ᴥ ᴥ ᴥ
Bài viết này được ra đời nhờ nỗ lực của Calli tại Chessgames.com.
ᴥ ᴥ ᴥ
Reuben Fine (1914-1993), người Mĩ, là một trong những kì thủ mạnh nhất của nửa đầu thế kỉ thứ hai mươi. Dẫu chưa bao giờ giành được chức vô địch Mĩ, nhưng Fine đã tiệm cận với chức vô địch thế giới. Ông đánh hoà với Paul Keres trong giải đấu AVRO 1938, nhà vô địch của giải đấu này được quyền không chính thức thách đấu Alexander Alekhine, nhà đương kim vô địch. Với sự xen ngang của Thế chiến II và sau đó là cái chết của Alekhine vào năm 1946, Fine đã từ chối tham gia giải đấu 1948 được tổ chức để lấp vào chỗ trống mà Alekhine bỏ lại. Thay vào đó, Fine từ bỏ cờ vua chuyên nghiệp để theo đuổi sự nghiệp mới là tâm lí học. Ông được nhận bằng tiến sĩ tâm lí học từ Đại học Nam California.
Năm 1956 ông xuất bản một bài báo nhan đề Psychoanalytic Observations on Chess and Chess Masters (Những quan sát phân tâm học trên cờ vua và giới kiện tướng cờ vua) trong tạp chí chuyên ngành Psychoanalysis (Phân tâm học), tạp chí này sau đó được xuất bản thành một quyển sách nhỏ vào năm 1967 với nhan đề The Psychology of the Chess Player (Tâm lí học về giới kì thủ cờ vua).
Một trong những kì thủ mà Fine thảo luận và phân tích là Paul Morphy.
ᴥ ᴥ ᴥ
Paul Morphy (1837-1884) đã thu hút sự chú ý của giới tâm lí học vì chứng rối loạn tâm thần của mình vào nửa sau cuộc đời. Ông là đối tượng trong nghiên cứu của Ernest Jones mà đã đề cập trước đây. Morphy sinh tại New Orleans vào 22 tháng Sáu 1837; cha ông là người Tây Ban Nha gốc Ireland, mẹ ông là người gốc Pháp. Năm lên mười, ông học cờ vua từ cha. Năm mười hai tuổi, ông đã đánh bại được người bác vốn là vua cờ ở New Orleans lúc bấy giờ. Cho tới năm 1857, ông dốc hết tâm sức vào việc học. Trong năm ấy ông đến New York, nơi ông dễ dàng giành được giải nhất trong giải vô địch Mĩ, giải vô địch đầu tiên từng được tổ chức. Năm tiếp theo ông tới London và Paris, nơi các kiện tướng cờ vua hàng đầu thế giới tề tựu, và đánh bại mọi đối thủ mà ông gặp, bao gồm Adolf Anderssen. Chỉ có Staunton từ chối gặp ông, bất chấp mọi nỗ lực để sắp xếp một trận đấu. Sau đó ông quay về New Orleans, nơi ông đưa ra lời thách đấu chơi chấp quân với thảy mọi người trên thế giới. Khi không nhận được hồi đáp nào từ lời thách thức này, ông tuyên bố sự nghiệp cờ vua của mình kết thúc; nó kéo dài vẻn vẹn mười tám tháng, chỉ có sáu tháng trong quãng thời gian đó là ông chơi công khai. Sau khi nghỉ hưu (ở tuổi hai mươi mốt!) ông hành nghề luật – cha ông là thẩm phán – nhưng không thành công. Ông dần dần sa vào tình trạng sống tách biệt và lập dị mà đỉnh điểm là chứng hoang tưởng rõ rệt. Ở tuổi bốn mươi bảy ông đột ngột qua đời vì “sung huyết não,” có lẽ là chứng ngập máu, giống với cha ông trước đó.
Về các triệu chứng của Morphy trong thời kì mắc bệnh sau đó, Jones đã báo cáo như sau. Ông tưởng tượng mình bị hãm hại bởi những người muốn cuộc đời ông trở nên khốn khổ. Những ảo tưởng của ông xoay quanh người chồng của chị gái ông, người quản lí tài sản của cha ông, người mà ông tin rằng đang cố cướp đoạt phần gia sản của ông. Ông thách ông ta đấu tay đôi và sau đó khởi kiện ông ta, dành nhiều năm để chuẩn bị cho vụ kiện này. Tại toà người ta dễ dàng chứng minh rằng những lời buộc tội của ông là hoàn toàn vô căn cứ. Ông còn cho rằng mọi người, đặc biệt là người anh rể, đang cố đầu độc mình, và có thời gian ông từ chối nhận đồ ăn trừ khi mẹ ông hoặc người em gái chưa chồng của ông mang tới. Một ảo tưởng khác cho rằng người anh rể và người bạn thân, Binder, đang ủ mưu để phá huỷ quần áo của ông, thứ được ông yêu thích một cách phù phiếm, và để giết ông. Một dịp nọ ông đến văn phòng của người bạn thân và bất ngờ hành hung ông ta. Ông được cho là đã dừng lại và nhìn chằm chằm vào mọi gương mặt xinh xắn trên đường phố. Trong một giai đoạn nhất định ông nghiện việc đi đi lại lại trước hiên nhà và nói lớn những lời sau: “Il plantera la bannière de Castille sur les murs de Madrid au cri de Ville gagnée, et le petit Roi s’en ira tout penaud.”(1) Nhịp sống của ông là đi dạo hằng ngày, rất đúng giờ vào buổi trưa và ăn mặc cực kì chỉnh tề, sau đó ông sẽ lui về nghỉ ngơi cho đến buổi tối thì ra ngoài nghe opera, không bao giờ bỏ lỡ một buổi diễn nào. Ông không gặp ai trừ mẹ mình, và sẽ nổi giận nếu bà ấy đánh bạo mời dẫu là những người thân thiết đến nhà. Hai năm trước khi qua đời ông được hỏi ý để xin phép đưa cuộc đời ông vào một dự án viết sách tiểu sử về những người nổi tiếng của bang Louisiana. Ông đã gửi một bức thư phúc đáp trong phẫn nộ, nói rằng cha ông, Thẩm phán Alonzo Morphy của Toà án Tối cao Louisiana, khi qua đời đã để lại khoản tiền 146.162 đô và 54 xen, trong khi bản thân ông không theo đuổi nghề nghiệp nào và không có liên quan gì đến tiểu sử. Nội dung trò chuyện của ông liên tục xoay quanh tài sản của cha, và chỉ cần nhắc đến cờ vua cũng đủ khiến ông nổi cáu. Hiển nhiên câu hỏi đặt ra là mối quan hệ nào, nếu có, đã tồn tại giữa thiên tài cờ vua của Morphy và chứng rối loạn tâm thần của ông. Jones quy trách nhiệm lớn nhất vào việc Staunton từ chối chơi cờ với Morphy. Staunton đối với ông ấy là hình tượng người cha tối cao, và Morphy coi việc vượt qua ông ta là bài thử cho năng lực chơi cờ của mình, cùng nhiều điều khác nữa một cách vô thức. Khi Staunton, thay vì gặp gỡ Morphy trên bàn cờ, lại tiến hành tấn công ông ấy một cách đồi bại và thô bỉ, Morphy đã ngã lòng, và ông từ bỏ “con đường xấu xa” trong sự nghiệp cờ vua của mình. Có vẻ như người cha đã vạch trần ý định xấu xa của ông và giờ đây lại dùng chính thái độ thù địch ấy để chĩa vào Morphy để trả đũa. Cờ vua, điều tưởng chừng như là một biểu hiện vô tư và đáng quý trong nhân cách của ông giờ đây hoá ra lại là những ước muốn hết sức ấu trĩ và đê tiện, những xung năng vô thức nhằm tấn công tình dục người cha và đồng thời làm ông ta nhận thương tích vĩnh viễn.
(1) Lưu ý: “Anh ta sẽ dựng biểu ngữ Castille trên các bức tường ở Madrid trước tiếng hò reo của Thành phố chiến thắng, và ông Vua nhỏ sẽ bỏ đi trong hổ thẹn bẽ bàng.” Jones tuyên bố không tìm được nguồn gốc của câu nói này. Tuy nhiên nó rõ ràng là một tiếng hò reo đắc thắng trước nhà Vua, một biểu hiện hồi quy bằng lời nói của chiến thắng mà Morphy không còn đạt được bằng hành động. Xin mời đối chiếu với những nhận xét trong cuộc thảo luận ở phần trước.
Tuy nhiên có một lí do phản đối tương đối nặng kí trước lí thuyết của Jones về Morphy, dẫu nó thuận tai thế nào đi nữa. Năm 1858, nhà vô địch thế giới không chính thức không còn là Staunton nữa, mà là Anderssen. Giới sử gia cờ vua chắc chắn sẽ xếp Anderssen cao hơn Staunton vào thời điểm đó. Năm 1866 khi Steinitz giành chức vô địch thế giới, ông ta làm được nhờ đánh bại Anderssen. Và Morphy thì đánh bại Anderssen một cách áp đảo. Vậy nên không hiểu tại sao ông ấy lại bị nhiễu tâm đến thế khi Staunton từ chối gặp mình. Điều quan trọng hơn liên quan đến việc Morphy liên tục tuyên bố rằng mình không phải là một chuyên gia. Khi ông trở về New York từ chiến thắng ở châu Âu vào năm 1858, sự tiếp đón dành cho ông rất cuồng nhiệt. Công chúng cảm thấy rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một người Mĩ đã chứng tỏ được bản thân, không chỉ ngang bằng, mà còn vượt trội so với bất kì người đại diện nào đến từ các cựu quốc gia trong lĩnh vực này, đến mức mà Morphy đã thêm hẳn độ dài một cẳng tay cho tầm vóc của nền văn minh Mĩ. Trước sự có mặt của một hội đồng lớn trong một trường Đại học, ông đã được tặng một bộ quà chứng nhận bao gồm một bàn cờ với các ô cờ làm bằng xà cừ và gỗ mun cùng với một bộ quân cờ bằng vàng và bạc; ông còn được nhận một chiếc đồng hồ bằng vàng, trên đó có các quân cờ nhiều màu thay cho các chữ số. Tại lễ tôn vinh này, Đại tá Mead, chủ tịch uỷ ban tiếp tân, đã ngụ ý trong bài phát biểu rằng cờ vua như là một nghề nghiệp, và dẫn Morphy ra như là một trường hợp điển hình suất sắc nhất. Morphy phản đối dữ dội việc bị coi là kì thủ chuyên nghiệp, dẫu chỉ là ngụ ý, và ông biểu lộ sự bực ấy đến mức khiến Đại tá Mead phải rút lui khỏi uỷ ban này. Trong bài phát biểu nhân dịp ấy Morphy cũng đưa ra những nhận xét sau:
“Nó không chỉ là thú giải trí hết sức thú vị và khoa học, mà còn hết sức đạo đức. Không giống những trò chơi khác mà trong đó lợi nhuận là kết quả và mục đích của các đấu thủ, nó tự tiến cử mình tới trước những người khôn ngoan, bằng thực tế là các cuộc đánh trận giả của nó diễn ra không vì phần thưởng hay danh dự. Nó tuyệt đối và dứt khoát là trò chơi của triết gia. Hãy để bàn chơi cờ thế chỗ bàn đánh bài và sự cải thiện vĩ đại sẽ hiển lộ trong đạo đức của cộng đồng. […] Cờ vua chưa bao giờ và không bao giờ có thể là gì ngoài một trò giải trí. Nó không nên được nuông chiều để làm tổn hại đến những thú vui khác nghiêm túc hơn, không nên được cho lôi cuốn hoặc nuốt trọn suy nghĩ của những tín đồ tại điện thờ của nó, mà nên được giữ ở phía sau, và được hạn chế trong phạm vi phù hợp với nó. Dưới tư cách một trò chơi, một thú tiêu khiển sau những công việc khắc nghiệt của cuộc sống, nó xứng đáng với những lời tuyên dương.”
Giờ thì việc từ chối coi cờ vua là nghề nghiệp của Morphy được theo sau bằng việc từ chối coi mọi thứ là nghề nghiệp. Hành động từ chối một cách sâu kín việc coi cuộc đời là thứ nghiêm túc như vậy hẳn phải có căn nguyên sâu kín hơn so với sự cố trước những lời nói khó nghe của Staunton. Thực tế việc rút lui khỏi đời sống ắt hẳn đã xuất hiện từ rất sớm và được bù trừ bằng mối hứng thú quá mức dành cho cờ vua. Ông ấy học chơi cờ năm mười tuổi, trở thành nhà vô địch New Orleans năm mười hai, nhà vô địch Mĩ năm hai mươi, và nhà vô địch thế giới năm hai mươi mốt. Những kì tích này nhìn chung cũng đã được nhiều người lặp lại kể từ sau Morphy. Nhưng họ chỉ có thể làm được với cái giá phải trả là lượng thời gian và công sức khổng lồ. Nói cách khác, trong suốt thời niên thiếu, Morphy hẳn đã dành phần lớn thời gian để chơi cờ. Theo tôi được biết, ông ấy chưa bao giờ có bất kì trải nghiệm tình dục nào, nếu có thì cũng chỉ thi thoảng. Do đó các hoạt động cạnh tranh tình dục thông thường của một thiếu niên đã bị Morphy từ bỏ để chuyển sang chơi cờ. Trên thực tế, việc chơi cờ đã giúp ông ấy tránh được chứng rối loạn tâm thần.
Sự cố của thiên tài bổn quốc này đã phóng ông ấy vào thế giới của những người nổi tiếng. Dưới tư cách nhà vô địch thế giới, ông ấy không còn xem nhẹ cờ vua, hoặc coi nó là trò chơi đơn thuần, được nữa. Nếu cờ vua không còn là thú tiêu khiển thì nó mất đi giá trị phòng vệ, và do đó hiện tượng hồi quy diễn ra; chứng rối loạn tâm thần, vốn được che giấu trước đó, đã bùng phát hoàn toàn. Tôi cũng muốn kêu gọi sự chú ý đến một điểm đặc biệt trong lĩnh vực văn học Morphy. Khoảng bốn trăm ván cờ của ông ấy đã được lưu trữ, bao gồm hai mươi hai ván từ thuở niên thiếu, và trên năm mươi ván chơi chấp quân. Trong số này chỉ có khoảng năm mươi lăm ván chơi ở giải đấu hoặc để so tài. Ngày nay không có bất kì kiện tướng nào có thói quen giữ biên bản của những ván cờ chơi ngẫu hứng hoặc chơi chấp quân. Tại sao có nhiều ván cờ của Morphy được ghi lại đến thế? Đa số chúng không có giá trị đặc biệt nào, các ván cờ ngẫu hứng thường thế. Chúng hẳn đã được Morphy (hoặc với sự đồng ý của ông) lưu trữ với mục đích phô trương vô thức, để xuất bản thành tuyển tập vào một ngày nào đó sau này. Bằng việc trở nên nổi tiếng, ham muốn phô trương này có nguy cơ bị vạch trần (trong tâm trí ông) và chỉ có sự hồi quy mới có thể cứu ông khỏi mối nguy. Ngoài ra sự tồn tại của rất nhiều ván cờ ngẫu hứng được lưu trữ đã cho thấy Morphy không hề xem nhẹ cờ vua. Cờ vua là chuyện vô cùng nghiêm túc với ông và đồng thời ông phải dốc sức để liên tục phủ nhận điều này. Khi ông trở nên nổi tiếng, quan điểm phản đối kiên quyết trong vô thức của ông rằng đối với ông cờ vua chỉ là trò chơi đơn thuần đã không còn thuyết phục được người khác nữa; ở đây một lần nữa hiện tượng hồi quy lại xảy ra.
Việc phân tích lối chơi của Morphy trở nên phức tạp do một sự cố lịch sử. Morphy hoạt động trong lĩnh vực cờ vua khoảng hơn một năm (1857-1858) vào thời thời kì mà sự phát triển của cờ vua vẫn còn vô cùng non nớt khi so với hiện tại. Do sức cờ của giới kiện tướng ngày càng tăng, nên phong cách tấn công dữ dội và táo bạo, vốn là đặc trưng ở thời của ông, đã có xu hướng lùi xa và nhường chỗ cho lối chơi khôn khéo, tinh vi, và dè dặt hơn nhiều. Các nhà phê bình cờ vua buồn rầu trước xu hướng này và coi Morphy như một điển hình về thiên tài trác tuyệt của lối chơi phối hợp, người mà chơi cờ bịt mắt cũng đánh bại được thảy giới kì thủ nhút nhát hiện đại. Đây không là gì ngoài thứ huyền thoại hoài cổ thường thấy và lời phàn nàn thường gặp của thế hệ trước rằng “thời của tôi tồn tại những cầu thủ đích thực, những kì thủ đích thực, những đấu sĩ đích thực” và tương tự. Nếu chúng ta chỉ xem xét trên năm mươi lăm ván cờ nghiêm túc có mặt trong tuyển tập Morphy, thì chỉ một số ít ván mới có thể – dù phát huy trí tưởng tượng đến mức nào đi nữa – được gọi là xuất sắc. Nhiều ván hết sức tẻ nhạt. Điều mà Morphy có mà các đối thủ của ông không có, thứ nhất là năng lực nhìn thấu các đòn phối hợp (điều này là vấn đề của sức cờ, chứ không phải lối chơi); và thứ hai là nhận thức trực giác về tầm quan trọng của lối chơi thế trận, điều này gần như hoàn toàn không được biết đến vào thời của ông. Thực tế, nếu so sánh về mặt lối chơi giữa Morphy và các đối thủ lớn của ông như Anderssen và Paulsen, điểm khác biệt cốt lõi nằm ở việc Morphy có hiểu biết về nguyên tắc phát triển quân. Theo một cách nào đó, đây hẳn là biểu hiện của phần gốc rễ sâu kín nhất trong nhân cách ông. Lối chơi thế trận về bản chất là năng lực tổ chức các quân cờ theo cách hiệu quả nhất. Chúng ta đã thấy Morphy hình thành óc tổ chức thái quá đến thế nào trong thời gian loạn thần – đi dạo buổi trưa, buổi chiều gặp mẹ, nghe opera buổi tối. Chúng ta cũng đã quen với óc tổ chức cực đoan như vậy ở những nhân cách bị ám ảnh và hoang tưởng khác. Do đó sự phát triển của lối chơi thế trận ở Morphy xuất phát từ nỗ lực sắp xếp thế giới của ông theo cách có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên ứng dụng cụ thể của nỗ lực ấy trong cờ vua thì chỉ có thể quy cho thiên tài bẩm sinh của ông.
Những thảo luận lí thuyết ở phần trước đã cung cấp một lời giải thích nhanh chóng về các triệu chứng loạn thần của Morphy. Cuộc cạnh tranh với người cha trước tiên được thể hiện trong cờ vua, sau đó được giải quyết bằng sự tự nhận dạng loạn thần mang tính hồi quy. Trong sự nghiệp cờ vua Morphy nổi tiếng với phẩm chất “quý ông;” ông kìm nén được hoàn toàn sự hung hăng của mình. Một cuộc kìm nén mạnh hơn đã diễn ra trong thời kì loạn thần, chỉ bị chấm dứt bằng vụ tấn công đồng giới nhắm vào Binder, người bị cho là đã chiếm đoạt bộ sưu tập quần áo của ông, tức là vạch trần ông. Sự vắng mặt của nỗi lo âu, mà rất nhiều nhà quan sát đã thấy, thực ra là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là sự mạnh mẽ của bản ngã; ông ấy đã giả vờ rằng mình thoát được khỏi mọi cảm xúc con người. Sự suy sụp của Morphy hé lộ những đặc điểm mà trước đây đã thăng hoa trong cờ vua: trí nhớ hồi quy để dán chặt vào môi trường thời thơ ấu; năng lực hình dung thoái hoá thành sở thích thị dâm, mà được thoả mãn qua hành động nghe opera, nhìn chằm chằm vào mặt phụ nữ, và thói quen lập dị sắp xếp giày của phụ nữ thành hình bán nguyệt trong phòng riêng. Khi được hỏi tại sao lại xếp giày như vậy, ông ấy nói: “Tôi thích ngắm thế.” Mối liên quan giữa óc tổ chức và óc hệ thống hoang tưởng đã được đề cập. Chứng hoang tưởng còn là biểu hiện hồi quy của nỗi sợ bị tấn công mà đã được thăng hoa trong cờ vua. Thay vì có năng lực chấp nhận thế giới cờ vua tưởng tượng, ông ấy đánh mất năng lực phân biệt giữa huyễn tưởng và thực tế (ông ấy trở thành cha của ông ấy thông qua việc tự nhận dạng loạn thần vào người cha). Tuy nhiên, bất chấp thảy những điều này, bản ngã của ông ấy vẫn còn đủ nguyên vẹn để cho phép ông ấy vẫn được sống bên ngoài bệnh viện.
ᴥ ᴥ ᴥ

HAI BỨC THƯ CỦA ERNEST JONES

25 tháng Một, 1956
Thân gửi anh Fine,
Tôi rất lấy làm vinh hạnh và biết ơn khi được anh cho phép tôi đọc bài tiểu luận của anh, tôi rất thích nó. Nó chắc chắn là phần mở rộng quan trọng cho bài tiểu luận của tôi. Tôi đồng ý với tất thảy diễn giải phân tâm học của anh và có rất ít nhận xét để đưa vào. Tôi vẫn nghĩ rằng còn điều bí ẩn trong việc thay đổi từ quân Tể tướng thành quân Hậu; dường như anh đã mặc định chấp nhận cách lí giải thứ hai. Ở đây có lẽ vấn đề về dương vật của cha và mẹ đang đứng sau tất cả. Ở trang 62 có một lỗi chính tả thú vị, mà tôi hiểu rằng nó ám chỉ lòng ưu ái dành cho Capablanca nhiều hơn so với Alekhine – dễ hiểu dựa trên điều kiện cá nhân tác giả. Tôi đã đưa ra vài gợi ý nhỏ khác bằng bút chì. Tôi nghĩ anh đã xem nhẹ vụ việc Morphy-Staunton. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Morphy dồn tâm sức vào Staunton nhiều hơn Anderson. Chắc chắn rằng đứng đằng sau nó là một sự chuyển dịch cảm xúc sang người cha từ giai đoạn sớm. Anh có nhớ câu nhận xét từ thời niên thiếu dành cho Staunton “một số ván cờ dở tệ” mà ông ấy đã viết? Có một chuyện đáng để được anh nhận xét là hành vi kì lạ mà vẫn thường có ở các kì thủ chơi cờ nhanh (như Capa) khi họ chọn được nước tốt nhất gần như ngay lập tức, nhưng rồi sa vào trạng thái nghi ngờ bản thân rồi cứ suy ngẫm và mơ màng đến khi gặp áp lực thời gian, họ liền đi vội một nước tệ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của lòng tự tin, thứ mà Capa dường như sở hữu.
Niềm hứng thú với cờ vua của tôi đi theo một lộ trình kì lạ. Cha tôi dạy tôi đi quân vào năm lên mười, chuyện thường tình, và ông ấy cảnh báo tôi phải cẩn thận khi chơi với người mà luôn mang theo một bộ cờ bỏ túi! Sau thời gian đó tôi gần như đếm được những ván cờ mình từng chơi trong cuộc đời làm việc quần quật của mình, phải rời London vì bom đạn nên tôi đến sống trong căn nhà nhỏ ở đây, lúc nào vãn bệnh nhân thì tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Đến lúc ấy, ở tuổi 63, tôi mới biết cờ vua nghiêm túc là như thế nào. Tôi đã đọc hầu hết những quyển sách nổi tiếng và chơi các ván cờ trong hàng tá tuyển tập cũng như trong bán nguyệt san Chess. Sau đó tôi chơi nửa tá ván cờ qua thư. Tôi chơi không quá tệ đối với dân nghiệp dư thông thường, và họ thậm chí còn bầu tôi làm Chủ tịch của Hội quán Cờ vua Chichester, dẫu tôi không thể đến đó thường xuyên. Tôi đang có mấy quyển sách khó nhằn của anh về khai cuộc và tàn cuộc căn bản, nhưng không còn đủ trí lực ghi nhớ để tận dụng tối đa chúng được nữa, và tôi thích mê quyển World Great Games của anh, nó quả có tính khai sáng.
Lúc này tôi đang vùi đầu vào quyển Thousand Best Short Games của Chernev, nó đúng là đại bịp trong việc tiêm nhiễm cho người ta ý tưởng rằng không có gì dễ dàng hơn việc chiếu bí đối thủ trong 15 đến 20 nước! Colby người San Francisco có đến đây dạo trước và chơi với tôi vài ván cờ trong sách của Chernev nhưng cầm quân phía bên kia.
Xin chúc lành và cảm ơn anh,
Trân trọng,
Ernest Jones
ᴥ ᴥ ᴥ
Thân gửi Reuben Fine,
Cảm ơn anh vì đã gửi tặng tôi quyển sách nhỏ về cờ vua anh viết, nó đã được mở rộng nhiều kể từ lúc tôi được thấy trong phôi thai. Nó sẽ vẫn mãi là một tác phẩm kinh điển. Tôi vinh hạnh khi được gặp anh bằng xương bằng thịt ở New York. Anh có nhiều khả năng sẽ băng qua Đại Tây Dương một lần nữa hơn tôi, và nếu anh có lên đường thì tôi mong anh ghé thăm quê hương của chúng tôi.
Trân trọng,
Ernest Jones
ᴥ ᴥ ᴥ
ᴥ ᴥ ᴥ
TORNAD
30/06/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI Gemini