Hiện nay cái tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời”( HTĐCT) không còn xa lạ trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là đối với cộng đồng mạng. Có thể nói đây là một hiện tượng văn hóa- xã hội có tác động không nhỏ đến tình hình nước ta trong thời gian gần đây. Cá nhân tôi cho rằng đây là diễn biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, rất đáng nhận được sự quan tâm và đưa ra giải pháp.
Sắc lệnh 234–SL đã thể hiện quyền tự do tôn giáo trong Chương 1- Điều 1: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào.” Tuy vậy, trong thời gian gần đây, lực lượng cơ quan chức năng đã phải vào cuộc nhằm ngăn chặn hoạt động trái pháp luật của tổ chức tự xưng với tên gọi “Hội Thánh Đức Chúa Trời”. Vậy nguồn gốc của hội là do đâu, có hoạt động và ảnh hưởng ra sao, chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận lại dựa trên những giá trị văn hóa, tôn giáo.
Trước hết, Hội Thánh của Đức Chúa Trời hay còn có tên gọi khác là Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới, là một phong trào tôn giáo mới bắt nguồn từ Hàn Quốc và hiện đã có mặt tại 175 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo như thông tin trên website thức của Hội Thánh Đức Chúa Trời (tên tiếng Anh là World Mission Society Church of God), hội này do ông An Xang Hồng (Ahn Sahng-hong) là người Hàn Quốc sáng lập vào năm 1964. Hiện nay, tổ chức Hội do ông Tổng Hội trưởng Mục sư Kim Joo Cheol và bà Jang Gil-ja lãnh đạo. Theo như tôi tìm hiểu, hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời tại đây chủ yếu hướng tới các giá trị nhân đạo nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa cao đẹp. Cụ thể,  tổ chức Hội đã huy động lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn, chung tay bảo vệ môi trường, chăm sóc trẻ em nghèo và người khuyết tật, hiến máu nhân đạo cùng các chương trình hòa nhạc. Kể từ khi ra đời, Hội Thánh Đức Chúa Trời tại Hàn Quốc đã hoạt động tích cực và đạt được thành tích đáng kể.
Năm 2016, Hội được nhận giải thưởng Phụng sự Tình nguyện (Award for Voluntary Service) của Nữ hoàng Anh cùng nhiều giải thưởng khác của chính quyền Hàn Quốc cho các hoạt động ứng cứu động đất, làm sạch thành phố. Rõ ràng đây là một tổ chức tôn giáo rất đáng được phát huy vì lợi ích của cộng đồng và toàn thể xã hội.
Ở Việt Nam, một số nhóm tôn giáo mang tên Hội Thánh Đức Chúa Trời được cấp phép hoạt động từ lâu. Nhưng những năm gần đây chính quyền lo ngại về sự xuất hiện của hiệp hội mạo danh Hội Thánh Đức Chúa Trời gắn với cụm từ 'tà giáo' hay 'tà đạo' được nhiều tờ báo Việt Nam nhắc đến.
"Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh Thánh", theo bài báo trên Lao Động ngày 24/4/2018.
"Các giáo lý, giảng đạo của "Hội thánh Đức Chúa Trời" mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan", theo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/4/2018.
"Công an xác minh nhóm tà giáo 'Hội Thánh Đức Chúa Trời" chính là nhan đề bài báo của Dân Việt ngày 24/4/2018.
Tuy nhiên Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Church of God) là cái tên được sử dụng bởi các tổ chức Thiên Chúa giáo hoạt động hoàn toàn độc lập. Chính từ đó tổ chức tôn giáo với tên gọi HTDCT đã gây nên một số hiểu nhầm và bất cập trong đời sống xã hội.
Theo như tiến trình văn hóa và thực tiễn lịch sử Việt Nam, các tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta còn tồn tại những mặt hạn chế, trong đó có hai điểm nổi bật: Thứ nhất, với các tín ngưỡng tôn giáo có nguồn gốc bản địa thường hoạt động theo hệ thống còn thiếu tính quy củ. Nguyên nhân chính là do sự tồn tại của các tôn giáo này chủ yếu qua truyền miệng và ngày càng bị biến dạng qua thời gian. Thứ hai, với các tôn giáo bắt nguồn từ nước ngoài, song lại không được thẩm định dựa trên cơ sở vốn kiến thức rộng rãi và sâu sắc để định hướng, nên dễ sa vào giáo điều và định kiến của xã hội. Không ít các trường hợp hiện nay đang lợi dụng tôn giáo để vụ lợi cá nhân và thậm chí còn coi đó như một phương tiện kiếm sống. Cũng không ít những tổ chức mạo danh tôn giáo để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật và gây mất trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian vừa qua, ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương đã dành sự quan tâm, chú ý đặc biệt tới các hoạt động của tổ chức tự xưng mang tên "Hội Thánh Đức Chúa Trời". Một điểm đáng chú ý là hoạt động của hội này đã đi ngược lại những giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Từ đây, cũng cần nhìn nhận lại vai trò của các thể chế luật pháp và sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.
Tại Việt Nam, Hội Thánh của Đức Chúa Trời du nhập vào từ năm 2001. Cho đến tháng 4 năm 2018, các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa tin về hội này như một tà giáo xuất hiện ở Việt Nam. Công an đã điều tra một số thành viên của hội bị cho là truyền đạo trái pháp luật tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bình Dương, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang. Như được biết, “Hội Thánh Đức Chúa Trời” xuất hiện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào năm 2017 và phát triển mạnh vào năm 2018. Có thời điểm, Hội này đã lôi kéo hàng trăm người tham gia, khiến cho nhiều người làm ra những việc trái luân thường đạo lý của quốc gia dân tộc mình. Sau một thời gian tạm lắng, "Hội thánh Đức Chúa Trời” lại xuất hiện ở Thừa Thiên – Huế với những thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để hoạt động tổ chức truyền đạo trái phép được lâu dài, hoạt động của hội trở nên khó phát hiện hơn trước đây, cụ thể như: liên lạc với nhau qua ứng dụng trên mạng xã hội facebook,  zalo,... sử dụng tên giả, sinh hoạt với quy mô nhỏ hoặc sinh hoạt theo gia đình và thường xuyên thay đổi địa điểm để đối phó với các cơ quan chức năng. Cũng theo nguồn tin nhận được từ cơ quan công an, những người tham gia vào "Hội thánh Đức Chúa Trời”  bị phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn là học sinh, sinh viên, người không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, bị thiếu hụt tình cảm, trạng thái tâm lý không ổn định…Những hoạt động và tác động cụ thể của hội được thông tin từ truyền thông Việt Nam ghi lại như sau:
Thứ nhất, các nhóm tự xưng là HTĐCT tại nước ta đã "dùng chiêu trò" để dụ dỗ người dân tham gia. Dưới hình thức là nhân viên bán hàng online, những người kinh doanh, buôn bán các sản phẩm hàng tiêu dùng hay các tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện…, thành viên của hội tìm cách tiếp cận người dân để dò la tâm lý, nắm bắt sở thích, thói quen của từng người để lôi kéo họ tham gia..
Thứ hai, các tổ chức của hội tiến hành truyền bá tà đạo, khuyến khích các thành viên bỏ vợ hoặc bỏ chồng, bỏ học, bác bỏ tục lệ thờ cúng tổ tiên trong truyền thống văn hóa từ xưa đến nay. Đây có lẽ là điểm đáng chú ý của tổ chức tự xưng “ Hội Thánh Đức Chúa Trời” tại Việt Nam trong thời gian gần đây khiến dư luận quan tâm. Hệ quả  khiến cho nền văn hóa bị mai một, kéo theo đó là bao gia đình ly tán.  
Thứ ba, Hội yêu cầu các hội viên phải đóng 10 % thu nhập hàng tháng để sinh hoạt và thêm các khoản tiền đóng tự nguyện khác. Bên cạnh đó, nếu hội viên không có việc làm thì được bố trí đi bán hàng rong và nguồn thu nhập được đem về nộp lại cho tổ chức. Tình trạng này đã đặt ra những vấn nạn lớn gây mất trật tự an ninh xã hội.
Hoạt động của những nhóm này được mô tả chủ yếu là tiêu cực, như "ép đóng tiền, khuyến khích phá thai" (Zing.vn), "thuyết giảng như kẻ điên loạn" (VTC News), "tan cửa nát nhà vì theo Hội Thánh Đức Chúa Trời " (báo Thanh Niên). Tuy vậy, nhìn từ góc độ các hoạt động văn hóa, tôn giáo của một số tổ chức chính thống như đã nêu trên, Hội Thánh Đức Chúa Trời hiện đang hoạt động theo chiều hướng tích cực cần được pháp luật bảo vệ.
Ngày 25 tháng 4 năm 2018, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng yêu cầu các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần lưu tâm đến hoạt động của tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho biết cần thêm thời gian để kiểm chứng về các nhóm tôn giáo mang tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, để phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.
Trước tình hình sự việc này, Mục sư Lê Minh Đạt từ TP Hồ Chí Minh đã bình luận với BBC cùng ngày 25/4: "Các tôn giáo cũng cần có môi trường tự do cạnh tranh để tôn giáo tốt thì tồn tại, tôn giáo không tốt sẽ tự tàn lụi."
Có thể nói rằng thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa yêu cầu chúng ta cần tôn trọng những giá trị văn hóa tôn giáo mới nhưng sẽ không vì thế mà trở nên mù quáng, làm mờ đi giá trị cốt lõi mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Sự xuất hiện của tổ chức tự xưng là “Hội Thánh Đức Chúa Trời” cũng khiến cho chúng ta nhìn nhận vấn đề tự do tôn giáo một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn.
Tài liệu tham khảo:
Nhận thức lại về các khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo từ góc độ nghiên cứu tôn giáo.,<http://www.vjol.info/index.php/rsr/article/viewFile/21543/18412>
Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới.,<  https://vi.wikipedia.org/wiki/Hội_Thánh_của_Đức_Chúa_Trời_Hiệp_hội_Truyền_giáo_Tin_Lành_Thế_giới>
Tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời 'cần được kiểm chứng'.,<https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43890229>