LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH

Được mệnh danh bằng cái tên mĩ miều “niềm tự hào và nỗi muộn phiền của cờ vua” Paul Morphy xưa nay vẫn luôn được người ta nhắc về bằng chính xác hai cảm xúc ấy: tự hào và muộn phiền. Morphy cùng với Robert Fischer là hai bậc thầy cờ vua mang tiểu sử được người đời quan tâm nhiều nhất, trùng hợp thay cả hai đều là người Mĩ, đều từ bỏ cờ vua ở chính giữa đỉnh cao sự nghiệp, và đều có cuộc đời bi thảm.
Tuy nhiên khác với Fischer, Morphy là con người lịch thiệp, nhã nhặn, quảng giao, một quý ông đích thực. Khác biệt này có lẽ đến từ điều kiện sống. Một bên là cậu bé Fischer sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo túng và nhập cư; một bên là công tử Morphy con trai một thẩm phán giàu có, sống từ bé trong giới thượng lưu, cả đời không biết đến việc thiếu thốn vật chất và tri thức. Nhưng cả hai đều có điểm chung đáng buồn là những kì thủ lỗi lạc mắc bệnh tâm thần, và căn bệnh khiến cuộc đời của những thiên tài này thành ra bi thảm thay vì hạnh phúc như họ đáng được nhận.
Cờ vua có mối quan hệ như thế nào với bệnh tâm thần? Đây là câu hỏi chính yếu của tuyển tập này, bao gồm hai nghiên cứu phân tâm học: The Problem of Paul Morphy của Ernest Jones và Psychoanalytic Observations on Chess and Chess Masters của Reuben Fine.
Paul Charles Morphy (1837-1884)
Paul Charles Morphy (1837-1884)
Trong giới phân tâm học, Ernest Jones có lẽ chỉ nổi tiếng xếp sau Sigmund Freud và Carl Jung. Jones là người thành lập Hiệp hội Phân tâm học Anh quốc, ông từng có thời làm chủ tịch của cả hiệp hội này lẫn Hiệp hội Phân tâm học Quốc tế. Là một người đam mê cờ vua, Jones đã viết một nghiên cứu phân tâm về thiên tài cờ vua Paul Morphy.
Và đây chính là bản dịch của nghiên cứu ấy.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng đối với giới học thuật, phân tâm học không được coi là khoa học, và tâm lí học hiện đại đã gần như gạt phân tâm học ra ngoài lề, chỉ sử dụng lí thuyết của nó một cách rất hạn chế. Vậy nên trái với bản đánh giá tâm lí của Fischer mà tôi đăng trước đó – một tài liệu khoa học chính xác và có độ khả tín cao – với nghiên cứu này, tôi cho rằng chỉ mang tính chất đọc cho thêm hiểu biết thay vì có thể áp dụng thực tế hay hậu thuẫn cho tuyên bố khoa học.
ᴥ ᴥ ᴥ
TẠP CHÍ PHÂN TÂM HỌC QUỐC TẾ
TẬP XII THÁNG MỘT 1931 PHẦN 1
NGHIÊN CỨU NGUYÊN BẢN
ᴥ ᴥ ᴥ

VẤN ĐỀ CỦA PAUL MORPHY(1)

MỘT ĐÓNG GÓP CHO NGÀNH PHÂN TÂM HỌC CỜ VUA
CỦA
ERNEST JONES
ᴥ ᴥ ᴥ
Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) dịch
ᴥ ᴥ ᴥ
(1) Phát biểu trước Hiệp hội Phân tâm học Anh quốc, 19 tháng Mười một, 1930.
Paul Morphy chào đời tại New Orleans vào 22 tháng Sáu, 1837; ông có một người chị gái lớn hơn mình sáu tuổi sáu tháng, một người em gái nhỏ hơn mình hai tuổi ba tháng, và một người anh trai lớn hơn mình hai tuổi sáu tháng.(2) Cha ông là người có quốc tịch Tây Ban Nha nhưng gốc Ireland; mẹ ông là người gốc Pháp.
(2) Vì ngày sinh của họ không được nêu trong bất kì quyển tiểu sử nào, tôi xin phép đưa thông tin về họ ở đây: Mahrina, [nguyên văn] 5 tháng Hai 1830; Edward, 26 tháng Mười hai 1834: Paul, 22 tháng Sáu 1837; Helena, 22 tháng Mười 1839.
Khi Paul lên mười tuổi thì cha ông, vốn là một kì thủ không hề xoàng, đã dạy ông chơi cờ. Một hai năm sau ông đã cho thấy mình vượt trội so với anh trai Edward, cha ông, cha của mẹ ông, và anh trai của cha ông, người vốn là vua cờ ở New Orleans lúc bấy giờ. Trong một ván cờ được lưu trữ, mà theo lời một nhân chứng, ông được cho là đã chiến thắng người bác của mình vào lần sinh nhật thứ mười hai trong khi chơi cờ bịt mắt. Cùng độ tuổi ấy ông đã đấu với hai kiện tướng quốc tế mà tình cờ có mặt ở New Orleans lúc bấy giờ. Một người là kì thủ nổi tiếng người Pháp, Rousseau, mà ông đã đấu khoảng năm mươi ván và thắng chín phần mười số ván. Người kia là kiện tướng người Hungary, Löwenthal, một trong nửa tá kì thủ vĩ đại nhất còn sống; trong hai ván đã đấu, Paul trẻ tuổi thắng một và hoà một. Sau giai đoạn này ông hạn chế việc chơi cờ nghiêm túc trong tám năm vì phải dốc tâm vào việc học; cha ông cho phép ông thi thoảng đấu cờ vào Chủ nhật, nhưng ngoại trừ Thẩm phán Meek, Chủ tịch của Đội tuyển Cờ vua Mĩ, người mà ông đã đấu và thắng sáu ván vào năm mười bảy tuổi, còn thì ông chỉ đụng độ những đối thủ yếu hơn nhiều. Bác ông sau đó rời khỏi New Orleans để sang phương Tây, Rousseau tập trung vào công việc khác, còn anh trai, cha và ông ngoại của Paul thì đã dừng chơi cờ vua vào hồi ông ở tuổi thiếu niên, vậy nên có thể nói một cách chắc chắn rằng trong thời gian ấy ông không gặp được một đối thủ nào mà mình không dám chấp Xe, do đó không ai có kĩ năng chơi nào đáng để ông học hỏi cả. Năm 1851, Giải Cờ vua Quốc tế đầu tiên được tổ chức với người chiến thắng là Anderssen, và năm 1857 khi Morphy mới hai mươi tuổi, một giải nữa được tổ chức ở New York. Ông dễ dàng đoạt được vị trí cao nhất, chỉ thua một ván trong mười bảy ván, và trong thời gian ở lại New York ông đã chơi hàng trăm ván với những kì thủ giỏi nhất ở đó, chỉ thua có năm ván. Trong bối cảnh mà chúng ta đang nói đến, ông ghé thăm London và Paris vào một năm sau đó và những chiến công phi thường của ông ở đó cứ như trong truyện cổ tích. Ông không chỉ đánh bại mọi nhà vô địch mình gặp, bao gồm chính Anderssen, mà còn thể hiện nhiều màn trình diễn gây sửng sốt khi đồng thời chơi cờ bịt mắt với tám kì thủ tuyển chọn, thắng phần lớn các ván chơi. Vào đoạn cuối thời gian ở Paris, ông chơi cờ bịt mắt chiến thắng toàn bộ Hội quán Cờ vua Versailles đang hiệp lực thi đấu. Lúc trở về New Orleans ông đưa ra lời thách đấu chơi chấp quân với tất thảy mọi người trên thế giới. Khi không nhận được phản hồi nào, ông tuyên bố sự nghiệp dưới tư cách kì thủ của mình – mà chỉ kéo dài vẻn vẹn mười tám tháng, thực tế chỉ bao gồm sáu tháng chơi công khai – rốt cuộc và dứt khoát đã khép lại.
Về chất lượng thực tế trong kĩ năng chơi cờ của Morphy thì chúng ta sẽ có nhiều điều để nói sau, nhưng hiện tại có thể nói rằng nhiều chuyên gia có thẩm quyền nhất đã đánh giá ông là kì thủ cờ vua vĩ đại nhất mọi thời đại. Sau hành động nghỉ hưu sớm một cách lạ thường của mình, ông theo đuổi ngành luật, nghề của cha ông, nhưng dẫu sở hữu nhiều kĩ năng trong công việc, ông không thành công trong thực tế. Ông dần dà rơi vào tình trạng sống thu mình và hướng nội mà lên đỉnh điểm là chứng hoang tưởng một cách rõ ràng. Ở tuổi bốn mươi bảy, ông đột ngột qua đời vì “sung huyết não,” có lẽ là chứng ngập máu, giống như cha ông trước đây. Một câu hỏi hiển nhiên dấy lên là liệu có hay không mối liên quan nào đó giữa chứng loạn thần kinh bi thảm của ông với thành tích trác tuyệt trong cuộc đời ông, thứ thành tích mà đã khiến tên ông mãi mãi được ghi nhớ trong thế giới cờ vua.
Người ta tin rằng sự tập trung quá mức đã ảnh hưởng đến não của ông, nhưng các nhà viết tiểu sử về ông – những người vốn dĩ đam mê cờ vua và tận tâm với lợi ích của thú vui mà họ yêu quý – đã quả quyết một cách chắc nịch rằng sự ấy không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Tuy nhiên, với kiến thức hiện tại chúng tôi không tin rằng ở đây không có mối liên quan mật thiết nào đó giữa chứng loạn thần kinh, thứ nhất thiết dính líu đến cái cốt lõi của nhân cách, và nỗ lực phi thường để đạt tới sự thăng hoa, thứ đã khiến tên tuổi của Morphy trở nên bất tử. Để suy ngẫm về vấn đề này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách phê phán về bản chất của sự thăng hoa đang được nói tới.
Những hiểu biết tối thiểu về cờ vua cũng đủ cho thấy rằng đây là trò chơi thay thế cho nghệ thuật binh lược và thực tế là thú tiêu khiển ưa thích của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại, từ William nhà Chinh phạt đến Napoleon. Trong cuộc đối đầu giữa hai đội quân đối lập, các nguyên tắc về cả chiến lược lẫn chiến thuật đều cho thấy giống với chiến tranh thực tế, tầm nhìn xa và tài tính toán đều tối cần thiết, cũng tương tự với khả năng đoán biết kế hoạch của đối thủ, và sự khắc nghiệt của việc đưa ra quyết định mà theo sau nó là hậu quả cũng tàn khốc ngang bằng, thậm chí là hơn. Không những thế, rõ ràng rằng động cơ vô thức đứng sau các kì thủ không chỉ là tình yêu dành cho tính hiếu chiến đặc trưng của thảy các trò chơi đối kháng, mà còn là tình yêu nghiệt ngã dành cho hành vi giết cha. Thực tế rằng mục đích nguyên thuỷ là bắt giữ nhà vua đã bị từ bỏ, nhưng từ quan điểm của động cơ thì ở đây, gạt sang một bên tính thô bạo, không có thay đổi đáng kể nào trong mục đích hiện tại là thiến ông ta trong tình trạng bất động. Lịch sử của trò chơi và cái tên của trò chơi là thứ xác nhận vấn đề này. Các chuyên gia có vẻ đều thống nhất rằng trò chơi này bắt nguồn từ Ấn Độ, lan truyền từ đó đến Ba Tư, từ đây những nhà chinh phạt Ả Rập lại mang nó đến châu Âu gần một nghìn năm trước. Cái tên đầu tiên của nó, mà từ đây thảy các tên khác đều bắt nguồn, là cái tên tiếng Phạn chaturanga, theo nghĩa đen là bốn thành viên. Cái tên ấy trong tiếng Ấn Độ cũng có nghĩa là “đội quân,” có lẽ xuất phát từ bốn binh chủng là tượng binh, chiến xa, kị binh, và bộ binh. Người Ba Tư cổ đại đã rút ngắn cái tên từ chaturanga thành chatrang và những người Ả Rập nối gót họ – do không có âm đầu và âm cuối của từ này trong ngôn ngữ của mình – đã sửa cái tên thành shatranj. Khi nó tái xuất hiện trong tiếng Ba Tư sau này, vô thức hẳn đã nhúng tay vào, bởi lúc ấy nó được rút ngắn thành Schah, rõ ràng đã diễn ra hành động đồng hoá khi Shah Ba Tư = Vua; “chess” [cờ vua] do đó có nghĩa là trò chơi hoàng gia, hoặc trò chơi của vua chúa. Shah-mat, với chúng ta là “checkmate” [chiếu hết], tiếng Đức “Schachmatt,” tiếng Pháp “échec et mate,” có nghĩa đen là “nhà vua đã chết.” Ít nhất đó là suy nghĩ của các tác giả Ả Rập về cờ vua, và hầu hết tác giả châu Âu sao chép họ trong vấn đề này. Tuy nhiên, các nhà Đông phương học hiện đại đều cho rằng từ “mat” gốc ở Ba Tư, chứ không ở Ả Rập, và “Shah-mat” nghĩa là “nhà vua bị tê liệt, bất lực, và bại trận.” Một lần nữa từ quan điểm về nhà vua, điều này không có mấy khác biệt.
Trong thời Trung đại, có một cải tiến thú vị trong luật cờ vua mà xứng đáng được đề cập làm phụ chú ở đây. Đứng cạnh quân vua là quân cờ vốn tên là cố vấn, tiếng Ba Tư firz (tiếng Thổ Nhĩ Kì vizier). Vì nhiệm vụ chính của nó được cho là không phải chiến đấu, mà tư vấn và phòng thủ, nó là quân cờ hoạt động kém nhất trên bàn cờ, nước đi duy nhất của nó là một ô theo đường chéo. Trong thời Trung đại, nó dần dần được thay đổi giới tính, do vậy trải qua quá trình tiến hoá giống như Chúa Thánh Thần, và rồi được biết đến dưới cái tên regina, dame, queen, [hậu], vân vân. Người ta không biết tại sao điều này xảy ra. Theo đề xuất từ Freret [Frère?], một tác giả cờ vua ở thế kỉ thứ mười tám, thì hẳn đã có sự nhầm lẫn giữa hai từ “fierge” (tên tiếng Pháp của firz) và “vierge.” Một đề xuất khác được công nhận rộng rãi hơn cho rằng nó là quân cờ duy nhất mà quân tốt có thể đổi thành nếu tiến đến hàng thứ tám, nên đôi khi nó được gọi là “un pion damé,” tình huống này khiến nó được đặt trùng tên với cái tên tiếng Pháp của trò cờ đam, tức là dames. Vào khoảng giữa thế kỉ thứ mười lăm, sự thay đổi ở giới tính này kéo theo sự gia tăng lớn lao ở quyền năng, vậy nên bây giờ quân cờ này mạnh hơn bất kì hai quân cờ khác nhau nào cộng lại. Do đó, bất kể sự thật quanh vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ mà tôi vừa đề cập là gì, giới phân tâm học sẽ không ngạc nhiên khi biết được tác động của sự thay đổi: đó là trong việc tấn công người cha, sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất đến từ người mẹ (= quân hậu).
Có lẽ cần phải lưu ý thêm rằng tính chất toán học của trò chơi này mang đến cho nó một bản chất bạo dâm đường hậu môn đặc biệt. Sự thuần khiết và chính xác tuyệt vời của những nước đi chuẩn(3), đặc biệt trong công việc giải đố, kết hợp ở đây với áp lực không ngừng được thực hiện trong các giai đoạn sau mà sẽ lên đỉnh điểm ở một đoạn kết không thương tiếc. Cảm giác làm chủ áp đảo của một bên đối xứng với cảm giác bất lực vô vọng của bên kia. Chắc chắn rằng tính chất bạo dâm đường hậu môn này đã khiến trò chơi trở nên phù hợp với việc làm hài lòng đồng thời cả khía cạnh đồng tính và đối kháng của cuộc đấu giữa cha và con. Trong hoàn cảnh này, dễ hiểu rằng một trận cờ nghiêm túc sẽ gây ra sự căng thẳng lớn lao lên sự toàn vẹn tâm lí và có khả năng bộc lộ sự bất toàn trong quá trình phát triển tính cách. Mọi loại trò chơi đôi khi đều bị huỷ hoại vì hành vi phi thể thao, tức là vì sự thăng hoa phải trải qua quá trình hồi quy về nguồn gốc phi xã hội của nó, nhưng với cờ vua thì sự căng thẳng sẽ hết sức nặng nề và phức tạp do hoàn cảnh của nó đòi hỏi một tiêu chuẩn đặc biệt cao về thái độ chuẩn mực.
(3) Cờ vua có thể được gọi là nghệ thuật của trí tuệ.
Thật thú vị khi đối chiếu những suy xét tâm lí này với các dữ liệu lịch sử về chuyện trò chơi này đã được giới chức sắc tôn giáo đón nhận theo nhiều cách khác nhau ra sao. Van der Linde và Murray – hai chuyên gia vĩ đại nhất về lịch sử cờ vua – đã đồng tình với nhau về vấn đề truyền thống Ấn Độ rằng trò chơi này được các Phật tử phát minh ra. Có một gợi ý rõ ràng rằng nguồn đầu tiên đề cập đến việc phát minh nó có liên quan đến một thành trì của Phật tử. Theo ý tưởng của họ, chiến tranh và việc giết hại đồng bào, vì bất kì mục đích nào, đều là tội ác, và hình phạt dành cho chiến binh ở thế giới bên kia sẽ nghiêm khắc hơn so với một kẻ sát nhân bình thường; do đó – tiếp tục câu chuyện – họ đã phát minh ra cờ vua để thay thế cho chiến tranh. Về điểm này họ có vẻ đã đón đầu gợi ý của William James về việc cung cấp những cái thay thế chiến tranh, một gợi ý hết sức phù hợp với học thuyết phân tâm học về sự đổi chỗ của các cảm xúc. Theo cách tương tự, St. J. G. Scott kể một câu chuyện của người Miến Điện đại khái rằng cờ vua được một vương hậu người Talaing phát minh ra, bà này vô cùng yêu mến chúa công của mình và hi vọng thú tiêu khiển này làm xao lãng ông ta khỏi chiến tranh. Tuy nhiên, có điểm mâu thuẫn xuyên suốt các câu chuyện vì còn có quan điểm rằng cờ vua được phát minh bởi một vị tướng người Trung Quốc, Hàn Tín, người muốn tạo ra thú giải trí cho binh lính trong các khu đóng quân mùa đông. Truyền thuyết ở đảo Ceylon kể rằng trò chơi này được Ravan, vợ của Vua xứ Lanka, phát minh ra nhằm làm khuây khoả vị vua đó khi thủ phủ của ông ta bị vây hãm. Trong một diễn biến khác, vào khoảng năm 1000, một quan nhiếp chính đạo hạnh của Ai Cập thường được gọi là Mansar đã ban hành sắc lệnh cấm cờ vua. Trong thời trung đại, cờ vua đã trở nên phổ biến rộng rãi và thái độ của giáo hội đối với nó có vẻ chủ yếu là tiêu cực. Quy chế của giáo hội ở Elna, lấy ví dụ, quy định rằng giáo sĩ nào ham mê cờ vua thì nội việc đó thôi cũng đủ để bị rút phép thông công. Vào cuối thế kỉ thứ mười hai, Giám mục ở Paris thậm chí còn cấm giới giáo sĩ sở hữu bàn cờ trong nhà, vào năm 1212 Hội đồng ở Paris đã dứt khoát lên án việc đó, và khoảng bốn mươi năm sau St. Louis, vị vua ngoan đạo của Pháp, phạt tiền những ai chơi trò chơi này. John Huss, lúc ngồi tù, cảm thấy hối hận vì đã chơi cờ và do vậy mà đối mặt với nguy cơ trở thành hạng người đam mê bạo lực.
Quay về với vấn đề của Paul Morphy, tôi sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra vài miêu tả về thuộc tính cá nhân và đặc điểm lối chơi của ông ấy. Về ngoại hình, ông ấy nhỏ nhắn, chỉ cao năm bộ bốn inh [≈ 1,62 m], tay chân nhỏ khác thường, dáng người mảnh khảnh, duyên dáng và “gương mặt trông như thiếu nữ” (F. M. Edge). Falkbeer, người quen với ông, nhận xét rằng trông ông trẻ hơn tuổi thật, và nói thêm “Chắc chắn người ta sẽ coi anh ấy là một cậu học trò đang trong kì nghỉ hơn là một bậc thầy cờ vua đã băng qua Đại Tây Dương với mục đích rõ ràng là đánh bại, từng người một, thảy kì thủ xuất sắc nhất mà thế giới từng biết.” Ông ấy mang phong thái hoà nhã và nụ cười tươi sáng. Thái độ của ông khiêm tốn đến kinh ngạc. Chỉ có hai lần ông được cho là đã mời người khác chơi với mình, và bằng trực giác lạ lùng ông đã đặc biệt chọn ra hai người, Staunton và Harrwitz, những người đã gây ra ảnh hưởng tai hại đến cuộc đời ông. Ông ấy luôn giữ bản thân, ngay cả trong cuộc tranh cãi khó chịu mà chúng ta sắp thuật lại sau đây, bằng tính nhã nhặn và vẻ nghiêm trang tót vời. Trong lúc chơi ông ấy rất điềm tĩnh, với đôi mắt dán chặt vào bàn cờ; đối thủ sẽ biết điều gì xảy ra nếu ông ngước mắt lên, việc được ông làm mà không kèm theo một chút đắc chí nào, điều ấy có nghĩa là ông đã thấy trước cái kết cục tất yếu. Lòng kiên nhẫn của ông dường như là vô tận; Edge, người viết tiểu sử về ông, đã ghi lại việc quan sát Paulsen lừng danh tốn đến một hai tiếng cho một nước đi trong khi Morphy điềm tĩnh ngồi chờ mà không mảy may có động thái khó chịu nào. Ông ấy dường như không biết mệt và tôi xin kể lại một câu chuyện minh hoạ cho khả năng nhẫn nại cũng như là hai đặc điểm khác của ông: trí nhớ đáng nể – tình cờ là ông cũng sở hữu nó cho âm nhạc – và sự nhạy cảm với hình ảnh, một phẩm chất kết nối kì thủ với nhạc sĩ và nhà toán học. Câu chuyện được kể bởi Edge, thư kí của ông lúc bấy giờ, liên quan đến một cuộc đấu cờ đồng thời do ông tổ chức khi mới hai mươi mốt tuổi tại Café de la Régence ở Paris, khi đó là thánh địa Mecca của giới kì thủ từ khắp nơi trên thế giới. Ông chơi tám ván cờ bịt mắt đồng thời với toàn đối thủ mạnh, những người mà, một cách nhân tiện, được tự do nhận tư vấn từ đám đông đều là kì thủ chuyên nghiệp. Phải mất đến bảy giờ trước khi người đầu tiên trong số họ bị đánh bại và trận đấu kéo dài mười giờ liên tục, trong suốt thời gian ấy Morphy không ăn và thậm chí không uống. Phần cuối cùng là cảnh tượng phấn khích tột độ, Morphy phải rất vất vả mới thoát khỏi đám đông đang hoan hô trên đường phố và trốn thoát về khách sạn của mình. Ở đó ông ngủ ngon lành, nhưng đến bảy giờ sáng ông gọi thư kí lên và đọc cho anh ta ghi lại từng nước một trong mọi ván đấu, đồng thời thảo luận với anh ta về hệ quả khả dĩ của hàng trăm giả thiết.
Rõ ràng rằng chỉ có một tâm trí thanh thản mới có thể đạt được kì công đáng nể như vậy. Đây không phải loại thành tích biệt lập được duy trì nhờ cảm xúc phấn khích. Hiếm có công việc nào gây mệt mỏi hơn cờ vua chuyên nghiệp và số lượng người có thể chơi trên ba hoặc bốn giờ liên tục mà không cảm thấy căng thẳng là không nhiều. Thế mà Morphy được biết là có thể chơi liên tục từ chín giờ sáng đến nửa đêm trong nhiều ngày liên tiếp mà sức cờ của ông không hề yếu đi chút nào và không hề có dấu hiệu mệt mỏi. Theo thuật ngữ phân tâm học, điều này hẳn phải biểu thị một mức độ thăng hoa xuất chúng, bởi một trạng thái tâm lí ở mức độ tự do như vậy chỉ có thể cho thấy rằng ở đây không có nguy cơ kích thích bất kì xung đột hoặc cảm giác tội lỗi vô thức nào.
ᴥ ᴥ ᴥ
Bài gốc: The Problem of Paul Morphy của Ernest Jones.
ᴥ ᴥ ᴥ
TORNAD
09/06/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI Gemini