[Homo Scachorum] Khám nghiệm tâm lí Bobby Fischer (Phần 2/2), Joseph G. Ponterotto, Nguyễn Tuấn Linh dịch
Bản đánh giá tâm lí của vua cờ Bobby Fischer dựa trên các tài liệu về cuộc đời ông, của Joseph G. Ponterotto. Bản dịch của Nguyễn Tuấn Linh, tổng cộng 9000 chữ, chia làm hai phần.
Cuộc đời khốn khổ của kì thủ Bobby Fischer minh hoạ cho việc tại sao các tài năng triển vọng trẻ xứng đáng nhận được những chương trình hỗ trợ tốt hơn.
Tác giả: Joseph G. Ponterotto
Dịch giả: Nguyễn Tuấn Linh (Tornad)
Mục tiêu của khám nghiệm tâm lí là đánh giá cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, và mối quan hệ của một người đã chết. Việc đánh giá như vậy thường được thực hiện mà không cần quan sát trực tiếp, nhưng sẽ thường cần tiếp cận nhiều hơn đến các hồ sơ và trữ liệu so với công việc đánh giá tâm lí bình thường.
Bobby Fischer không phải là bệnh nhân của tôi, và tôi cũng không có quyền truy cập vào các hồ sơ sức khoẻ tâm thần của ông hoặc của mẹ ông, ngoại trừ những gì được các nhà báo tiết lộ khi lấy được từ hồ sơ của FBI theo Đạo luật Tự do Thông tin. Tôi không có tư cách đưa ra một chẩn đoán tâm lí chính thức cho Fischer, và khi viết bản đánh giá này tôi được định hướng bởi quy tắc đạo đức của Hiệp hội Tâm lí Hoa Kì, mà trong đó nói rằng những người hành nghề ở vị trí của tôi nên “ghi chép lại những nỗ lực của họ và kết quả của những nỗ lực ấy, trình bày rõ tác động của số lượng thông tin hữu hạn mà có thể ảnh hưởng đến mức độ khả tín và hợp lệ trong ý kiến của họ, và hãy hạn chế một cách thích hợp về bản chất và quy mô trong các kết luận và khuyến nghị của họ.”
Nhận thức rõ những hạn chế và giới hạn của mình, tôi tin rằng Bobby có một nhược điểm di truyền dẫn đến việc phát triển bệnh tâm thần, và rằng cơ địa này – kết hợp với chấn thương tâm lí thời thơ ấu và gánh nặng truyền thông liên tục gây áp lực – cuối cùng đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ tâm thần. Các giả thuyết về bệnh tâm thần của tôi nên được coi là suy đoán và cần sự kiểm tra độc lập từ các chuyên gia sức khoẻ tâm thần khác, những người mà cuối cùng sẽ có quyền truy cập vào các trữ liệu rộng hơn về cuộc đời của Fischer cùng gia đình của ông.
Tuy nhiên, các thông tin đã có về cuộc đời và lịch sử gia đình của Bobby Fischer – bao gồm cả lịch sử sức khoẻ tâm thần của những người thân của ông – cũng đã đủ để tôi đưa ra một số kết luận chung.
Cha ruột khả dĩ của Bobby, Paul Nemenyi, là người rất thông minh, một kĩ sư cơ khí có uy tín và một tác giả viết sách kĩ thuật, ông ta đã có thời điểm cộng tác với con trai của Albert Einstein, Hans Albert Einstein, về lí thuyết thuỷ văn. Nhưng sau khi di cư từ Hungary sang Mĩ năm 1939, Nemenyi gặp khó khăn trong việc hoà nhập, và ít nhất đã có một vài đồng nghiệp có suy nghĩ hết sức tiêu cực về con người ông.
Nicholas và Benson đã tiết lộ các tài liệu mà trong đó Nemenyi được miêu tả là “một người không ổn định và không được lòng người” bởi một uỷ viên của Uỷ ban Khẩn cấp nhằm Hỗ trợ các Học giả Di cư, và là “một người không hoà nhập” bởi một người bạn Hungary nhập cư là Theodore von Karman, một nhà khoa học hàng không đáng kính. Nicholas và Benson viết rằng các đồng nghiệp của Nemenyi kể với họ rằng ông ta lúc nào cũng mang xà bông trong túi, thường xuyên rửa tay, và rất thận trọng không động vào tay nắm cửa. Ông ta còn có ác cảm với đồ len và sẽ đi làm trong mùa đông với bộ đồ ngủ thò ra bên dưới lớp quần áo ngoài, theo như ông ta nói là mặc nhiều lớp để giữ ấm.
Theo các hồ sơ của FBI, các nhân viên của Dịch vụ Gia đình Do Thái ở Los Angeles – những người được Nemenyi chia sẻ mối lo ngại của mình về sức khoẻ tâm thần của Regina và Bobby vào năm 1947 – đã báo cáo rằng “cơ quan ấy không hoàn toàn tin tưởng Nemenyi, vì họ cho rằng ông ta ít nhiều bị ‘hoang tưởng.’” Thông tin về Nemenyi có rất ít, và những khẳng định trong các tài liệu được Nicholas và Benson tiết lộ không phải là bằng chứng cấu thành rõ ràng của một chứng rối loạn tâm thần.
Bằng chứng giai thoại đang sẵn có về tâm lí của Regina Fischer thì chi tiết hơn. Như tôi đã viết trước đó, hồ sơ của FBI ghi lại chẩn đoán là “người mang tính cách (hoang tưởng) cứng nhắc, ưa khiếu kiện [nguyên văn] nhưng không loạn thần.” Chẩn đoán này phản ánh cách nói của những năm giữa 1940 và ngày nay có thể bị coi là lỗi thời. Sử dụng thuật ngữ trong bản sửa đổi hiện hành của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Regina Fischer thể hiện những đặc điểm phù hợp với chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, một bệnh tâm thần không loạn thần. (Tuy nhiên, nên nhớ rằng Regina có lí do chính đáng để sống trong nghi hoặc; bà ấy, trong thực tế, đã bị FBI giám sát khoảng ba thập kỉ. Và, theo con rể của Regina, Russell Targ, quá trình giám sát liên tục của FBI đã cản trở khả năng tìm được việc làm ổn định của bà.)
Nếu giả sử Nemenyi là cha ruột của Fischer, thì nhà vô địch cờ vua sẽ có hai anh chị em á ruột thịt: một người chị, Joan, con của Regina Fischer và Hans Gerhardt Fischer, và một người anh, Peter, con của người cha ruột khả dĩ của Bobby, Nemenyi, và vợ ông ta. Giống như Paul cha mình, Peter là người có thiên tư thông minh; ông ấy nhận được bằng tiến sĩ toán học từ Princeton và là tác giả của một quyển sách quan trọng về khoa học thống kê. Tuy nhiên, theo Nicholas và Benson, Peter “có kết cục bất hạnh. Đau ốm vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ông ấy đã tự sát [vào năm 2002]. Ông ấy sống một mình ở Durham, bang Bắc Carolina, trong một căn hộ bừa bộn giấy tờ thống kê. Bạn bè nói rằng họ vẫn thường thấy ông ấy đẩy một bộ sưu tập giỏ mua hàng diễu quanh thị trấn, đeo găng tay nướng bánh thay găng tay giữ ấm.” Một lần nữa, không có đủ bằng chứng để khẳng định về trạng thái tâm thần của Peter Nemenyi trong suốt cuộc đời, nhưng trong những năm cuối đời thì chắc chắn ông ấy có vấn đề.
Tôi không tìm thấy thông tin nào cho thấy Joan, chị gái cùng mẹ khác cha của Bobby, mắc bất kì chứng rối loạn tâm thần nào. Thực tế, rõ ràng Joan là nguồn hỗ trợ tin cậy và kiên định cho em trai, và dường như Bobby đã kết thân với chị gái đến hết mức có thể, bất chấp những khó khăn trong giao tiếp xã hội, lòng ngờ vực phổ quát với người khác, và khuynh hướng hoang tưởng của ông.
Theo trực giác lâm sàng của tôi thì cái chết của Joan, xảy ra chỉ một năm sau khi mẹ họ qua đời, là một mất mát nghiêm trọng đối với Bobby. Quá trình tiếc thương của ông còn phức tạp hơn: Ông không thể dự đám tang của cả mẹ lẫn chị bởi một nỗi sợ hãi rất thực tiễn là sẽ bị bắt nếu đặt chân đến Mĩ vì ông đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mĩ dành cho Nam Tư khi chơi trận tái đấu với Spassky ở đó vào năm 1992.
Nhiều tác giả đã suy đoán về trạng thái tinh thần của Bobby Fischer. Chẳng hạn, Valery Krylov, một chuyên viên về “phục hồi tâm sinh lí cho vận động viên thể thao” – người được trích dẫn trong quyển tiểu sử ngắn về Fischer của Garry Kasparov – tin rằng Bobby mắc bệnh tâm thần phân liệt. Krylov đã làm việc với cựu vô địch cờ vua thế giới Anatoly Karpov trong hai thập kỉ và đưa ra kết luận chẩn đoán dựa trên việc xem xét các thư từ đi và đến của Fischer, và đã xuất bản các bài viết liên quan đến Fischer. Một chẩn đoán gần đây và phổ biến hơn mà đang nổi lên trong lĩnh vực nghiên cứu này đã gợi ý rằng Bobby mắc chứng Rối loạn Asperger.
Trong nỗ lực nâng cao mức độ khả tín và hợp lệ của một đánh giá tâm lí, các bác sĩ lâm sàng tạo ra các “chẩn đoán phân biệt” nhằm sàng lọc các phương án có tiềm năng đúng nhất thông qua quy trình có hệ thống gọi là cây quyết định. Trong việc đưa ra giả thuyết về tình trạng tâm thần của Bobby, một chẩn đoán phân biệt có thể gồm cả Rối loạn Asperger lẫn tâm thần phân liệt (loại hoang tưởng) nêu trên, cũng như cả chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn ảo tưởng.
Việc đưa ra một chẩn đoán phân biệt chi tiết về Bobby Fischer sẽ đòi hỏi việc thảo luận về chủ đề này một cách dài dòng hơn nhiều so với chừng mực của bài viết này. Tôi đã đưa ra nghiên cứu mở rộng ấy trong một dự án viết sách dài mà đang được thực hiện. Với mục tiêu hiện tại, có thể nói rằng tôi tin là Bobby không đáp ứng được tất cả tiêu chí bắt buộc để dẫn tới chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc Rối loạn Asperger. Bằng chứng mạnh mẽ hơn cho chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, mà Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) cho biết, là “có thể xuất hiện lần đầu tiên trong thời thơ ấu và niên thiếu kèm theo tính cô độc, có ít mối quan hệ đồng trang lứa, sợ các tiếp xúc xã hội, thành tích kém ở trường, nhạy cảm thái quá, có tư duy và ngôn ngữ khác thường, có những tưởng tượng đặc trưng. Những đứa trẻ này có thể tỏ ra ‘kì quặc’ hoặc ‘lập dị’ và dễ bị trêu chọc.”
Ngoài hành vi hoang tưởng, ở tuổi trưởng thành, Fischer thể hiện một cách rõ ràng loại ảo tưởng không quái đản vốn là đặc trưng của chứng rối loạn ảo tưởng bị bức hại, mà được DSM miêu tả như sau: “Chủ đề trung tâm của chứng ảo tưởng này liên quan đến niềm tin của người ta rằng họ đang bị mưu hại, lừa dối, theo dõi, giám sát, đầu độc hoặc đánh thuốc, bôi nhọ, quấy rối, hoặc bị ngăn cản trong việc theo đuổi các mục tiêu dài hạn. Những chuyện nhỏ nhặt có thể bị phóng đại và trở thành tâm điểm của hệ thống ảo tưởng. Tâm điểm của chứng ảo tưởng này thường là một chuyện bất công nào đó mà phải được khắc phục bằng hành động pháp lí (‘hoang tưởng khiếu kiện’), và người mắc bệnh có thể liên tục cố gắng để được thoả mãn bằng cách thỉnh cầu toà án và các cơ quan chính phủ khác. Những người mắc chứng ảo tưởng bị bức hại thường phẫn uất và giận dữ và có thể dùng đến bạo lực đối với những người mà họ tin rằng đang làm hại đến họ.”
Đoạn văn này của DSM dường như miêu tả nửa sau cuộc đời của Bobby với độ chính xác cao. Bobby đã có ảo tưởng rằng người Do Thái ra sức nhằm tiêu diệt ông, ông vẫn thường tham gia các vụ khởi kiện (không vụ nào ông thắng), và ông đã bột phát bạo lực ít nhất ba lần.
Vậy nên giả thuyết của tôi về diễn biến bệnh tâm thần của Bobby Fischer có thể được tóm tắt như sau: Lịch sử gia đình của Bobby – đặc biệt là khả năng mắc bệnh tâm thần của mẹ ông – đã ít nhiều có khuynh hướng khiến ông dễ mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng. Bobby thiếu vắng hình tượng người cha và thậm chí có thể không biết người cha thật sự của mình là ai cho mãi đến nửa sau cuộc đời; ông được nuôi lớn dưới tay một người mẹ đơn thân có khó khăn về tài chính và áp lực hằng ngày do bị FBI giám sát. Hoàn cảnh này đã tăng cường mức độ căng thẳng tâm lí xã hội của Bobby, và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần của ông. Sự căng thẳng và nguy cơ ấy càng lớn thêm do địa vị người nổi tiếng của ông, và áp lực truyền thông liên tục đi kèm với nó.
Khi Bobby rút lui khỏi công việc thi đấu thường xuyên trong những năm 1970, ông tự cô lập bản thân, và chứng hoang tưởng của ông càng tăng thêm. Ở khía cạnh nào đó, thì cấu trúc, nhu cầu, và trọng tâm của các giải đấu cờ vua có lẽ đã ức chế hoặc kìm hãm những suy nghĩ và hành vi hoang tưởng của ông. Năm 1973, trong thứ mà ngày nay trông gần như một lời tiên tri, Reuben Fine đã viết, “Cờ vua dường như là liệu pháp tốt nhất trên đời đối với cậu ấy.”
Những căng thẳng tâm lí xã hội của Bobby càng tăng thêm trong những năm 1980 và 1990. Ông có tên trong lệnh bắt giữ mà Bộ Ngoại giao ban hành vì liên quan đến “trận tái đấu” với Spassky ở Nam Tư; ông hứng chịu sự mất mát rất sai lúc của mẹ và chị gái; ông bị bắt giữ ở Nhật Bản vào năm 2004 liên quan đến lệnh bắt giữ năm 1992; và ông phải vật lộn trong nhiều năm để tìm chốn dung thân trước lệnh bắt giữ của Mĩ, và chỉ tìm được vào năm 2005, khi ông được cấp đầy đủ quyền công dân Iceland. Những căng thẳng tâm lí xã hội đa dạng và dữ dội này đã góp phần tạo nên chứng ảo tưởng bị bức hại không quái đản mà ông đã mắc bệnh chồng bệnh lên chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng đã mắc trước đó.
Đã hơn nửa thế kỉ kể từ lần đầu tiên Regina Fischer đưa con trai đến Khoa Tâm thần Trẻ em của Bệnh viện Do Thái Brooklyn, các lĩnh vực tâm lí học và tâm thần học đã có những tiến bộ lớn lao. Nếu như Bobby Fischer được sinh ra trong thập kỉ này, ông và gia đình hẳn đã, ít nhất trên lí thuyết, được tiếp cận với nhiều đánh giá và can thiệp tâm lí khác nhau.
Đầu tiên, sự căng thẳng hằng ngày mà Regina Fischer phải hứng chịu do là đối tượng giám sát của FBI có thể được giảm bớt nếu được triều trị phù hợp. Bà ấy có thể được nhận các buổi tư vấn khích lệ và liệu pháp hành vi nhận thức nhằm giúp bản thân hình thành nên các chiến lược để đương đầu với nỗi căng thẳng, và bà ấy cũng có thể được tiếp cận với những hỗ trợ pháp lí hoặc tài chính từ các nhóm dân sự tự do. Với tính khí của Bobby, Regina có thể được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo và hỗ trợ phụ huynh. Chị gái Joan của Bobby có thể được hưởng lợi từ việc tư vấn cá nhân, do bà đang phải chịu gánh nặng trách nhiệm từ những người thân bất ổn tâm lí. Và rõ ràng, việc tư vấn gia đình – điều mà ngày nay có nhiều khả năng diễn ra hơn nhiều so với những năm 1940, đặc biệt với các gia đình thuộc tầng lớp lao động – có thể giúp ích cho nhà Fischer dưới tư cách một nhóm.
Nếu giả thuyết được đưa ra trong bài viết này là chính xác – rằng Bobby mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng do khuynh hướng di truyền – thì ngày nay ông ấy có thể được nhận phương pháp điều trị bao gồm liệu pháp tâm lí dài hạn dành cho cá nhân mà vẫn thường được yêu cầu áp dụng nhằm cải thiện cho những bệnh nhân biểu lộ triệu chứng hoang tưởng. Nói chung, những bệnh nhân như vậy rất khó điều trị, do họ không tin tưởng vào nhà trị liệu và quá trình trị liệu.
Về chuyện học hành, Bobby Fischer của thế kỉ XXI có thể sẽ được nhận các dịch vụ hỗ trợ đặc biệt, bao gồm các buổi tư vấn cá nhân và theo nhóm, điều mà ông ấy có thể đã không được nhận ở Trường Công lập 3, nơi ông bị đuổi học, hoặc Trường Cấp ba Erasmus Hall ở Brooklyn, nơi ông chủ động thôi học ở tuổi 16. Có quá ít thông tin về hành vi và trạng thái cảm xúc hằng ngày của Bobby ở trường cấp một hoặc cấp ba để chúng ta có thể tự tin khuyến cáo một phác đồ dùng thuốc cụ thể. Nhưng tuỳ vào sự hiện diện và cường độ của các triệu chứng song hành – lo lắng, trầm cảm, và thiếu chú tâm ở một số môn học – Bobby hoàn toàn có thể được kê đơn thuốc hướng thần.
Và dẫu cho Bobby có một mối quan hệ lưỡng phân với mẹ mình, ông chắc chắn có thể được nhận các buổi tư vấn hỗ trợ và chia buồn sâu sắc vào năm 1997 và 1998, khi mẹ và chị ông qua đời. Regina và Joan là những người hậu thuẫn trọn đời cho Bobby, bất chấp những khó khăn và thử thách của mình, ông vẫn cảm thấy gần gũi về mặt tình cảm với họ.
Liệu Bobby Fischer có trở thành nhà vô địch cờ vua thế giới nếu ông sử dụng liệu pháp tâm lí cá nhân, liệu pháp gia đình, các dịch vụ hỗ trợ đặc biệt trong dài hạn và, rất có thể, được kê đơn thuốc hướng thần? Câu hỏi này tôi không trả lời được.
Có thể sự can thiệp tâm lí và cấu trúc mà nó mang tới sẽ khiến cuộc đời và sự nghiệp cờ vua của Bobby trở nên ổn định. Việc điều trị tâm lí có thể sẽ trang bị cho ông những kĩ năng đương đầu với căng thẳng và truyền thông; nó có thể mang tới những kĩ thuật để ông kiểm soát tốt hơn các biến dạng trong nhận thức và chủ nghĩa bài Do Thái của mình; nó có thể giúp ông hiểu thấu lịch sử gia đình của mình; và nó có thể hỗ trợ ông trong việc phát triển và duy trì tình bạn cũng như các đối tác lãng mạn.
Nếu những can thiệp này có hiệu quả, dù chỉ một phần, Bobby Fischer hoàn toàn có thể là nhà vô địch cờ vua thế giới trong một thập kỉ, thay vì chỉ ba năm, và là một con người hạnh phúc hơn nhiều trong suốt cuộc đời.
Nhưng cũng có khả năng sự can thiệp tâm lí có thể đánh lạc sự tập trung của Bobby khỏi cờ vua và hút cạn nghị lực của ông – óc tập trung gần như phi phàm – đó là dấu hiệu của thiên tài. Và khả năng này chính là trung tâm của câu hỏi rộng lớn hơn mà cuộc đời bất ổn của Bobby Fischer đã đặt ra: Chúng ta có thể làm gì để giúp những công dân lỗi lạc và tài hoa nhất của mình được nhận các liệu pháp điều trị sức khoẻ tâm thần mà họ cần và đáng được nhận trong khi vẫn đảm bảo rằng thiên tài không bị ức chế trong quá trình này?
Thật không may, sự vươn lên đầy kịch tính tới đỉnh cao thế giới và sự sa sút cũng kịch tính không kém xuống cảnh cô độc và bất ổn tâm lí của Bobby Fischer là con đường không của riêng ông ấy hay cờ vua. Nói một cách chắc chắn, Paul Morphy, thần đồng cờ vua ở New Orleans, kì thủ sống trước Bobby một thế kỉ, cũng rơi vào trạng thái ảo tưởng, trường hợp của ông tập trung vào niềm tin rằng ông bị bức hại từ anh rể, người thi hành di chúc về gia sản của cha ông. Nhưng ngoài lĩnh vực cờ vua, người ta có thể thấy vô số ví dụ về những thần đồng không chịu nổi căng thẳng và những kì vọng sự nghiệp nặng nề. Thiên tài âm nhạc của Michael Jackson, thiên tư diễn xuất và ca hát của Judy Garland, thiên phú thi ca và văn xuôi của Sylvia Plath chỉ là vài ví dụ đại diện cho các tài năng đầy triển vọng bị huỷ hoại vì vấn đề sức khoẻ tâm thần mà không được giải quyết thoả đáng, hoặc hoàn toàn không được chăm sóc.
Một phần của các khó khăn tâm lí đối những “thiên tài” người Mĩ, một cách đặc biệt, nằm ở hệ giá trị văn hoá của đất nước này. Đó là hệ thống đặt nặng vào chủ nghĩa cá nhân và thành tựu cá nhân, thay vì nỗ lực của nhóm. Các thần đồng cờ vua, toán học, hoặc dương cầm sớm cảm nhận được niềm tự hào tột độ mà các thành viên gia đình, huấn luyện viên, và giáo viên dành cho tài năng “độc nhất” của mình. Cùng lúc đó, các thần đồng cũng học được rằng họ sẽ được miễn thứ cho những hành vi khiếm nhã của mình bởi vì người lớn không muốn thực hiện bất kì hành động nào nhỡ may làm chậm lại hoặc lệch hướng tiến trình của một “ngôi sao.” Nhưng ngôi sao tương lai ấy có lẽ cũng sẽ thấy ra, rất sớm thôi, mặt trái trong cuộc đời của một thần đồng: Sự tung hô và đặc quyền chỉ tiếp diễn chừng nào thiên tài vẫn còn toả sáng.
Với tuổi thơ ổn định và khuynh hướng di truyền ở mức bình thường trong việc đương đầu với căng thẳng, có nhiều thần đồng quản lí được những áp lực ấy và trở nên thành công ở lĩnh vực của họ trong khi vẫn đạt được ít nhất là vẻ ngoài của một cuộc sống cân bằng. Tuy nhiên, một số thần đồng – bao gồm Bobby Fischer, người có cuộc sống gia đình thời kì đầu không ổn định, chịu áp lực vì nổi tiếng sớm, và có thể có khuynh hướng di truyền theo hướng bất ổn tâm lí – đã không được trang bị để lèo lái qua các thử thách của cuộc đời mà không có sự can thiệp của tư vấn.
Ở đây tôi sẽ không cố gắng miêu tả tất cả các chương trình và biện pháp can thiệp mà có thể nâng cao sức khoẻ tâm lí ở những người trẻ có tài năng đặc biệt. Thay vào đó, tôi đưa ra một phác thảo ngắn gọn về hai lĩnh vực chính mà trong đó biện pháp can thiệp từ sớm có thể tạo ra cơ hội tốt hơn cho những người có năng khiếu và tài năng trong việc đạt được cuộc sống cân bằng.
So với những đứa trẻ mà đã được xác định, ngay từ sớm, là có nguy cơ bị khuyết tật học tập hoặc các vấn đề về cảm xúc-hành vi – chỉ nói ví dụ hai trong số nhiều khó khăn có thể xảy ra – những đứa trẻ có trí tuệ đặc biệt hoặc tài năng nghệ thuật vẫn thường được mặc nhận là ổn, về mặt tâm lí, miễn là thành tích học tập nói chung của chúng vẫn đạt yêu cầu. Vì thiên tư của mình, chúng thường bị bỏ mặc cho tự giải quyết vấn đề và được cung cấp rất ít hoặc không có dịch vụ hỗ trợ đặc biệt nào.
Bởi vì áp lực đè lên những đứa trẻ có tài năng xuất chúng là cái đã rõ ràng và thường xuyên gây sa sút hoặc chí tử, tôi đề xuất rằng các trường học hãy chính thức hoá việc xác định các học sinh tài năng từ sớm và sau đó cung cấp cho các em những hệ thống hỗ trợ nhằm phát huy tài năng đặc biệt của mình trong khi đó, một cách đồng thời, giúp các em kết nối với các lĩnh vực khác của đời sống học thuật và xã hội. Các dịch vụ hỗ trợ như vậy có thể bao gồm tư vấn cá nhân, đào tạo phụ huynh, hỗ trợ và tư vấn nhóm với các học sinh có tài năng khác.
Tôi cũng ủng hộ việc tạo ra chương trình giáo vấn (mentoring) – hay “anh lớn” và “chị lớn” – dành cho những đứa trẻ có tài năng vượt trội. Tại một lễ trao giải vào mùa thu năm ngoái, tài năng âm nhạc trẻ tuổi Justin Bieber đã cảm ơn một người bạn lớn tuổi – Usher, người cũng từng là một hiện tượng âm nhạc khi còn trẻ – vì đã đóng vai trò là giáo vấn cho cậu ấy về các vấn đề nghề nghiệp, cá nhân, và cân bằng cuộc sống. Mô hình giáo vấn một-một như vậy có thể rất có lợi cho các tài năng trẻ trong việc học cách vượt qua thử thách trong cuộc sống với những kì vọng cao và yêu cầu thành tích, và tôi thấy không có lí do gì các trường học lại không tích cực hơn trong việc thúc đẩy các mối quan hệ song hành như vậy. Hiện đã có rất nhiều tài liệu về các chương trình dành cho thanh thiếu niên có năng khiếu và tài năng như thế, và đây là một lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu. Nhưng trong một số trường hợp, ít nhất, chúng ta có thể cần phải có một thiên tài mới giúp đỡ được một thiên tài khác đang trong giai đoạn trứng nước.
Bài gốc: A Psychological Autopsy of Bobby Fischer, Joseph G. Ponterotto
TORNAD
26/05/2024
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất