Kí áo ~~
Bây giờ đã là tháng Chạp, sắp tới Tết cũng chỉ đâu dăm ba hôm nữa. Cái không khí hiện thời đã nhộn nhịp bởi những chậu bông, cây mai bày bên đường. Dạo này, tiết trời trở lạnh, độ ẩm không khí xuống hơi thấp, đương nhiên là lạnh với tôi thôi, chứ 23, 24 độ thì đâu gọi thế được.
Có thời gian rảnh rỗi ngồi nhà, tôi lao vào cái máy tính, với múi giờ chẳng giống ai, thức tới một, hai giờ sáng rồi ngủ tới một, hai giờ chiều. Ngủ dậy bấm máy tính tiếp rồi ra ngoài ngồi thẫn thờ một mình, xong tối vào lại cào phím tiếp. Tôi tự hỏi mình lên máy tính đã làm gì, vâng, tôi còn chả nhớ, nó như một hành vi vô thức vậy.
Riêng những khoảng thời gian tôi ra ngồi ngoài một mình, đó là những lúc quý giá nhất của cuộc đời. Tôi nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây, và hôm nay không hiểu tại sao tôi nhớ tới giáo viên hồi cấp hai của mình. Cảm nhận của riêng tôi thì tôi thích giáo viên cũ hơn. Họ cho tôi cảm giác thân thuộc hơn, vì đa phần trong số họ có thể là hàng xóm, là bác bán hàng ngoài chợ, hay thậm chí là bà con với mình.
Tôi nhớ tới thầy chủ nhiệm năm lớp 9, lớp tôi là lớp đầu tiên thầy chủ nhiệm nên sẽ có những ấn tượng sâu sắc. Vì cái tôi quá cao mà tôi và cái tổ luôn ủng hộ tôi có đờ-ra-ma với thầy trong suốt một năm học. Để rồi, trước khi rời trường, tôi phải dốc hết sức vẽ ra một kiệt tác trong đời tôi, tặng cho thầy để xóa nghiệp. Đầu năm nay, lớp cũ ra thăm người xưa. Thầy câu đầu khen tôi trưởng thành rồi, câu sau lại hỏi tôi quánh đứa nào chưa. Thật là giáo viên văn, chẳng phải dạng vừa!
Tôi nhớ tới giáo viên dạy Lý chúng tôi ba năm rưỡi. Ông thầy là người cao tuổi nhất trường, nên đôi khi cũng bị lẫn rồi. Có chuyện gì trong trường, từ nội bộ giáo viên cho tới chuyện của mấy lớp khác, lão đều kéo vào lớp tôi ngồi kể say sưa. Thầy là một người kể chuyện cực nhạt, rồi ngồi tự cười. Bốn năm cấp hai, đầu tôi giờ chỉ còn sót lại câu chuyện thần thánh ngày ấy.
- Để thầy kể tụi bây nghe chuyện này nè, hay lắm.
Ngồi nghiêm túc chuẩn bị hóng hít.
- Hồi thời của thầy có bà bán cá. Bả cân lường hay lắm, cầm bịch cá mà biết được liền mấy lạng.
- Gì nữa thầy?
- Hết rồi.
Tôi lại nhớ tới thầy giáo dạy Sinh năm lớp 9, có lẽ thầy là người duy nhất cho tới hiện nay mà khi tranh luận tôi tâm phục khẩu phục. Đó là bài một tiết của học kỳ hai. Ngồi vẽ chuỗi thức ăn với lại xác định mối quan hệ cộng sinh, hội sinh, ký sinh, ba chấm gì đó sinh nữa. Cuối cùng phát, tôi được 9.25, chỉ nhớ được là lúc đó mình sai chỗ sán lá gan ký sinh với tất cả loài động vật còn lại. Đương nhiên là đứng dậy cãi bem bép thử xem sao, méo nói nhiều, ông thầy kêu tôi qua phòng thư viện mượn sách Sinh 7. Lật ra trang bao nhiêu đấy, quên rồi, sách ghi rành rành là sán lá gan chỉ ký sinh trâu, bò.
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Phục. Tâm phục khẩu phục. Rất nhiều giáo viên sau khi tôi đặt câu hỏi toàn nhận được câu trả lời “học sinh mà cãi giáo viên” thì đây là một ông thầy hiếm hoi làm tôi phục sát đất. Cãi méo gì được nữa. Tuy cuối năm quan hệ của tôi với thầy không được tốt lắm, nhưng mấy cuốn sách lớp 10 thầy gửi cho tôi đã nói lên tất cả.
Mấy năm cấp hai để lại cho tôi những kỷ niệm về ông thầy mắt-môi-bầm-tím-thâm-đen kể chuyện mặn nhất lịch sử loài người, tốt nghiệp Sư phạm Sử nhưng ra dạy Địa, để rồi tiết Địa nào cũng lên “phân biệt khởi nghĩa và kháng chiến”. Còn có thầy dạy Sử, suốt tiết lên PR Tam Quốc Diễn Nghĩa với cả thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ để rồi thâm giờ hụt tiết, nhưng cũng chính người thầy ấy, đã khiến môn Sử là cả linh hồn của tôi, mặc dù sau này giáo viên dạy Sử dạy rất đổ nản, nhưng Sử, vẫn là môn học có sức nặng nhất với tôi, true love, man. Rất nhiều, rất nhiều giáo viên khác để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp đẽ. Nhưng tôi không buồn kể nữa.