ngừng. Cuối mỗi ngày nhộn nhạo và chệch múi giờ, tôi thường ngồi lại phòng khách sạn nơi đôi lúc minibar chất đầy, hoặc đôi khi chẳng có gì. Điều hòa sẽ cọc cạch, hoặc không chạy, hoặc vặn quá nóng hay quá lạnh bằng điều khiển cố định, và tôi thường cố gắng thư giãn trên chiếc giường ngoại cỡ và gối cứng còng, nghe TV từ phòng kế hay nghe tiếng người lạ thì thầm ở hành lang.
Tôi từng trú ở một khách sạn tại Moscow tên Cricket một tháng. Ở các nước Châu Âu, tôi thường ở các căn phòng 3 sao chật chội, trong khi ở Trung Đông lúc nào cũng là những tên tuổi có hàng chuỗi khách sạn như Sheraton, Radisson, hay là Hilton Nile. Ở đâu cũng như nhau, tùy vào thỏa thuận tại địa điểm và đặc thù của chuyến nghỉ chân, tôi sẽ chọn một căn trong số những khách sạn điển hình phong cách thuộc địa trong tiểu thuyết của Graham Greene hay Agatha Christie: thuộc địa của Mỹ ở Jerusalem, Pera Palace ở Istanbul hay Taj Mahal Palace ở Mumbai. Tôi đã đi như thế này từ tuổi hăm tới nay đã 10 năm. Đôi lần tôi một mình, khi khác tôi đang có một mối quan hệ, và cái tạm bợ vĩnh hằng này thoạt tiên rất hợp với tôi. Trong vài năm, nó lý thú, cho tới khi bất thình lình nó không còn như vậy nữa. 
Đến nơi, tôi thích tắm táp sau những chuyến đi dài trong hồ bơi khách sạn, thường ở tầng hầm của tòa nhà. Tôi thường tản dọc theo hành lang trong đôi dép bông mềm, băng qua những hàng cửa giống hệt nhau, gần như trần truồng bên dưới lớp áo choàng tắm, vừa thân thuộc vừa hở hang. Hồ bơi thường là trống trơn, và hễ tháo kính ra tôi cũng chẳng thể thấy được mép lá của những cây chà là kiểng hay bậc bước vào jacuzzi.
Trong một thời gian dài, nghi thức bơi lội thật hữu ích. Tôi có thể tẩy trần cái con người London và trở thành một nhân vật đa quốc gia sáng bóng. Nhưng rồi ở một hồ bơi nọ, sau một chuyến bay rối rắm lạ thường dài 18 giờ, tôi thả ngửa, lửng lơ nhờ vào hóa chất và nước trong hồ, thì tôi nghe thấy một giọng nói kỳ lạ sáng rõ trong đầu đưa ra một đề nghị giản dị. Tôi muốn chết, giọng nói lên tiếng. Một giọng nói bình thản, tỉnh táo, hoàn toàn hòa hợp với ánh sáng nhập nhoạng trên gạch và tiếng phà phạch của nước, của những giọt nước từ phòng xông hơi, của vòi nước vặn lên đâu đó trong tòa nhà. Tôi úp người lại và bắt đầu bơi sải chầm chậm. Hãy chìm xuống, giọng nói lên tiếng, và thế là tôi làm theo, bơi dưới nước mắt nhắm cho đến khi tôi chạm vào đáy hồ cũng là lúc tôi mường tượng một con cá mập sẽ hất phăng mạn thuyền.
Lần tiếp theo điều đó xảy ra, giọng nói càng lớn hơn, và lần sau, càng lớn hơn hơn. Một độc thoại nội tâm liên tiếp, hữu lý. Tôi đang ở đâu? Một bể bơi ngẫu nhiên ở một đất nước ngẫu nhiên. Tôi quen biết ai ở đây? Thật sự là chẳng một ai. Ai sẽ nhớ đến tôi? Thật sự cũng chẳng có ai. Hãy chìm xuống, vào màu xanh chlo, và buông xuôi, giọng nói lý trí, rõ ràng lên tiếng khiến tôi sợ hãi.
Một người không thể vừa ở Châu Á và Châu Phi trong cùng một tuần một cách thường xuyên; thế giới không nên xoay chuyển ở tốc độ như thế. Nó rối tinh rối mù; tệ hơn, nó gây ra tổn thất - một phần nào đó của chủ thể cá nhân của tôi đã bị cuốn đi. Nhưng, tôi vẫn đồng ý. Tôi vẫn là đứa con gái ai cũng có thể tìm tới cho bất cứ chuyến bay phút chót nào đến bất cứ đâu, và mỗi khi về nhà tôi còn dăm ba ràng buộc trong căn nhà ở chung tại Brixton, Nam London, tôi lại lên kế hoạch lên đường.
Khi trèo khỏi taxi trên đường về nhà, hay kéo lê hành lý đến trước cổng nhà, tôi thường nghĩ tới Jean Rhys, đoạn viết trong Good Morning, Midnight (1939): “Về lại phòng ban đêm. Về lại khách sạn. Luôn cùng một khách sạn… Ta lên cầu thang. Luôn là những nấc thang ấy, luôn là căn phòng ấy.” Cuộc sống của tôi theo một vòng lặp, kiếm tìm cái mới, nhưng thực tế chỉ đi quanh trong những vòng tròn.
Các tấm gương, cánh cửa, khóa, ban công và nhà tắm khách sạn trở thành đạo cụ và cảnh trí cho quá trình “đi về nơi xa”
Trong não có một phần mang tên thùy hải mã có hình dạng như một con hải mã. Theo nhiều cách khác nhau bộ phận này vẫn còn là một bí ẩn chưa chinh phục hết, nhưng người ta tin rằng nó hành xử như một định vị bên trong cơ thể, cung cấp một khoảng giao giữa ký ức và sự xử lý địa điểm, và không chỉ đơn thuần là địa điểm bản đồ hay nơi chốn - dù rằng thùy hải mãi thật sự có thể làm vậy, bằng cách cô biệt hóa các sự vật và hình ảnh đặc trưng, nội thất và cảnh trí - mà còn chép lại một bản đồ cảm xúc như dự định tương lai và các ước vọng, làm sao để đạt được chúng, hay các chuỗi ký ức, hay sự hệ thống hóa các tự sự cá nhân của mỗi chúng ta. Đó là cách mà chúng ta hiểu mình ở đâu và làm thế nào để đặt mình vào quan điểm của người khác. Chứng trầm cảm được cho rằng đã một tác động méo mó, xói mòn vào thùy hải mã, nên mỗi chúng ta đều trở nên lạc lõng, theo nhiều tầng nghĩa khác nhau.
Tôi không rõ liệu cái định vị thùy hải mã của mình có phải đã bị chèn ép vì du lịch quá nhiều hay chỉ là tôi bị vắt kiệt sau mười năm trời né tránh các mối quan hệ thân thuộc hay bất cứ cái gì đó tương tự như một mái ấm thường trực. Dù là cái gì đi nữa, thôi thúc tự sát ngày càng mạnh mẽ hơn, kích thích bởi kiến trúc khách sạn và những biểu chỉ gắn với chúng - thẻ chìa khóa, hành lang dài, tiếng chuông phục vụ phòng.
Tôi đã loay hoay mười năm, đó đây giữa một “ngôi nhà” gồm một căn phòng thuê và quá trình lui đến vô tận một thành phố kiểu Italo Calvino ở bất cứ nơi đâu cũng chẳng là ở đâu. Tôi cô đơn, ngày càng nhiều hơn, và trôi dạt về phía bên kia tấm gương mà không biết làm sao để chấm dứt chuyện đó xảy ra.
Trong năm cuối cùng chu du dày đặc, tôi bắt đầu mắc chứng khó ngủ nặng tới mức cách duy nhất để đối phó là thức và đọc sách suốt đêm và tranh thủ vào giờ nghỉ trưa, nếu tôi ở một đất nước người ta quen với giấc này, hoặc chợp mắt vào chiều muộn khi tôi thường rỗi tay trước các hoạt động ban tối.
Trong những đêm khó ngủ khi mà thành phố xa lạ bên ngoài cửa sổ thường nghịch lý ở chỗ quá trống vắng hoặc đầy ắp người, tôi thường đọc về các nhà văn Siêu thực và mối quan hệ của họ với các thành phố, sự tẩu thoát, và những căn phòng khách sạn. Trong quyển Automatic Woman (1996) của Katherine Conley, tôi biết được cách nghệ sĩ người Đức Unica Zürn (người yêu của nghệ sĩ đồng nghiệp Hans Bellmer) được đưa vào một viện tâm thần hồi thập niên 60, kết quả của một lần đập nát cửa kính một phòng khách sạn ở Berlin. Nàng thơ Nadja của André Breton cũng vào tù vì “hành vi trái khuấy và quái gở” ở một khách sạn Paris, và nghệ sĩ kiêm nhà văn gốc Anh Leonora Carrington, tôi rất thích tác phẩm của cô, bị bắt và giam ở một phòng khám sau khi trần truồng đối mặt với nhân viên Khách sạn Ritz tại Madrid.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi tất cả ba người phụ nữ đó đều có chuyện, nói về khía cạnh tâm lý. Họ đàng nào cũng sống cuộc sống luôn luân chuyển, thất thường, và với những phụ nữ gắn với trào lưu Siêu thực, các tấm gương, cửa phòng, khóa, ban công và nhà tắm khách sạn trở thành những đạo cụ và cảnh trí chủ động cho quá trình “đi về nơi xa”, điều hết sức được khuyến khích và khai thác bởi các nghệ sĩ nam trong đời họ. Những kẻ Siêu thực bị ám ảnh với những cuộc gặp gỡ với vô thức, với những diêm dúa, với sự điên rồ, và hầu hết chính những người phụ nữ bị thúc ép vào - hoặc chọn nhảy vào - cái hang thỏ trong khi những đồng nghiệp nam chỉ trố mắt nhìn theo. Thông qua các cánh cửa do chính những phụ nữ mở ra mà những nhà Siêu hình nam giới cảm thấy họ có thể đạt đến hành vi vô thức tâm thần uyên nguyên - nói cách khác, nghệ thuật ngoài những giới hạn của lý trí, hay kiểm soát về đạo đức hay mỹ học - và phòng khách sạn thường là sân khấu hoàn hảo để các thí nghiệm ấy diễn ra. 
Zürn chủ ý đặt mình vào các căn phòng vô danh để cho phép ảo giác xảy ra.
Zürn là một thể hiện bằng xác thịt của Bellmer ngược ngạo, chiếm trọn cái không gian tiếp xúc. Cô thường bước chỉ một vài bước sau Bellmer, không đơn thuần là một nàng thơ, mà còn là hiện thân sống của các búp bê kích cõ đời thật, chưa trưởng thành mà Bellmer tạo ra. Zürn trải qua ba lần suy nhược, diễn ra ngay sau khi cô ra khỏi căn hộ ở Paris nơi cô sống chung với Bellmer, hoặc xa khỏi những đứa con sau cuộc hôn nhân trước đó, và tự vào một khách sạn.
Trong các trang hồi ký, Zürn viết rằng phòng khách sạn trở thành một sân khấu khổng lồ, gần như tối ám, xuất hiện không từ sản phẩm của ảo giác, mà giống hơn với một bức tranh rõ rệt hình thành từ chính giữa mỗi con người… “Cái tác nhân, cô viết, chính là nhìn qua cửa sổ khách sạn và trải qua các ảo giác liên quan đến nỗi đau từ quá khứ: căn nhà gia đình cô sống bị đấu giá khi cô 15 tuổi, với toàn bộ gia sản. Nó là dấu hiệu cho sự tiêu tan và mất mát của gia đình mà cô đã từng biết, về thời thơ ấu, một phần quan trọng của con người cô.
Zürn bị thu hút bởi sự điên rồ và nâng niu nó, chủ động đưa mình vào những căn phòng vô danh để cho phép ảo giác xảy ra. Cô đi lại các ranh giới giữa thực và ảo, biểu trưng bởi những hình ảnh gắn với các căn phòng và nhà cửa. Cô viết:
Ngôi nhà này tắm trong một ánh sáng xanh lục trở nên trong suốt. Cô có thể nhìn xuyên qua các bức tường. Bên trong: cô nhìn thấy một vị Phật Ấn độ từ ngôi đền Núi đá, một con rồng Trung hoa tô son thếp vàng trên nền gỗ nhung đen, một cái đèn Ả Rập có ánh sáng màu vàng, đỏ và xanh lục. Nhưng hình ảnh về nội thất của ngôi nhà lại rất ngắn, các bức tường lại đóng. Cửa lại đóng, và toàn bộ ngôi nhà, kể cả cái ánh sáng xanh lục thần tiên đã soi ra nó, cũng tan biến.
Vài năm sau, năm 1970, sau khi trải qua một lượt ảo giác khác, theo sau là một cuộc trở về thực tại bi đát, cô tự tử bằng cách gieo mình từ một ban công ở Paris.
Tôi có một tuyển tập các thếp giấy của khách sạn và dùng nó để viết cho mọi người thay vì gửi postcard. Nhà thơ Mỹ Elizabeth Bishop, một kẻ du hành thâm căn suốt đời mình và chẳng có mảy may xa lạ với khách sạn, đã vẽ phác thảo về văn phòng phẩm của khách sạn. Một trong những bức đó là căn phòng của bà ở Murray Hill Hotel, New York, và không gian được vẽ lại thì bức bối, tù túng. Trong câu truyện “Trong tù” (1938) bà viết: “Sự tồn tại trong các khách sạn hiện nay của tôi có thể được so sánh về nhiều khía cạnh với việc ở tù, tôi tin là vậy: có hành lang, các căn phòng giam, một nhóm người đông đúc chẳng họ hàng thân thích có nhiều mục đích khác nhau ở cùng trong đang mô phỏng tất cả mọi người nhưng vẫn thể hiện những khác biệt lớn lao”
Trải nghiệm tại khách sạn chung cục nằm ở căn phòng: sự giới hạn của không gian vừa riêng tư thuộc về ta nhưng cũng không thuộc về ta, như một nhà giam, một sự tù hãm. Jonathan Ellis viết trong quyển Art and Memory in the Work of Elizabeth Bishop (2006) rằng “các căn phòng dán giấy luôn là những không gian khó cho Bishop nhìn ra ngoài cửa sổ phòng và chứng kiến sự tiêu hủy của căn nhà gia đình bà, rốt cuộc tôi nhận ra rằng dù ta có chạy xa đến đâu đi chăng nữa - đến một khách sạn cheo leo ở tận mép thế gian - căn phòng ta ở sẽ luôn dán những tấm giấy đầy những nỗi sợ thòi thơ ấu và trong nhà tắm lờ mờ ánh sáng ta sẽ luôn giống một hồn ma.
Tôi đã quay trở lại với những con mồng biển và khách sạn tồi tàn, để tìm cách giàn hòa với sự tĩnh tại
Cảm giác b-ịnh của tôi mạnh mẽ hơn mỗi khi du lịch, do đó tôi cố mang theo đồ đạc ở nhà để cảm thấy thân thuộc hơn. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mình chẳng sở hữu bất cứ cái gì ngoại trừ những quyển sách chứa đựng một ý nghĩa riêng tư, và riêng sự thể này không thôi đã khiến tôi thấy buồn và đặt ra câu hỏi về cách mình đã sống từ nào tới giờ. Tôi bắt đầu cảm thấy hốt hoảng mỗi khi ở quanh các vật dụng và trang trí của các khách sạn quốc tế: sảnh hoàn toàn thông thường có chủ đích, bàn tiếp tân to kềnh. Đến nỗi các chỗ ăn và khe thang của khách sạn cũng bắt đầu gây ra cảm giác lo âu mỗi khi tôi bước qua. 
Cảm giác tù hãm, ngộp ngạt và hoang tưởng, nhưng trên hết là cái cảm giác lạc lõng hết sức rõ ràng: mình đang ở đâu? Mình đang ở cái chỗ quái quỉ gì? Máu và cơ và xương trên cơ thể tôi liên tiếp run bật khi tôi tìm cách tự trấn an - có lẽ con hải mã ở thùy trên não tôi đang lộn mòng ở đó - và kết quả là một cảm giác chìm sâu vĩnh viễn, hổ thẹn. Tôi phải ngưng đi, tôi quyết; phải ở nhà một thời gian. Tôi bỏ công việc cần tôi phải đi khắp nơi trên thế giới và quyết định ngồi yên để viết.
Cảm giác tôi có gần nhất với cảm giác khi ở nhà là tham gia một khóa nhiệm trú cho nhà văn ở một khách sạn tại Margate, Kent, nơi tôi định tự khép mình và hoàn chỉnh một tác phẩm. Tôi nghĩ rằng ở lại nước Anh sẽ giữ tôi an toàn, khô ráo hơn. Không còn nữa các bể bơi khách sạn, không còn nữa sự mất đi bản ngã qua những khe hở gây ra do các múi giờ rời rạc, hay những đêm ảo giác do lệch múi giờ gây ra.
Trong căn phòng nhỏ bé ẩm thấp nhìn ra biển xám và một khu vui chơi u ám, tôi bắt đầu vẽ ra một bản đồ, một chòm sao những nhà văn và nghệ sĩ mà tôi cảm thấy phần nào kế thừa những gì các nhà Siêu hình khởi đầu để lại; những nữ hoàng đêm tối trong các căn phòng khách sạn vô danh. Từ Leonora Carrington đến Jean Rhys. Từ Jean Rhys đến Amy Winehouse. Từ Amy Winehouse đến Tracey Emin, tài danh xuất khẩu xuất sắc nhất vùng Margate, người có ngôi nhà tuổi thơ là khách sạn International tại Margate, nhìn ra mặt biển do cha của bà quản lý. Đó là một nơi hoàn toàn không an toàn cho Emin trẻ tuổi như những gì đã được ghi chép cẩn thận suốt sự nghiệp nghệ thuật.
Một trong những tác phẩm của Emin, Hotel International (1993) là một chiếc váy làm từ những từ ngữ đơm tay, dùng vải và các chất liệu từ cuộc đời của bà. Trong một phỏng vấn với Carl Freedman năm 2005, nói về cách bà sử dụng các không gian giống như ngôi nhà, về việc làm lại những ngôi nhà búp bê, dùng các loại vải may váy, mền và lều, người ta hỏi bà: “Bà có cảm thấy mình giống một bé gái chơi đùa với các món đồ trong nhà khi tạo ra những ngôi nhà ấy hay không?” Bà trả lời “Có thể.” “Vậy bà bị mắc kẹt trong quá khứ” Bà đã gắn bó với nó đến độ không thể tách khỏi nó được?” “Có lẽ tôi đang cố gắng làm ra một ngôi nhà đúng nghĩa” bà đáp.
Tôi lớn lên trong một thị trấn duyên hải hẻo lánh bờ nam nước Anh, không quá xa vùng Margate của Emin. Tôi đã làm mọi thứ có thể để thoát khỏi ván lợp, thời tiết xấu, những khách sạn cũ kỹ theo lối John Betjeman nơi tôi làm việc vào mùa hè trong vai phục vụ cho những ông chủ khách sạn xuề xòa, mang kem đến cho những quý bà thượng cổ. Trong nhiều năm, tôi đánh đồng cái bờ biển hoang vu, nhợt nhạt này và tiếc gọi của mồng biển với cái chết: tận cùng thế giới, tận cùng của thời gian.
Tôi đã vòng quanh thế giới trong hết khả năng, nhưng cũng như Jean Rhys đã luôn thấy mình trở về với cùng những tấm đệm - “như tiền định, cô quay về nơi xuất phát trong căn phòng ngủ nhỏ nhắn ở Bloomsburry hệt như những căn phòng nhỏ nhắn khác ở Bloomsburry mà cô đã rời khỏi gần 10 năm về trước..” Tôi thấy mình quay về và sống ở cùng một thị trấn biển hoang tàn, chẳng xa xôi gì với London, chẳng xa xôi gì với phi trường Gatwick, đi dọc theo đường sóng biển táp vào lấm tấm xương mực và trứng cá khô. Giờ thì tôi sống gần đường bờ biển tô điểm bằng hàng khách sạn tồi tàn với những cái tên như Belle View hay The Sea Bright. Khi nhìn ra cửa sổ, tôi nghĩ đến danh sách các kiểu trang trí đầy dè bỉu: “giấy dán tường xấu xí” và rồi “thảm Thổ”. Cuối cùng, để sống, tôi đã bỏ luôn công việc du lịch đáng ước ao. Tôi không còn giả vờ rằng London, hay bất kỳ thành phố nào, là nhà và quay lại cái thời tiết và đám mồng biển và những khách sạn xập xệ, để tìm cách giàn hòa với sự tĩnh tại.
Giờ đây khi nghĩ lại quãng đời đó, một vòng xoắn hướng xuống khiến tôi thấy ngạc nhiên và tôi đã suýt chết vì nó, mọi thứ hoàn toàn gắn với những văn tự của khách sạn. Tôi tự hỏi câu nổi tiếng của Bishop: “Lẽ ra chúng ta nên ở nhà, dù đó là đâu?” Câu trả lời của tôi là tôi không nghĩ như vậy. Tôi chẳng hối tiếc gì tất cả các cuộc chạy trốn nhưng cũng hiểu rõ các rủi ro khi đi du lịch hơn trước.
Giờ đây tôi có một vài quy luật: đừng đi quá lâu, luôn quay về, bảo đảm luôn có gắn kết với thú nuôi, trẻ em, nhà cửa và các anh chồng, bất cư điều gì có thể bám víu và trở thành một neo đậu. Khi nhớ lại những bể bơi trong các khách sạn sang trọng, và tất thể cái biểu tượng liên quan - những sự vô thức, khép kín và đóng khung - tôi mường tượng mình đang nằm ngửa trên mặt nước, cho nó cuốn đi, bềnh bồng, và không còn sợ hãi cảm giác không trọng lực. Nó không giống cảm giác đuối nước, hay rơi xuống, mà giản dị chỉ là được cuốn theo.
Tác giả: Suzanne Joinson, đăng tại Aeon
Người dịch: spacemonkies