Vào cái năm tròn chín mươi tuổi, tôi muốn tự thưởng một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên.
Đây là mở đầu cho cuốn tiểu thuyết, cũng là toàn bộ câu chuyện. Bạn đọc có thể sẽ bất ngờ, nhưng khoan. Tôi sẽ dẫn bạn đi vào một tình yêu diệu kỳ.
Tôi luôn tự hỏi tác giả tại sao lại muốn nhân vật già tới chín mươi tuổi? Tôi đoán rằng ở tuổi đấy, chỉ cần cộng thêm mười thì người ta gọi là thập kỷ. Trong suốt chiều dài của thời gian, hẳn rằng nó cũng chẳng tha thứ cho bất kì sinh thể nào. Từ bông hoa hồng thửa nào còn đỏ rồi cũng chóng phai tàn héo úa từng ngày. Từ những thân cây và cành lá vững chãi đến mấy cũng trơ trọi và trần trụi từng năm. Hiển nhiên cả kiếp sống con người cũng vậy, mười năm trôi qua. Chúng ta già cỗi theo nó. Chín mươi hay một trăm năm, ở con số mà chẳng ai dám nghĩ rằng mình sẽ trẻ lại. Thay vào đó là hiện thực phũ phàng. Cái chết.
Nhưng buồn cười thay lão già đã nói như thế này như để cứu rỗi con số ấy.
Tuổi tác không phải số năm mà người ta có mà chính là cái mà người ta cảm thấy trong cơ thể mình.
"Cảm thấy" trong cơ thể của lão. Là khao khát yêu và được yêu. Được nếm thứ vị ngọt ngào của giọt tình mật ngọt. Như để bù lấp quá khứ phủ màu xám buồn.

Một ông già sống trong căn nhà gần công viên San Nicholas. Nơi lão an phận sống một cuộc đời "không đàn bà và cũng chẳng có tài sản". Nơi lão chứng kiến sự sống và cái chết của ba mẹ. Cuối cùng, đó cũng là nơi mà lão dự định sẽ chết đơn côi ngay trên chiếc giường của mình đã sinh ra. "Vào cái ngày mà hy vọng còn xa xăm và không chút gì đau đớn".
Phút bàng hoàng vẫn tiếp diễn xoáy sâu vào tâm can với những lời tự vấn về bản thân.
Kể ra tôi không cần phải nói ra điều này, bởi vì người ta co thể nhận ra tôi từ xa cả dặm: tôi xấu trai nhút nhát và cổ lỗ.
Nói theo hướng lãng mạn thì tôi là hạng người vô danh tiểu tốt chẳng để lại cho người đời bất cứ thứ gì ngoại trừ những sự việc mà tôi sắp cố gắng kể ra đây trong ký ức về mối tình lớn của mình.
Lão không có gì cả, ở nơi tiệm cận với dấu chấm hết của cuộc đời, và là nơi thần chết dường như là kẻ bầu bạn thân thương.
Một chút gì đó trong lão làm tôi nhớ đến chính bản thân mình. Ở tuổi hai mươi mấy, cái dấu yêu với đời còn cháy hừng hực chẳng tắt, đôi lúc "không có gì cả" làm ngọn lửa con tim càng toả nắng hơn, thổi bùng lên khát vọng muốn sống. Nhưng với lão già, "không có gì cả" sao thật buồn và tuyệt vọng. Người ta nói "thời gian giết chết tất cả, kể cả hy vọng" có lẽ không sai.
Tuổi trẻ lão vẫn cho đời những phép thử, những cuộc vui chơi với những cô gái điếm. Tôi không ở đây để phán xét về cách sống của lão, vì rằng mỗi con người mỗi cuộc sống khác nhau. Chúng ta phán xét có chăng là tại không nhận ra mỗi người đều có hệ quy chiếu khác nhau?
Tôi không bao giờ ngủ với bất kì người đàn bà nào mà không trả tiền, kể cả với một số ít vốn không phải là gái chuyên nghiệp thì tôi cũng cố gắng thuyết phục họ, bằng lý hoặc bằng vũ lực, là phải nhận tiền dù chỉ để vứt vào sọt rác. Vào những năm hai mươi tuổi, tôi bắt đầu thống kê ghi chép lại tên họ, tuổi tác, nơi chốn và tóm tắt về hoàn cảnh và phong cách của các cô ấy. Đến năm năm mươi tuổi tôi đã ăn nằm với năm trăm mười bốn người phụ nữ một lần.
Tôi cảm thông cho lão. Tuổi trẻ ông già khỏa lấp nổi cô đơn bằng những cuộc vui chóng vánh. Sự lấp đầy tạm thời có chăng cứu rỗi con tim đang dần héo mòn. Cuộc đời đã không mỉm cười với lão, tuổi trẻ loay hoay tìm kiếm và khát khao, mong chờ rồi hy vọng. Tận cùng chỉ là một khoảng không mang tên "tình ái". Lão thốt lên nơi đáy sâu:
Đây là tất cả những gì cuộc đời dành cho tôi và tôi cũng không làm gì để buộc nó phải cho thêm
Và với chút "muốn sống" cuối cùng, lão gọi điện cho Rosa Cabarcas, chủ một nhà chứa và đưa ra yêu cầu của mình.
Một cô gái còn trinh cho ngày sinh nhật chín mươi tuổi
Chuyện tình bắt đầu. Và như lão đã nói: "Không có cuộc phiêu lưu nào tránh khỏi sự trừng phạt". Chuyến du hành đầu tiên trên con thuyền tình ái, đối mặt với hờn giận, ghen tuông và hàng vạn kiểu hình của tình yêu mà trước giờ nhân thế vẫn hằng chán chường.
Có thể bạn đọc và cả tôi sẽ nghĩ ông lão lấy đi sự trinh bạch của cô bé. Nhưng trái ngược lại, những gì ông lão làm chỉ là say sưa với "niềm thích thú thực sự khi ngắm nhìn thân thể người phụ nữ ngủ say mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng".

Tôi thấy được sự tài tình của Gabriel Garcia Marquez. Lặng ngụp trong quá khứ ô uế và hèn mòn của những hoang lạc, tác giả đã để nhân vật tìm thấy được tạo hình của tình yêu đích thực. Tôi chợt nhớ đến thằng gù Quasimodo trong Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo. Hai con người mang trong mình một niềm đam mê tình ái được thể hiện qua những từ ngữ như "mê đắm", "vị tha", "trân trọng". Thứ tình ái không vướng bận dục vọng trần tục, sao thật cao cả.
Từ khoảnh khắc đấy, cuộc sống lão thay đổi dù chỉ là ngắn ngủi. Lão cảm thấy thoã mãn. Vì rằng mình đã thật sự "sống".
Buổi sáng ngày sinh nhật, trong khi đứa bé còn say ngủ.
Tất cả tiền bạc còn lại, của tôi và của nó, tối để cả trên gối và tôi vĩnh biệt mãi mãi bé gái bằng một nụ hôn trên trán. Vào buổi sáng sớm, căn nhà, cũng như mọi hộp đêm khác, gần với thiên đường hơn cả. Tôi rời khỏi nơi đó bằng cửa sau vườn những không gặp ai. Dưới ánh nắng chói chang ngoài phố, tôi bắt đầu cảm thấy sức nặng của chín mươi năm đè lên mình, và bắt đầu đếm từng phút một số giây ban đêm còn lại để đến với cái chết.
Nhưng khác với gã Quasimodo tội nghiệp, đau đớn và tuyệt vọng khôn nguôi khi chứng kiến người tình Esmeralda bị tử hình. Gabriel Garcia Marquez mở một cánh cửa cho ông cố của chúng ta.
Bằng một tình tiết mà tôi nghĩ là khá gượng gạo của tác giả. Mà cũng không hẳn là vậy, chỉ đơn giản rằng mọi sự vật xung quanh hồ như đã khiến lão thay đổi lời "vĩnh biệt mãi mãi". Tôi xin phép được trích một đoạn văn dài của tác giả để bạn đọc được tỏ:
Tôi cảm thấy có gì đó đang ngọ nguậy dưới gầm bàn, hình như không phải là một vật sống mà một bóng ma đang cà vào chân làm tôi hét to và nhảy bật dậy. Đó chính là con mèo với cái đuôi dài rất đẹp, với dáng vẻ chậm chạp và bí hiểm. Tôi rợn tóc gáy khi nghĩ rằng mình ở nhà một mình với một sinh vật sống không phải là người.
Khi chuông nhà thờ lớn điểm bay tiếng, thì trên bầu trời rực màu hồng chỉ có một ánh sao duy nhất sáng long lanh, một chiếc tàu thuỷ hú tiếng còi từ biệt buồn bã, và tôi cam thấy trong họng nghèn nghẹn tất cả những mối tình có thể đã từng có hoặc không hề có. Tôi không chịu đựng được nữa. Tôi nhấc điện thoại lên với trái tim để ngay đầu lưỡi, từ từ quay bốn số để khỏi nhầm, rồi khi tiếng chuông thứ ba vừa đổ tôi đã nhận ra giọng nói quen. Này, bà ơi, tôi thở dài nói, thứ lỗi cho sự thô bạo sáng nay nhé. Bà bình thản đáp: Ông khỏi lo, tôi chờ ông gọi từ sáng đến giờ. Tôi cảnh cáo: Tôi muốn đứa bé gái phải chờ tôi trong tình trạng mà Chúa đã đưa nó đến thế giới này và không bôi bất cứ thứ gì trên mặt đấy nhé.
Đôi khi những cuộc đối thoại của bà chủ nhà thổ và ông lão làm tôi mỉm cười. Tôi chợt quên đi rằng lão già này đã chín mươi tuổi mà tưởng như mới thời trai trẻ. Như nhà triết học Aristotle đã từng nói:
Tình yêu chứng tỏ sức mạnh lớn nhất của nó, bằng cách biến kẻ khờ khạo thành khôn ngoan, hay kẻ khôn ngoan thành ra khờ khạo.
Và bạn đọc biết không? Tình yêu đã biến lão lụ khụ thành chàng trai trẻ đầy sức sống. Cái uyên thâm của tuổi già mà bà chủ nhà chứa hay gọi vui là "nhà triết học sầu muộn". Hay những chương trình âm nhạc bác học cũng không làm vơi đi nỗi nhớ mong, như chính ông lão cũng thừa nhận "Đó chính là điều nhắn gửi của Chúa Trời".

Tôi lại một lần nữa ngưỡng mộ Gabriel Garcia Marquez. Về khoảng ngôn từ diễn tả tình yêu thì tôi nghĩ rằng không ai qua được ông (chỉ là ý kiến cá nhân). Xin bạn đọc thứ lỗi, tôi phải trích dẫn khá nhiều vì tôi muốn giữ nguyên văn "cái mê đắm tình ái" này một cách trọn vẹn nhất (tôi không biết những tác phẩm dài hơi khác của Gabriel Garcia Marquez tôi phải cảm nhận thế nào cho ngắn gọn để tiện cho bạn đọc nữa):
Khi cơn mưa rào qua đi, tôi lại tiếp tục có cảm giác không chỉ có một mình ở trong nhà. Tôi chỉ có cách tự giải thích duy nhất là mọi sự việc có thật thì người ta thường dễ quên đi, nhưng có những sự việc không có thật thì cứ tồn tại trong ký ức y như nó đã từng xảy ra vậy. Cứ mỗi lần nhớ đến trận mưa rào là tôi lại tự thấy không đơn độc trong nhà mà luôn luôn có mặt Delgadina. Tôi cảm thấy nàng rất gần gũi vào ban đêm. Thậm chí còn ngửi thấy hơi thở của nàng trong phòng ngủ và tiếng mạch đập khẽ khàng nơi má của nàng trên chiếc gối của tôi. Chỉ có như vậy tôi mới hiểu được tại sao mình đã làm được bao nhiêu việc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Tôi nhớ là nàng trong bộ đồ thêu hoa đã trèo lên chiếc ghế ở phòng đọc sách, tỉnh táo lấy tiếp từng cuốn sách để cứu nó khỏi dột ướt. Tôi đã thấy nàng chạy đi chạy lại khắp nơi trong nhà nước ngập đến đầu gối để chống chọi lại cơn mưa gió. Tôi còn nhớ là sáng hôm sau nàng còn chuẩn bị bữa điểm tâm không hề có và chuẩn bị cả bàn ăn trong khi tôi lau sàn nhà và sắp lại đồ đạc sau cơn đại hồng thuỷ. Không bao giờ tôi quên được ánh mắt tối sẫm của nàng khi chúng tôi cùng ăn điểm tâm: Tại sao mãi đến tận khi già cả thế này anh mới quen em? Tôi còn nói thật với nàng: Tuổi tác không phải số năm mà người ta có mà chính là cái mà người ta cảm thấy trong cơ thể mình.
Hay
Từ đó tôi cứ ghi nhớ mãi hình ảnh rõ ràng của nàng trong ký ức đến mức muốn làm gì nàng cũng được. Tôi thay đổi màu mắt của nàng tuỳ theo trạng thái tâm hồn của chính mình: màu nước khi tôi thức dậy vào buổi sáng, màu mật khi tôi cười và màu lửa khi tôi cãi nhau với nàng. Tôi khoác trang phục cho nàng tuỳ theo tuổi tác và điều kiện phù hợp với tâm lý từng lúc của tôi: nàng mặc bộ đồ cô dâu say đắm ở tuổi hai mươi, y phục của loại gái gọi ở tuổi bốn mươi, như nữ hoàng xứ Babilon ở tuổi bảy mươi và như nữ thánh ở tuổi một trăm. Chúng tôi song ca những bản tình ca của Puccini, điệu bolero của Agustin Lara, điệu tango của Carlos Gardel, và đã một lần chúng tôi xác định được rằng những ai không hát thì không thể hình dung ra niềm hạnh phúc được hát dân ca. Hôm nay, tôi biết đó không phải là ảo giác mà chính là điều huyền diệu của mối tình đầu của tôi ở tuổi chín mươi.
Ôi tình yêu của một lão già chín mươi tuổi, nó thật trong sáng và diệu hiền biết bao. Bao ảo mộng và tơ tưởng, lần đầu tiên xuyên suốt câu chuyện tôi thấy lão hạnh phúc. "Cái sức nặng chín mươi năm đè lên người" có còn là ám ảnh khi tình này tồn tại. Tôi mừng cho lão vì lão được là chính mình, được sống và được yêu.
Hạnh phúc lớn nhất trên đời là niềm tin vững chắc rằng chúng ta được yêu – được yêu vì chính bản thân, hay đúng hơn được yêu bất chấp bản thân ta - Victor Hugo
Ở đoạn cuối của đời, tôi nghĩ lão nhìn thấy rõ được tình yêu hơn ai cả. Có thể sự lỗi nhịp của tình yêu mà hoá ra không lỗi nhịp. Lão còn sống mãi trong tác phẩm, cũng như trong trái tim mỗi chúng ta. Nhắc ta rằng tình yêu là sự cứu rỗi cho đời.
Tôi đi ra phố ngập tràn ánh nắng và lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình ở chân trời xa của thế kỷ thứ nhất của cuộc đời. Căn nhà của tôi, im lặng và hoàn toàn gọn gàng nề nếp, bắt đầu hưởng sắc của bình minh hạnh phúc. Damiana hát to dưới bếp và con mèo sống lại ca đuôi vào giày tôi rồi đi theo tôi đến tận bàn viết. Giấy tờ héo mòn, lọ mực, chiếc bút lông ngỗng của tôi đều đã được sắp xếp gọn gàng trở lại, khi ánh nắng mặt trời lấp lánh giữa hàng cây bàng ngoài công viên và chiếc tàu thuỷ chạy trên sông chở thư tin vốn bị chậm một tuần vì hạn hán, đã kéo còi ồn ã mới đi vào cảng. Cuối cùng thì đó chính là đời thực, với trái tim khoẻ mạnh nhưng đã bị tuyên án sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm của tôi.

Để kết thúc bài cảm nhận hèn mọn, tôi xin tặng cho ông lão nhạc phẩm Hôm nay tôi nghe của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thể hiện bởi Lê Cát Trọng Lý.
Cảm ơn bạn đọc. Mong các bạn tha thứ cho những thông tin sai lệch và cảm nhận định kiến của tôi. Đối với những tác phẩm văn học có nội dung nhay cảm như Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi - Gabriel Garcia Marquez hay Lolita - Vladimir Nabokov, tôi ít khi lên án nó vì sự đồi bại hay dung tục của các nhân vật. Tôi nghĩ rằng bạn đọc cũng như tôi hãy cầm cuốn sách lên và đọc hết, khi đó bức tranh toàn cảnh sẽ đẹp đẽ màu tình yêu, và như tôi khẳng định ở đầu bài: Một tình yêu diệu kỳ.
*Hình ảnh lấy từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Henning Carlsen
Viết cho ngày 5 tháng 10 năm 2018, ngày Sài Gòn với những cơn mưa ẩm ương.