Lâu lắm mới trở lại để viết bài, quả thực thời gian qua mình đã học được rất nhiều thứ. Để bây giờ có thể viết ra những trải nghiệm của mình.
Mình là một “giáo viên tiếng Anh” ở một huyện ngoại ô, mình chỉ dạy thêm ở ngoài. Thực chất mình chỉ là người truyền đạt lại những gì mình biết về tiếng Anh mà thôi. Học sinh của mình cũng nhiều thành phần, từ mầm non cho đến cấp 3, mình được tiếp xúc với nhiều thể loại học sinh. Cơ hội này đã mở ra nhiều thứ rất hay ho mà mình chưa bao giờ nghĩ tới. Để mình kể cho các bạn nghe.
Câu chuyện đầu tiên là một bạn học sinh của mình. Là một người học tốt trong lớp, được vào lớp chọn của một trường top trong huyện. Ở cái tuổi 16, được vào một môi trường tốt, theo mình nghĩ, đây là một cơ hội tốt để học hỏi và phát triển. Nhưng đêm hôm đó bạn này nhắn tin cho mình và bảo đang gặp nhiều áp lực trong học tập. Bạn không muốn tiếp tục và có cảm giác chán nản mỗi khi đến lớp. Bạn có cảm giác mất động lực và không muốn làm gì cả. Với sự nhạy cảm của một giáo viên, mình có nhớ lại là trên lớp học thêm bạn hay đi học cùng một người học “tốt hơn” bạn ấy. Thế là mình hỏi bạn ấy: “Có phải trước đây em là một học sinh tốt ở lớp, và bây giờ khi lên cấp 3 thì thấy nhiều bạn học tốt hơn nên bản thân có áp lực đúng không?”. Đúng như mình nghĩ bạn bảo “Dạ đúng rồi ạ”.
Đến đây mình cũng không muốn kể thêm, vì đủ cho bạn đọc hiểu rằng vấn đề gốc rễ nằm ở đâu rồi. Câu chuyện giáo dục và điểm số đang nóng hầm hầm mỗi ngày, nhưng chả có ai đưa ra giải pháp cho các bạn học sinh – người chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải làm sao để đối mặt với nó, khi mà vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Với mình, các bạn nên được giáo dục tư tưởng bởi những người có tư tưởng đúng đắn và thông thái hơn mặt bằng chung của xã hội ( là những người biết dạy cho học sinh cách các bạn ấy khám phá bản thân và những góc nhìn khác quan về xã hội).
Nhưng nếu giáo dục vẫn tiếp tục như hiện tại thì học sinh phải làm gì để có thể trở nên thoải mái trên lớp học. Theo quan điểm và góc nhìn của mình, thì đó là các bạn phải thay đổi tư tưởng của bản thân.
Có hai loại học sinh:
Học sinh giỏi (good): Luôn phấn đấu để được điểm số cao, luôn tìm tòi học hỏi các kiến thức để tăng điểm số của bản thân. Ngoài ra các bạn thích chia sẻ kiến thức của mình cho những người các bạn gần gũi.
Học sinh xuất sắc (great): Luôn phấn đấu để phám phá môn học mà bản thân mình yêu thích, luôn tìm tòi học hỏi các kiến thức để hiểu sâu và hiểu bản chất vấn đề. Ngoài ra các bạn còn chia sẻ kiến thức và năng lượng tích cực của mình cho các bạn khác có cùng chung sở thích.
Còn 1 loại ngoại lệ là học sinh dốt: Không thích học và tìm tòi, thì mình không muốn nói.Nếu là mình thì mình chọn loại học sinh xuất sắc làm hình tượng. Vì khi tìm tòi các mình thích sẽ luôn cảm thấy hứng khởi, và có cảm giác hạnh phúc nếu tìm được lời giải. Ngoài ra còn không bao giờ bị áp lực bởi các yếu tố ngoại cảnh. Nhóm này họ biết họ giỏi cái gì vì họ hiểu bản thân.
Loại 1 thì các bạn sẽ bị áp lực bởi điểm số, vì với các bạn điểm số là thước đo chứ không phải giá trị của bản thân, nên là lòng tự trọng nhóm này sẽ thấp hơn. Khí bị điểm thấp hay bị ai đó chê là bĩu môi và phản kháng rất mạnh.

Quay trở lại với câu chuyện bạn đầu, nếu bạn học sinh thay đổi tư tưởng, chọn con đường đi của riêng mình. Nếu ở lớp các bạn chuyên Anh, ai cũng giỏi ngữ pháp và từ vựng mà bản thân lại giỏi phát âm, thì hãy tập trung mạnh vào phát âm để trở thành một “master” trong lớp về phát âm. Là một con khỉ thì hãy tập trèo cây giỏi để lượm đồ ăn, sau đó mới học bơi để bắt cá con, chứ mà ngay từ đầu đi cạnh tranh với con cá to thì con khỉ đó sẽ chết đói sớm thôi.