Hồi ức tại bệnh viện: Ai sẽ là người chăm sóc cho bố mẹ bạn ?
Có một cách để chữa lành đó là đi đến tận cùng của khổ đau thì bạn sẽ thấy bạn buông được nỗi đau của bạn.
Tháng 5 năm 2021, khi đại dịch Covid vẫn chưa hoành hành
Có những ngày hoặc thậm chí có những tuần, những tháng bản thân chúng ta bị mắc kẹt trong một thứ cảm xúc được gọi là buồn bã hay có khi là chán nản. Nó cũng vậy, nó cứ luôn tập trung vào nỗi đau và day dứt dằn vặt bản thân, luôn oán trách xã hội oán trách ngoại cảnh và có lúc oán trách cả gia đình và những người thân trong gia đình mình. Nó luôn cho rằng mình quá bất hạnh, nó luôn cho rằng những khó khăn và nghịch cảnh cứ bám víu lấy nó, rằng tại sao lại là nó ? Nó đã đóng vai nạn nhân và tin rằng mình là nạn nhân thật.
Hôm nay lại là ngày tái khám của má, má bị ung thư giai đoạn cuối nhưng không có dô thuốc hóa trị, mà má uống thuốc sinh học. Bác sĩ bảo má có đột biến gen và có thể uống thuốc sinh học, mỗi ngày một viên, cho tới khi cơ thể kháng thuốc thì sẽ vào hóa trị. Má đã uống thuốc được 4 tháng và về nhà chứ không còn nằm viện nữa. Mỗi tháng cứ lúc nào đến bệnh viện là mọi oán giận trong nó dường như trĩu lại và rồi biến mất một cách lạ thường.
Nó nhớ hôm đó trời nắng kinh khủng hai má con chưa cần bước tới cổng mà đứng từ xa đã thấy một đám đông la hét và chen lấn nhau, đám đông ấy được ngăn cách bởi cánh cổng lớn của bệnh viện. Một xe cơm chay miễn phí và hàng trăm người nuôi bệnh lẫn bệnh nhân chen lấn được ngăn cách bằng cánh cổng lớn bệnh viện. Nó từ từ bước ngang qua để đi dến cổng nhỏ bên hông và đi vào, quãng đường ngắn ngủi in hằn những biểu cảm của mọi người, biểu cảm mong cầu một điều gì đó quan trọng với họ, ít nhất là lúc này. Nó thấy lẫn đâu trong đó có vài người mặc bộ đồ màu xanh dương bệnh nhân, những cánh tay chìa qua khung cánh cổng, với lên trên không trung, những cánh tay đang mưu cầu sự giúp đỡ và sự giúp đỡ chính là phần cơm từ thiện. Chân nó đi chậm lại một nhịp, và lòng nó vơi đi một chút oán giận cuộc sống. Đã có một khoảng thời gian nuôi bệnh tại đây nó hiểu hơn ai hết họ là ai, nhình trang phục và hành động, lời nói nó biết đa số họ là những cô chú sống tại các tỉnh xa, lên Sài Gòn chăm bệnh và chữa bệnh. Đồ đạc lỉnh kỉnh chăn gối, các vật dụng cần thiết, chiếu, quạt, ấm nước nóng, sữa, quần áo để thay và hàng tá thứ. Họ có thể chọn mang hết hoặc mua tại đây, và dĩ nhiên họ chọn mang hết từ nhà theo, chuỗi ngày chữa bệnh và chăm bệnh đã quá mệt mỏi và tốn kém, những phần cơm đó thật sự quan trọng với họ. Nó tự hỏi họ có đang oán giận cuộc sống không ?
Vào đến phòng khám, phòng ở cuối hành lang, bên ngoài là hai hàng ghế ngồi đợi gọi số, mọi người ngồi đợi ở đây đi từ rất sớm, thời gian khám thì mười phút nhưng thời gian đợi chờ có khi nửa ngày. Hầu hết họ đã lớn tuổi, dĩ nhiên, tất cả họ đều bị ung thư. Má bắt chuyện với một bà lớn tuổi, bà ấy lan truyền một năng lượng tích cực hơn nó nghĩ. Bà ấy đi tái khám, cũng thuộc những người phải uống thuốc, bà ấy nói cũng già rồi, bà không mong thuốc sẽ khiến bà khỏi bệnh hoặc sống lâu thêm mấy năm nữa đâu. Bà nói: “Chỉ cần mấy tháng thôi, bà sẽ về nhà mỗi tuần đi qua nhà anh em họ hàng xa gần ở chơi vài ngày rồi qua nhà mỗi đứa con chơi với con với cháu vài ngày rồi chết. Đi chào tạm biệt cái đã rồi nhắm mắt.”. Trong câu nói đó bà đang thể hiện ra bên ngoài sự lạc quan cứ như bà tự nhận thức được cái chết không phải là tất cả, tình thân mới quan trọng và đáng để bà sợ bị mất hơn. Không phải giọng điệu tôi muốn sống thật lâu mà là tôi chỉ cần sống thêm nhiêu đó ngày thôi. Thứ chúng ta sợ đánh mất nhất phải là tình thân, tình thương chứ không phải những thứ phù du ngoài kia. Thế mà chúng ta mải mê đuổi theo để rồi, áp lực, khó khăn thì lại đau đớn và than trách cuộc đời bất công rồi trách lây sang người thân vì sự thật là bản chất con người thì ích kỷ, không ít thì nhiều, không cách này thì cách khác. Nó tự hỏi nó có đang ích kỷ không ?
Một lần tái khám khác nó và má gặp lại bạn cùng phòng bệnh cũ của má, cô ấy cũng đột biến gen và cũng uống thuốc được hai năm, cô vẫn về nhà đi lại và sinh hoạt bình thường được, tay phải của cô ấy thì bị di căn nên không nhấc hay cử động được. Đặc điểm nhận dạng ra cô chính là dáng người nhỏ nhắn vỏn vẹn ba mươi sáu ký, gầy gò da hơi ngăm đen, lúc nào đi khám cũng xách theo cái nón bảo hiểm bên mình. Nhớ lúc má nằm viện chung, cô là người đặc biệt nhất, một mình tự đi khám, tự nhập viện, một tay không thể nhấc lên được còn tay kia xách túi đồ, móc cái nón bảo hiểm lủng lẳng vào túi đồ và xách. Tự chăm sóc bản thân, tự xuống căn tin mua đồ ăn, tự tắm, tự ra lấy thuốc, tự làm mọi thứ mặc dù đang mặc bộ đồ màu xanh bệnh nhân. Mọi người khi đó cũng rất quan tâm đến cô, giúp đỡ mỗi khi cần thay ra giường, giúp đỡ mỗi khi cô mặc áo khoác không được, giúp mỗi khi cô đang ngủ y tá đến phát thuốc nhưng cô không có thân nhân để ra nhận thuốc thì sẽ nhận dùm cô. Cô có hai đứa con, một đứa con gái lấy chồng xa, một đứa con trai bận bịu làm việc lắm, cô kể thế. Cô còn kể con trai làm việc vất vả cũng vì giúp đỡ tiền thuốc, cô không nỡ, thế nên người đàn bà đã gầy gò ấy ở nhà cũng đi buôn bán phụ giúp để đỡ gánh nặng. Sọt hành tỏi để lên chiếc xe đạp rồi dắt đi bán, giọng cô thì to và rõ, thích nói chuyện lắm, nói rằng: “ tôi kinh nghiệm ở trong này mấy lần rồi nên chia sẻ cho mọi người” . Nó cũng không biết kinh nghiệm ở trong này nhiều lần là như thế nào nhưng nó chắc chắn chẳng ai muốn tích lũy kinh nghiệm ấy đâu. Con cái mãi mãi không biết được cha mẹ mình đang suy nghĩ gì, đang sống và vật lộn như thế nào với cơn đau, nó nhìn thấy cô ấy rõ là đang rất đau, rõ là tay đau không nhấc được, rõ là đang cần sự giúp đỡ và chăm sóc. Thế mà cô cứ mãi đóng vai mạnh mẽ và luôn miệng nói tôi làm được tôi không sao. Mọi người trong phòng bệnh đôi lúc hoài nghi và oán trách rằng sao con cái cô không thương cô vậy ? Không chăm sóc cô vậy?. Cô thẳng thừng nói con tôi thương tôi lắm, mọi người không biết rằng tôi đã làm cho thằng bé tiêu tốn rất nhiều tiền như thế nào, nó rất lo cho tôi, rất thương tôi. Tôi không muốn làm gánh nặng đâu. Có lẽ hầu hết cha mẹ luôn có suy nghĩ họ là gánh nặng của con cái, nếu có thể thì họ chắc cũng muốn giấu nhẹm đi việc mình bị đau ốm bệnh tật để con mình không bận tâm. Sau mấy tháng không gặp, đợt tái khám này gặp lại đúng thật là nhân duyên, cô vẫn đi một mình thôi. Rồi tới lượt cô vào khám, một lúc sau nó nghe thấy chút to tiếng, là tiếng của cô. Cô đi ra với gương mặt đẫm nước mắt, ngồi phệt xuống cạnh ghế cô cúi mặt khóc rất nhiều. Một lúc sau cô ngẩng lên nức nở: “ Cô thương con cô quá, mấy trăm triệu tiền thuốc uống hai năm qua bây giờ cũng phải dô hóa trị, biết vậy ngay từ đầu dô hóa trị luôn cho đỡ mất tiền của con tôi. Tôi thương nó quá, tôi thương con tôi quá đi mất”. Ban đầu là giọng điệu oán trách sau là tiếc nuối và rồi là thương cảm. Trách sao lúc đầu không kêu cô vào hóa trị luôn đi, tiếc ngần đống tiền mồ hôi của con, thương đứa con và cảm thấy có lỗi. Thế nhưng vấn đề nó được tiếp nhận đó là vì bệnh tình cô nặng rồi, kháng thuốc và di căn vào xương nên phải hóa trị, không phải cô nên quan tâm đến bệnh tình mình sao ? Cô nên ôm ngực khóc vì mình đau đớn quá không đúng sao ? Ngay cả khi tình huống xấu nhất thì người mẹ lại ôm ngực thương xót cho con của mình. Nó tin chắc cô không bao giờ tỏ ra yếu đuối trước mặt con mình, cô sẽ tự làm được hết tất cả, cô sẽ giảm và tránh hết mức có thể phiền phức đến với con. Và nó nhận ra bậc làm cha mẹ nào cũng thế thôi, chúng ta chẳng bao giờ nghe một lời than vãn mệt mỏi hay đau đớn từ họ cả. Bởi vì nó là một người xa lạ nên cô thả lỏng bản thân và bộc lộ ra với nó đúng không ? Vì không phải là con cô nên mới có thể nhìn thấy cảnh cô đau đớn, lủi thủi, khóc nấc và yếu đuổi đúng không ? Nó tự hỏi liệu ba má có đang yếu đuổi trước mặt một người xa lạ nào đó mà giấu nó không ?
Mỗi lần từ bệnh viện về nó cảm thấy như mình chẳng còn một nỗi đau nào cả, nó không thể diễn thêm một vai diễn nạn nhân nào, chẳng hiểu vì sao, chỉ là trong phút chốc nó thấy rằng mình nên biết ơn mọi điều đang diễn ra. Không một lời khuyên mạnh mẽ lên hay tích cực lên từ một ai có thể chạm đến trái tim như khi ta tận mắt chứng kiến, tận tai nghe và cảm nhận. Hôm nay nó nghe video của chị Tuệ An, một life coaching mà nó yêu thích. Chị có nói: “ Có một cách để chữa lành đó là đi đến tận cùng của khổ đau thì bạn sẽ thấy bạn buông được nỗi đau của bạn. Đôi khi chúng ta luôn oán giận những người làm tổn thương mình, nhưng mình không biết được rằng không có ai làm tổn thương mình hết. Sự tổn thương là gì ? Là mong cầu người khác yêu thương mình theo cách mà mình muốn nhưng mình không được đáp ứng, thế là mình tổn thương.”
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất