Học là một hình thức chữa lành
Có lẽ chẳng bao giờ mình đi tìm lý do hoặc tìm câu trả lời cho những nghi hoặc trong lòng bấy lâu nếu mình không học thiết kế.
/ Ở đây là học thiết kế (đồ họa) /
Đến bây giờ vẫn không dám thành thực để thừa nhận mình học Thiết kế đồ họa. Với mình Thiết kế đồ họa như một chiếc phao cứu sinh, cứu mình khỏi một chiếc vỏ bọc trống rỗng, cứu mình khỏi một tâm hồn héo úa đầy những vết thương lòng. Và cứu mình khỏi những bộn bề áp lực của những năm tháng đôi mươi chênh vênh.
Mình có thể nói nhiều hơn, dành thời gian nhiều hơn cho những thứ mình quan tâm. Trong một khoảnh khắc nào đó của quá khứ, mình đã cảm thấy may mắn biết nhường nào. Mình tự hào về sự cố gắng đã từng.
9/5/2022: “Em phải nuôi dưỡng nó, đừng để những thứ em có chỉ là một chiếc túi dần trống rỗng…”
Mình đã nói một cách thoải mái nhất. Đó là lúc mình tự tin nhất khi nói về những suy nghĩ có phần điên rồ đó. Và mình đã cảm động, vui mừng biết nhường nào khi có người nhận ra và chấp nhận bản năng nghệ sĩ đó của mình.
Mình đã cảm thấy buồn một chút vì không làm đúng những cái người khác kỳ vọng. Nhưng rồi thầy đã giúp mình loại bỏ sự nghi ngờ về bản thân, sự buồn phiền thừa thãi đó để trấn an mình, để mình tự tin hơn về những phần đặc biệt trong con người. Giây phút đó bỗng cảm thấy lo lắng hơn. Lo lắng về tương lai trong một vài năm tới, không có sự đánh giá và bảo vệ của thầy, liệu mình có bị ngụp lặn dưới đáy vực.
“Đừng sợ sai, đừng sợ giống ai đó…”
Mình đã nói ở đâu đó, về tất cả những thứ thiết kế mang lại. Nhưng có lẽ chưa có dịp nói về sự chữa lành những vết nứt nhỏ bé trong tâm hồn.
Có lẽ chẳng bao giờ mình đi tìm lý do hoặc tìm câu trả lời cho những nghi hoặc trong lòng bấy lâu nếu mình không học thiết kế.
Có lẽ cũng không chấp nhận một bản thể khác tốt hơn, hoặc tệ hơn ở mỗi thời điểm cuộc đời. Sẽ chỉ là những lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh, để mặc thời gian tự hàn gắn, còn bản thân thì chạy trốn, như một đứa trẻ hèn nhát.
Cùng với đó, những ý tưởng mới vạch ra, mình mới biết, mọi thứ đều có những quy luật, những thách thức, những trở ngại, và thành công.
Mình tin tưởng hơn vào những điều kỳ diệu, những điều từng cản trở mình đặt niềm tin vào thế giới.
Mình được thể hiện những suy nghĩ kỳ quặc dưới một dạng kỳ quặc “hay ho”.
Đôi lúc cảm thấy trực giác vô cùng mạnh mẽ, được hòa mình vào một bản nhạc, được nhắm mắt, được thở và được nắm nhẹ… Đôi lúc thấy mình thơ, mình nghệ sĩ. Khi ấy, tâm hồn mình như một cục slam xanh, dẻo, dễ uốn.
Học thiết kế, mình được trở thành người phụ nữ có cá tính, nhưng đằm thắm và đầy tâm tư. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng một lộ trình thôi. Không là đứa trẻ nữa mà đóng vai một người phụ nữ, những suy nghĩ và cảm xúc lấn át, đôi khi tưởng như lấn át cả sự cá tính và mục tiêu đã đặt ra.
Sự nhạy cảm ở mức cần thiết.
Vốn sinh ra với sự nhạy cảm, đôi lúc tự hỏi mình có nhạy cảm quá mức kể từ khi nhận ra giá trị của thiết kế không?
Câu hỏi này đeo bám mình mãi. Đến khi có những lúc đòi hỏicần sử dụng sự nhạy cảm thì mới biết, hóa ra sự nhạy cảm vốn tưởng là nhiều ấy chỉ là sự thừa thãi mà thôi. Sẽ không xảy ra sự quá mức nào nếu như là chưa đủ. Sự nhạy cảm sẽ chỉ là lý do cho một kết cục có vẻ tệ hại nào đó theo lý trí mà thôi.
Mình được tìm về nguồn gốc của mọi thứ và được hiểu về chính mình, thay vì tự dằn vặt trong bản ngã vốn có. Sự thấu hiểu người khác để tìm về sự nguyên bản, nó thực sự là một sự chữa lành tốt nhất mình biết.
Một bài hát nhẹ nhàng: Jar of Hearts (remix lofi) - Fasetya // (Vietsub + Lyric)
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất