Ảnh: TUẤN ĐẠT/laodong.vn
Trong cuộc sống, mỗi người đều có những sở thích, những đam mê và mục đích riêng. Chính vì thế mà việc có những thần tượng cho riêng mình để phấn đấu và theo đuổi là một điều đáng quý. Thế nhưng, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay lại hâm mộ thần tượng tới mức cuồng dại, thái quá và mất kiểm soát như việc tôn thần tượng thành các bậc thiên tài, các bậc thần thánh, đặt thần tượng lên trên tất cả: trên cả vấn đề học tập, sức khỏe bản thân và trên cha mẹ, gia đình. Bài viết này là một cái nhìn về hội chứng “cuồng thần tượng Hàn Quốc” ở một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay từ sự kiện trao giải Asia Artist Awards (AAA) được tổ chức tại Việt Nam (26/11/2019). Đầu tiên bài viết sẽ cung cấp cách hiểu cơ bản về hội chứng “cuồng thần tượng”. Sau đó, bài viết sẽ thảo luận những nguyên nhân dẫn tới trào lưu văn hóa Kpop và hội chứng “cuồng thần tượng Hàn Quốc” ở giới trẻ Việt Nam. Cuối cùng là nêu ra những biểu hiện và những tác động tiêu cực của hội chứng này cũng như là những trách nhiệm của giới trẻ hiện nay nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
"Thần tượng" và "Cuồng thần tượng thái quá"
“Thần tượng” hiểu theo nghĩa của một tính từ là quý trọng, hâm mộ một ai đó bởi tài năng và phẩm chất của họ trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như ca nhạc, phim ảnh, thể thao. Còn “cuồng thần tượng thái quá” là cụm từ dùng để chỉ những việc say mê, yêu thích, thậm chí là tôn sùng các thần tượng của mình một cách quá khích và mất kiểm soát.
Hoàn cảnh của vấn đề
Một ví dụ minh chứng rõ ràng cho việc cuồng thần tượng một cách thái quá của giới trẻ Việt Nam là sự kiện lễ trao giải Asia Artist Awards, giải thưởng uy tín ghi nhận những cống hiến của các nghệ sĩ Châu Á trong 2 lĩnh vực truyền hình và âm nhạc, được tổ chức ở Việt Nam vào tối ngày 26/11/2019 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Có thể nói, việc lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức sự kiện AAA là một vinh dự, một cơ hội để người hâm mộ Việt có thể được gặp hoặc may mắn hơn là giao lưu cùng thần tượng. Tuy nhiên, sau buổi lễ trao giải, đọng lại trong cộng đồng người hâm mộ Kpop ở nước nhà cũng như quốc tế và trong lòng những nghệ sĩ Kpop lại là những hình ảnh “không đẹp” của cộng đồng người hâm mộ Việt Nam. Đó là những hình ảnh những bạn trẻ Việt Nam còn đang trong độ tuổi đi học mà sẵn sàng bỏ cả học để dành cả ngày lẫn đêm ngồi la liệt ở sân bay hay những hình ảnh gào khóc gọi tên thần tượng và thậm chí còn chen lấn, xô đẩy nhau, đánh nhau chỉ để được đến gần thần tượng trong phút chốc. Việc người hâm mộ thể hiện tình cảm với thần tượng là bình thường, tuy nhiên việc cuồng thần tượng quá mức của người hâm mộ Việt Nam trong sự kiện trao giải AAA này đã đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
(Hơn 1.000 fan vạ vật ở Mỹ Đình chờ thần tượng Kpop, Ảnh: Phương Lâm)             https://zingnews.vn/hon-1000-fan-va-vat-o-my-dinh-cho-than-tuong-kpop-post1035117.html
(Hơn 1.000 fan vạ vật ở Mỹ Đình chờ thần tượng Kpop, Ảnh: Phương Lâm)
https://zingnews.vn/hon-1000-fan-va-vat-o-my-dinh-cho-than-tuong-kpop-post1035117.html
Nguyên nhân khách quan
Chứng kiến những biến tướng của việc “cuồng thần tượng” một cách thái quá hiện nay ở giới trẻ Việt Nam thì một câu hỏi luôn luôn được đặt ra là tại sao các bạn trẻ bây giờ lại hâm mộ và thần tượng nghệ sĩ Hàn Quốc đến thế. Nguyên nhân chủ quan không thể không kể đến là sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu, thuật ngữ đề cập đến sự gia tăng mức độ phổ biến của giải trí và văn hóa Hàn Quốc vào cuối những năm 1990 ở châu Á và gần đây hơn là ở các nơi khác trên thế giới. Có thể nói, chính việc chính phủ Hàn Quốc theo đuổi “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” (cultural imperialism) đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng tối đa hiện tượng quốc gia này và bắt đầu hỗ trợ các ngành truyền thông thúc đẩy làn sóng Kpop. Vậy “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” là gì? Theo Tobin, chủ nghĩa đế quốc văn hóa, trong nhân học, xã hội học và đạo đức học, là sự áp đặt của một cộng đồng để thống trị về mặt chính trị hoặc kinh tế bằng các khía cạnh khác nhau của văn hóa của nó lên một cộng đồng khác. Đó là một hình thức của chủ nghĩa đế quốc trong đó một cộng đồng phổ biến các đặc điểm văn hóa và mở rộng quyền lực của nó bằng cách chuyển đổi hoặc thay thế các khía cạnh văn hóa của cộng đồng khác. Theo như một nghiên cứu về hiện tượng Hallyu ở Việt Nam của tác giả Mi-Sook, sự phổ biến của làn sóng Hallyu ở Việt Nam được khởi đầu bằng sự tràn vào của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Sau thời kỳ Đổi mới vào năm 1986, những tập đoàn xuyên quốc gia bắt đầu thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam. Những tập đoàn lớn như Samsung đã thúc đẩy hình ảnh của Hàn Quốc đến Việt Nam bằng cách cung cấp và chiếu miễn phí những bộ phim Hàn Quốc cho người dân Việt Nam trên những kênh VTV của Đài truyền hình Việt Nam. Điều này đã dần thay thế những chương trình quảng cáo và những bộ phim Việt Nam bằng những chương trình của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Hay như tập đoàn LG đã thúc đẩy một chiến lược thương mại bằng cách là nhà tài trợ lớn những sản phẩm mỹ phẩm Hàn cho người dân Việt Nam và tạo những cơ hội để nghệ sĩ Hàn Quốc trình diễn miễn phí ở nhiều sân khấu Việt. Kết quả là hiện tượng văn hóa Hàn Quốc đã dần dần phủ sóng những phương tiện truyền thông của Việt Nam. Có thể nói, những doanh nghiệp này đã sử dụng những sản phẩm mang văn hóa Hàn Quốc làm phương tiện để truyền bá văn hóa của họ, biến một hiện tượng văn hóa trở thành một công cụ đem lại lợi ích kinh tế. Tiếp theo, không thể không kể đến toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại và truyền thông đã khiến giới trẻ chịu tác động không nhỏ, họ rất dễ bị ảnh hưởng và mất định hướng bởi tâm lý đám đông. Có thể khẳng định rằng việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi "tự có" của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuổi trào lưu của giới thanh thiếu niên Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, những khía cạnh tiêu cực được tung hô trên các trang mạng xã hội.
Nguyên nhân chủ quan
Hơn thế nữa, về mặt nguyên nhân chủ quan, là do bị tác động bởi “văn hóa trào lưu”"hiệu ứng đám đông". Thực tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam cho rằng việc chạy đua theo những thần tượng Hàn Quốc là cách để thể hiện bản thân, khẳng định đẳng cấp của bản thân và cho rằng những ai không theo trào lưu này là quê mùa và không nhạy bén với thời cuộc. Thêm nữa, hiện đại hóa cũng kèm theo quá trình cá nhân hóa làm gia tăng những biểu hiện tiêu cực của “văn hóa" cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay. Quá trình cá nhân hóa ngày càng phát triển khiến người ta sẵn sàng bộc lộ hết những điều mà trong bối cảnh trước đây không ai dám bộc lộ. Chỉ trong thời đại này chúng ta mới thấy có việc bộc lộ những mặt tiêu cực của bản thân, việc gào khóc gọi tên thần tượng, xô đẩy nhau để được gặp thần tượng hoặc thậm chí là gây thương tích cho thần tượng để tạo sự chú ý. Điều đó cho thấy những chuẩn mực đạo đức và các giá trị được xã hội đề cao đang dần dần mất đi hiệu lực như là công cụ kiểm soát xã hội mà chúng vốn có trước đây.
Những biểu hiện
Đáng buồn là nét đẹp của việc thần tượng một nghệ sĩ đang dần thay đổi ở một bộ phận giới trẻ hiện nay khi mà những biểu hiện tiêu cực của hội chứng “cuồng thần tượng Hàn Quốc thái quá" ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng người hâm mộ Kpop Việt Nam. Cụ thể là, nhiều bạn đã dọa tự tử nếu bố mẹ không cho đi xem nhóm nhạc Hàn Quốc họ yêu thích về nước biểu diễn. Có những bạn còn bỏ học cả tuần, xin tiền bố mẹ và tìm mọi cách ra Hà Nội để gặp thần tượng; rồi còn thể hiện tình cảm bằng những bức thư dòng chữ viết bằng máu của mình để gửi tới thần tượng khi quá đau buồn vì thần tượng công khai có người yêu. Hay lấy cả tiền nộp học để mua và sưu tầm tất cả những ảnh của thần tượng mình về dán khắp nhà, ngày đêm chìm ngập trong thế giới ảo chỉ có mình và thần tượng. Và một ví dụ bàng hoàng hơn về biểu hiện thần tượng thái quá khi một nhóm bạn học sinh còn hôn cả ghế của ca sĩ Bi Rain đã ngồi trong cuộc giao lưu tại Hà Nội. 
Tích cực? Tiêu cực?
Không thể phủ nhận việc có thần tượng hoàn toàn là điều tốt nếu chúng ta biết hâm mộ một cách đúng đắn bởi nó không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí mà còn phù hợp với lối sống hiện nay. Hơn nữa, chính những thần tượng, những người có tài năng, có phẩm chất tốt sẽ là một tấm gương để bản thân những người hâm hộ không ngừng cố gắng và hoàn thiện mình tốt hơn. Tuy nhiên, việc mù quáng chạy theo thần tượng hay phóng đại thần tượng quá mức đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thậm chí là thiếu văn hóa, điều mà có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đầu tiên, đó là nỗi lo sợ về “hiệu ứng cánh bướm” (docbao.vn). Một mặt, nó là tốt khi hành động tốt của thần tượng được người hâm mộ khắp nơi hưởng ứng, lan truyền và học tập. Mặt khác, nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu những hành động tiêu cực của thần tượng tác động ngược trở lại hàng loạt người hâm mộ. Cụ thể là, các bạn trẻ có thể sẵn sàng tự tử vì thần tượng của mình, thậm chí còn cổ xúy cho những hành động đáng lên án của thần tượng và lấy những điều đó làm tiêu chuẩn, thước đo trong cuộc sống để học hỏi. Ví dụ như sau vụ việc tự tử của Jonghyun, một thành viên nhóm nhạc SHINee, thì cộng đồng Shawol (tên fanclub của SHINee) ước tính có 8 người hâm mộ đã qua đời, một số người được đưa đi cấp cứu và một số người đột ngột mất tích, không thể nào liên lạc được. Hay như vụ bê bối tình dục của Seungri, nhiều người hâm mộ Việt còn mù quáng bao che cho tội ác của thần tượng và kêu gọi ký tên phát động chiến dịch "Keep Seungri in K-pop industry" trên trang Change.org. Thứ hai, nếu thần tượng Kpop quá đà thì kết quả học tập của những nhóm bạn này sẽ càng ngày càng giảm sút, và tệ hợn nữa là khi họ mất đi hứng thú trong việc học hành. Lý do là vì không ít những bạn trẻ ngày nay đam mê thần tượng tới mức quên ăn quên ngủ, liên tục cày view, bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để tiếp cận gần hơn với thần tượng của mình mà quên đi nhiệm vụ chính là học hành. Tiêu cực hơn là một số bạn trẻ còn trở thành tệ nạn của xã hội khi đi trộm cắp và thậm chí là giết người để cướp tài sản vì không đủ tiền đua đòi cùng chúng bạn. Đau lòng hơn nữa, “cuồng thần tượng” thái quá còn dẫn đến hệ quả là những hành động đánh chửi, thậm chí là giết bố mẹ khi họ không được cho tiền tham gia buổi trình diễn của thần tượng. Có thể nói, họ đã tôn thần tượng thành các bậc thiên tài, các bậc thần thánh, đặt thần tượng lên trên tất cả: trên cả vấn đề học tập, sức khỏe bản thân, trên cha mẹ, gia đình. Cuối cùng, nghiêm trọng hơn, việc chạy đua theo thần tượng Kpop còn dẫn đến những nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Học hỏi trong văn hóa không có nghĩa là hâm mộ, bắt chước một cách máy móc. Tuy nhiên, một bộ phận của thế hệ tương lai thích mặc quần áo giống "thần tượng" nước ngoài, ăn uống giống họ, hát hò bằng tiếng nước ngoài, chuộng nghệ thuật nước ngoài. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này đang dần dần khiến cho văn hóa nước nhà bị pha trộn và đánh mất đi nét đẹp riêng biệt vốn có của nó. Bên cạnh đó, họ còn học đòi theo những biểu hiện sai lệch và tiêu cực của văn hóa Hàn Quốc, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh xã hội Việt Nam cũng như là đe dọa trực tiếp đến vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam truyền thống.
Trách nhiệm của ai? Xã hội và bản thân mỗi cá nhân cần phải làm gì?
Có thể nói, việc một bộ phận giới trẻ hiện nay chạy đua theo thần tượng Kpop thái quá trước hết là trách nhiệm thuộc về xã hội, nhà trường và sự quan tâm của bậc phụ huynh. Và để "giảm nhiệt hội chứng" đã đến lúc cả xã hội cần vào cuộc vì quan tâm đến văn hóa, đến nhân cách là quan tâm đến tương lai. Nếu để lỗ hổng nhỏ trong văn hóa hôm nay càng lớn thì nó sẽ trở thành "hố tử thần" trong văn hóa tương lai (Bình, 2015).  Cùng lúc đó để có thể bảo vệ phát triển nền văn hóa cha ông thì có lẽ Việt Nam nên học hỏi chính từ thành công của Hàn Quốc như là chú trọng đầu tư vào con người để có một đội ngũ chuyên gia thật xuất sắc vì khi đã có nền tảng con người vững chắc thì sự đầu tư tiền bạc vào các dự án văn hóa mới thực sự có hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần trở thành những người hâm mộ có văn hóa, biết biến thần tượng của mình trở thành nguồn động lực để không ngừng hoàn thiện bản thân chứ đừng để thần tượng biến mình trở thành những cỗ máy mụ mị. Ví dụ như trong sự kiện lễ trải giải AAA vừa qua, những nhóm bạn trẻ này nên bày tỏ tình cảm của mình với những thần tượng bằng những hành động tích cực, không nên gào thét, xô đẩy lẫn nhau và tránh chen chúc, xếp hàng chật kín sân bay làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội cũng như hủy hoại đi hình ảnh đẹp vốn có của cộng đồng.
Tóm lại...
Việc “cuồng thần tượng Hàn Quốc” vốn không chỉ diễn ra trong giới trẻ Việt Nam mà còn rất nhiều nước trên thế giới. Có thể nói, điều này đã gây ra những hệ lụy khôn lường cho mỗi cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung. Do đó, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần phải ý thức hơn về điều này để cuộc sống luôn văn minh hiện đại mà không đánh mất đi những giá trị cổ truyền tốt đẹp.
Người viết: Thanh Lan
Tham khảo:
Binh, T. N. (2015). "Cuồng thần tượng" một hiện tượng xã hội đáng lo ngại. Retrieved from https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/26224202-cuong-than-tuong-mot-hien-tuong-xa-hoi-dang-lo-ngai.html
Fan tự tử vì thần tượng: Những 'hiệu ứng cánh bướm' đáng so nhất trong cuộc đời. (n.d.). Docbao.vn. Retrieved from https://docbao.vn/gioi-tre/fan-tu-tu-vi-than-tuong-nhung-hieu-ung-canh-buom-dang-so-nhat-trong-cuoc-doi-tintuc506507
Mi-Sook, P. (n.d). A study on transnational cultural flows in Asia through the case of Hallyu in Vietnam. (chap. 13). PDF File.pdf. Google Docs. Retrieved from https://drive.google.com/file/d/1YeIqvH589mdwhlvKIF0qIS8jP2fw7IHI/view
Tobin, W. T. (n.d). Cultural imperialism. Encyclopedia Britannica. Retrieved from https://www.britannica.com/topic/cultural-imperialism