Bỏ qua những câu chuyện về đời tư diễn viên, mình nghĩ Hometown cha cha cha vẫn là bộ phim đáng xem nhất năm nay vì cảm giác chữa lành trong trẻo mà nó mang lại, cùng những ý niệm mới mẻ đáng suy ngẫm. Cũng đã có vài bài viết, video nói về những điểm sáng của Home Cha, nên mình chỉ muốn nói về thông điệp mà mình nhớ nhất, và là lí do mình quyết định xem phim dù đã một thời gian dài chẳng còn hứng thú với drama Hàn:
“Anh biết bố mẹ làm gì mới thật sự tốt cho con cái không? Là sống thật lâu và đừng đau ốm. Không phải chịu khổ chịu đau chỉ để tiết kiệm vài đồng bạc, mà là chăm sóc bản thân mình cho tốt.”
- Yoon Hye Jin
Hai năm trước, mẹ của bạn cùng phòng mình bất ngờ bị tai biến do cao huyết áp, và nằm liệt giường đến giờ. Dù đã nghe rất nhiều về những câu chuyện tương tự, nhưng cảm giác chứng kiến tận mắt một người trước đó vẫn còn sống khỏe mạnh, nói chuyện vui vẻ cười đùa với con gái, giờ chỉ có thể nằm một chỗ, thân hình bất động cứng đờ và ánh mắt mệt mỏi, cùng những đoạn nói chuyện qua video call giờ chỉ còn là độc thoại của bạn mình, bản thân mình mới thấu cảm sự vô thường và đáng sợ của bệnh tật. Cảm giác bất lực khi nhìn thấy người thân đau đớn mà không thể làm gì, nỗi sợ vì không biết khi nào họ sẽ ra đi, là thứ sẽ mãi dày vò đứa con mà ít ai dám thổ lộ.
Bố mẹ mình cũng là kiểu phụ huynh luôn muốn hi sinh tất cả mọi thứ để chăm lo cho con, mà quên luôn cả việc chăm sóc cho chính bản thân họ. Đối với thế hệ bố mẹ, điều này được xem như lẽ đương nhiên, là tình yêu vô điều kiện. Nhưng đối với mình, sự hi sinh đó chỉ khiến mình thêm bất an. Như nhân vật Hye Jin đã nói, khi Du Sik bảo rằng bà Gamri đã dành cả đời để chăm sóc người khác, nên không biết cách tự chăm lo cho mình, rằng: “Thật dại dột và khiến tôi bức bối”.
Mẹ Hye Jin cũng vì lo cho con mà để bệnh tình phát triển đến mức không thể cứu chữa. Bà Gamri vì cả đời tằn tiện cho con cháu mà không muốn bỏ tiền trồng răng, dẫu vì thế mà không thể ăn uống theo ý thích. Hành động của họ, dù xuất phát từ tình yêu, lại là thứ khiến con cháu bận lòng nhất.
Mẹ của bạn mình, vốn có tiểu sử cao huyết áp nặng, đã nhiều lần ngất xỉu. Muốn chữa bệnh, ngoài việc dùng thuốc thường xuyên, còn cần chú ý cả ăn uống và sinh hoạt. Nhưng vì không kiên trì với việc kiêng khem và vẫn làm việc nặng mà xảy ra chuyện đáng tiếc.
Có lẽ ai đó sẽ nghĩ mình ích kỷ khi nói ra điều này, nhưng suy cho cùng, chẳng con cháu nào có thể chăm lo cho người thân trọn vẹn được nếu bản thân người thân không biết, hoặc không muốn chăm sóc chính mình. Và dù sinh lão bệnh tử là lẽ dĩ nhiên, nhưng chứng kiến người mình yêu thương rơi vào vòng xoáy đó luôn là nỗi lo sợ, thậm chí ám ảnh của người ở lại.
Hi vọng qua Home Cha, các bậc sinh thành, và cả những người sẽ làm cha mẹ tương lai có thể nhìn nhận khác đi về tình yêu và sự hi sinh. Rằng nếu yêu thương con cái thật lòng, có lẽ bố mẹ cần biết yêu thương cả chính họ nữa.