Mình biết rằng, nhiều bạn khi đọc bài viết này chưa chắc đã học được gì từ cha mẹ, vì có nhiều ông bố bà mẹ ngoài kia không có chiến tích gì trong tay để tự tin dạy con, hoặc chẳng thèm đem kinh nghiệm cuộc đời họ để dạy con cái mình. Đôi khi một phần do con cái không thèm nghe lời dạy từ họ. Nhưng mỗi nhà mỗi cảnh, tính ra mình thật may mắn sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc do đâu mà có ? Nhờ kinh nghiệm sống và cách làm việc, cách đối nhân xử thế của ba mình.
Trước khi bước vào năm nhất đại học, mình không bao giờ muốn nghe những lời răng dạy của cha mẹ. Có lẽ một phần mình chưa trải đời, chưa gặp phải tình huống khó khăn cần giải quyết, nên mình xem đó là những lời dạy sáo rỗng, chẳng có ích gì cả. Một thời gian sống chật vật ngoài Sài Gòn với đủ thứ lo toang, ngoài ra còn phải trả giá (trả nợ môn) sau khi ăn chơi, bỏ học gần hết các môn trong học kì I năm hai đại học. Muốn học nhưng lười, lười quá thì lên google tìm phương pháp học hiệu quả. Nhờ vậy mà mình tìm ra spiderum, lên youtube mình học được nhiều kĩ năng hơn. Nhưng cuối cùng quay đi quẩn lại, cái mà mọi người dạy nhau trên Spiderum, các khóa học của KOL chuyên mảng giáo dục trên youtube, cũng chỉ là những lời dạy của ba mẹ mình.
#1- Làm thế nào ba mình trở thành người lãnh đạo (nhỏ) ?
Ba mình ra đời từ rất sớm, ông học không giỏi cho nên ông quyết định từ bỏ con đường học hành sau khi tốt nghiệp cấp hai. Quay về phụ giúp ông bà nội, gia đình nội mình tạm gọi là gia đình giàu nhất cái xóm nhỏ, cũng nhờ vào nghề chăn vịt và làm ruộng, ông nội bị mất một chân trong chiến tranh, nhưng không vì bản thân là kẻ tội đồ chiến tranh hay vì mặc cảm là người tàn tật mà quên đi nghĩa vụ làm cha, làm trụ cột cho gia đình (Ông nội mình làm chỉ huy kíp lái xe tăng của Ngụy, ông nội bị cụt chân là do xe tăng cán phải mìn của quân Bắc Việt, dù gì ông nội may mắn đứng trên tháp pháo nên chỉ mất một chân. Còn đồng đội của ông ngồi trong xe tăng đều hy sinh cả). Vậy nên, ba mình thương ông nội và nể ông lắm. Ba từ bỏ tương lai để về phụ ông nội. Ông nội đã từng làm chỉ huy trong thời chiến nên ông dạy ba bằng cách biến ba mình thành người chỉ huy trong công việc. Ông nội giao 100% công chuyện chăn nuôi năm đàn vịt, kèm theo đó là quản lí năm nhân công đang chăn năm đàn vịt ấy. Còn ông nội một mình tự lo mười mấy mẫu ruộng với cái chân cụt của ông. Sau mỗi ngày làm việc, ông nội cùng ba thường hay thức đêm bàn công việc với nhau. Từ cách chăm sóc đàn vịt, quản lí người làm thuê, cho đến quản lí thu chi, buôn bán trứng,... Nói chung là bao nhiêu kinh nghiệm của người làm chủ, người lãnh đạo, ông nội dạy cho ba hết.
Đến tuổi đôi mươi - tuổi biết yêu, ba năng nổ đi chùa, không phải là vì việc làm từ thiện này nọ mà chủ yếu để tán gái :v . Thực sự, ở chùa không đủ sức để làm từ thiện này nọ đâu, vì những năm 8x, ai ai cũng nghèo khổ cả. Nên chùa chỉ là sân chơi, hoạt động ngoại khóa, là nơi dạy cho các phật tử trẻ biết đầy đủ những kĩ năng sống cần thiết, là nơi được tư vấn tâm lí miễn phí từ các sư thầy trong chùa. (Tính ra chùa như một cái động spiderum của thế hệ 7x,8x ở quê mình). Thanh niên bây giờ thì khác, họ phải nhận đầy rẫy áp lực cuộc sống, sức khỏe tinh thần đi xuống trầm trọng, nhưng muốn giải quyết vấn đề của bản thân thì phải bỏ tiền túi ra chứ chả ai giải quyết free cả.
Ba biết ổng là người xấu xí, tại vì ổng đen đúa và còn để bộ râu như hình dưới.
Hình ảnh chỉ để miêu tả bộ râu của ba mình lúc ông ấy 2x tuổi. Ông ấy không xấu đâu, hồi thanh niên ổng phong độ dữ lắm :)))
Hình ảnh chỉ để miêu tả bộ râu của ba mình lúc ông ấy 2x tuổi. Ông ấy không xấu đâu, hồi thanh niên ổng phong độ dữ lắm :)))
Vậy làm sao để thu hút phái nữ nhiều nhất có thể ? Ổng chọn thế mạnh của bản thân, đó là kĩ năng lãnh đạo. Ba mình xung phong làm huynh trưởng trong đoàn Phật tử, nhưng để làm được huynh trưởng, không phải chỉ có kinh nghiệm làm lãnh đạo trong gia đình là đủ. Đoàn Phật tử thời đó đào tạo các huynh trưởng rất bài bản, họ cử ba mình đi học tâm lý trẻ, các khóa học sư phạm cấp tốc, kĩ năng quản lý đội nhóm... Nói chung là những kĩ năng cần thiết của một người lãnh đạo, ba được giao nhiệm vụ tạo sân chơi cho đoàn sinh, mở ra các buổi thuyết pháp cho Phật tử trẻ hiểu thế nào là đạo (chứ không phải như thời bây giờ đâu ha. Mấy cố mấy dì không hiểu biết, đem mê tín dị đoan vào chùa cúng bái vô độ, cầu mong Phật phù hộ độ trị, còn mấy chị trẻ đẹp bận áo lam cong đít chụp ảnh selfie trên chùa kèm hashtag #hoarơicửaPhật :D). Đoàn sinh trong chùa khong phải ai cũng là con nít, có cả thanh niên có học thức cao (học sinh cấp ba, sinh viên, giáo viên trẻ) tham gia vào các khóa học. Ba chẳng thấy áp lực gì cả, vì ông ấy sống có trách nhiệm từ khi bỏ học lớp 9 rồi, ông không sợ đoàn sinh của mình là người có học thức hơn ông. Ông chăm chỉ đọc kinh sách sau một ngày chăm lo cho kinh tế của đại gia đình 12 người, chỗ nào không hiểu thì hôm sau ba mình đi hỏi các sư thầy trong chùa. Học được tới đâu, soạn giáo án tới đó (ba chuẩn bị trước chương trình của các khóa học khoảng 5 tiết để phòng tránh những câu hỏi hóc búa từ các bạn trẻ đưa ra, dù gì đoàn sinh không phải ai cũng là con gà). Ba dạy học trò không phải theo kiểu bắt học trò của mình phải chép lấy chép để, ba học được gì thì dạy đoàn sinh cái đó. Tóm gọn ý để đoàn sinh hiểu được kinh sách nói gì (Bạn biết đấy, kinh nhà Phật có hàng ngàn câu chuyện của các bậc La Hán, Bồ Tác, Đức Phật bị đem ra thần thánh hóa. Nhưng trong đó luôn chất chứa những bài học thực tế trong cuộc sống, kinh Phật như sách self help. Nhiều người không hiểu biết cứ lên chùa cúng bái, đọc kinh đọc sách nhưng vẫn bị lú, vẫn tin những câu chuyện với phép biến hóa thần thông trong kinh sách là có thật :D. Đọc để tìm thấy bình an, hạnh phúc, có hiểu gì kinh Phật đâu mà đòi hạnh phúc :)) ). Dần dần ba mình nhận được sự yêu mến từ đoàn sinh. Nhưng đâu phải dạy giỏi là đoàn sinh, Phật tử nể phục ?
Ngôi chùa Linh Sơn - Có lẽ đây là một trong những trung tâm dạy phát triển bản thân cho thanh niên đầu tiên và duy nhất ở quê mình trong những năm 80 - 90. Hiện tại nó chỉ là nơi cúng bái, làm thiện nguyện. Những hoạt động mà mình kể trong bài viết cho đến hiện nay không còn tồn tại.
Ngôi chùa Linh Sơn - Có lẽ đây là một trong những trung tâm dạy phát triển bản thân cho thanh niên đầu tiên và duy nhất ở quê mình trong những năm 80 - 90. Hiện tại nó chỉ là nơi cúng bái, làm thiện nguyện. Những hoạt động mà mình kể trong bài viết cho đến hiện nay không còn tồn tại.
#2 Người lãnh đạo (nhỏ) xử lí công việc ra sao ?
Từ kinh sách, từ bài học lãnh đạo của ông nội dạnh cho. Ba xử lí các vấn đề trong đoàn Phật tử rất nhanh gọn.
Trong đội nhóm có đoàn sinh đánh nhau. Ba không vội phạt hay chửi mắng, ba gọi cô M (trong đội quản trò) đi điều tra các nhân chứng. Khi mọi việc đã rõ ràng, ba mình mới bắt đầu phân xử, ai đúng ai sai, nếu người làm sai không phục ư ? Vậy thì ba giao việc của người đúng kia cho người đang mắc sai lầm làm thử, nếu không làm được thì phải chịu phạt. Ba nói được là làm được, không biết thì không nói, không cố cãi học trò nếu quan điểm của họ là đúng.
Ba biết nhìn ra điểm mạnh của từng đoàn sinh nên công việc lúc nào cũng trôi chảy. Cô B có năng khiếu múa, ba giao cho cô ấy dạy múa. Biết M, N, T có khả năng diễn xuất tốt, ba đề cử họ vào nhóm kịch của chùa. Ba biết trong đoàn múa lân ai là người có khả năng đánh trống tốt, ai cao ráo thì cho họ tập múa đầu lân, ai thấp và khỏe hơn thì làm đuôi lân. Còn mấy cậu thấp thấp vui tính thì cho làm ông địa,... Phân công đúng người đúng việc nên ai cũng nể phục ba.
Dám thử sức với thử thách lớn. Bạn không biết là ba mình viết chữ xấu và sai chính tả tới cỡ nào đâu. Nói chung điểm văn của ông ấy rất tệ thời còn đi học nhưng không phải điểm văn thấp là ông từ thử thách viết kịch bản. Ở chùa tổ chức văn nghệ mừng lễ Phật đản, lãnh đạo đoàn Phật tử yêu cầu ba mình viết kịch bản, đây là cơ hội để ba thử thách bản thân. Vở kịch kết thúc xuất sắc, ông ấy đã lấy đi nước mắt của hàng trăm khán giả trong buổi lễ văn nghệ đó. Một phần là ba tuyển chọn đoàn sinh có năng khiếu diễn xuất, một phần là do ba bỏ hết sức mình để đầu tư chất xám vào vở kịch.
Một người vượt qua biết bao nhiêu thử thách như ba mình, thì đương nhiên mục đích đi cưa gái ban đầu của ba mình thành công mỹ mãn. Ông bà ta nói "Trai tài, gái sắc" quả không sai, trai có tài thì mấy cô mới mê mệt ba mình. Đã bao nhiêu lần ông khoe chiến tích tán gái cho hai đứa con nghe, hai anh em mắt tròn mắt dẹt vểnh tai lên nghe ổng kể, mẹ chỉ cười tủm tỉm khi biết ổng nổ banh xác, thêm thắt câu chuyện cho kịch tính (nhưng mẹ confirm chuyện ổng cưa đổ nhiều là có thật, cũng toàn là cô gái xinh đẹp tài năng, mẹ mình kém xa họ nhiều =)) ).
#3 - Kinh nghiệm học được khi còn làm cho ông nội, cùng với những bài học phát triển bản thân trong kinh Phật, hoạt động ngoại khóa ở chùa. Tất cả không vô dụng, những bài học kinh nghiệm đó giúp ba mình ra riêng vững vàng hơn. Cơ mà, đại bàng non mọc đủ lông đủ cánh bay đi, chưa chắc đã đủ khả năng tồn tại ngoài tự nhiên.
Sau khi ba mẹ mình cưới nhau, ba không có vốn làm ăn. Nên ông nội đề nghị ba mình trong ba năm đầu ở nhà nội làm việc cho gia đình, một phần phụ giúp ông nội, một phần khác là ông nội tích vốn cho ba mình mua một mảnh đất mặt tiền, chia ruộng và tách đàn vịt ra cho ba làm ăn riêng. Khởi nghiệp thuận lợi, nhưng được vài năm thì dịch cúm H5N1 làm ba mình trắng tay, nuôi đàn nào gẫy đàn đó. Cũng may mắn mẹ mình là thợ may áo dài, gồng gánh cả gia đình khi ba đang còn thất nghiệp cùng với đống nợ ngân hàng. Trước đây, mẹ góp ý ba để dành tiền mua ruộng phòng hờ, chứ lỡ gặp trắc trở thì may ra ông còn mấy sào ruộng cứu cánh kinh tế gia đình.
Rảnh rỗi quá không biết làm gì, chẳng lẽ ba cứ trong chờ vào ruộng hoài. Ba mình quyết định đi học nghề quay chậu của bác Đ, học được một tháng thì ra làm riêng. Chậu bán rất chạy, vì ông ấy hiểu được tâm lí khách hàng, họ muốn chậu phải bền đẹp, lỡ có va đập mạnh cũng không bị vỡ, mẩu mã chậu luôn thay đổi đa dạng chủng loại để thu hút khách hàng. Nhưng để làm được như thế, bạn không biết rằng ông ấy đập nát hàng trăm mẫu chậu không vừa ý ổng đâu. Rồi đến cách sơn chậu, chả có ông thợ vẽ nào chỉ ba cả, ba tự mò, sơn vẽ lên chậu, sơn bị bong tróc. Không biết lý do vì sao sơn không dính lên chậu, ba phải đi hỏi bạn bè (mấy ông thợ sơn tường). À, thì ra sơn dính được là nhờ sơn phải pha với keo mới dính. Mẫu sản phẩm đẹp thì đương nhiên khách kéo tới đông. Nhưng kinh doanh ở dưới quê khó khăn hơn bạn tưởng, ba phải cho họ mua nợ mua khất rất nhiều để giữ mối làm ăn. Để rồi lại phá sản lần hai (phá sản không phải bán nhà bán đất cố gắn gồng gánh đâu nhé =)), bị âm vốn nên ba bỏ nghề luôn).
Rồi ba chuyển nghề qua làm phù điêu - trang trí nội thất, hình ở dưới cho ai không biết nghề đó là gì.
Trần thạch cao cùng với các họa tiết chỉ, phù điêu thạch cao.
Trần thạch cao cùng với các họa tiết chỉ, phù điêu thạch cao.
Nghề trang trí nội thất thì có đủ thứ cần để trang trí trong nhà của khách hàng: Từ phù điêu mặt dựng, đến phù điêu trần nhà, từ phù điêu đầu-chân trụ cho đến đóng trần trần thạch cao, ba nhận đủ cả.
Nhưng một người thì không giỏi trăm nghề được, bắt buộc ba phải đi tạo mối quan hệ, phải đi nhậu nhẹt với thầu xây dựng hoặc những đối thủ cạnh tranh khác. Thứ nhất là để nghe ngóng tình hình làm ăn, kinh nghiệm làm nghề của đồng nghiệp. Thứ nhì là có thể thu nhận được thêm nhiều nhân công có tay nghề cao, đây là những người tài năng có những thứ mà ba không thể nào học lỏm ai được. Khi có được sự thân thích của đối tác làm ăn, ông hay dùng chiêu mượn nhân sự của họ =)) Mượn hoài thì cuối cùng nhân công lành nghề của người ta về tay ba mình hết. Điển hình như chú H, chú này là thợ đóng trần thạch cao có nhiều năm kinh nghiệm khi làm thợ đóng trần cho công ti Vĩnh Tường Sài Gòn. Nhiều lần tiếp xúc, làm việc cho ba mình, chú H dần có cảm tình với ba hơn vì chú cảm thấy được tôn trọng hơn khi làm với ba mình, được trả lương cao mà còn được dạy ba mình cách đóng trần thạch cao nữa. Ba mình học được cách đóng trần rồi, nhưng ba không bỏ chú H, ba hỏi chú nếu có người quen thì dẫn về đây làm với ba. Ba biết cách ăn nói, cứ để ba đi tiếp thị nhận thêm nhà về cho mọi người cùng làm, từ một đội 2 người, trong một năm thành đội 10 người. Vẫn là kinh nghiệm chọn đúng người đúng việc từ cái thời còn làm Huynh trưởng Đoàn Phật tử. Ba nói:
- Thằng H tính ẩu tả, nhưng được cái đóng trần thạch cao đẹp, ba giao nó 100% việc đóng trần
- Tr, mẹ nó cái thằng lười, suốt ngày ra quán net. Ba khoáng nó làm hàng tại nhà, 100k/1 cái phù điêu trần, 10k/1 chỉ thạch cao,... Tiền chơi game không có nên chắc bức bối lắm. Ba khoáng cho nó làm để nó có động lực hơn (Ông nào dân chơi game thì biết, chơi game đem lại sự thỏa mãn ngay lập tức cho người chơi bằng thưởng nóng sau những nhiệm vụ mà họ hoàn thành - Mà sao ba mình ổng hiểu được người nghiện game nhỉ ? Chắc ổng có thiên nhãn nhìn ra sự thật =)) )
- T, thằng này lanh lợi, ăn nói khéo, cái gì ba chỉ dạy một lần là hiểu ngay. Nhưng thằng này hơi nhỏ con, ba giao cho nó đi tiếp thị thay ba. Nó làm cái gì cũng được nên ba thường giao cho nó đủ việc để bù đắp vào vị trí việc còn trống.
- Thằng L này, nó chậm, nhưng được cái khỏe + tỉ mỉ. Cho nó đi làm việc nặng hoặc những việc có chi tiết cao
Thôi khỏi phải lan man kéo dài, mình nói vậy thì các bạn đủ hiểu ba mình hiểu nhân sự của ổng tới cỡ nào rồi ha.
Để công việc hoạt động trơn tru, ba mình phải biết tất cả các công đoạn, cách thức làm việc của cái nghề trang trí nội thất này, chỗ nào không biết phải học từ thợ của ổng. Để làm gì ? để thợ của ba phải phục tùng theo ý ba: "tao làm được, tao biết tất cả mọi thứ trong cái nghề trang trí nội thất này, vì vậy mày không được làm sai, hay gian dối trước mặt tao". Nhưng đâu phải lúc nào sự răng đe, bắt lỗi nhân sự của ba mang lại hiệu quả ? Cho nên ba luôn thưởng thêm, khen ngợi thợ giỏi để tạo động lực cho họ, để họ luôn làm việc hiệu quả hơn.
Con người không hoàn hảo, trong chú ta ai cũng biết điều đó. Ba mình ghép cặp giữa các thợ để bù đắp năng lực giữa họ. Thợ giỏi, ẩu làm chung với thợ chưa lành nghề nhưng tỉ mỉ. Thợ lười đi chung với thợ siêng, thợ yếu làm việc với thợ khỏe. Làm kiểu này cũng có lợi nhưng cũng có hại, người thợ có chí tiến thủ biết học hỏi đồng nghiệp thì sẽ theo kịp đồng nghiệp, còn người không có chí, thích đổ lỗi, lười nhác thì hay bất mãn. Trong một buổi họp mặt nhậu nhẹt giữa ba cùng với nhân sự của ông.
Tr uất ức lên tiếng:
- Đm anh Thành (tên ba mình), anh sống vậy đ*o đẹp. T nó cũng làm bằng em, tại sao anh trả lương cho nó cao hơn ?
- Em cứ bình tĩnh, anh biết ở đời luôn có sự bất công. Anh xin lỗi em, bữa tiệc cùng anh em đang vui vẻ, thôi thì cứ tận hưởng ngày hôm nay, ngày mai anh cho mấy thằng kia nghỉ làm công trình A, còn em với T ngày mai đúng 8 giờ có mặt tại công trình A, anh sẽ cho em thấy đời nó "bất công" ở chỗ nào.
8h sáng hôm sau Tr và T có mặt. Ba biết Tr thấy bất công nên ba cho Tr ưu tiên lựa chọn việc nào dễ với Tr:
- Rồi em chọn trước đi, ở đây có hai cây trụ, em chọn cây nào ?
- Em chọn cây bên phải - Tr đáp
- Trong nhà có hai phòng ngủ, em chọn phòng nào ?
- Phòng 1.
- Ok, thằng T ra đây. Trụ trái và phòng 2 của mày. Tr làm trụ phải và phòng 1. Từ giờ cho tới 5 giờ chiều, thằng nào làm xong trước. Anh có thưởng.
Hai anh thợ cặm cụi làm, trong khi Tr loay với cây trụ phải, T đã làm xong cây trụ trái rồi tiếp tục bước vào phòng 2 để gắn chỉ phù điêu. Tới 5 giờ chiều, ba mình tới kiểm tra hai căn phòng ngủ:
- Tr ơi, hết giờ rồi em. Em ra đây đi, anh cho em xem. Nhìn thấy phòng 2 không ? Nó làm xong nãy giờ rồi đó, rồi nhìn qua phòng 1 của em đi ? Mới được một nữa. Còn hai cây trụ trước nhà thì sao ? Em làm chậm hơn nó. Rồi thấy đời còn "bất công" không em trai?
Tr xấu hổ trả lời: Em xin lỗi anh Thành, em là người không biết điều.
Tài lãnh đạo của ba mình đúng là thượng thừa, từ ngoại giao cho tới quản lí nhân sự, ông đều làm tốt. Nhưng có làm ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa, thì số phận không cho ba làm người giàu có. Hai anh em bệnh tật triền miên, kéo dài từ năm này qua tháng nọ, cứ phải chạy đi để chữa trị cho hai anh em đến cạn cả tiền. Nhờ có ba kiên trì chạy chữa khắp các bệnh viện phổi ở Sài Gòn trong 5 năm trời cho mình, nên mình được may mắn gặp PGS.Phạm Long Trung giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phát hiện ra bệnh hạch phổi của mình. Đứa em gái bị hành sốt triền miên, cơ thể nóng tới mức động kinh, hết sốt tới ho, hết ho tới tiêu chảy, hết tiêu chảy thì bị gẫy chân. Rồi hai anh em lớn lên, phải lo tiền học thêm học bớt của hai đứa. Ba mẹ cưng chiều chúng tôi đến mứ, bị bạn bè xem là cô chiêu cậu ấm, mang tiếng con nhà nông, nhưng hai anh em lúc nào cũng trắng trẻo cao ráo, bàn tay mềm mại không có một tí chai sạn.
#4 - Ba buông bỏ tiền bạc, danh lợi. Quay về đam mê thời còn trai trẻ.
Để rồi cuối cùng, ba phải bỏ nghề. Vì sự chậm chạp, mệt mỏi, không thể tiếp thu cái mới của tuổi trung niên, chạy đua theo đối thủ giờ chỉ là thứ xa xỉ đối với ông, nghề này giờ thành nghề đại trà, ai cũng làm được, tiêu chí bền đẹp với thời gian, đắt nhưng chất lượng của ông không còn giá trị với khách hàng, cũng như thời đại mua sắm tiêu dùng bây giờ của giới trẻ ấy. Hàng Shopee, Lazada kém chất lượng và rẻ tràng giang đại hải trên đó, phong cách tiêu dùng trong thời đại ngày nay đang giết chết những người như ba mình.
Đôi khi mình bực bội khi thấy ba chỉ năm ườn ra đấy, không chịu đi kiếm một công việc khác để làm. Mình bực tức hỏi mẹ rằng: "Sao ba không tìm công việc khác ? Ba chơi kiểng toàn mua cây đắt tiền. Ngồi chiều nào cũng chơi cờ với mấy ông già thất nghiệp đến quá giờ cơm tối, để một mình mẹ gồng gánh nuôi hai anh em con ăn học đại học".
Mẹ trả lời: "Ba mệt rồi, ba đã cố hết sức thời còn trẻ. Giờ còn gì hối tiếc đâu con, mày nhìn đi, ba chắt mót đừng đồng để xây được cái nhà này, tiền làm ra bao nhiêu đổ vào chạy chữa cho hai đứa bây, nên nhớ rằng mày còn sống được cho tới giờ là nhờ ba mày cả đấy. Ruộng nhà cho tới hiện nay ba mày mua được năm mẫu, chưa kể là ba còn đi mướn thêm ruộng để làm. Mẹ làm nghề may áo dài không được bao nhiêu cả, ngày tầm 200 - 300, ăn uống ở quê không tốn bao nhiêu cả, còn dư mẹ gửi quỹ tiết tiếp kiệm để dành cho hai đứa đi học đại học. Cây kiểng thì xưa giờ là đam mê của ổng, cũng có thể coi ổng là nghệ nhân chơi kiểng ở đây, tiền chơi kiểng cũng là tiền đầu tư cả đấy. Ba mua phôi cây về trồng, sau này cây ra hình ra thù bán được với giá cao hơn. Chưa kể là ba còn đi chăm sóc cây kiểng cho mấy ông đại gia, một ngày công được 500 chứ chả ít"
Mình cảm thấy hổ thẹn, hổ thẹn vì mình chưa được làm gì cho cha mẹ. Con bé em nó biết điều, nên năm nào nó học cũng giỏi, đậu khoa tiếng Hàn - Đại học XH&NV. Còn mình ? Chơi nhiều hơn học, năm nào cũng tiên tiến. Tới tại học buông thả nên lêu lổng ăn chơi, mất 6 năm chật vật để ra trường.
#5 - Kết. Thầy của bạn là cha mẹ bạn. Hãy thử một lần nghĩ xem, những gì bạn học ngoài đời có tồn tại trong những câu chuyện sau bữa cơm của gia đình bạn không ?
Mình không khoe khoang ba mình là người vĩ đại như nào. Mình chỉ kể về cuộc đời của ba mình, một người có tài năng, ham học hỏi, có trách nhiệm với người thân gia đình. Sẵn sàng vứt bỏ con đường học hành để phụ giúp ông nội nuôi em út ăn học, vì vợ, vì con cái mà phấn đấu hết mình. Ba không tự ái vì bản thân hèn kém hơn so với xã hội, không bỏ cuộc, tiến lên, không hối tiếc những gì mà tuổi trẻ ông đã từng làm, chắc ba mình đã có Ikigai của riêng ba rồi nhỉ ?
Nếu các bạn ra đời có gục gã, có bị chà đạp, cố gắn hết sức mà đời vẫn đem lại đen đuổi với các bạn. Thì hãy quay về nhà, rót một ấm trà ngon, rồi tâm sự cùng họ. Đôi khi bạn ngại bày tỏ với ba mẹ, nhưng cứ bày tỏ với họ về những bế tắc của bản thân xem, đôi khi kinh nghiệm cuộc đời họ còn giá trị hơn mấy cuốn sách self - help, mấy khóa học phát triển tốn kém ở ngoài kia mà chưa chắc đem lại giá trị gì cho bạn.