Hòn đảo của tiến sĩ Moreau – H.G.Wells
_Nhân danh khoa học, liệu con người có thể đi xa đến đâu?_ Bên cạnh Người vô hình hay Cỗ máy thời gian, đây là một tác phẩm...
_Nhân danh khoa học, liệu con người có thể đi xa đến đâu?_
Bên cạnh Người vô hình hay Cỗ máy thời gian, đây là một tác phẩm khá nổi tiếng của H.G.Wells. Vào thời điểm hiện tại, khi mà con người còn có khả năng chỉnh sửa cả bộ gen của chính mình, thì bạn có thể thấy tác phẩm này khá bình thường. Nhưng xét đến bối cảnh ra đời của nó vào năm 1896, bạn có thể bất ngờ vì tác giả đã có được tầm nhìn xa đến như thế nào, và vào thời điểm đó, ông đã đặt ra một câu hỏi có thể nói đến tận ngày hôm nay chưa có lời đáp thỏa đáng: Nhân danh khoa học, liệu con người có thể đi xa đến đâu?
Là nạn nhân của một vụ đắm tàu, sau tám ngày lênh đênh trên một chiếc xuồng nhỏ trên biển, chàng trai Edward Prendick cảm thấy mình thật may mắn khi được một chiếc tàu phát hiện, và được cứu sống bởi một sinh viên y khoa trên tàu – anh chàng Montgomery kỳ lạ và người đồng hành quái đản không kém. Montgomery chịu trách nhiệm đưa một số động vật hoang dã từ đất liền ra đảo, và Prendick nhận thấy rằng có một mối ác cảm không che giấu giữa thuyền trưởng lẫn thủy thủ đoàn đối với Montgomery, người đồng hành cùng anh ta và bầy thú hoang. Vì bênh vực Montgomery, Prendick đã bị đuổi xuống khỏi tàu khi tàu cập bến hòn đảo, và anh đâu ngờ rằng từ đây, cuộc phiêu lưu kỳ lạ và kinh hoàng nhất đời anh bắt đầu.
Đứng đầu hòn đảo này là tiến sĩ Moreau, một người mà Prendick sau này nhận ra mình từng nghe danh, và Montgomery là phụ tá của ông ta. Prendick được bọn họ sắp xếp cho một căn phòng trong dinh thự, với lời cảnh báo không được đi qua cánh cửa hậu khóa kín. Một buổi sáng, vì không chịu đựng nổi tiếng rên rỉ của con báo phát ra từ phòng bên, Prendick đã một mình rời khỏi dinh thự, đi vào rừng, và từ đây sự thật kinh hoàng về hòn đảo bắt đầu hé lộ. Sau cuộc rượt đuổi kinh hoàng bên bờ biển, anh dần khám phá ra thế giới của những con vật – nhưng không phải hoàn toàn là con vật, được tạo ra bởi tiến sĩ Moreau, và cuộc phiêu lưu của anh tại đây bắt đầu…
Tác phẩm có cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, diễn biến khá nhanh và hấp dẫn. Và hơn hết, đây không phải một tác phẩm phiêu lưu đơn thuần, bởi nó gởi gắm thông điệp khá rõ ràng của tác giả. Moreau đã nhân danh khoa học, chống lại tự nhiên, thay quyền tạo hóa, và chưa bao giờ ông ta mảy may nghĩ rằng mình đã làm gì sai khi "nhân hóa" những con vật hoang dã. Với quyền là "con người" của mình, ông thí nghiệm trên những con thú, vậy liệu nếu thực sự ý thức được mình sẽ trở thành như thế nào, bọn chúng liệu có chấp nhận thí nghiệm như thế này? Tự nhiên có lý lẽ của mình, và với việc phản lại tự nhiên, con người sẽ phải trả giá. Cuộc sống giữa bầy thú đã khiến Montgomery nhập bọn cùng với chúng, và tôi trộm nghĩ rằng nếu không thể thoát ra khỏi đảo, biết đâu chừng kết cục của Prendick cũng không khá hơn. Những con thú luôn tìm về bản năng của mình, dù Moreau có cố gắng đến đâu để biến chúng thành một dạng "con người", thì đó mãi mãi cũng chỉ là những con thú trong lốt người, với phần "con" và phần "người" luôn mâu thuẫn dữ dội, và khó có thể nói rằng phần "người " có khi nào chiến thắng hay chưa. Bọn thú dù hung dữ, dù sống theo bản năng, nhưng chúng đáng thương hơn là đáng trách, vì đó là cuộc sống mà bọn chúng không hề lựa chọn. Thay vì sống vô tư như một con thú, chúng bị tròng vào cái lốt "con người", và rồi cả đời phải đấu tranh giữa việc làm người hay quay lại kiếp thú. Và tôi nghĩ rằng, kết thúc của truyện như vậy thực sự là trọn vẹn cho tất cả, không chỉ đối với anh chàng Prendick tội nghiệp, mà còn đối với bọn thú trên hòn đảo này. Đến cuối cùng, con người hay con vật, đâu mới là sinh vật đáng sợ hơn đây?
P/S: Các bạn xem thêm những bài review khác tại page Gặm Sách nhé
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất